Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Bảo tàng... xương của Darrell

TT - “Tôi là một nhà sưu tập xương” - Darrell Blatchley, 33 tuổi, người Mỹ đang sinh sống tại Philippines, tự giới thiệu khi dẫn chúng tôi đi tham quan “bảo tàng xương” của anh.
Những bộ xương đang “tung tăng bơi lội” ở đại dương - Ảnh: Hà Bình
Nhìn bên ngoài, “bảo tàng xương” của Darrell - một địa điểm tham quan nổi tiếng tại thành phố Davao, Philippines - không có gì khác biệt so với những ngôi nhà địa phương. Nhưng khi bước vào trong, một “thế giới xương” hiện ra với những câu chuyện về sự sống và cái chết.
“Thế giới” của những bộ xương
Tại sảnh bảo tàng, một bộ xương gấu được đặt đứng tại góc phòng, ngay “lớp học” với khoảng 20 cái ghế, tivi để học sinh, sinh viên, khách tham quan nghe “nhà sưu tập” kể chuyện về những bộ xương. Ngay giữa căn phòng rộng chừng 100m2, bộ xương khổng lồ của một con cá voi dài khoảng 12,4m - được nâng lên bằng những sợi dây cáp - “nằm” trên một tủ kính. Bên trong tủ kính là những bộ xương cá voi khác, cá mập, rùa... được ghi chú cẩn thận bằng một bảng tên nhỏ cùng hình ảnh của chúng lúc “sinh thời”.
Trên vách tường, để khách dễ hình dung, Darrell thiết kế những “bể cá” thủy tinh trong suốt. Bên trong, những bộ xương cá... tung tăng “bơi lội” giữa những rạn san hô với cát trắng và sò ốc đầy màu sắc lấp lánh bên dưới. Mỗi bộ xương đeo một “bảng tên” và hình ảnh của mình lúc còn sống. Đó là cá chim Thái Bình Dương, cá vẹt, cá hoàng đế, cá nhói, cá bay, cá có chân (batfish), kỳ lân biển, cá chình...
Cạnh “đại dương”, thiên nhiên hoang dã hiện ra sau tấm kính với cây cỏ trang trí trước phông nền cánh rừng già. Trên cành cây những chú chim, bướm, vẹt và cả mãng xà dài 3,3m uốn lượn. Giữa thế giới tự nhiên đó là... những bộ xương ngựa, kỳ nhông, rắn, thỏ, đà điểu... với đủ tư thế. Sát bên, trên bãi cát “mô phỏng” sa mạc là nơi cư ngụ của loài khỉ, hàm voi, sừng trâu, gạc nai, sọ sư tử... Trong khung cảnh ấy, có cảm giác “cuộc sống” của những bộ xương vẫn đang tiếp diễn.
“Chúng đã mê hoặc tôi”
Darrell Blatchley sinh tại Mỹ nhưng lớn lên ở Thái Lan. Năm 15 tuổi, gia đình anh chuyển đến sống tại Philippines. Niềm đam mê sưu tập xương bắt đầu từ bé, khi Darrell được người chú tặng cho những đồ trang sức bằng xương. “Chúng đã mê hoặc tôi” - Darrell nói. Từ đó, anh tìm kiếm những bộ xương cho bộ sưu tập của mình.
“Chúng đã chết, nhưng bộ xương của chúng vẫn có thể trở thành công cụ giáo dục ý nghĩa về sự sống, bảo vệ môi trường. Với bảo tàng này, tôi mong muốn nhiều người hiểu hơn về đời sống động vật hoang dã và nhìn thấy những thứ có thể họ chưa từng thấy trước đó” - Darrell nói.
Bộ sưu tập của Darrell có xương 47 loài động vật, được đưa về từ Mỹ, Nga, Canada, Indonesia, Thái Lan, Philippines và một vài nơi ở châu Âu. Một số bộ xương được Darrell đặt tên như câu chuyện về sự sống và cái chết của chúng. “Chúng tôi gọi nó là Lost (mất)” - Darrell chỉ vào bộ xương của con cá voi giữa phòng, nói. Tấm bảng nhỏ ghi chú trước bộ xương ghi nguyên nhân Lost chết do dạ dày đầy rác. Nó chết ngay khi đang mang thai và sắp sinh.
“Chúng tôi gọi nó là Lost vì nó đã mất quá nhiều thứ, từ đứa con, thức ăn và cả cuộc sống của mình - Darrell giải thích - Chúng tôi tìm thấy trong dạ dày của nó những thứ mà một con cá voi không nên ăn. Đó là kẹp tóc, bóng, dây nhợ, vỏ kẹo, túi nilông, lưới nhựa... Những thứ ấy được thản nhiên ném xuống đại dương và nhiều người không nghĩ sự bất cẩn của mình đã gây nên cái chết cho những loài vật như Lost”. Darrell kể có những con cá voi chết mà bên trong dạ dày có cả một bình rượu. Rồi có những cái chết do ô nhiễm, do sự tàn sát của con người... Nhiều con đã chết đi khi chưa đến tuổi trưởng thành.
Bảo tàng xương của Darrell mở cửa từ thứ hai đến thứ sáu cho khách tham quan. Tại Hội nghị quốc tế du lịch “Vui hơn ở Philippines” do TP Davao tổ chức tháng 3-2013, bảo tàng xương là một trong những “đặc sản” mà chính quyền thành phố giới thiệu với các đoàn khách quốc tế bên cạnh công viên cá sấu, trung tâm đại bàng, hang dơi lớn nhất thế giới...
Darrell Blatchley - Ảnh: H.B.
Quyên góp cho bộ xương voi từ châu Phi
Quầy bán hàng lưu niệm của bảo tàng có một “ống bơ” ghi dòng chữ màu đỏ bằng tiếng Anh: “Vui lòng hỗ trợ để chúng tôi có thể mang bộ xương của một con voi từ châu Phi về với bảo tàng xương”. Khách đến tham quan, chỉ bỏ vào đó vài đồng peso cũng có cảm giác được “góp sức” cùng Darrell giúp con người hiểu thêm về sự sống và cái chết của động vật hoang dã.
“Tôi có một ước mơ và tôi nghĩ mình thực hiện được, đó là đưa một bộ xương voi từ châu Phi về với bảo tàng” - Darrell quả quyết.
HÀ BÌNH

Không có nhận xét nào: