SGTT.VN - Mất hai giờ đi từ Surabaya (thành phố lớn
thứ hai của Indonesia) trên xe buýt địa phương, tôi đến được Trowulan,
ngôi làng hẻo lánh ở miền đông Java. Sẽ chẳng gì thú vị nếu như Trowulan
không phải là cố đô của Majapahit – một vương triều Hindu giáo hùng
mạnh nhất dải đất Java, từng có nhiều mối liên hệ đến văn hoá Chămpa của
Việt Nam, Campuchia và các vùng phụ cận.
Bảo tàng Sejarah, nơi trưng bày những hiện vật khảo cổ của cố đô Trowulan.
|
Lăng mộ Putri Chămpa
Không ngờ rằng nơi xa xôi này lại có một di chỉ gắn với văn hoá Chămpa, tôi hăm hở theo chân người dẫn đường, rời xe buýt ở cạnh hồ Segaran đi bộ vào khu lăng mộ mà người bản địa gọi là Putri Chămpa (tiếng Indo, Putri là công chúa). Lăng mộ nằm trong một quần thể kiến trúc được chăm chút khá kỹ lưỡng, trọng tâm của quần thể này là một mộ lớn xây dựng theo đồ hình chữ nhật, trông rất bình dị, trong chứa đầy cát, không bia ký, không chú thích, không thể hiện chút gì liên quan đến sự giàu có, xa hoa thường thấy trong kiến trúc lăng mộ của vương triều.
Những người làng cao niên ở khu mộ kể rằng, công chúa Chămpa cùng hoàng tử Chân Lạp đến miền cố đô này để triều kiến và vua ở đây đã giữ chân vị hoàng tử Chân Lạp lại, đồng thời lấy công chúa Chămpa làm vợ.
Nhớ lại lịch sử, khi thời kỳ Phù Nam suy yếu và bị huỷ diệt (thế kỷ 6), để hình thành nên Chân Lạp hùng mạnh, chia cắt thành Lục Chân Lạp và Thuỷ Chân Lạp, lợi dụng sự bất hoà giữa hai bên, Java đã đô hộ và bắt một hoàng tử Chân Lạp làm tù binh, sau đó ông thoát được và trở về làm cuộc khởi nghĩa, đánh thắng đạo quân Java, lấy hiệu là Jayavarman II (dịch nghĩa: người được thần chiến thắng phù hộ), tuyên bố nền độc lập năm 802 và định đô ở núi Kulen (nơi ông cho khởi công xây dựng dòng sông ngàn linga mà nay vẫn còn tồn tại ở Siem Reap, Campuchia). Jayavarman II cũng chính là người đặt nền móng cho nền văn minh Angkor của đế chế Khmer hùng mạnh sau này.
Trong các triều vua thuộc đế chế Angkor, có Jayavarman II chính là người đã từng bị cầm tù ở Java. Dù hành trình này không tìm được tài liệu liên quan đến công chúa Chămpa, nhưng sợi dây liên kết giữa vương triều Hindu giáo ở Trowulan và Chămpa hẳn sẽ gợi mở ra nhiều thông tin thú vị khác.
Con đường giao thương quốc tế
Cố đô Trowulan không ngờ lại có mối gắn kết với Việt Nam thông qua những hiện vật mà tôi thấy được trong bảo tàng khảo cổ Sejarah, nay là trung tâm thông tin về vương triều Majapahit, chỉ cách lăng mộ Putri Chămpa chừng năm phút đi bộ. Về mặt địa hình, Trowulan có dòng sông Brantas – sông dài nhất ở đông Java – chảy qua, rất thuận lợi về mặt giao thương, là điểm kết nối quan trọng trong hành trình con đường tơ lụa Biển đông. Sự giao thương nhộn nhịp dưới vương triều Majapahit thể hiện rõ qua các bia ký lưu lại trong bảo tàng bằng tiếng Hoa, tiếng phạn, nói về các mối quan hệ làm ăn với các tàu buôn đến từ châu Âu, Trung Hoa, Chămpa…
Trong các hiện vật khảo cổ khai quật tại Trowulan, bên cạnh các hiện vật gắn liền với Hindu giáo, tôi nhận ra rất nhiều các dòng gốm sứ có nguồn gốc từ Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến gốm cổ Gò Sành, với các hộp phấn có nắp đậy với cốt thai đanh chắc, phủ men trắng ngà quen thuộc. Nhân viên bảo tàng đầy tận tình chỉ thêm cho tôi không gian trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu. Thời cực thịnh của dòng gốm cổ Gò Sành và Chu Đậu (thế kỷ 10 – 15), nhờ các đoàn tàu buôn của châu Âu, Chămpa, từ các thương cảng cổ như Nước Mặn, Thị Nại của vương triều Vijaya (Bình Định), cảng Hội An (Đà Nẵng)… đưa các dòng gốm này giao thương với các nước trên thế giới. Việc khai quật tàu đắm Cù Lao Chàm ngoài khơi ở cửa biển Hội An chở gốm Chu Đậu (thế kỷ 15) xuất khẩu, chính là một minh chứng cụ thể cho con đường giao thương trên biển từ Việt Nam sang các nước trong khu vực và Java.
Tận dụng chính sách bế môn toả cảng của nhà Minh, hàng hoá giao thương của vùng Đông Nam Á được các tàu buôn của Chămpa, vốn giỏi về nghề đi biển, đã kết nối – trong trường hợp này – là Trowulan với Việt Nam bằng các mặt hàng cụ thể là gốm sứ. Với sự tương đồng về văn hoá, tôn giáo (Hindu giáo), việc giao thương qua lại trên con đường tơ lụa trên biển đến Trowulan hẳn phát triển khá mạnh mẽ.
Qua thời gian, sau khi vương triều Majapahit suy yếu, miền cố đô Trowulan cũng dần bị lãng quên do thiên tai, động đất, núi lửa, lũ bùn của dòng Brantas vùi lấp, tàn phá hầu hết những huy hoàng của một vương triều Hindu giáo hùng mạnh nhất Java khi xưa. Bởi thế Trowulan có thể không ấn tượng với lữ khách, nhưng nếu muốn tìm hiểu về Hindu giáo trên dải đất Java, Trowulan hẳn sẽ là điểm khởi nguồn đầu tiên cho hành trình khám phá ấy.
bài và ảnh: Nguyễn Đình
Từ ba thành phố lớn của Việt Nam là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, có nhiều lựa chọn để đến Surabaya bằng đường hàng không, tổng thời gian bay trung bình khoảng ba giờ đồng hồ. Hàng tuần hãng bay SilkAir có đường bay từ Hà Nội và Đà Nẵng đến Singapore, nối chuyến (1 – 2 giờ) trên chuyến bay SilkAir MI226 để đến Surabaya. Khởi hành từ TP.HCM có thể lựa chọn chuyến bay Singapore Airlines SQ173 đến Singapore, nối chuyến đến Surabaya bằng SilkAir MI226.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét