Hành trình nghệ thuật
Mỗi đoàn tàu chở khách ở Sri Lanka có tầm 6 - 7 toa, có thể tăng tốc lên đến 100 km/giờ. Toa tàu đủ loại từ thượng hạng máy lạnh, ghế to và mềm mại chuyên phục vụ các đoàn khách nước ngoài tới những toa bình dân ghế cứng hơn, được làm mát bằng gió trời.
Chuyến tàu từ Ella, nơi trồng chè nổi tiếng của Sri Lanka về đến thủ đô Colombo chỉ dài 260 km, nhưng để ngắm đoạn đường xe lửa được mệnh danh đẹp nhất nhì thế giới thì bạn phải ngồi hơn 8 tiếng trên tàu. Với giá vé khoảng 100.000 - 200.000 đồng, hầu như các chuyến tàu không phục vụ ăn uống. Sri Lanka khánh thành tuyến xe lửa đầu tiên nối Colombo với Kandy dài 54 km năm 1867 với mục đích chính là vận chuyển chè, cà phê từ cao nguyên xuống thủ đô. Những đồi chè chập chùng ngoạn mục của miền cao nguyên Central Province quanh thành phố Kandy cũng chính là cái cớ đưa tôi đến với đường sắt Sri Lanka.
Di sản đường sắt vẫn là một nét uốn lượn không thể tách rời với các trang trại trồng chè bạt ngàn của Central Province. Lúc tàu còn ngoài các tỉnh lỵ khác thì không nói, chứ một khi đã tiến vào Central Province, ô cửa sổ bên toa xe của bạn bỗng dưng thay đổi, mát mắt với những đồng cỏ xanh ngắt, đồi chè rồi núi non phủ rậm rì những rừng thông thiên nhiên, thỉnh thoảng điểm xuyết một dòng thác bạc rộn rã, tất cả diễu hành trước mắt như một bức tranh.
Từ 54 km ban đầu, ngày nay hệ thống đường sắt Sri Lanka đã kéo dài thành 1.508 km. Ngoài phong cảnh thiên nhiên trải dài hai bên cửa sổ toa tàu, dọc đường bạn còn được chiêm ngưỡng một số công trình nhân tạo cực kỳ đặc sắc như cây cầu Chín Đoạn - Nine Arches Bridge - và nhà ga Demodara với lối kiến trúc thời thuộc địa duyên dáng, đẹp đến nín thở mỗi khi có đoàn tàu khác đến cùng những tiếng còi rộn vang.
Cơ hội giao lưu văn hóa
Những khi tạm đủ với cảnh đẹp bên đường, tôi lại chú mục quan sát sinh hoạt của những người bản địa đi cùng toa, hoặc lắng nghe họ trò chuyện dù hoàn toàn không hiểu gì. Ngồi với dân bản địa là một nét thú vị của những chuyến du hành bằng xe lửa. Cả đứng lẫn ngồi bao quanh tôi là một nhóm các bà, các cô với làn da đồng hun đặc trưng và những bàn tay sần bám đất.
Cũng như xe lửa ở Việt Nam, họ nhường chỗ cho nhau hoặc giành chỗ của nhau, hòng thêm cho đứa con nhỏ xíu của mình một chút thoải mái, một tay khư khư lấy cái giỏ giả da hoặc vải sờn cũ, tay kia nắm chặt bàn tay bé tí của những nhóc tì chỉ chực chồm ra phía cửa sổ. Câu chuyện rì rầm của họ trộn lẫn với âm thanh xình xịch của toa tàu như không bao giờ kết thúc, có khi sẽ đưa bạn vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Nhưng bạn sẽ không ngủ được quá lâu. Chuyến tàu từ Ella đi Colombo xuyên qua hơn 20 quả núi. Mỗi lần đoàn tàu chui qua núi tối om om, đám con nít Sri Lanka, ngay cả mấy chú nhóc choai choai, có cái lệ thi nhau hét ầm ĩ không phải vì sợ mà chỉ để giải tỏa cái năng lượng tinh nghịch “trẻ trâu”. Trên những chuyến tàu dài, đám trai làng bản địa thỉnh thoảng còn tụ lại ở đầu một toa nào đó. Có khi đến một tá gã, để cùng nhau hát, vỗ tay, đánh nhịp chập cheng bằng bất cứ thứ gì vớ được. Cuồng nhiệt và quyến rũ đến nỗi, những khách du lịch trẻ tuổi đến từ khắp nơi trên thế giới cũng hát theo. Náo nhiệt cho tới khi hết một “album” cũng là vừa lúc thấm mệt thì ai lại về chỗ nấy. Một chú trung niên biết tiếng Anh ngồi gần chỗ tôi nháy mắt: “Cứ đi chuyến dài là sẽ được thưởng thức đại nhạc hội!”. Lúc ấy, tôi lại thầm mong cái văn hóa hát hò dễ thương này sẽ diễn ra trên các chuyến xe lửa đường xa ở quê nhà.
Xe lửa ngừng ở Haputale, một nhóm khách Tây xuống ga chắc để bắt đầu chuyến hành hương đến Adam’s Peak, một đỉnh núi cao hơn 2.200 m ở Sri Lanka. Hễ đến Sri Lanka, những người trẻ đều kháo nhau cần chinh phục Adam’s Peak, để ngắm cảnh bình minh tuyệt vời, để biết mình còn trẻ, còn khỏe và để thêm yêu Sri Lanka. Một người địa phương lên tàu bán vài thứ rau củ “nhà trồng”.
Tôi thử hỏi một chú ngồi gần vừa mua mớ rau, giá chỉ bằng khoảng 1/5 bên xứ mình, và chú lắc đầu cười theo cái kiểu rất đặc trưng Sri Lanka khi nghe tôi đề cập đến “hóa chất”. Lác đác có vài anh hàng rong rảo dọc các toa xe bán đồ ăn thức uống cho khách. Vài người khách mua đồ ăn vặt. Khi mở ra ăn, họ đều mời vài người chung quanh dù không quen biết. Tôi cũng được mời vài lần như vậy, dù từ chối nhưng cử chỉ ấy của người bản địa đã để lại trong tôi một kỷ niệm nhỏ thú vị.
Hạc Lệ Quyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét