Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Danube không xanh

Đăng Bởi  - 
Danube

 Vienna, thủ đô nước Áo, Mozart là một vị thần. Nhưng tại Hungary, cụ thể ở Budapest, chính xác hơn là dọc hai bờ Danube, Johan Strauss II mới là nhạc sĩ người Áo có tác phẩm được chơi nhiều nhất.

Đương nhiên đó là Blue Danube, tên tiếng Đức An der schonen blauen Donau (Sông Danube trong xanh xinh đẹp), bản waltz thần thánh đã làm chết tên con sông dài thứ nhì châu Âu. Có bao nhiêu dòng sông xanh trên toàn thế giới, nhưng khi viết hoa, Xanh đã trở thành thương hiệu độc quyền của Danube. Chẳng thể khác được khi bạn cứ nghe đi nghe lại nhạc phẩm của Strauss trong suốt chuyến du ngoạn trên thuyền, trong quán cà phê, hoặc trong nhà hàng với những tay nhạc công gypsy hoang dại và phóng túng kéo vĩ cầm như lên đồng.
Danube có thật xanh không? Tôi đến Budapest vào một ngày đầu đông mây mù ảm đạm, dòng sông cắt đôi hai vùng đất thủ đô mang một màu xám xịt lạnh lẽo. Có thể mùa hè nó màu xanh. Hoặc chuyển thành Red Danube khi hồ chứa chất thải của Nhà máy bauxite - nhôm Ajkai Timfoldgyar bị vỡ vào tháng 10.2010?
***
Nối hai vùng đất Buda và Pest là những cây cầu vừa to lớn vững vàng, vừa đẹp như tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, nổi tiếng nhất là cầu Dây Xích tuyệt mỹ với 4 con sư tử đá hùng dũng hai bên bờ sông. Còn xuôi theo dòng sông là những dinh thự lộng lẫy với lẫn lộn kiến trúc đông - tây: Baroque (tiêu biểu như Cung điện Hoàng gia), Gothic (nhà thờ Matthias), Phục hưng (nhà hát opera), Ottoman (nhà tắm công cộng Király), Cổ điển (Bảo tàng Quốc gia)...
Danube
Tòa nhà Quốc Hội Hungary bên bờ Danube 
Vì sao thành phố Trung Âu này lại hiện diện quá nhiều trường phái kiến trúc khác nhau như vậy? Có thể tìm được gợi ý cho câu trả lời từ hai pháo đài kiên cố ngay trung tâm Budapest: Fisherman trên đồi Castle và Citadella tọa lạc ở đồi Gellért. Hai di tích lịch sử được giữ gìn, tôn tạo kỹ lưỡng này sừng sững như một thông điệp về quá khứ tao loạn của đất nước Hungary, với sự hiện diện của đủ thế lực ngoại bang đến từ đông lẫn tây.
Một thế kỳ rưỡi đã trôi qua nhưng vẫn còn nhiều người Hungary giữ phong tục xưa. Trong những cuộc vui với bia rượu, họ không hề cụng ly như phần còn lại của thế giới.
Năm 1000, Vương quốc Hungary ra đời với dân số lớn thứ ba châu Âu. Hai thế kỷ sau, cách đất nước này hàng vạn dặm, một đế chế hình thành từ những kỵ sĩ trên thảo nguyên Trung Á và trong quá trình bành trướng ra toàn thế giới, đã để lại một chương bi thảm trong lịch sử Hungary. Năm 1241, vó ngựa viễn chinh của đoàn quân hung bạo Mông Cổ xéo nát quốc gia Trung Âu và theo ước tính của giới sử học, khoảng 1 triệu người - một nửa dân so nước này lúc bấy giờ - đã bị tàn sát. Sau khi quân xâm lược lui binh vì cái chết đột ngột của hoàng đế Oa Khoát Đài, vua Hungary Béla IV đã củng cố hệ thống phòng vệ bằng cách cho xây hàng loạt pháo đài bằng đá. Và đến lúc người Mông Cổ trở lại năm 1286, họ đã bị quân dân Hungary đánh cho tan tác ngay bên bờ Danube.
Đúng 3 thế kỷ sau, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ - một đế chế khác đến từ phương Đông - hát vang khúc quân hành trên đường phố Buda. Hungary lúc này bị xẻ làm 3 mảnh: một phần do gia tộc Habsburg (đóng đô ở Vienna) cai trị, một phần bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng và phần còn lại trở thành Công quốc Transilvania. 150 năm sau, triều đình Habsburg giành toàn bộ quyền kiểm soát Hungary.
Giữa thế kỷ 19, cách mạng tư sản bùng nổ ở Hungary. Chính phủ và quân đội cách mạng được thành lập, tiến công vào thành lũy của triều đình phong kiến. Nhà Habsburg đã cầu viện Nga hoàng và một lần nữa, quân đội nước ngoài tràn ngập lãnh thổ Hungary. Năm 1849, cuộc cách mạng kết thúc trong máu với 13 thủ lĩnh bị bắt giữ và hành quyết...
Qua bao khói lửa điêu linh, Hungary nay vẫn còn đó với cương vực quốc gia và ngôn ngữ riêng. Những cuộc xâm lăng của ngoại bang không thể xóa tên đất nước này trên bản đồ thế giới cũng như đánh gục ý chí của một dân tộc. Budapest vẫn ngày càng đẹp hơn khi những cuộc va chạm của hai thế giới đông - tây dường như chi để lại nét vàng son trong kiến trúc thành phố. 
***
Trên bản đồ Google, Danube như một dải lụa xanh dài 2.850 km uốn lượn qua 10 quốc gia Trung và Đông Âu. Lấy cảm hứng từ một mối tình tay ba, Johan Strauss II đã sáng tác bản waltz mê đắm Blue Danube vào năm 1866. Tại Vienna, kinh đô âm nhạc tráng lệ của thế giới, giai điệu về dòng sông Xanh làm người nghe rạo rực. Ở Budapest, cũng bản nhạc đó nhưng lại phảng phất âm hưởng bi hùng. Khúc sông chảy qua Vienna không đẹp như ở Budapest, nhưng có lẽ xanh hơn. Vì nó không bị nhuộm đỏ bằng máu từ quá nhiều cuộc chiến thảm khốc như trong lịch sử giữ nước của người Hungary. Đội quân nước ngoài cuối cùng hiện diện ở đất nước này chính là các lực lượng Xô viết, đã triệt thoái năm 1991 cùng sự tan rã của khối Đông Âu. Đêm cuối cùng ở Budapest, chúng tôi lên thuyền xuôi theo dòng Danube. Mùa đông, chưa tới 18 giờ trời đã đen như mực. Như một sự tương phản tự nhiên, bóng tối làm nền cho những tòa lâu đài, cung điện hai bên bờ hiện ra càng rực rỡ.
Chúng tôi leo lên boong tàu, co ro trong gió lạnh cắt da. Khúc luân vũ Blue Danube đột ngột tắt tiếng sau cánh cửa khép, trong không gian u tịch chỉ còn nghe tiếng nước rì rào vỗ vào mạn khi con tàu cứ lặng lẽ tiến về phía trước. "Dân tộc chúng tôi đã sống giữa trung tâm châu Âu khoảng 1.100 năm nay, không họ hàng, bất chấp những cuộc chinh phục của các dân tộc lánggiềng và từ nơi khác đến. Nhờ nghị lực sống và khát vọng tự do của mình, chúng tôi đã vượt qua cuộc tàn sát của quân Nguyên Mông, vượt qua 150 năm thống trị của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ và sự áp bức của đế chế Habsburg trong gần ba thế kỷ rưỡi. Đã nhiều lần người Hungary dựng cờ khởi nghĩa giành tự do, nhưng đa số các cuộc khởi nghĩa đều thất bại; tuy nhiên dưới lớp tro, than hồng chưa bao giờ tàn lụi", Bodok Zsigmond, tác giả Những người Hungary đoạt giải Nobel(Nhà xuất bản Tri Thức) đã viết như thế trong thư gửi độc giả Việt Nam.
Dân gian Hungary còn lưu truyền câu chuyện: sau khi xử tử các thủ lĩnh cách mạng tư sản năm 1849, những sĩ quan Áo của quân đội Habsburg đã hể hả cụng ly mừng chiến thắng. Và người dân Hungary đã thề rằng, trong 150 năm tới họ sẽ không lặp lại động tác này của kẻ thù.
Hải Thành/ Thanh Niên


Không có nhận xét nào: