Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Quần thể kiến trúc cổ trên núi Võ Đang

MINH CHÂU
(Ngày Nay) - Núi Võ Đang hay còn gọi là núi Thái Hòa nằm ở phía Nam thành phố Thập Yển, Tây Bắc của tỉnh Hồ Bắc. 
Nơi đây được coi là một trong những cái nôi võ thuật của Đạo giáo với Thái Cực quyền và Bát Quái chưởng được phát triển từ thế kỷ 13. Có lẽ vì thế mà tục ngữ Trung Hoa có câu: "Bắc tôn Thiếu Lâm, Nam sùng Võ Đang” dùng để chỉ vị thế của Võ Đang phái và Thiếu Lâm phái.
Ngọn núi chính là Hải Bạt cao 1.612m, chu vi hơn 800 dặm. Đây là khu phong cảnh rất nổi tiếng, là đất thánh của võ thuật Đạo giáo (đạo thờ Lão Tử tức Thái thượng lão quân). Đạo giáo ở Võ Đang sơn bắt đầu từ đời Chu do Doãn Hy mở.
Quần thể kiến trúc cổ trên núi Võ Đang - ảnh 1
Theo truyền thuyết, Doãn Hy về ở ẩn tại Võ Đang sơn dưới chân vách đá Tam Thiên Môn. Đời Hán có Mã Minh Sinh, Âm Trường Sinh hai thầy trò cùng đến tu đạo ở núi Võ Đang. Từ đó trở đi những người ở ẩn, người thanh cao… đều đến tu đạo tại đây. Đạo giáo ở núi Võ Đang thịnh vượng nhất vào thời Minh. Việc này có quan hệ trực tiếp đến việc cướp ngôi vua của Yên vương Chu Đệ và việc đề xướng tín ngưỡng đức Chân Võ...
Trên núi Võ Đang có rất nhiều đại điện nổi tiếng như Tịnh Nhạc cung, Cổ Đồng cung, Huyền Thiên Ngọc Hư cung, Tử Tiêu cung, Kim Điện cung... Hầu hết tất cả các đại điện và những tòa nhà cổ ở đây đều được bảo tồn khá nguyên vẹn. Ngoài các tòa nhà cổ xưa, núi Võ Đang còn lưu giữa hơn 7.400 di tích văn hóa quý giá. Đặc biệt là các di sản văn vật Đạo giáo nổi tiếng mang ý nghĩa văn hóa sâu xa.
Quần thể kiến trúc cổ trên núi Võ Đang - ảnh 2
Tử Tiêu cung là cung điện nổi tiếng nhất, có quy mô lớn nhất, các ngôi nhà cũng được bảo tồn nguyên vẹn nhất trên núi Võ Đang. Quần thể kiến trúc này hiện có 29 tòa nhà được bố trí trên một sân thượng rộng 6.854 mét vuông.
Nanyan (Nam Nham) cung nằm ở một trong những khu vực đẹp nhất núi Võ Đang.
Biểu tượng của núi Võ Đang chính là ngôi đền vàng Kim Điện làm bằng đồng mạ vàng nặng đến 405 tấn, được xây dựng trên đỉnh núi vào năm 1416.  Trải qua các triều đại, ngôi đền vẫn toát lên vẻ cổ kính, trầm mặc và lộng lẫy. 

Năm 1994, công trình cổ trên núi Võ Đang được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa thế giới. 

Không có nhận xét nào: