Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Kinkaku-ji - Kim Các Tự và 600 năm dâu bể


(Tin Nóng) Kinkaku-ji - Kim Các Tự, tức chùa Gác Vàng, là tên phổ thông của chùa Rokuon-ji ở Kyoto, Nhật Bản. Đây là một điểm đến không thể bỏ qua với bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến cố đô.

Kinkaku-ji - Kim Các Tự và 600 năm dâu bể 1
Một buổi sáng bình yên ở Chùa Vàng
Nằm ở phía tây bắc Kyoto, ngôi chùa được xây dựng theo kiến trúc nguyên thủy vào năm 1397, vốn dùng làm nơi an trí cho Tướng quân Ashikaga Yoshimitsu.
Sau đó, con trai vị tướng này đã cho đổi cung điện thành ngôi chùa và thiền viện dành cho tín đồ Phật giáo, phái Lâm Tế.
Trong cuộc chiến Onin (1467 – 1477), chùa bị đốt cháy rụi nhưng rồi được xây lại.
Gần 500 năm sau, vào năm 1950, tòa Gác Vàng bị một tu sĩ cuồng tín nổi lửa đốt cháy thành tro. Từ năm 1955 chùa mới được xây dựng lại một lần nữa.
 Kinkaku-ji - Kim Các Tự và 600 năm dâu bể 2
Ngôi chùa nhìn từ trên cao với những cành anh đào cuối cùng còn lại của mùa xuân
 Kinkaku-ji - Kim Các Tự và 600 năm dâu bể 3
Một cụ bà đang dọn dẹp trong khu khuôn viên vườn của chùa. Nhiều công nhân viên ở đây đã có thâm niên làm việc đến nửa thế kỷ và họ vẫn tiếp tục cho đến khi không còn đủ sức nữa mới thôi
 Kinkaku-ji - Kim Các Tự và 600 năm dâu bể 4
Nước trong hồ rất trong lành và là môi trường rất tốt cho những chú cá sinh sống, tạo thêm sinh khí cho toàn thể ngôi chùa
Kinkaku (Gác Vàng) trong khuôn viên chùa chỉ là một trong nhiều công trình kiến trúc ở chùa. Ngôi gác có ba tầng soi bóng xuống hồ nước trong xanh Kyoko-chi (tức ao Gương).
Ở giữa hồ có các đảo và tảng đá nhỏ tượng trưng cho câu chuyện hình thành của Phật giáo. Chùa nằm giữa những tán xanh của cây lá cùng ánh sáng phản chiếu của hồ nước tĩnh lặng như gương, tạo nên sự hài hòa vô cùng ấn tượng.
Kinkaku-ji - Kim Các Tự và 600 năm dâu bể 5
Cảnh chùa đẹp như một bức tranh
Kinkaku-ji - Kim Các Tự và 600 năm dâu bể 6
Tấm vé vào chùa cũng là một lá bùa, du khách có thể mang về dán bên trong cửa ra vào. Trước khi ra khỏi nhà, bước ngang qua tấm bùa này, bạn sẽ được che chắn và bảo vệ khỏi những điềm xấu
Điểm nhấn biểu trưng cho uy thế, quyền lực của vị tướng là trần của tầng thứ ba được bọc bằng các lá vàng mỏng.
Từ sau biến cố năm 1950, toàn bộ ngôi chùa, ngoại trừ tầng trệt đều được bọc bằng những lá vàng nguyên chất.
Tầng đầu tiên của Kinkakuji được xây dựng theo phong cách Shinden, sử dụng cho các tòa nhà cung điện trong thời kỳ Heian với cột trụ làm bằng gỗ tự nhiên, tường thạch cao trắng, tạo nên sự tương phản nhưng cũng lại làm nên nét hài hòa với hai tầng trên. Tượng phật Shaka và Yoshimitsu được lưu giữ ở tầng này.
Kinkaku-ji - Kim Các Tự và 600 năm dâu bể 7
Bên trong tầng thứ ba của Kim Các Tự   
 Kinkaku-ji - Kim Các Tự và 600 năm dâu bể 8
Mái chùa với tượng phượng hoàng bằng vàng trên cùng
 Kinkaku-ji - Kim Các Tự và 600 năm dâu bể 9
Bonsai khổng lồ được trồng từ một bonsai nhỏ bằng bàn tay, nay đã 600 năm tuổi
Tầng thứ hai được xây theo phong cách Bukke, được sử dụng làm nhà ở của samurai trước đây, bên ngoài bao phủ toàn bằng những lá vàng mỏng.
Bên trong là bồ tát Kannon, bao quanh bởi các bức tượng của bốn vị vua trên thiên đình.
Cuối cùng, tầng cao nhất được xây theo phong cách của một ngôi đền thiền Trung Quốc, được mạ vàng bên trong và ngoài, trên đỉnh đền là một con phượng hoàng đúc bằng vàng.
 Kinkaku-ji - Kim Các Tự và 600 năm dâu bể 10
Nhiều du khách cố gắng thảy những đồng xu vào chiếc chén trước mặt tượng Phật để cầu may mắn
Kinkaku-ji - Kim Các Tự và 600 năm dâu bể 11
Các du khách cũng tranh thủ chọn thỉnh những chiếc bùa may mắn cho mình và người thân như bùa sức khỏe, bùa lái xe an toàn, bùa gìn giữ tình yêu… Và mỗi năm người ta lại đổi một tấm bùa mới
Kinkaku-ji - Kim Các Tự và 600 năm dâu bể 12
Còn nếu muốn xem một quẻ bói, bạn có thể thử tài năng của các “máy bói” với giá chỉ 100 yen (22.000 đ) với 3 ngôn ngữ Anh, Hàn, Trung
Kinkaku được coi như nguồn cảm hứng cho Ginkaku (tức Gác Bạc) ở chùa Jisho-ji (Từ Chiếu Tự) cũng tọa lạc ở Kyoto. Tuy nhiên nhờ hai tầng dát vàng, Kinkaku trông có phần uy nghi hơn.
Chùa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1994.
Bài, ảnh: Nam Trần

Không có nhận xét nào: