Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Về xứ sở “nước mắt kim cương”

TTCT - Oman, đất nước giàu dầu mỏ và cũng đầy những điều huyền bí của thế giới Ả Rập, chỉ mở cửa du lịch rộng rãi chừng năm năm nay.
Thử một lần khám phá xứ sở “nước mắt kim cương” tìm về “con đường tơ lụa” một thời dành riêng cho nhựa cây frankincense, thứ chỉ dành cho vua chúa…
Màu xanh quý hiếm ở những vùng sa mạc trên bán đảo Ả Rập - Ảnh: Nguyễn Chí Linh
Mặc cho Mohamed Alli, bạn mới quen người Muscat, khuyên ngăn tôi đừng đi Salalah (thủ phủ của tỉnh Dhofa - miền nam Oman) vì đã qua mùa lễ hội và quang cảnh rất khác ở thủ đô, nhưng thông tin về cây frankincense đã hút hồn tôi từ khi kiếm tư liệu chuẩn bị cho chuyến đi. Ở Oman, hệ thống giao thông công cộng không phát triển, nhà nước chỉ phục vụ hai tuyến đường công cộng duy nhất từ Muscat đi Dubai (6 tiếng) và Muscat - Salalah (14 tiếng).
Về quê hương quốc vương Oman
Khác hẳn với Muscat, thủ đô Oman mang đậm phong cách Ba Tư huyền bí xen lẫn phong cách châu Âu qua những con đường phủ đầy hoa, thì ở Salalah lại mang phong cách sa mạc hoang dã qua kiến trúc nhà cửa và vùng ngoại ô xung quanh.
Từng bị người Yemen xâm chiếm trong thời gian dài nên văn hóa ở đây khác biệt hoàn toàn so với Muscat qua kiến trúc ô cửa sổ các thánh đường Hồi giáo và những công trình công cộng. Cũng là tiếng Ả Rập, nhưng âm điệu hoàn toàn theo phong cách Yemen nên những người sống ở Muscat không hiểu được ngôn ngữ của người Salalah và ngược lại. Salalah là quê hương của quốc vương Oman Qaboos Bin Said.
Nhìn từ xa, cây frankincense giống như những cây xương rồng mọc dại trên sa mạc - Ảnh: N.C.L.
Oman nằm ở đông nam bán đảo Ả Rập, giáp Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất phía tây bắc, phía tây giáp Saudi Arabia, còn tây nam giáp Yemen, nam giáp Ấn Độ Dương
Frankincense là cây thuộc họ bồ hòn và chỉ trồng được ở Salalah do phù hợp với đất cát xen lẫn núi đá sa mạc. Nhìn từ xa, những chiếc lá dài nhọn và thân xù xì trông giống những bụi xương rồng mọc hoang trên sa mạc, lúc lại gần mới thấy thân cây được bao bọc một lớp như vỏ cây tràm.
Anh Moodi - người quản lý nông trại - giải thích: chu kỳ sống của cây là 15 năm. Thời gian thu hoạch nhựa cây từ năm thứ 8 đến năm thứ 10, và đây cũng là thời kỳ đạt năng suất cao nhất. Một năm người ta thu hoạch 2-3 lần và lần thu hoạch thứ ba nhựa cây đạt ổn định nhất về năng suất lẫn chất lượng.
Nhựa frankincense còn được gọi là “nước mắt kim cương” bởi công dụng của nó quý giá đến mức có thể đánh đổi bằng những viên kim cương. Khi cây được 8 tuổi, người ta lột lớp vỏ bên ngoài và dùng một mũi khoan vô trùng đặc biệt đâm nhẹ vào làm cây bị tổn thương.
Từ vết khoan này nhựa cây sẽ tiết ra bên ngoài và đóng cục lại. Khoảng ba tuần sau khi đóng cục, lớp nhựa sẽ cứng lại như một viên đá cuội và người ta tiến hành thu hoạch. Cứ bốn tháng người ta khoét vào vết thương sâu thêm một chút để nhựa tiếp tục tiết ra. Những loại đạt chất lượng cao được gom mua và sử dụng cho hoàng gia, những loại kém hơn được xuất khẩu hay bán trên thị trường nội địa…
Những hạt nhựa trắng trẻo được tạo thành trên thân cây màu nâu đỏ khiến chúng lóng lánh như những viên kim cương dưới ánh nắng mặt trời.
Thành phố hương thơm
Một góc chợ cũ ở Haffa - Ảnh: N.C.L.
Tháp chuông Hồi giáo theo kiến trúc Yemen - Ảnh: N.C.L.
Một cửa hàng bán trang phục ở Salalah - Ảnh: N.C.L.
Hương thơm từ các lọ nước hoa, những làn khói bay lên từ các bukhor ở các quầy hàng chi chít trong chợ cũ thuộc khu vực Haffa khiến tôi miên man trôi vào văn hóa Ba Tư huyền bí. Có nhiều thứ được bày bán tại đây như mứt chà là, áo, khăn choàng, hàng thủ công mỹ nghệ…
Một người bán hàng tên là Faisal giải thích công dụng của nhựa frankincense: “Trong thời cổ đại, nhựa cây frankincense rất quý hiếm và rất được các Pharaoh Ai Cập hay các hoàng đế La Mã ưa chuộng. Frankincense được sử dụng tạo hương thơm trong việc ướp xác và trích ly tinh dầu để tạo thành nước hoa.
Các hoàng đế La Mã sử dụng frankincense để điều trị một số bệnh nội tạng của cơ thể bằng cách pha nước cho chúng tan dần hoặc nhai trong miệng, hay dùng điều trị vết thương cho các chiến binh. Người Ả Rập dùng frankincense như chất làm sạch không khí bằng cách đốt trong nhà thay các loại trầm hương.
Những vệt khói từ bukhor trên quầy hàng đang nhạt dần, anh Faisal lại cho vào đó một hạt nhựa frankincense, chúng tan chảy và cháy từ từ. Những làn khói lan tỏa hương thơm và tôi lại “ảo giác” về câu chuyện nghìn lẻ một đêm…
Những hạt nhựa frankincense tạo thành từ thân cây
5.000 năm về trước, từng có con đường giao thương nhộn nhịp về hạt nhựa frankincense trên đường biển lẫn đường bộ. Người Ai Cập đến Salalah mua nhựa frankincense để sử dụng thông qua biển Đỏ. Người Ấn Độ mua frankincense để bán cho các hoàng đế Hi Lạp và La Mã thông qua con đường tơ lụa.
Tại Salalah cũng có con đường bộ giao thương nhựa frankincense qua các thành phố Aksum, Peripheral Aksum, Himyar, Qataban, Saba, Hadhramaut trước khi đến Ai Cập, Hi Lạp và La Mã. Ngày nay, một số thành phố trên con đường giao thương đã bị biến mất vì nhiều lý do. Con đường giao thương nhựa frankincense tại Oman được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
NGUYỄN CHÍ LINH

Không có nhận xét nào: