Một điểm đến rất thú vị đấy các teen, đặc biệt nơi đây trở nên nổi tiếng nhiều hơn sau sự kiện Ngày tận thế.
Tường VyẢnh: Travel
|
Mexico vùng đất của huyền thoại & thiên văn
Thanh niên
Mexico - một đất nước rộng lớn với những bãi biển đẹp trứ danh, những thành phố ngày đêm náo nhiệt, những con người hồn nhiên đôn hậu và hiếu khách. Nhưng không chỉ có thế, Mexico còn là một vùng đất huyền bí với những nền văn minh cổ xưa, những tàn tích còn sót lại mê hoặc du khách.
Những công trình độc đáo ở Chichen Itza
Chichen Itza nằm cách Cancun 220 km về phía tây, chúng tôi đi xe tới đây mất khoảng 2 giờ 30 phút. Băng qua những vùng rừng thưa tái sinh, trời bắt đầu nắng, nhiệt độ khoảng hơn 30 độ C, nhưng do nơi đây không có ao hồ, sông suối nên thời tiết có vẻ oi bức, không khí khá khô và hanh.
Dưới những bóng cây thưa thớt trong công viên khảo cổ, chúng tôi được chìm đắm trong một không gian thiêng liêng trầm mặc của đế chế Maya một thời lừng lẫy. Với diện tích khoảng 23 ha, các công trình của người Maya còn lại khá nhiều với những ngôi nhà, đền thờ các vị vua, những con đường lát đá vôi để người dân thồ thuốc lá. Đặc biệt, cách một vài ngôi đền lại có một cenote (giống như giếng nước to ở VN), cây cối phủ kín xung quanh. Việc sụt lún của địa hình nơi đây đã tạo ra các cenote. Một số cenote còn có cả những dòng sông ngầm chảy ngang. Đối với người Maya, những cenote này có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh cũng như sự tồn vong của cộng đồng, của cả một vùng đất bao la rộng lớn nhưng khá khô cằn, nguồn nước rất hạn chế, hoa màu chủ yếu lệ thuộc vào những cơn mưa. Những năm hạn hán, nước sinh hoạt của người dân càng lệ thuộc vào các cenote. Chính vì vậy người Maya có tập tục dâng lễ vật cúng cho các cenote nhằm tạ ơn thần nước, thần mưa khi có một mùa màng bội thu. Lễ vật để tạ ơn có thể là hoa màu, gia súc, thậm chí đôi khi còn có cả việc hiến tế phụ nữ và trẻ em. Hiện tại, ở một vài cenote, du khách được xuống tắm thỏa thích với nước trong xanh mát lạnh...
Quần thể khu khảo cổ Chichen Itza tựa như một thành phố thu nhỏ, có rất nhiều công trình kiến trúc phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Nổi bật là các kim tự tháp cụt ngọn với hàng trăm bậc thang khá dốc dẫn lên các ngôi đền thờ, trên nóc là các ô cửa sổ để ánh sáng mặt trời chiếu vào. Cửa sổ của ngôi đền phía trên các kim tự tháp này còn có vai trò như một chiếc đồng hồ thiên văn để tính chu kỳ các ngày dài nhất hay ngắn nhất trong năm.
Bên cạnh các công trình mang tính chất thiên văn và tâm linh, nơi đây còn có cả vết tích một ngôi nhà xông hơi sử dụng hơi nóng từ mặt trời để phục vụ cho tầng lớp vua chúa và sân vận động, nơi diễn ra các trận thi đấu với một trái banh tròn bằng đá gọi là game ball. Sân vận động được xây dựng bằng đá, không bố trí nhiều chỗ ngồi, sức chứa chỉ khoảng hơn 500 khán giả, nhưng được thiết kế rất khoa học. Hai bên khán đài có các vách tường đá giúp khuếch âm khá tốt. Một tiếng vỗ tay hay la hét cổ vũ sẽ được nhân lên gấp nhiều lần, vang lên khá lâu và xa. Theo lời anh hướng dẫn viên người Mexico - Daniel, ngày xưa người Maya tổ chức thi đấu ở sân vận động này, một đợt thi đấu có thể diễn ra 1.500 trận đấu, nên những người tham gia thi đấu phải thật sự khỏe mạnh và dẻo dai, có những người sau khi tham gia xong đến trận đấu cuối cùng đã gục ngã và chết trên sân vì kiệt sức.
Đặc biệt, bên trong khu Chichen Itza còn có một ngôi đền thờ các võ sĩ khá đẹp, thiết kế to lớn. Mặc dù hiện tại ngôi đền đã bị hư hỏng nhiều, nhưng trông rất oai nghiêm và vững chãi. Được biết, khi còn nguyên vẹn, ngôi đền có khoảng 600 hàng cột, mọi người quen gọi là ngôi đền hàng ngàn cột.
Thiên văn học của người Maya
Người Maya định cư trên một vùng đất không màu mỡ lắm, bề mặt đất đai để canh tác khá mỏng, đất sớm bạc màu sau khi khai thác chừng vài ba mùa thu hoạch. Đặc biệt, môi trường khô cằn không có nhiều ao hồ sông suối lớn, nguồn nước canh tác phụ thuộc khá lớn vào lượng nước mưa, do đó họ phải tính toán rất kỹ lưỡng, nhằm tận dụng tối đa các yếu tố thiên nhiên và thời tiết. Dựa vào sự quan sát chu kỳ và đặc điểm của mặt trời, mặt trăng, người Maya sẽ quyết định thời điểm chặt cây, đốt rẫy, gieo hạt... sao cho công việc trồng trọt có được hiệu quả cao nhất, đảm bảo một mùa màng bội thu. Vì vậy trong lĩnh vực thiên văn học, người Maya có nhiều thành tựu vượt bậc, họ ghi nhận lại các chu kỳ của mặt trời và mặt trăng, từ đó tạo ra 2 loại lịch: loại thứ nhất gọi là solar (hay Haab), một hình thức tương tự như lịch theo chu kỳ mặt trời, chu kỳ 1 năm của lịch Solar chia làm 18 tháng, mỗi tháng có 20 ngày, tổng cộng 1 năm có 360 ngày. Đặc biệt họ có thêm vào lịch năm Solar một đơn vị khác gọi là Uayed, một Uayed có 5 ngày. Và loại lịch thứ hai mà người Maya sử dụng gọi là ritual (hay Tzolkin), dùng cho mục đích tổ chức các lễ hội, nghi lễ tôn giáo, xem tử vi. Lịch này sử dụng tên một số biểu tượng của loài vật, bao gồm 13 số và 20 biểu tượng, tổng cộng chu kỳ một năm là 260 ngày.
Người Maya sử dụng kết hợp giữa 2 loại lịch này để ghi nhận ngày tháng. Chu kỳ một vòng lịch của người Maya được tính khá dài, sẽ là 52 năm solar (52 x 365 ngày = 18.980 ngày), hoặc bao gồm 73 năm ritual (73 x 260 ngày = 18.980 ngày). Có thể nói, lịch Maya khá độc đáo và thích hợp cho những cư dân nông nghiệp. Tính chính xác và huyền bí của nó vẫn còn lan truyền cho đến tận ngày nay.
Bài & ảnh: Tuệ Nghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét