Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Myanmar khác người ta kể


Yangon giống như TP.HCM những năm 80 thế kỷ trước, là mô tả mà tôi đọc được trên mạng. Nhưng thực tế đã thay đổi một cách ngạc nhiên.

Hàng loạt thông tin trên các diễn đàn du lịch rải rác từ năm 2010 đến nay là hình ảnh một đất nước Myanmar nghèo khó, thành phố đầy xe hơi cũ, điện chập chờn, không kết nối với thế giới... Dù có vẻ càng gần đây càng được cải thiện, nhưng đỉnh điểm của nỗi hồ nghi được khẳng định khi chính công ty du lịch khuyên chúng tôi: “Không nên mang máy tính hay điện thoại theo cho mất công, vì internet không có hoặc rất chậm, điện thoại sóng chập chờn và không thể mua sim để xài tạm. Các anh chị cứ xem như mình tạm xa thế giới văn minh vài hôm để trở về quá khứ!”. 
Bắt kịp thế giới
Những cảnh báo đó bị lung lay khi chuyến bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Yangon, hành khách vào tận nhà ga bằng đường ống dẫn không thua kém bất cứ sân bay nào ở châu Á. Sân bay nhỏ cỡ Cảng hàng không Đà Nẵng, thoáng, nhìn rất tinh tươm, sạch sẽ và hiện đại, ngoại trừ dãy máy ATM không hoạt động được. Bạn chỉ có thể đổi tiền ở các quầy giao dịch, nhân viên cẩn thận kiểm tra từng tờ USD - nhăn một chút cũng không được hay có một con dấu bé xíu (cách mà các tiệm vàng ở Việt Nam hay làm dấu tờ USD của mình bán ra) cũng bị từ chối. Le lói một chút khả năng xài thẻ tín dụng khi mà ngay lối ra khỏi sân bay người ta đang dựng một bảng quảng cáo rất to: “Master Card - tổ chức đầu tiên kết nối với Myanmar”.
Myanmar khác người ta kể 1
Tòa thị chính ở Yangon
Không phải chỉ có những người vốn chỉ biết về Myanmar qua các diễn đàn du lịch như chúng tôi, mà người từng đến Myanmar như Hồ Tấn Huy, hướng dẫn viên một công ty du lịch, cũng giật mình khi khách sạn ở Yangon thông báo chúng tôi có thể lấy mật khẩu để vào internet wifi. Vào mạng từ máy tính của khách sạn, dù kiểm tra email hay vào Facebook, tốc độ truy cập giống như đang ở bên nhà. Hôm lên Kyaithtiyo, một điểm hành hương linh thiêng của người Myanmar, nằm trên đỉnh núi cao hơn 1.700 m so với mặt nước biển, du khách vẫn có thể vào mạng dù phải trả 3 USD/30 phút.
Tương tự, chuyện sóng di động cũng đã được cải thiện rất nhiều. Vinaphone, MobiFone, Viettel đều có thể roaming với mạng điện thoại của Myanmar, dù rằng từ Việt Nam gọi sang thì thường thấy đổ chuông mà không nghe được, nhưng chủ động gọi ngược lại thì rất ngon lành! Khách vãng lai không thể mua sim điện thoại địa phương để dùng, ngay như dân bản xứ hay người công tác tại đây muốn đăng ký sim cũng mất khá nhiều thời gian, nhưng tỷ lệ người sở hữu và sử dụng điện thoại di động đã tăng lên đáng kể. Không chỉ dễ dàng thấy trên phố mà trong các chương trình truyền hình đêm cuối tuần trên đài truyền hình của Myanmar cũng có những cuộc thi hát kiểu Tìm kiếm tài năng như ở ta và kết thúc tiết mục bao giờ cũng mời gọi khán giả tham gia nhắn tin bình chọn!
Myanmar khác người ta kể 2
Khiêng kiệu cho du khách xuống núi
Tại Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, có thể nhận thấy sự cởi mở, tìm kiếm và hào hứng với cái mới trên từng con đường. Thay cho thiên đường xe hơi cũ (Yangon cấm xe máy) là những chiếc xe đời mới xuất hiện ngày càng nhiều, những bảng quảng cáo rực rỡ cho chuyến lưu diễn của nhóm nhạc Michael Learns To Rock (chạnh lòng nhớ lại hồi Việt Nam mới mở cửa họ cũng sang làm rùm beng) và hội chợ xe hơi Nhật... Than Moe Tun, cư dân Yangon, phân bua khi chúng tôi gặp kẹt xe: “Chuyện này chỉ xảy ra 1 năm trở lại đây thôi, trước khi mở cửa Yangon chả khi nào kẹt xe!”. 
Nhìn thấy tương lai
Quá nhanh! Đó là nhận xét chung của tất cả những ai đến Myanmar từ lần thứ 2 trở lên về những thay đổi ở đất nước này. Ngay bên cạnh khu chợ Bogyoke buôn bán đá quý và hàng thủ công mỹ nghệ là trung tâm thương mại Parkson đang được gấp rút xây dựng. Dọc theo trục đường lớn ở trung tâm Yangon, một khu đất vàng đã được rào lại và dựng bảng dự án của Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam. Chen lẫn với những thương hiệu toàn cầu đã nhanh chân vào xí phần, dạo quanh Yangon dễ dàng bắt gặp những tấm bảng quảng cáo hay văn phòng của: BIDV, Petro Việt Nam, Đạm Phú Mỹ...
Myanmar khác người ta kể 3
Du khách châu Âu đến Myanmar ngày càng nhiều - Ảnh: Trọng Phước
Một doanh nhân Việt Nam đang đầu tư xây dựng nhà máy dược phẩm tại đây nhận xét Myanmar sẽ còn phát triển nhanh nữa vì hạ tầng giao thông “xương sống” của họ tốt hơn ta, mạng lưới giao thông công cộng phủ kín và khả năng tiếng Anh của người dân rất tốt.
Không chỉ là nhận xét từ những nhà đầu tư lão luyện, chính những người dân Myanmar mà chúng tôi có dịp gặp đều tự tin và hào hứng với bức tranh tương lai của đất nước mình. Bây giờ ở bất kỳ đâu họ cũng đều có thể bàn luận sôi nổi về giải Ngoại hạng Anh, nhai trầu (cả đàn ông lẫn đàn bà) và nói về tương lai kinh tế, chính trị của đất nước mình một cách không e dè, lo lắng. Sự cởi mở của nền dân chủ mới có thể thấy rõ ở những gian hàng bán tranh vẽ hay tranh đá quý, người ta treo các bức chân dung bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh phái đối lập chính, ở vị trí rất trang trọng. Bức ảnh được ưa thích nhất ở đây là tấm Tổng thống Mỹ Obama ôm bà trong chuyến thăm đến đây hồi tháng 11 năm ngoái. Thậm chí ở một số điểm du lịch, người ta để cả chồng những tờ tạp chí được xuất bản tự do ở đất nước này có trang bìa là tấm ảnh ấy để bán cho du khách muốn mua làm kỷ niệm.
***
So với các điểm đến khác trong khu vực thì Myanmar chưa phải là lựa chọn hàng đầu của du khách Việt dù, chỉ cách có 2 giờ bay, phần vì những thông tin có từ lúc Myanmar chưa thay đổi, phần cũng vì nội dung du lịch đến xứ này khá đơn điệu: tham quan chùa là chính. Nhưng với những ai muốn tìm lại nét cổ xưa, hồn nhiên, dân dã, mộc mạc của quá khứ và muốn trải nghiệm một cuộc sống hiền hòa, tri túc, chưa bị những mặt trái của hội nhập và nền kinh tế thị trường làm biến dạng thì Myanmar là một nơi nên tìm đến.
Nhưng phải đi ngay kẻo không còn kịp nữa! 
Làm du lịch kiểu Myanmar
Có hai địa điểm nổi tiếng nhất là chùa Shwedagon và chùa đá vàng (Kyaithtiyo - nơi có hòn đá thiêng dát vàng nằm cheo leo trên vách núi tưởng chừng sắp đổ nhưng vững chãi cả ngàn năm nay). Nếu chùa Shwedagon rất dễ thăm viếng nhờ nằm ngay trung tâm Yangon, thì ngược lại chùa đá vàng cách Yangon khoảng 200 km. Đến nơi khách phải chuyển sang loại xe tải, mui trần vượt 11 km đèo dốc quanh co để lên đến bãi chuyển tiếp lưng chừng núi. Từ đây chỉ có dân địa phương mới được đi tiếp bằng xe tải lên đến gần chùa, tất cả du khách phải xuống đi bộ 4 km hoặc thuê 4 thanh niên địa phương khiêng kiệu lên đến nơi. Đây là một chính sách tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư còn khó khăn nơi đây. Dù một chuyến kiệu vã mồ hôi có giá 15 USD (hơn 300.000 đồng) chưa tính khoản bồi dưỡng thêm thường vào khoảng 150.000 đồng nữa cho 4 người.
Hàng lưu niệm của Myanmar chủ yếu được chế tác từ gỗ và đá quý. Tượng Phật bằng gỗ thơm, vòng đeo tay bằng ngọc nhiều màu, tranh đá quý... rẻ hơn ở Việt Nam nhiều, nhưng phải trả giá. Giá bán các mặt hàng này trong khu bán hàng miễn thuế ở sân bay lại rẻ hơn ở các điểm du lịch.
Trọng Phước

Không có nhận xét nào: