Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Rong ruổi Nepal


(iHay) Người ta nhắc đến Nepal như trạm trung chuyển để đến với đỉnh Everest nhiều hơn là những thánh tích hay lịch sử của thủ đô nước này. Cảm nhận sự giao thoa giữa hai tôn giáo Hindu và Phật giáo, bạn sẽ thấy một Nepal gần gũi hơn bao giờ hết khi lang thang ở xứ sở nằm nép mình dưới rặng Himalaya.


Từ Kathmandu
Là cửa ngõ để đến với quốc gia Nepal, thủ đô cũng là thành phố đông đúc nhất, Kathmandu luôn mang đến cho du khách nhiều điều bất ngờ. Con người Nepal hiền hòa thân thiện và rất tôn trọng đạo giáo.
 Rong ruổi Nepal 1
Tháng 4, tháng 5 khi những quốc gia nhiệt đới nắng nóng đến khó chịu thì ở độ cao 1.400 m, Kathmandu vẫn khá mát mẻ. Lịch sử thành phố có từ hơn 2.000 năm với 2 nền tảng tôn giáo chính là Hindu giáo và Phật giáo đã hình thành nên thủ đô đặc biệt vùng Trung Á.
Địa danh Durbar Square luôn được nhắc đến hàng đầu trong bất cứ sách hay chỉ dẫn du lịch nào về Kathmandu. Cả vùng thung lũng rộng lớn có đến 3 Durbar Square khác nhau (đều được Unesco công nhận là di sản thế giới) nhưng nổi bật và quan trọng là Kathmandu Durbar Square hay còn gọi là Basantapur. Những người Newa (hay Newars - dân tộc bản địa sống trong vùng thung lũng Kathmandu) là tác giả của những công trình kỳ vĩ trong khu quảng trường. Không có cứ liệu chính xác về thời gian ra đời của Dubar Square, chỉ biết những cung điện được xây bằng gạch và ốp gỗ bắt đầu được xây dựng khoảng thế kỷ 11 và kéo dài đến thế kỷ 15 qua các triều đại.
 Rong ruổi Nepal 2
Còn được biết đến với cái tên Hanuman Dhoka do có tượng vua khỉ Hanuman (nhân vật góp phần to lớn giúp anh hùng Rama giải cứu nàng Sita xinh đẹp trong sử thi Ramayana) đặt ngay lối vào quảng trường. Một số tòa kiến trúc có niên đại từ thế kỷ thứ 3 thời đại vua Licchavi trị vì. Suốt lịch sử phát triển, những công trình này đã được xây dựng và trùng tu nhiều lần, nhưng phong cách đa phần còn giữ lại được là từ thế kỷ thứ 10. Đến tận thế kỷ 18, Kathmandu Dubar Square vẫn được nhà vua Prithvi Naraya Shah sử dụng là cung điện trước khi nó được dời đến Narayan Hiti năm 1896. Vai trò của Kathmandu Dubar Square vẫn còn rất quan trọng khi là nơi tổ chức các sự kiện hoàng gia, trong đó có lễ lên ngôi của vua Birandra Bir Bikram Shah năm 1975 và vua Gyanendra Bir Bikram Shad năm 2001.
 Rong ruổi Nepal 3
Đến Dubar Square bạn dễ dàng bị cuốn vào những khối điêu khắc gỗ tinh xảo của bất cứ kiến trúc nào. Lối vào nhà luôn được ốp khung gỗ, các cột trụ và thanh xà chống mái tạc hình các vị thần trong Hindu giáo như Shiva, Visnu hay chim thần Garuda. Qua hàng thế kỷ, những thước gỗ tuy đã bị thời gian bào mòn, nhưng thần thái toát ra từ những điêu khắc vẫn còn y nguyên.
Trong khu vực quảng trường, đền thờ ngoài trời Akash Bhairav là minh chứng cho những tín đồ thuần thành của Hindu giáo. Xung quanh tượng thần Akash Bhairav (chúa tể vũ trụ) 6 tay cầm các loại vũ khí và đồ vật luôn ấm áp bởi ánh nến bất kể ngày đêm. Các loại bột nhiều màu sắc, đặc biệt là đỏ, được tín đồ trét lên thân tượng cầu xin may mắn.
Bạn cũng dễ dàng nhận ra một buổi lễ trưởng thành của các em nhỏ giữa quảng trường. Những bậc cha mẹ náo nức chuẩn bị bánh trái dâng cúng thần linh. Một vị thầy tế cầu nguyện cho các em lớn lên sẽ trở thành người đàn ông mạnh khỏe, có trí tài để bảo vệ gia đình.
Ngắm đàn bồ câu tập trung nhận những hạt thóc hay bắp từ các du khách và cư dân bản địa... Kathmandu thanh bình đến kỳ lạ.
Đến Lâm Tì Ni
Ở Nepal, nếu bạn có vấn đề với độ cao và không chịu đựng được không khí loãng trên 3.000 m, Lâm Tì Ni (Lumbini) là lựa chọn thích hợp. Những tour trekking (đi bộ đường dài xuyên rừng hay núi) chưa phải là một loại hình phổ biến với du khách Việt, đặc biệt là đường lên hướng Himalaya hay Mustang (thuộc địa phận Nepal). Có một điều xin lưu ý với bạn là nên chọn những công ty có uy tín để trekking lên những vùng núi non hiểm trở. Việc chỉ thuê người địa phương dẫn đường chưa chắc là một lựa chọn hoàn hảo bởi bạn sẽ còn phải quan tâm đến bảo hiểm, bảo hộ và những thiết bị cùng người dẫn đường chuyên nghiệp.
Trở lại với Lâm Tì Ni, con đường xuyên qua những ngọn đèo cao từ Kathmandu phải mất cả ngày trời mới đến được một trong bốn thánh địa Phật giáo. Lumbini là nơi Đức Phật đản sanh (3 thánh địa còn lại là Bodh Gaya - nơi Đức Phật thành đạo; Sanarth - nơi Đức Phật giải bài giảng đầu tiên và Kushinaga - nơi Đức Phật nhập diệt, đều nằm ở Ấn Độ). Xe buýt đường dài Kathmandu - Sunauli khởi hành từ sáng sớm và chỉ dừng ở đầu ngã ba đường nối vào Lumbini. Từ đây du khách phải đi xe buýt chặng ngắn 20 km và đặc biệt chỉ du khách nước ngoài mới được lắc lư trên nóc những chiếc bus già cỗi, hưởng thụ cảm giác tự do bất tận.
Lumbini nay đã được quy hoạch với những ngôi chùa nhiều quốc gia xây dựng bên cạnh nơi ghi dấu đức Phật đản sanh. Chùa Hàn Quốc, Việt Nam, Tây Tạng,
Sri lanka... tất cả đều có chỗ nghỉ chân cho khách lạ. Ngay khu vực Đức Phật đản sanh, ngôi nhà được xây dựng kiên cố lưu dấu viên đá đánh dấu chính địa điểm mà hơn 2.500 năm trước Đức Thế tôn đã ra đời. Hàng dài những phật tử vượt muôn trùng dặm đến viếng thánh tích quan trọng trong niềm tin tôn giáo mạnh mẽ.
Bên ngoài là hồ nước, nơi hoàng hậu Maya Devi trước khi hạ sinh thái tử Sĩ Đạt Đa (sau này là Đức Phật). Cội bồ đề soi bóng dưới mặt phẳng lấp lánh nắng chiều. Những ngọn đèn cầy cháy sáng uốn lượn theo gió, những bàn tay thành khẩn chắp lại khấn cầu.
 Rong ruổi Nepal 4
Nổi lên trước hồ nước là trụ đá Asoka (A Dục). Nhà vua này là người rất tôn sùng Phật giáo và luôn tâm niệm dùng Phật giáo để thu phục nhân tâm. Khắp vương quốc của ngài, những trụ đá được dựng lên để đánh dấu sức mạnh và sự trường tồn của vương triều. Tương truyền rằng, xưa kia vì đây là nước Đức Phật đản sanh, nên nhà vua đã hạ lệnh cho dân chúng vùng này được giảm sưu thuế.
Hành trình tại Lâm Tì Ni sẽ không đơn điệu nếu bạn chọn ở một trong những ngôi chùa tại khu vực. Chùa Hàn Quốc đã được xây dựng khá khang trang, có cả khu nghỉ ngơi cho khách lỡ đường. Ở đây bạn sẽ được ăn cơm chay với kim chi, đậu hũ xào nước tương, rau cải muối rất đặc trưng. Ăn cơm xong tất cả phải tự rửa chén đũa phơi lên giá. Phòng ở của khách nằm tách biệt với chánh điện và là dạng phòng tập thể. Mỗi người được phát chăn màn khi ngỏ ý muốn qua đêm và tùy hỉ công đức chỉ vài USD như là chi phí lưu trú. Tại chùa Việt Nam của thầy Thích Huyền Diệu, bạn cũng có thể nghỉ lại trong phòng khách, cảm nhận sự ấm áp khi xa quê nhà khi gặp gỡ, trò chuyện cùng các sư thầy sư cô về lịch sử Phật pháp và đạo giáo.

Nếu bạn muốn trekking thì trang web của Công ty Kathmandu-day-tours là địa chỉ khá tin cậy www.trekkinginnepal.com/kathmandu-day-tours.html
Tại Kathmandu bạn có thể cư trú tại nhiều khách sạn ở khu Thamel (khu chuyên tập trung dân du lịch bụi), giá khách sạn khá rẻ dao động từ 10-15 USD cho loại phòng nhỏ 2 người. Một bữa ăn có giá trung bình 5 USD kèm nước uống. 
Di chuyển từ Kathmandu đến Lumbini bằng cách bắt xe buýt ở Kathmandu Bus Terminal đi Sunauli 7 tiếng (khoảng 700-800 rupee = 8-10 USD).
Phượt thủ An Nam


Nepal - núi và phật

(iHay) Nepal nằm giữa Nam và Đông Á, diện tích 147.181 km2 với dân số khoảng 30 triệu người nhưng sự đa dạng về địa lý, sinh thái và văn hóa khiến người ta kinh ngạc.



Nepal sở hữu 8 đỉnh núi cao nhất thế giới, ngọn nào cũng cao trên 8.000 m. Lần lượt là Everest 8.850 m, Kanchanjanga 8.586 m, Lhotse 8.516m, Makalu 8.481 m, Cho Oyu 8.201 m, Dhaulagiri 8.167 m, Manaslu 8.156 m, Annapurna 8.091 m. Riêng ngọn Everest, mỗi năm cao thêm 2,5 cm. Là “kinh đô” của dân leo núi chuyên nghiệp, mỗi năm Nepal đón hàng ngàn vận động viên muốn “vượt qua thiên hạ”, chinh phục đỉnh cao số 1 - Everest và “những người anh em khác”.
Từ năm 1921, người Anh đã thám hiểm và tìm cách đặt chân lên nóc nhà thế giới. Mãi đến năm 1953, ước mơ này mới trở thành hiện thực bởi Emund Hillary, người New Zealand và Tenzing Norgay, người Nepal. 60 năm qua, gần 3.000 người đã hoàn thành khát vọng chinh phục nóc nhà thế giới, trong đó có 3 người Việt Nam (Bùi Văn Ngợi - sinh năm 1984; Nguyễn Mậu Linh - 1977; Phan Thanh Nhiên - 1985). Hơn 200 người đã tử nạn mà chưa thực hiện được ước mơ của mình. Chưa tính những người nửa chừng phải bỏ cuộc vì quá sức chịu đựng. Tháng 4 và 5 là thời điểm lý tưởng để chinh phục Everest.

Kathmandu - Nepal / Ảnh: Shutterstock
 
Nepal có cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, là vùng đất vàng của các hoạt động thám hiểm, leo núi, dã ngoại... từ cao cấp đến bình dân; từ theo tour đến phượt. Mỗi năm, hàng triệu chim thiên di từ Tây Tạng, Siberia và các vùng phụ cận đổ về Nepal. Nhiều loại chim lạ, cá quý, thú hiếm và hoa độc đáo chỉ Nepal mới có. Đây cũng là xứ sở quanh năm lễ hội, bình quân cứ 2 ngày thì có 1 ngày lễ hội. Có lễ hội kéo dài cả tuần, thậm chí cả tháng. Từ lễ hội hoàng gia, gia đình, tôn giáo, thần linh, ma quỷ... Chỉ cần ai đó nằm mơ thấy chuyện lạ là lập tức có lễ hội. Mỗi ngày trong tuần ứng với một vị thần. Chỉ có 3 ngày thứ ba, năm và chủ nhật để làm việc; những ngày khác để cúng bái, lễ lạt. Tháng nào cũng có đại lễ tưng bừng với những đoàn rước khổng lồ, âm thanh ồn ào, nhảy múa cuồng nhiệt, hóa trang kỳ dị và sặc sỡ diễu hành suốt ngày đêm khắp phố phường bụi bặm. “Lễ hội quá hóa nghèo”. Hình như càng nghèo càng khoái lễ hội? Nepal là quê hương của Đức Phật nhưng có gần 80% dân số theo đạo Hindu (Ấn giáo), chỉ 14% theo đạo Phật (Ấn Độ chỉ hơn 2%). Có sự hòa trộn giữa Ấn giáo và Phật giáo, có đền thờ chung, thờ cúng những vị thần chung và tín đồ 2 bên lắm khi không phân biệt được.
 

Nepal cũng là xứ sở quanh năm lễ hội, bình quân cứ 2 ngày thì có 1 ngày lễ hội. Có lễ hội kéo dài cả tuần, thậm chí cả tháng



Thủ đô Kathmandu, thung lũng giữa bốn bề núi non hùng vĩ như những bức tường thành vĩ đại. Tương truyền xưa là hồ nước mê hồn, thần Manruxue mãi mài gươm, nước hồ cạn, thành Kathmandu. Thủ đô sầm uất mà trầm mặc, song hành văn hóa Phật - Ấn. Chùa Đồng, tháp Vạn Phật là những tuyệt tác kiến trúc của Nepal. Kathmandu có nhiều đền thờ linh thiêng mà nổi tiếng hơn cả là đền thờ nữ thần Kali và nữ thần Kumari. Kali là nữ thần bảo hộ thủ đô, linh thiêng mà khát máu, thích hủy diệt và sẵn sàng ban ơn, trông coi việc sinh sản như 2 mặt đối lập mà thống nhất trong nhân sinh quan của Ấn giáo. Tượng thần Kali thường há miệng, lè lưỡi, bông tai là xác đàn ông, chuỗi hạt là sọ người và trang sức là rắn độc. Nữ thần Kumari là hiện thân của thần Taleju, bảo hộ của Hoàng gia Nepal. Hằng năm, các đạo sĩ sẽ tìm chọn “nữ thần Kumari sống” từ một bé gái. “Nữ thần” sẽ sống và được phục vụ, tôn thờ như thần Kumari. Nữ thần chỉ có hai cơ hội trở lại đời thường. Đó là dịp cúng thần Taleju. Những cỗ xe khổng lồ rước nữ thần dạo khắp thủ đô. Cả nhà vua cũng phải quỳ dưới chân nữ thần để đón nhận quyền lực. Khi nữ thần đến tuổi dậy thì, có kinh nguyệt, sẽ mất hết mọi uy quyền, phải rời cung nhường chỗ cho nữ thần mới được chọn.
Tôi đã đến Nepal qua ngả Vanasari, Ấn Độ bằng đường bộ, qua cửa khẩu Sonauli. Những vùng quê thân thiện, nghèo xác xơ và lạ lùng đến khó hiểu. Cửa khẩu nóng, mù mịt bụi. Cả nhóm phượt xuống xe lầm lũi hòa vào dòng người hối hả. Dân địa phương chẳng thấy ai trình giấy tờ. Đi quá đường, giật mình, phải quay lại tìm chỗ xin visa và đóng thị thực. Văn phòng như chòi tôn, hầm hập, nhân viên mặc thường phục, chẳng biết đâu mà lần. Ấn Độ và Nepal có nhiều nét tương đồng, chân quê, nghèo khó. Nepal là quê hương của Đức Phật, có Lumbini - nơi Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhatha) sau này là Đức Phật Thích Ca đản sinh vào năm 623 trước Công nguyên. Đạo Phật từ đây truyền vào Tây Tạng và các nước. Nepal cũng là nơi hành đạo và hiển linh của Bồ tát Văn Thù (Swayambhumath). Phật giáo khởi phát, hưng thịnh và suy tàn trên đất Phật nên Lumbini rơi vào lãng quên suốt gần 2.000 năm. Năm 1967, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc đó là U Thant, người Myanmar, vốn là Phật tử thành tâm, đã đến viếng và kêu gọi cộng đồng thế giới hỗ trợ phục dựng Lumbini.
Khu vườn Lumbini hiện có chiều dài 5.556 m, chiều rộng 1.852m do kiến trúc sư Kenzo Tange, người Nhật thiết kế. Lumbini tọa lạc tại làng Rummindei, cách biên giới Nepal - Ấn Độ 27 km. Theo tục lệ, gần ngày sinh nở, hoàng hậu Maya phải về nhà mẹ đẻ ở Devadaha. Cũng theo phong tục, phụ nữ Ấn Độ thường sinh đứng. Người mẹ đưa hai tay lên đầu, nắm chặt thanh ngang hay cành cây để sinh. Dọc đường đi, hoàng hậu ghé qua Lumbini nghỉ ngơi. Khi đưa tay với một cành hoa thì bà đản sinh thái tử Tất Đạt Đa. Hồ Puskarni là nơi hoàng hậu Maya tẩy trần trước khi hạ sinh và tắm cho thái tử sau đó. Tín đồ thập phương thường đốt nến cạnh hồ để cầu nguyện và lấy nước hồ về cầu an. Đặc biệt đền Mayadevi nơi có nhiều vết tích quan trọng. Đền chỉ là 4 bức tường mới nhằm bảo vệ phần nền gạch cũ của ngôi đển cổ mà quý nhất là phiến đá in hình dấu chân Phật, tìm được năm 1996, đánh dấu chính xác nơi Đức Phật đản sinh và phù điêu mô tả. Từ bên ngoài, du khách vào sát phiến đá bằng hành lang gỗ và không được chụp ảnh. Trước đền có trụ đá mà vua Ashoka (A Dục) đã xác tín khi đến đây chiêm bái và khẳng định thánh tích Lumbini vào năm 249 trước Công nguyên.
Ngồi dưới tán bồ đề cổ thụ râm mát, nghe gió và lá thầm thì kể chuyện xa xưa với rất nhiều nền gạch cũ. Những viên gạch nung màu đỏ, có hoa văn, gần hai ngàn năm thách thức nắng mưa. Những lá cờ ngũ sắc rộn ràng như lòng người hành hương thanh thản. Tôi cứ suy ngẫm mãi về cuộc đời Đức Phật. Ngài từ bỏ ngai vàng, sống khổ hạnh, từ bi để giác ngộ và giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ trần ai. Các thánh tích Phật đều khá khiêm tốn, chỉ có lòng thành kính là vô tận. Vậy mà con người cứ làm ngược lại. Chúng sinh thì khốn khổ mà chùa chiền cứ lộng lẫy nguy nga, còn hơn cả hoàng cung thuở trước. Ghé viếng chùa Phật các nước, trong đó có chùa Việt Nam ở Lumbini và Nepal, chùa nào cũng hoành tráng. Nhiều chùa Việt đang xây dựng, chỗ nào cũng gợi ý cúng dường. Không hẳn phải cất công đến tận đất Phật mới thành tâm, bởi không phải ai cũng đủ khả năng thực hiện. Đành an ủi “Phật tại tâm” và thực hiện “tu tại gia”, thờ cha kính mẹ, sống tốt với mọi người chính là điều mà Phật hằng mong muốn.
Nguyễn Văn Mỹ

Không có nhận xét nào: