Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Những thành phố ma quyến rũ khách du lịch

TTO - Những đường phố tan hoang, những ngôi nhà không ánh sáng... Đó là sắc thái những thành phố bỏ hoang gây lạnh sống lưng nhưng cũng không kém phần hấp dẫn khiến không ít du khách mơ ước một lần ghé qua.

Du khách tham quan thị trấn Craco hoang tàn - Ảnh: geolocation.ws
Theo nhận định của nhiều công ty du lịch trên thế giới, một số những thành phố, thị trấn, làng mạc nay không còn bóng người nhưng vẫn thu hút bước chân du khách bốn phương.
Thành phố Pripiat (Ukraine): Một vòng đu quay bánh xe to tướng rêu phong toát lên vẻ u buồn, cỏ úa phủ dày lên những chiếc xe điện húc nhau ở khu công viên, những ngôi nhà long cửa gió thổi bốn hướng, những phần còn sót lại của những chiếc xe hơi và những toa tàu lạnh lẽo hơi người... là cảnh tượng của thành phố Pripiat ngày nay, nơi chỉ cách nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ba cây số.

 Thành phố Pripiat hoang tàn ở Ukraine - Ảnh: wordpresse
Thành phố này từng có gần 50.000 người sinh sống với những đại lộ rộng thênh thang. Nhưng chỉ trong hai ngày sơ tán sau thảm họa nổ nhà máy điện Chernobyl vào năm 1986, Pripiat thực sự trở thành một thành phố ma trước ảnh hưởng của những đám mưa phóng xạ. Một chuyến tham quan Pripiat giá khoảng 180 euro/hai người và du khách phải chứng minh không có vấn đề đặc biệt nào về sức khỏe.
Thị trấn Pyramiden ở Svalbard, trên đảo Spitzberg (Na Uy) giờ chỉ còn gấu trắng hay tuần lộc thỉnh thoảng xuất hiện. Trước đó, Liên Xô cũ đã mua Pyramiden và biến nơi này thành một thành phố Xô Viết kiểu mẫu với nguồn lợi từ khai thác than. Vào thập niên 1990, khi than ngày càng hiếm, công ty khai thác đóng cửa cũng là lúc cộng đồng dân cư với hơn 1.000 người vội vàng rời bỏ Pyramiden không cần mang theo vật dụng gì.

 Thành phố hoang vu Pyramiden ở Na Uy - Ảnh: markmarissink
Trong các tòa nhà, phần lớn vật dụng vẫn còn nguyên vẹn, những dãy kệ hãy còn đầy sách, chiếc đàn dương cầm nằm im lìm... Để tiếp cận Pyramiden, người ta phải sử dụng tàu và người hướng dẫn được vũ trang để xua gấu trắng!
Gần đây, người Nga đã triển khai kế hoạch sử dụng Pyramiden cho du lịch, một nhóm chuyên viên đang được đưa đến nâng cấp cơ sở vật chất sẵn có, bao gồm cả khách sạn Pyramiden.
Thành phố Mystras được xây dựng kiên cố từ thế kỷ 13 ở giữa vùng rừng núi Peloponnese ở Hi Lạp, ngay trước thời điểm đế chế Byzantine suy tàn không bao lâu. Bị bỏ hoang từ thập niên 1830, giờ đây Mystras chỉ còn lại những nhà thờ đổ nát cùng những bích họa tuyệt mỹ, những tàn tích của các thư viện, pháo đài, các cung điện nhưng cũng đủ phản ánh trí tuệ phong phú trong thời kỳ đỉnh cao của văn hóa Byzantine hàng trăm năm trước. 

 Phế tích thị trấn cổ ở Mystras ở Hi Lạp - Ảnh: beachcomberpete
Theo nhiều du khách, giá trị các phế tích của thành phố Mystras hoang tàn đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1989 xứng đáng cho cả ngày tham quan. Tuy nhiên, du khách phải trang bị nhiều nước uống, chọn những đôi giày tốt để len lỏi qua những công trình đổ nát nằm trên cao hay những khu vực dốc ở chiều đi xuống.
Ngôi làng cổ Oppède-le-Vieux ở phía bắc khu vực núi Luberon thuộc vùng Provence (đông nam nước Pháp) nằm cheo leo trên mỏm núi đá được bao bọc bằng một thảm thực vật xanh rì với những cánh rừng hoang dã, thung lũng và những tảng đá to tôn đậm cảnh quan đẹp như tranh.

 Thị trấn Oppède-le-Vieux hoang vu ở Pháp - Ảnh: Wiki
Những tàn tích còn lại của một pháo đài bỏ hoang, vết tích một lâu đài cổ, nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 16 cũng như những con đường nhỏ hẹp trải sỏi luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Hiện tại, dù còn khoảng 20 người bám trụ sinh sống nhưng không khí tĩnh lặng vẫn luôn bao trùm làng Oppède-le-Vieux. 
Craco là thành phố bị bỏ hoang nằm trên một ngọn đồi ở vùng Basilicate, miền nam nước Ý. Được xây dựng từ thời Trung cổ, Craco từng có một thời kỳ huy hoàng nhưng chiến tranh và những trận động đất, hiện tượng sạt lở đất... xảy ra liên tục đã dẫn đến những cuộc di dân tìm nơi ở mới. Craco thành nơi không còn bóng người vào năm 1963.

 Thị trấn Craco không người ở tại Ý - Ảnh: megali.st
Theo nhận định của nhiều du khách, bước đi trên những con đường  vắng lặng ở Craco, họ cảm nhận rất rõ bầu không khí của ngày tận thế. Hiện tại, những vết tích nhà thờ, các ngôi nhà, lâu đài của các quý tộc thời Trung cổ... vẫn thường được du khách khắp nơi tìm đến vào mùa du lịch.
Thành phố mỏ Sewell ở Chile được xây dựng cheo leo trên dãy núi Andes (ở độ cao 2.000m so với mặt nước biển) vào năm 1905 và còn được gọi là "thành phố của cầu thang". Những con đường dốc đứng nơi đây không dành cho các loại phương tiện có bánh xe.

 Thành phố mỏ Sewell bỏ hoang ở Chile - Ảnh: wordpress
Sewell được khai sinh để phục vụ công nhân làm việc cho Công ty Braden (Mỹ) khai thác mỏ đồng El Teniente. Sau khi khoáng sản cạn kiệt, công ty này đã chuyển toàn bộ nhân công về lại cố quốc và chấm dứt mọi hoạt động ở Sewell vào thập niên 1970.
Giờ đây, dù không còn một ai cư ngụ nhưng những tòa nhà sơn màu rực rỡ, ngôi trường Art Deco còn nguyên vẹn... vẫn giúp Sewell như vẫn còn sức sống. Từ năm 2006, Tổ chức UNESCO công bố thành phố không người này trở thành di sản thế giới của nhân loại. 
Nằm ở phía đông dãy núi Sierra Nevada thuộc bang California (Mỹ), trước khi gia nhập danh sách thành phố ma trên thế giới, Bodie đã từng là một trong những thành phố lớn nhất của làn sóng người đổ xô tìm vàng ở miễn Viễn Tây nước Mỹ vào thế kỷ 19.

 Thị trấn ma Bodie ở bang California, Mỹ - Ảnh: hostingpics.net
Bodie từng quy tụ hơn 10.000 người sinh sống, nổi tiếng thịnh vượng với sự hiện diện của Ngân hàng Wells Fargo, hàng chục quán rượu, cả khu đèn đỏ và cũng nổi tiếng không kém với tình trạng bạo lực.
Khi khoáng sản cạn khô cũng là lúc Bodie bị người dân bỏ rơi không thương tiếc. Ngày nay, mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt khách tìm về Bodie, tham quan hơn trăm ngôi nhà vẫn còn khá nguyên vẹn với thời gian để nhớ lại một thời hoàng kim.
Thành phố Real De Catorce ở Mexico, biệt danh "Tổ chim đại bàng" do tọa lạc trên một trong những cao nguyên cao nhất Mexico, gần như trở thành một thành phố ma vào đầu thế kỷ 20. Trước đó, người dân đổ về đây để khai thác mỏ bạc. 
Thành phố Real De Catorce nay thành phế tích ở Mexico - Ảnh: lonelyplanet.com
Tuy vắng người nhưng những ngôi nhà có phong cách kiến trúc tuyệt đẹp thời thuộc địa và những ngôi giáo đường uy nghiêm đã nâng vị thế của Real De Catorce trong giới du lịch.
Hiện tại, du khách tìm đến Real De Catorce ngày càng đông như muốn trải nghiệm không khí ma quái cuối cùng bởi người dân Mexico đang có xu hướng trở lại nơi này sinh sống. Do ở độ cao 2.700m so với mặt biển, thành phố được xem là một nơi tốt cho sức khỏe. Theo thống kê, hiện có gần 1.000 người dân lập nghiệp ở Real De Catorce.
Ngôi làng hoang phế Belchite thuộc tỉnh Saragosse, phía bắc Tây Ban Nha là chứng tích của thời nội chiến ở nước này. Bị phá hủy hoàn toàn trong cuộc nội chiến giữa chính quyền và lực lượng nổi dậy vào năm 1937, sau đó không lâu, một ngôi làng mới được xây dựng sát bên đống đổ nát của ngôi làng cũ.

 Du khách hoài niệm giữa đống đổ nát ở ngôi làng Belchite tại Tây Ban Nha - Ảnh: kuriositas.com
Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh qua hình ảnh ngôi nhà thờ lỗ chỗ vết đạn, những ngôi nhà tan hoang chỉ còn bức tường chơ vơ. Tại Belchite, có rất nhiều tòa nhà treo biển cấm vào bởi nó có thể đổ sập bất ngờ. Bên cạnh việc đón khách du lịch, Belchite còn được sử dụng làm bối cảnh cho nhiều bộ phim của Hollywood.
ĐAN THY
Theo Lonely Planet

Không có nhận xét nào: