Sau những ngày rong ruổi trong rừng già Amazon, những khoảnh khắc đấm mình trên vùng đồng bàng châu thổ Tigre màu mỡ của Argentina, chúng tôi lên đường đến Ushuaia, vùng đất được mệnh danh là nơi tận cùng của thế giới. Đây là thành phố cảng nhỏ nằm trên vĩ độ thấp nhất và là điểm cuối cùng của Nam bán câu. Những người thám hiểm Nam cực bao giờ cũng phải dừng lại ở đây để chuẩn bị lần cuối cùng trước khi thực hiện hành trình. Một vùng đất có khí hậu khác nghiệt nhưng phong cảnh thiên nhiên vồ cùng thơ mộng.
Vùng quê thanh bình
Khởi hành từ Buenos Aires, sau 3 tiếng và 30 phút bay, chiếc máy bay của Hãng hàng không Aeroalineas Argentina đã hạ cánh xuống sân bay Ushuaia Malvinas. Sau khi nhận hành lý đoàn khách của Du lịch Thanh Niên Xung Phong tìm đến quầy thông tin du lịch, một chiếc mộc có dòng chữ "The bottom of thne world" được đóng lên pass- port như một món quà lưu niệm, chúng tôi đang có mặt ở "đáy tận cùng của thế giới". Đó là một ngày cuối tháng 4, mùa Thu đang về trên vùng đất Nam bán cầu.
Thành phố Ushuaia đón tiếp chúng tôi bằng ánh nắng rực rỡ cùa buổi chiều tà, cà vùng đất bao la, xanh mượt dường như đang mở rộng vòng tay ấm áp đón chào đoàn lữ khách, một phần không nhỏ của trái tim tôi đã dành riêng tặng cho nơi này. Trước mặt chúng tôi là một vùng quê thanh bình, yên ả với hệ sinh thái đa dạng và phong phú: có rừng, có biển, có hồ, có sông và có cả những ngọn núi tuyết quanh năm.
Từ sân bay về trung tâm của Ushuaia chỉ mất khoảng chừng 15 phút. Qua cửa kính của chiếc xe buýt, chúng tôi nhìn thấy những đàn cừu, những đàn bò đang gặm cỏ một cách ung dung, lác đác có một vài ngôi nhà làm bằng gỗ của các trang trại chăn nuôi gia súc. Cảnh vật hai bên đường rất thanh bình, không một tiếng còi xe, không một tiếng động của cơ giới, thành phố rất yên ả. Khách sạn nằm ở vị trí khá đẹp, trên một sườn đồi, từ đây chúng tôi có thể ngắm nhìn cả thành phố, xa xa những ánh đèn lấp lánh, hoàng hôn đang xuống dần.
Công viên quốc gia Tierra delfuego
Sau buổi ăn sáng, chúng tôi lên xe đi tham quan Công viên Quốc gia Tierra del Fuego, tiếng Việt nghe rất ghê: Vùng đất của lửa! Công viên rộng 630km2, được thành lập vào ngày 15/10/1960, là một trong những điểm thu hút du khách khá đông, bởi vì ngoài việc sở hữu những cảnh quan thiên nhiên đẹp, thì đây còn là nơi sinh sống của hơn 90 loài chim và khoảng 20 loài thú khác như: thỏ, chuột xạ, hài ly và cáo Andes...
Trước mặt là tấm bảng chỉ đường bằng tiếng Tây Ban Nha, nhắc du khách rằng họ đang ở vị trí là một phần của con đường quốc lộ số 3 chạy dài từ Bắc xuống Nam Argentina. Từ đây đi Buenos Aires mất khoảng 3.079km và nếu tiếp tục đi lên hướng bắc, băng qua biên giới của nhiều nước thì sẽ đến vùng đất tận cùng ở phía bắc của châu Mỹ - Alaska cách nơi đây 17.848km. Ấy thế mà người xưa đã từng mò mẫm từ điểm tận cùng này xuống điểm tận cùng khác của toàn lục địa Mỹ!
Vô số loài cây mọc trong công viên có hình thù khá đẹp mắt, cái lạnh khắc nghiệt của mùa Đông và những cơn gió thổi quanh năm làm cho cây rất chậm phát triển, thân cây không cao lắm nhưng có gốc sần sùi và khá to, tán lá xòe ra trông rất vững chãi, từ xa nhìn chúng giống như những cây đuợc uốn tỉa rất công phu, một cây sồi Nam cực chỉ cao hơn đầu người một tí cũng có thể có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi.
Trên cành, những loài cây tầm gửi quấn lây những cây sồi, vô vàn những sợi dây leo màu xanh nhạt thuộc loài ký sinh giống như dây tơ hồng buông mình như mái tóc của các cô thiếu nữ e ấp. Dưới chân tôi là những thảm cỏ xanh mượt kèm theo vô số các loài rêu, tảo và địa y. Có những tảng rêu với hình dạng cánh quạt hay hình tròn, nhìn chúng xanh mơn mởn và sống động như những rạn san hô trên cạn, tất cà hòa quyện vào bầu trời trong xanh và những hồ nước xanh biếc màu ngọc bích, một bức tranh thủy mạc mang nét đặc trưng của Nam Mỹ. Phải chăng đây là một trong số rất ít khung cảnh thần tiên cuối cùng còn sót lại trên chốn nhân gian?
Ngọn hải đăng ở nơi tận cùng của thế giới
Trên chiếc tàu có mái che bằng kính, chúng tôi tiến vé phía trước, những cơn gió lạnh buốt của vùng đất cực Nam vẫn không đủ sức giữ chúng tôi ở lại bên trong. Tàu di chuyển chầm chậm qua các hòn đảo nhỏ, các bãi đá cạn, một cảnh tượng khá thú vị, trên bầu trời có rất nhiều hải âu đang bay lượn, trên các hòn đảo có hàng hàng lớp lớp hải cẩu mập ú đang di chuyển.
Chúng mang những bước chân nặng nề đi về phía con tàu, tiếng rẽ sóng của con tàu dường như không hề ảnh hướng đến sự yên bình của chúng, chúng vẫn vô tư ngước những đôi mắt trong ngần nhìn vế phía những du khách đang chĩa máy hình về phía chúng. Những âm thanh tíu tít gọi nhau của đàn hải cẩu nghe thật vui tai, xa xa 2 chú hải cẩu đang nằm cạnh nhau, chẳng buồn nhìn về phía con tàu, hai cái đầu bé nhỏ nằm tựa bên nhau, có vẻ một chút hơi ấm của đồng loại cũng đủ cho chúng cảm thấy hạnh phúc, sóng biển vỗ nhẹ mạn tàu, con tàu vẫn tiến về phía trước.
Từ xa, chúng tôi nhìn thấy một ngọn hải đăng nằm trên một hòn đảo nhỏ. Vẫn một màu sơn truyền thống cho các ngọn hải đăng với hai màu trắng, đỏ hòa quyện vào nhau, nổi bật trên bầu trời chiều.
Tất cả du khách đều bước ra ngoài tranh thủ chụp hình với ngọn hải đăng ở vùng đất xa xôi nhất của thế giới. Cảm xúc bồi hồi khác lạ dâng trào trong tim, có ai đó từng nói, nếu người nào may mắn được đến ngấm nhìn ngọn hải đăng này thì cuộc sống của họ sẽ được toại nguyện như ý, những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống sẽ đến, một tình yêu thủy chung và sự sung túc về vật chất.
Chẳng biết đó là thật hay chỉ là ước vọng của những con người thích xê dịch, cho dù có đi đâu, cho dù tâm hồn có khô khan đến mấy thì cũng sẽ có những khoảnh khắc họ trở về với nỗi cô đơn, khi ấy họ sẽ hiểu hết giá trị vĩnh hằng của những xúc cảm yêu thương. Khép nhẹ đôi mắt, tôi cũng thành tâm gửi những lời ước nguyện đến những tình yêu chân thành mà mình đã may mắn có được trên cõi đời này, dẫu biết rằng lời ước đó cũng khó có thể đọng lại lâu hơn trên cuộc đời dâu bể đầy biến động. Nhưng tôi biết khoảnh khắc ấy sẽ là mãi mãi với ngọn hải đăng nơi tận cùng của thế giới.
Trần Trường / Doanh nhân Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét