Thành phố Mons của Bỉ đã chính thức trở thành Thủ đô văn hóa châu Âu năm 2015 với tham vọng tạo động lực phát triển mới cho một khu vực từng bị ảnh hưởng nặng nề do khủng hoảng.
Trong ngày chính quyền thành phố công bố Mons trở thành Thủ đô văn hóa châu Âu, bất chấp thông báo có tuyết rơi cũng như báo động khủng bố được nâng lên mức cao, hơn 100.000 người đã đổ dồn về quảng trường trung tâm để tham dự buổi lễ vào cuối tuần qua.
Theo thông báo của chính quyền, khoảng 300 sự kiện văn hóa sẽ trải dài đến tháng 12/2015, trong đó có một triển lãm quy mô lớn mang chủ đềVan Gogh với 70 bức tranh được danh họa sáng tác trong hai năm ở Mons và vùng phụ cận, sẽ mở cửa đón khách từ cuối tháng giêng đến tận ngày 17/5.
Đây là những tác phẩm toát lên tấm lòng yêu mến giai cấp công nhân của danh họa.
Quảng trường Lớn, trung tâm phố cổ ở Mons lung linh trong đêm. Ảnh: panoramio. |
Mons là một thành phố nhỏ tập trung nhiều trường đại học của Bỉ thuộc vùng Wallonia, cách thủ đô Brussels khoảng 60 km về phía tây nam. Tại quảng trường trung tâm thành phố, không khí luôn sôi động và thân thiện với hàng quán ngoài trời luôn tấp nập sinh viên và du khách.
5 bảo tàng, 1 trung tâm hội nghị và 2 nhà hát cũng được khánh thành chào đón sự kiện này.
Nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa là 20 buổi biểu diễn nghệ thuật đường phố, các lễ hội ánh sáng và một buổi dạ hội hoành tráng diễn ra tại quảng trường Lớn, hứa hẹn một bầu không khí lễ hội vui nhộn cho cư dân và những người đến với Mons-2015.
Chi phí cho các sự kiện trên khoảng 70 triệu euro. Theo nữ sinh viên Romina Laurent, sau những sự kiện đã qua (các vụ khủng bố ở châu Âu), những hoạt động văn hóa này trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Từ đầu thập kỷ 21, thành phố Mons đã tập trung phát triển văn hóa, du lịch và công nghệ mới nhằm phục hồi nền kinh tế và xã hội nơi đây. Trong những năm gần đây, các công ty khổng lồ của Mỹ như Google, Microsoft hay IBM đã tạo dựng trụ sở ở Mons và điều này đã thúc đẩy làn sóng thành lập các công ty sáng tạo cỡ nhỏ.Chính quyền Mons kỳ vọng danh hiệu "thủ đô văn hóa của châu Âu" sẽ đánh thức "vẻ đẹp đang ngủ" của Mons. Các thành phố từng được mang danh hiệu này như Lille của Pháp vào năm 2004, Liverpool của Anh vào năm 2008 đều có những thay đổi ngoạn mục và thành công rực rỡ.
Một góc đường thành phố Mons. Ảnh: wiki. |
Nhâm nhi cà phê và tán gẫu ở quảng trường Lớn. Ảnh: wiki. |
Đài phun nước bằng đá vôi Rouge-Puits được xây dựng từ năm 1831, một trong những đài nước ấn tượng ở Mons. Ảnh: wiki. |
Lễ hội Doudou ở Mons. Ảnh: wiki. |
Lễ hội Doudou ở Mons. Ảnh: wiki. |
Trên các con ngõ lát đá duyên dáng ở trung tâm thành phố và tại khu vực tháp chuông là những dòng người dập dìu ngoạn cảnh cả ngày lẫn đêm.
Tuy nhỏ bé, thành phố Mons sở hữu đến bốn di tích thuộc hàng di sản UNESCO và lễ hội dân gian Doudou, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận, đã ít nhiều được giới du lịch biết đến.
Trong số những danh thắng hút khách ở Mons là tháp chuông Belfry cao 87m, chứng nhân cho quyền tự do công dân của thành phố, được xây dựng từ cuối thời Trung cổ; khu phức hợp nhà thờ St Waudru có 15 nhà nguyện...
Tại nhiều góc phố ở Mons, du khách có thể nhìm thấy tháp chuông Belfry, một biểu tượng của Mons. Ảnh: wordpress. |
Tháp chuông Belfry, một biểu tượng của Mons. Ảnh: wordpress. |
Quần thể nhà thờ St Waudru và phía xa là tháp chuông Belfry, các biểu tượng của Mons. Ảnh: wordpress. |
Đến với Mons, bạn đường quên ghé quảng trường Lớn, trung tâm phố cổ ở Mons. Trong những ngày nắng đẹp, thả bộ trên quảng trường, ngắm nhìn những căn nhà gạch đỏ xen lẫn vài tòa đá xanh hiếm hoi.
Nơi đây cũng là địa điểm lý tưởng để bạn vừa nhâm nhi cốc cà phê ở các quán xá ngoài trời vừa thưởng lãm tài nghệ của các nghệ sĩ đường phố có thể khiến du khách quên cả thời gian.
Những ngôi nhà cổ bằng gạch đỏ có kiến trúc Tây Ban Nha với tháp chuông Belfry nổi bật ở phía sau. Ảnh: wiki. |
Tòa nhà thị chính gần đó, được gọi là "Ngôi nhà Hòa bình", có kiến trúc đủ để bạn sẵn sàng thu vào ống kính những góc cạnh khác nhau. Bạn cũng đừng quên sờ vào tượng chú khỉ đặt trước cổng chính tòa thị chính.
Giới sử học khẳng định người xưa đặt bức tượng tại đây để mang lại may mắn cho thành phố và cư dân. Ngày nay, truyền thống này càng được phát huy. Mỗi ngày, rất nhiều người, từ du khách đến dân địa phương đi qua đều dùng bàn tay trái vuốt đầu khỉ để cầu mong ước nguyện thành hiện thực.
Tòa Thị chính thành phố Mons. Ảnh: wiki. |
Tượng khỉ đặt trước tòa thị chính thành phố Mons được xem là biểu tượng mang lại điều may mắn. Ảnh: wiki. |
Theo Bình An / Báo Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét