Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Khám phá Tết Tháng trắng kỳ thú của người Mông Cổ

Depplus.vn -
Tsagaan Sar - Tết Tháng trắng cổ truyền của người Mông Cổ, diễn ra gần như cùng lúc với Tết Nguyên đán của Việt Nam và mang những phong tục thú vị đậm màu sắc du mục.
Nằm hoàn toàn trong lục địa ở Trung Á, phía Bắc giáp Nga và phía Nam giáp Trung Quốc, Mông Cổ là một đất nước khá rộng với diện tích 1,56 triệu km² và dân số trên 2,7 triệu người với mật độ dân cư thưa thớt. Văn hóa Mông Cổ ảnh hưởng khá nhiều từ nền văn hóa Nga và Trung Quốc.
 
Ngày tết cổ truyền âm lịch ở Mông Cổ được gọi là tết Tsagaan Sar, hoặc tết Tháng Trắng. Đây là 1 trong 2 ngày tết quan trọng nhất và được chờ đợi nhất ở nước này (ngày tết còn lại là tết Naadam vào tháng 7). Ngày tết này được tính theo lịch Tây Tạng, diễn ra gần như trùng với thời gian người Việt Nam đón Tết Nguyên đán.
Đối với người Mông Cổ, Tsagaan Sar không chỉ là một ngày lễ cổ truyền báo hiệu kết thúc một mùa đông dài và lạnh lẽo để đón chào một mùa xuân mới, mà nó còn là thời điểm cho việc quây quần sum họp gia đình và thắt chặt những mối quan hệ trong xã hội.
 
Tsagaan Sar được dịch sang tiếng Việt là tháng trắng. Nguồn gốc của tên gọi này có thể bắt nguồn từ màu trắng của mùa đông hay từ màu trắng của thực phẩm, đặc biệt là từ sữa. Người dân nơi đây luôn nghĩ rằng màu trắng mang lại cho họ hạnh phúc và sức khỏe. Vì vậy, theo lịch Mông Cổ, tháng đầu tiên của năm được gọi là tháng trắng - một sự khởi đầu tinh khiết và sạch sẽ.
Theo tập quán, vào những ngày Tết này, mọi người cùng “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn. Nghi thức trước đêm giao thừa của người Mông Cổ là rửa sạch chén bát bằng sữa ngựa - một thức uống không thể thiếu trong cuộc sống của người Mông Cổ.
 
Đêm giao thừa được người dân Mông Cổ gọi là Bituun có nghĩa là “tối thui”, “đóng lại” bởi trong đêm này, bầu trời hoàn toàn không có ánh trăng hay sao và là thời khắc đóng lại một năm cũ. Mọi người sẽ ăn thật no vì họ tin rằng nếu không làm như vậy thì trong suốt cả năm mới sẽ bị đói. Không chỉ có vậy, cuộc sống tự do, phóng khoáng nơi miền thảo nguyên nằm ngay trong những túp lều cửa không khoá bao giờ. Ngạn ngữ Mông Cổ có câu: “Hạnh phúc là người thường xuyên có khách đến chơi, hân hoan là luôn có ngựa của khách cột trước cửa nhà”. Nhất là trong Tết, những ngôi nhà luôn bày sẵn trên bàn bánh mì, bánh gối, thịt luộc (cừu, bò) cùng dao, dĩa, chảo sữa lăn tăn sôi trên than củi; dù gia chủ đi vắng. Khách lỡ đường, cứ việc đẩy cửa ghé vào là có cái ăn. Nếu có lòng để lại một chút tiền cảm ơn, không có cũng không sao, chỉ cần để lại gì đó ra dấu "tôi đã tới ăn đồ, tôi cảm ơn". Người Mông Cổ quan niệm, nếu nhà nào không có đồ ăn, thức uống đễ sẵn như vậy cho khách đường xa thì đó là nhà vô phúc, kém cỏi.
 
Người dân cũng tập trung dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, cố gắng giải quyết hết mọi vấn đề và trả mọi khoản nợ nần. Vào tối Bituun, mọi thành viên trong gia đình đều tụ tập bên nhau để tiễn đưa năm cũ và đón giao thừa. Từ thời khắc giao thừa cho đến hết Tết, người dân Mông Cổ sẽ thắp đèn nến và hương nhang lên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ các tộc trưởng, bộ tộc và bàn thờ Phật trong các chùa, đền, miếu cả ngày lẫn đêm.
Vào những ngày đầu năm, ở Mông Cổ còn có tục uống trà, người ta pha trà và rót ra chén đầu tiên, người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ cầm chén trà đầu tiên vẩy khắp 4 hướng để rửa sạch những điều xui xẻo, phiền muộn của năm cũ. Sau đó mới tiếp tục rót chén trà thứ kế tiếp cho những thành viên trong gia đình. Một số nhà còn giữ tục đón mặt trời mọc, mọi người sẽ mặc quần áo mới, nhóm lửa và chờ mặt trời. Kế đó, họ leo lên đỉnh núi, mang theo thức ăn, bắt đầu đi về hướng nào đó theo tử vi – được gọi là muruu gargakh (lễ xuất hành đầu năm). Theo người Mông cổ, vào năm mới, nếu đi lên đỉnh núi để chào đón mặt trời chắc chắn họ sẽ gặp rất nhiều may mắn quanh năm.
 
Năm mới, tất cả chọn một ngày họp lại trong nhà của người già nhất vùng, trao đổi các món quà cho nhau cầu năm mới thịnh vượng, ấm no, ngoài ra không quên "mừng tuổi" trẻ em. Sau đó, họ sẽ cùng nhau ăn các món ăn truyền thống, ví dụ như món cơm và sữa đông, cơm với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz (một dạng như bánh bao), sữa ngựa lên men (Airag) hoặc rượu vodka trộn sữa. Để có món sữa ngựa lên men ngon nhất, họ sẽ cho sữa ngựa vào một túi da treo lên cao, mỗi ngày phải lắc đều nhiều lần. Rượu sữa ngựa không được quá lỏng, cũng không quá đặc, uống vào sẽ có vị chua chua của men, vị béo của sữa ngựa, lại giàu chất khoáng và vitamin tốt cho tiêu hoá, đặc biệt rượu sữa ngựa còn rất tốt cho làn da và mái tóc của chị em phụ nữ Mông Cổ.
 
Cũng giống như ở Việt Nam, người Mông Cổ cũng có tục chúc tết. Nhưng đặc biệt khi chúc tết, các thành viên trong gia đình sẽ cầm những tấm vải dài (khadag) tựơng trưng cho lòng thương và điềm lành. Với người Mông Cổ, đàn cừu đóng vai trò vô cùng quan trọng vì đây là nguồn lương thực chính của họ. Ở xứ sở này, cừu đông hơn người. Hầu hết các món ăn ngày Tết của người Mông Cổ đều chế biến từ sữa cừu và trên mâm cỗ lúc nào cũng có thịt cừu nướng và mỳ vằn thắn. Do đó, thay vì chúc tiền của công danh, những ngày này mọi người sang lều/nhà nhau và nói câu: “Chúc đàn cừu ngày càng to béo".
 
Ngày Tết Tsagaan Sar, người Mông Cổ không thể thiếu những hoạt động đua ngựa, bắn cung gắn liền với cuộc sống mỗi ngày của người Mông cổ. Đặc biệt không chỉ có nam giới Mông Cổ mới tham gia bắn cung, đua ngựa, mà chính phụ nữ Mông Cổ, nhờ thói quen với cuộc sống du mục mà cũng tham gia với sự thành thục và kĩ năng không thua kém phái mạnh.
 
Với thế giới đất nước Mông Cổ vẫn còn rất nhiều điều bí bẩn, từ cách sống cho đến tập tục ăn uống, văn hoá của người dân nơi đây. Nhưng sự hấp dẫn và lý thú về đất nước của những con người du mục hiếu khách vẫn luôn là niềm tò mò với những ai yêu du lịch khám phá. Có dịp ghé qua Mông Cổ vào dịp Tết tháng trắng này, hãy tranh thủ thưởng thức những món ăn truyền thống, xem đua ngựa và đừng quên thưởng thức một ly sữa ngựa lên men đặc biệt nổi tiếng nhé.
C.M.T.G (Depplus.vn/MASK)
Ảnh: Internet 

Không có nhận xét nào: