Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Dệt lụa một nét văn hóa Lào

Nghề dệt lụa truyền thống từ hàng nghìn năm của Lào thật sự phát triển mạnh mẽ từ một thập niên qua và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn phụ nữ, những người có thể kiếm được cuộc sống ổn định và sung túc từ việc dệt vải.

Trong cuốn sách “Lào, dệt lụa và truyền thống”, tác giả Marie Connon viết: “Phụ nữ dệt cuộc sống và những khát vọng thành những sản phẩm lụa. Họ mơ ước có người chồng chung thủy, nhiều con cái, những cánh đồng tốt tươi, phì nhiêu và tránh xa ma quỷ và bệnh tật. Tất cả được phản ánh trong các biểu tượng, hình mẫu được dệt nên trên mảnh lụa, tấm vải”. Trang phục truyền thống có màu sắc rực rỡ, chất liệu mềm óng được may từ lụa được người dân Lào mặc không chỉ khi tham gia các chương trình, lễ hội văn hóa mà còn trong cả cuộc sống thường ngày. Đồng phục dành cho những người làm việc trong các trường học, nhà máy, cơ quan hành chính ở Lào đều được may bằng phạ sịn, một loại vải lụa sặc sỡ và cao cấp.

Dệt lụa là nghề truyền thống từ hàng nghìn năm của Lào.

Một trong những sản phẩm lụa thường được phụ nữ Lào sử dụng hằng ngày là váy sịn. Mỗi mảnh vải dệt dài 1,8 mét được hoàn thiện trong một tuần với nhiều kiểu cách được thay đổi theo mỗi vùng miền ở Lào. Loại vải này rất được khách du lịch yêu thích. Sản phẩm như khăn lụa thêu thường mất từ hai đến năm tuần mới hoàn thành, tùy thuộc vào kích cỡ. Còn chất liệu cotton cũng được dệt lẫn với lụa trong các sản phẩm nội thất gia đình. Màu sắc của vải lụa vẫn là màu tự nhiên được chiết xuất từ lá và vỏ cây. Đàn ông thường tham gia vào quá trình nhuộm vải. Còn công việc dệt giao cho phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm. Vải ở mỗi vùng dệt có những đặc điểm nổi bật về sắc màu, thiết kế hoa văn độc đáo nhưng đặc biệt là đều dựa trên cách trang trí hoa văn truyền thống của Lào. Một số thiết kế được yêu thích mang các biểu tượng hình con vật, côn trùng, cây cối, hoa lá…

Sản phẩm dệt lụa từ các nơi được đưa về tiêu thụ chủ yếu tại các chợ ở thủ đô Viêng Chăn, nhiều nhất là chợ Sáng - trung tâm thương mại lớn đối diện trung tâm bưu điện thành phố và là địa điểm quen thuộc để du khách lựa chọn mua sắm mỗi dịp đến với đất nước Triệu Voi tươi đẹp và mến khách. Điều thú vị nhất là du khách được đi vòng quanh chợ Sáng một cách dễ dàng, bằng cách thuê một chuyến xe tuk tuk…

Nghề dệt lụa đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn phụ nữ.

Một trong địa điểm đến ngắm lụa Lào là vila của bà Carol Cassidy tại Viêng Chăn. Bà tham gia ngành công nghiệp lụa Lào từ đầu năm 1989. Bà Cassidy và gia đình chuyển tới sống ở Lào từ Môdămbích, nơi bà là một tư vấn ngành dệt cho Tổ chức Lao động quốc tế và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc. Tại Lào, bà truyền đạt các kinh nghiệm hơn 30 năm thiết kế và dệt lụa bằng tay. Trong quá trình làm việc với các nhà thiết kế lành nghề ở Lào, kỹ thuật dệt của bà kết hợp phong cách truyền thống và hiện đại cùng với sự phối hợp màu sắc đa dạng và đặc sắc. Từ sự hỗ trợ và hướng dẫn của bà và các nhóm thợ dệt chuyên nghiệp, những người dân sống ở các vùng nông thôn ở Lào đã có công việc ổn định và cho ra đời nhiều bộ sưu tập lụa độc đáo. Các sản phẩm lụa Lào này không chỉ được trưng bày tại biệt thự của bà mà còn tại Viện Công nghệ thời trang New York, Bảo tàng dệt may Oasinhtơn và Bảo tàng nghệ thuật Philadelphia.

Trên thực tế, lụa là sản phẩm khá cầu kỳ, mềm mượt và luôn được yêu thích, nhất là khi được dệt bằng tay. Với ngành du lịch đang phát triển của Lào, áo quần, váy, khăn, túi xách và nhiều sản phẩm phong phú bằng lụa khác được dệt hoàn toàn bằng tay ngày càng được ưa chuộng trên thị trường. Các sản phẩm dệt lụa từ xứ sở hoa Chămpa nhiều năm nay đã được đưa đi tham dự các cuộc triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ ở Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Ôxtrâylia... Các sản phẩm lụa Lào đạt tiêu chuẩn về chất lượng ngày càng được xuất khẩu nhiều sang Nhật Bản và một số thị trường khác trên thế giới.

Hiện nay, có khoảng 50 nhóm cộng đồng ở Lào tham gia dệt lụa và mỗi nhóm đều có truyền thống dệt. Nhiều gia đình tích lũy vốn sản xuất đã liên tiếp tăng sản lượng lụa thô. Một chương trình thúc đẩy kinh tế trong ngành sản xuất lụa ở Lào đã được thực hiện, giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các địa phương, mở hướng phát triển cho các làng nghề, tăng thu nhập đáng kể cho các gia đình. Đó là bước thay đổi trong quá trình bảo tồn và phát triển dệt lụa, nghề sản xuất truyền thống. Thành công từ chương trình này tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh ngành công nghiệp lụa ở Lào và mở rộng thị trường lụa. Cùng với những ngành công nghiệp thực phẩm, kéo sợi bông, thuốc lá, đóng đồ gỗ, làm hàng thủ công mỹ nghệ…, dệt lụa là ngành công nghiệp thế mạnh đang phát triển ở Lào.



Bài và ảnh:Trần Duy Tân

Không có nhận xét nào: