Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

5 loại mì ramen thông dụng có thể bạn chưa biết

Nếu bạn là tín đồ của mì ramen Nhật Bản, bạn phải biết 5 loại cơ bản dưới đây, được phân biệt chủ yếu dựa trên các loại gia vị và nước dùng. 
Được biết đến là một trong những món ăn nổi tiếng nhất của ẩm thực Nhật Bản, nhưng trên thực tế, mì ramen lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Một số tài liệu cho thấy ramen xuất hiện ở Nhật từ đầu thế kỷ 20, nhưng một số tài liệu khác lại khẳng định sau Thế chiến thứ hai, lính Nhật về nước đã mang theo một món ăn từng là đồ ăn đường phố yêu thích của người Trung Quốc. Ngày nay, trên khắp nước Nhật, người ta đã có những cách chế biến khác nhau để tạo thành món ăn của riêng mình với nhiều loại nước dùng, sợi mì, gia vị và đồ ăn kèm. Có 5 loại mì ramen nổi bật nhất của người Nhật mà bạn nên thử. 
1. Mì tương dầu Shoyu
5-loai-mi-ramen-thong-dung-co-the-ban-chua-biet
Thông thường, bạn sẽ nhận biết các loại mì ramen theo màu sắc và mùi vị của nước dùng. Nước dùng trong mì Shoyu có gốc là xì dầu với màu nâu nhạt. Thông thường, Shoyu ramen ăn kèm mì xoăn, thịt lợn, một ít rau, rong biển... Đây là loại mì khá phổ biến, nhất là nếu đến Tokyo, bạn sẽ bắt gặp mì Shoyu ở khắp mọi nơi. 
2. Mì xương hầm - Tonkotsu
5-loai-mi-ramen-thong-dung-co-the-ban-chua-biet-1
Tonkotsu thường được biết đến với tên là "xương thịt lợn". Loại nước dùng của mì này thường có màu trắng đục. Màu sắc và hương vị của nước dùng phụ thuộc nhiều vào độ sôi của xương lợn và mỡ lợn ninh ở nhiệt độ cao trong nhiều giờ, có nơi được ninh trong khoảng 20 tiếng. Một số người còn so sánh nước dùng của mì Tonkotsu như là kem sữa. 
3. Mì muối Shio
5-loai-mi-ramen-thong-dung-co-the-ban-chua-biet-2
Nước dùng có vị mặn của Shio được coi là loại nước dùng mì ramen lâu đời nhất ở Nhật. Trên thực tế, Shio được hiểu là "vị mặn của muối" và muối biển là dạng gia vị mì truyền thống. Thông thường, một bát mì Shio thường được nấu với thịt gà hoặc thịt lợn. Bạn có thể xác định được loại nước dùng này nhờ vị mặn đặc trưng và màu vàng khá rõ. Thông thường Shio ramen sẽ được ăn kèm rong biển. Nhưng có một lời khuyên, nếu bạn cần ăn nhạt, hãy tránh xa loại ramen này. 
4. Mì Miso
5-loai-mi-ramen-thong-dung-co-the-ban-chua-biet-3
Có nguồn gốc từ Hokkaido, Nhật Bản vào khoảng thập kỷ 60 của thế kỷ trước, nước dùng Miso được coi là loại nước dùng mì "trẻ" nhất ở Nhật. Không giống những loại khác, loại nước dùng thiên về vị ngọt nhẹ này hoàn toàn là "phát minh" của người Nhật và mang đậm đặc trưng Nhật Bản. Mì ramen Miso ăn cùng sợi mì dày, xoăn và dai. 
5. Mì chấm Tsukemen
5-loai-mi-ramen-thong-dung-co-the-ban-chua-biet-4
Loại mì ramen này khá thú vị bởi mì và nước dùng được phục vụ riêng. Bạn sẽ ăn theo dạng nhúng, không phải chan sẵn. Nước dùng có thiên hướng đậm hơn để khi mì nhúng vào sẽ vẫn đảm bảo vị ngon và không bị nhạt. Cách dùng mì dạng này khá đặc biệt nên cẩn thận thì bạn sẽ phải ăn theo kiểu thử vài ba sợi, trước khi ăn hết cả bát. 
Linh Hương

Mỳ ramen và cách ăn đặc biệt của người Nhật

Mỗi khi thưởng thức mỳ ramen, người Nhật thường thích ăn ở các quán nhỏ trong tiếng húp, nuốt ồn ào của những người xung quanh.
my-ramen-3-7664-1430728040.jpg
Tô mỳ ramen dành cho người lao động bình dân ở Nhật. Ảnh: thesquarefood.
Người Nhật có ba loại mỳ gồm soba là loại mỳ sợi nhỏ, udon là loại mỳ sợi to làm bằng bột lúa mạch ba góc. Tuy nhiên ramen mới là loại mỳ nổi tiếng nhất, được làm theo kiểu Trung Quốc luôn được ăn với nước dùng nóng, các lát thịt heo xá xíu và rau.
Đối với người Nhật, mỳ ramen gắn liền với lịch sử của đất nước họ. Nó là món ăn của người nghèo và của thời buổi khan hiếm. Nó cũng đã nuôi sống nhiều thế hệ sinh viên túng tiền. Ngay cả hiện nay, nếu ta hỏi một đứa bé muốn ăn gì, thì câu trả lời sẽ thường là: mỳ ramen.
Các tô mỳ ramen xuất hiện ở Nhật vào nửa sau của thế kỷ 19 ở các hải cảng như Yokohama, nơi có nhiều người Trung Quốc đến lập nghiệp. Chính họ đã đưa món mỳ ramen vào Nhật. Nhưng món mỳ ramen chỉ thực sự được nhiều người Nhật ưa thích từ sau thế chiến II, sau khi xuất hiện trong phim Hương vị cơm ăn với nước chè xanh (1952) của Yasujiro Ozu. Và mỳ ramen lại càng phổ biến hơn nhờ sự xuất hiện của loại mỳ ăn liền đựng trong cốc làm bằng bìa cứng, được tung ra thị trường vào năm 1970.
my-ramen-4-6960-1430728040.jpg
Các loại mỳ ramen đóng gói ăn liền được bán rất nhiều ở siêu thị của Nhật. Ảnh: cakechooser.
Cùng với sự phồn vinh của Nhật, món mỳ ramen trở nên đa dạng hơn, với các gia vị của riêng mỗi vùng: có đến 28 tỉnh (trên 47 tỉnh) đã tạo ra được món mỳ đặc sản. Trong phim Tampopo (1982), đạo diễn Juzo Itami đã ca ngợi hết lời nghệ thuật mỳ ramen.
Dù rất bình dân, món mỳ này vẫn được nhiều người sành ăn ca ngợi. Rất nhiều sách hướng dẫn, tạp chí, chương trình truyền hình, trang web hay sách hình chuyên bàn về nó, giới thiệu các món mỳ đặc biệt và các cách làm mỳ. Thành phố Yokohama dành cho nó cả một bảo tàng. Còn có cả các lộ trình nên theo để tìm được các quán mỳ ngon: giống như trong các cuộc hành hương đến các ngôi chùa danh tiếng, những người mê ăn mỳ thường yêu cầu chủ quán đóng dấu vào một cuốn sổ để chứng thực là họ đã từng đến ăn!
my-ramen-5-1534-1430728040.jpg
Mỳ ramen thường được bán trong các quán nhỏ, ấm cúng và sạch sẽ. Ảnh: postcity.
Khi đói bụng, để không tiêu quá nhiều tiền hay cần một món ăn nóng sau một tối nhậu say người Nhật sẽ không ăn sushi hay các món ăn cầu kỳ, mà ăn một tô mỳ ramen. Các tiệm mỳ ramen hiện diện gần như ở khắp nơi: có đến hơn 4.000 tiệm ở Tokyo và hơn 200.000 tiệm ở cả nước Nhật.
Muốn ăn một tô mỳ ramen ngon nhất, thực khách hãy chọn các quán cóc với những chiếc ghế đẩu thô sơ. Thông thường, người chủ tiệm tự làm các tô mỳ rồi dọn cho khách. Theo những người sành ăn, cái ngon của tô mỳ ở cả trong nước lèo nấu bằng xương lợn.
Để thưởng thức mỳ ramen, phải thích cái không khí và sự chung đụng của các quán nhỏ, phải thích tiếng húp, nuốt ồn ào của các người ăn, điều mà người châu Âu vốn cho là thô tục. Nhưng ở Nhật mọi tầng lớp xã hội đều ăn mỳ như thế cả, thỉnh thoảng mới nghe vài câu nói ngắn, vì mọi người đến đó không phải để trò chuyện.
my-ramen-1-8949-1430728041.jpg
Sức quyến rũ khó cưỡng của một tô mỳ ramen thịt gà cầu kỳ.
Khuôn mặt của người ăn thường biến mất sau tô mỳ, được nâng lên đến tận miệng để không một giọt nước lèo hay một sợi mỳ nào bị rơi xuống đất. Nó chỉ hiện ra trở lại sau khi tô mỳ sạch bóng được trả lại cho chủ quán. Rất hài lòng, người vừa ăn xong mỉm cười khoái trá.
Tất cả những điều vừa miêu tả đúng là không mấy “thanh lịch”, nhưng đối với đa số người Nhật, phải ăn mỳ như thế thì mới ngon.
Mimi tổng hợp   

Không có nhận xét nào: