(Tin Nóng) Lang thang ở những thành phố châu Âu, du khách thường xuyên bắt gặp hình ảnh những người nhạc sĩ chơi nhạc trên đường phố.
Một nhóm chơi nhạc trên cầu nghệ thuật tại Paris, Pháp |
Họ có thể là những nghệ sĩ chơi đàn xin tiền chuyên nghiệp, cũng có thể là sinh viên âm nhạc kiếm thêm tiền ngoài giờ đi học. Nhiều người trong số họ luôn di chuyển từ nơi này sang nơi khác với chiếc vali chứa cả gia tài trong đó. Họ có thể chơi một mình hoặc cùng nhóm.
Hai nghệ sĩ chơi nhạc tại Amsterdam, Hà Lan |
Mặc dù mục đích của họ là kiếm sống hay chơi vì đam mê, nhưng cũng không thể phủ nhận những bản nhạc họ chơi ở một góc phố nào đó cũng làm các thành phố châu Âu trở nên độc đáo hơn.
Một người chơi violon tại Bonn, Đức |
Với một cây ghi ta, cây violon, cây sáo hoặc một nhạc cụ tự chế nào đó, những người nghệ sĩ chơi nhạc xin tiền thường chơi các bản nhạc một cách say mê giữa dòng người qua lại. Bên cạnh họ là chiếc bát, chiếc mũ, hoặc đồ đựng nhạc cụ mở ngay trước mặt. Người qua đường có thể cho bao nhiêu tùy ý, và cũng có thể đề nghị nhạc sĩ chơi một bản nhạc nào đó. Yêu cầu của họ chẳng bao giờ bị từ chối.
Một nhóm nhạc đường phố tại Hilversum, Hà Lan |
Tuy nhiên, không phải tất cả đều ngồi ở những nơi đông khách du lịch qua lại. Không ít người ngồi ở những góc phố hoặc hẻm thông giữa các con đường ít khách du lịch đi qua.
Một nghệ sĩ thổi sáo trong một hẻm vắng tại Riga, Latvia |
Cũng không ít người chơi nhạc sẽ yêu cầu khách du lịch trả tiền, nếu du khách chụp ảnh họ chơi nhạc. Khách tới Berlin có thể trải qua kinh nghiệm này. Tất nhiên, việc cho họ vài đồng là điều lịch sự nếu bạn muốn ghi lại vài tấm hình về họ.
Một người chơi nhạc bằng những chiếc ly tại Berlin, Đức |
So với nhiều thành phố ở châu Âu, Paris là nơi có đông người chơi nhạc xin tiền trên các phương tiện giao thông công cộng, điển hình là tàu điện ngầm. Họ chỉ cần chi hơn 1 euro (thậm chí là không chi đồng nào) để vào cửa ở bất cứ ga tàu điện nào đó, rồi lang thang trên các chuyến tàu điện ngầm, chơi nhạc xin tiền.
Một nhóm nhạc tại ga trung tâm Amsterdam, Hà Lan |
Không ít người cho rằng cách chơi nhạc xin tiền này gây phiền hà cho hành khách hơn là đem lại niềm vui. Không gian trên toa xe khá chật hẹp, nên tiếng nhạc có vẻ không làm người trên toa xe thoải mái. Nhưng dường như tôn trọng thế giới tự do của nhau nên ai cũng cố gắng chịu đựng cho hết một chặng tàu.
Họ có thể chơi một hoặc nửa bản nhạc vội vàng rồi ngả nón đến từng người trên toa tàu xin tiền.
Một người đàn ông Pháp ngồi cạnh tôi trên toa tàu giải thích, việc chơi nhạc xin tiền trên tàu điện ngầm là phạm pháp, nên người chơi nhạc thường phải lẩn tránh những người kiểm tra trên tàu.
Một phụ nữ chơi accordeon tại Haarlem, Hà Lan |
Tuy nhiên, người bạn của tôi cũng cho biết thêm, không ít người chơi nhạc vì họ thích.
Lang thang trên một cây cầu bắc qua sông Seine, chúng tôi không thể dời chân khi bắt gặp một thanh niên trẻ chơi bảnRomance bằng ghi ta điện trên cầu. Chẳng màng đến người xung quanh qua lại, đôi mắt người nghệ sĩ như hướng về một nơi nào đó. Dường như thế giới chỉ còn lại người thanh niên “phiêu” với giai điệu phát ra từ cây đàn.
Một thanh niên chơi đàn tại Paris, Pháp |
Còn nghệ sĩ này chơi nhạc tại Utrecht, Hà Lan, không có đồ xin tiền xung quanh |
Kim Dung (từ Paris, Pháp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét