Và may mắn lại được đến lần thứ hai vào mùa xuân, khi những cành hoa anh đào khoe sắc bên hồ Tidal Basin, bên dòng sông Potomac. Hàng ngàn cây anh đào cổ thụ ở đây do chính phủ Nhật Bản tặng thủ đô Washington, D.C. vào năm 1930.
Washington, D.C. như trở nên lộng lẫy hơn sau những ngày đông giá lạnh. Lúc này người dạo bộ rất đông trên những con đường trong công viên Nation Mall, khu vui chơi mở rộng với tượng đài George Washington hay quanh tượng đài kỷ niệm Lincoln, đài tưởng niệm Franklin Delano Roosevelt, nhà tưởng niệm Thomas Jeffeson..
Đặc biệt tại khu tưởng niệm các chiến binh Mỹ đã mất trong chiến tranh VN, có rất nhiều bà mẹ luống tuổi, những người cha già yếu dắt theo những đứa trẻ tìm đến tên tuổi người thân.
Trước khi đặt chân lên đất nước giàu có với dân số trên 350 triệu người (tính đến năm 2015), tôi đã nghĩ thủ đô Washington, D.C. chắc to lớn lắm cả về dân số lẫn diện tích, với những tòa nhà chọc trời, những cao ốc choáng ngợp… Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Washington, D.C., thủ đô Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được thành lập ngày 16.7.1790, lúc bấy giờ mang tên chính thức District Columbia (viết tắt DC), có nghĩa là đặc khu Columbia (không dịch là quận, dễ nhầm với quận Columbia của các bang khác).
Thành phố Washington lúc đầu là một đô thị tự quản riêng biệt bên trong lãnh thổ Columbia. Đến năm 1871, một đạo luật của quốc hội Mỹ ban hành có hiệu lực đã kết hợp thành phố Washington và lãnh thổ này thành một thực thể duy nhất với tên gọi: đặc khu Columbia. Đó là lý do giải thích về tên gọi là Washington, D.C., thành phố Washington - đặc khu Columbia.
Thành phố nằm bên bờ sông Potomac xinh đẹp, chung biên giới với tiểu bang Virginia ở phía tây nam, các phía còn lại giáp với tiểu bang Maryland. Nếu tính cả vùng đô thị Washington gồm toàn thành phố (trong đó có Washington, D.C.), dân số khoảng 5,3 triệu người, với diện tích 177 km2, trong đó diện tích mặt đất 169 km2, phần còn lại là mặt nước, là vùng đô thị lớn thứ 8 của Mỹ (diện tích Hà Nội: 3.328 km2, lớn gấp hơn 17 lần so với Washinhton, D.C.).
Một điều khiến nhiều người ngạc nhiên, khi ai cũng nghĩ thủ đô của một đất nước giàu có, hiện đại nhất ắt sẽ có những cao ốc chất ngất chẳng thua kém gì New York. Nhưng không, từ trên máy bay nhìn xuống không có một ngôi nhà nào cao quá tòa nhà quốc hội Mỹ.
Đặc biệt ở khu phố cổ có những dãy phố với những ngôi nhà 2, 3 tầng khang trang, sạch đẹp, đường phố rợp bóng cây, những quán cà phê nhỏ nhắn, xinh xinh… trông rất lãng mạn, nên thơ. Nhiều người thường đến đây thư giãn, nhất là vào những ngày nghỉ.
Washington, D.C. không có cao ốc, bởi sau khi tòa nhà chung cư Cairo cao 12 tầng được xây dựng (năm 1899), năm 1900, quốc hội Mỹ liền thông qua một đạo luật về chiều cao nhà cao tầng không được xây cao quá tòa nhà Quốc hội.
Năm 1910, đạo luật này được sửa đổi nhằm hạn chế chiều cao của các tòa nhà chỉ bằng chiều rộng của đường phố kề bên cạnh, cộng với 6,1 m. Điều này thể hiện đúng nguyện ước của Tổng thống Thomas Jefferson: Muốn biến Washington, D.C. thành một “Paris” của Mỹ, với những tòa nhà thấp và tiện lợi, bên những đường phố sáng sủa, thoáng đãng, nhiều cây xanh.
Đến nay công trình kiến trúc cao nhất ở Washington, D.C. là đài tưởng niệm G.Washington (người Việt thường gọi tháp Bút chì). Việc hạn chế chiều cao của các tòa nhà khiến cho diện tích nhà ở rất hạn chế, giá nhà ở Washington, D.C. rất cao nên đã bị dân chúng chỉ trích gay gắt. Để khắc phục tình trạng trên,chính quyền thành phố đã cho xây các cao ốc ở cách xa trung tâm về phía bên kia sông Potomac, thuộc bang Virginia.
Một anh bạn Việt kiều kể rằng việc chọn vị trí đặt thủ đô của Mỹ cũng là một câu chuyện khá thú vị: Sau khi tuyên bố độc lập vào năm 1781, để có nơi làm việc cho chính phủ, năm 1790, quốc hội Mỹ chính thức chọn đặc khu Columbia (Distric Columbia - DC) làm thủ đô và đích thân tổng thống đầu tiên của Mỹ là George Washington trực tiếp chọn vị trí để xây dựng thành phố. Cũng chính tổng thống là người trực tiếp ký hợp đồng với kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị của quân đội Pháp - Pierre Charles L’Enfant - để lập quy hoạch cho việc xây dựng thành phố.
L’Enfant là một kiến trúc sư chịu nhiều ảnh hưởng của nghệ thuật kiến trúc Baroque hoa mỹ nên trong đồ án thiết kế xây dựng thủ đô Washington, D.C. của mình, ông đã đưa vào khá đậm nét phong cách nghệ thuật này.
Và vì nguyên nhân đó, ông đã bị chấm dứt hợp đồng trước khi đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng tòa nhà Quốc hội trên đồi Capitol. Bản quy hoạch thiết kế xây dựng thành phố của ông đã không được thực hiện. Tuy vậy, các hệ thống đường sá, đại lộ rộng lớn đều được bắt đầu từ tòa nhà Quốc hội và dinh Tổng thống, nay gọi là “Nhà Trắng”, tỏa đi khắp mọi nơi, được người kế nhiệm thực hiện theo ý tưởng của kiến trúc sư L’Enfant.
Trung tâm Washington, D.C. chính là tòa nhà Quốc hội trên đồi Capitol và “Nhà Trắng”. Nhà Trắng cao 3 tầng, gồm 100 phòng, trong đó có phòng “Bầu dục”, nơi làm việc của tổng thống Mỹ.
Nhà Trắng được khánh thành năm 1800, ở số nhà 1600, đại lộ Pensylvania. Đi dọc theo đại lộ Mall, du khách sẽ bắt gặp Nhà trưng bày Nghệ thuật quốc gia (National Gallery Art) và Quảng trường liên bang (Union Square) nằm đối diện với đồi Capitol, Thư viện Quốc hội (Liberary Congress)… Tối cao Pháp viện, Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều nằm quanh đồi Capitol.
Điều đặc biệt là tất cả các phố của thủ đô Washington, D.C. đều mang số thứ tự hoặc chữ cái, trừ các đại lộ cắt chéo qua thành phố được đặt tên của các bang như: đại lộ Chicago, đại lộ Texas…
Toàn thành phố có khoảng 300 đài tưởng niệm, trong đó có 3 công trình vĩ đại nhất là: Tượng đài Washington, Lincoln và Jefferson. Đây là 3 vị tổng thống nổi tiếng của Mỹ trong số 45 tổng thống kể từ khi tuyên bố độc lập, cho đến nhiệm kỳ của tân Tổng thống D.Trump.
Thủ đô Washington, D.C. được chia thành nhiều khu dân cư riêng biệt. Phía bắc chủ yếu là nơi cư ngụ của công chức thành phố, những tầng lớp trung lưu da trắng. Khu phố cổ nhất của Washington và cũng là khu sang trọng quý tộc nhất, gọi là George Town, dành cho những người giàu có, tầng lớp thượng lưu, các đoàn ngoại giao.
Phía tây nam, nằm bên kia sông Potomac có Trung tâm biểu diễn F.Kennedy với 3 nhà hát kịch nói, nhà hát opera và nhà hát ca múa nhạc. Phía đông bắc là khu trú ngụ của những người lao động da đen nghèo khổ. Phía đông nam cũng có một số gia đình người da màu ở và một số biệt thự dành cho những nhân viên cao cấp của chính phủ.
Washington, D.C. không chỉ là trung tâm hành chính quốc gia mà còn là trung tâm văn hóa, ngoại giao, giáo dục với 9 trường đại học, trong đó có nhiều trường nổi tiếng.
Mạnh Thường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét