Có muôn vàn câu hỏi đón chờ khi bạn bước chân vào một gánh mì rong ở Thái Lan. Thịt bò hay thịt lợn? Mì sợi to hay sợi nhỏ? Mì gạo hay mì trứng? Chan nước hay ăn khô? Nước trong hay nước dùng có tiết? Cay hay không cay?
Dưới đây là những loại mì vô cùng tiêu biểu của Thái Lan!
KUAYTIAW TOM YAM (ก๋วยเตี๋ยวต้มยำ)
Các fan của món Tom Yam hẳn sẽ rất vui mừng khi biết, nước dùng Tom Yam có thể dùng để chan các loại mì. Dù bạn chọn mì gạo sợi nhỏ như sợi miến, cho tới bánh đa trắng to như sợi phở, hay mì vàng thì vẫn có tô mì ngon như thường. Một bát Kuay Tiew Tom Yam là tổng hòa của đủ vị chua, cay, mặn, ngọt. Ăn kèm với mì thường là thịt lợn băm hoặc thịt lợn xá xíu thái lát mỏng, thịt viên, trứng luộc lòng đào và một miếng sủi cảo rán giòn, kèm theo một chút hành lá thái nhỏ.
BAMII (บะหมี่)
Nếu cả Thái Lan chỉ có một tiệm mì duy nhất, thì chắc chắn tiệm mì đó sẽ bán Bamii. Với nền cơ bản là nước dùng trong veo từ nước ninh xương, có vô vàn biến thể của món ăn này, từ nguyên liệu mì: mì trứng, mì gạo, bánh đa, cho tới thịt ăn kèm: thịt lợn quay, thịt vịt nướng, thịt lợn xá xíu, sủi cảo... Thế nên không cần bàn cãi khi nói Bamii là món mì phổ biến nhất Thái Lan.
Tùy theo vùng miền mà các gia vị được gia giảm ít nhiều, tuy nhiên món ăn không thể được phục vụ nếu thiếu chút hành mùi thái nhỏ, tiêu bột, tỏi chiên và một chút dầu tỏi. Những khách hàng thích vị đậm đà của các loại gia vị trên có thể gọi mì và nước dùng riêng.
KHANOM JIIN (ขนมจีน)
Khanom jiin, cũng có thể coi là một trong những món ăn vỉa hè rẻ nhất và được ưa chuộng nhất của người Thái, là món bún được ăn kèm với các loại nước sốt cà-ri cay nồng (thường có nhiều vị như cá, tôm, cua hoặc dừa). Nhưng nếu chỉ có vắt bún con đặt trên đĩa sâu lòng, chan thêm nước sốt sền sệt từ gia vị cà ri và cốt dừa thì món ăn này đã không được ưa chuộng đến thế.
Ăn cùng với Khanom Jiin là rau, một nguyên liệu khá hiếm trong ẩm thực của người Thái nói chung. Rau sống ăn kèm với Khanom Jiin lại không phải các loại rau gia vị như của người Việt Nam mà bao gồm các loại rau củ tươi sống: cà pháo, cà chua, giá đỗ, lá xoài non, đậu đũa, bắp cải thái sợi và dưa chua. Vị chua và thanh mát của bún rau sẽ làm dịu đi cơn hương vị nồng, đôi lúc là cay tới xé ruột của cà ri, để rồi ăn một miếng là lại phải xuýt xoa ăn thêm miếng thứ hai thứ ba... khó thể dừng lại.
KHAO SOI (ข้าวซอย)
Là món ăn đặc trưng của vùng Bắc Thái, cụ thể là khu vực Chiang Mai, Chiang Rai, Pai... Khao Soy gồm mì vàng chan nước cà ri cốt dừa đặc và sánh, thơm ngậy, ăn cùng các loại thịt theo ý thích (thịt lợn nướng, hải sản, xúc xích cay, gà...) dưa chua, hành tím thái nhỏ. Trước khi được dọn ra đầu bếp sẽ đặt một chút mì vàng chiên giòn lên trên cùng, vừa để trang trí vừa tăng thêm tính cầu kỳ của món ăn.
Mỗi một miếng Khao Soy vừa có sự mềm mại, vừa có chút giòn giòn, vừa có vị hăng của hành, vừa có vị ngọt của cốt dừa, tạo nên một món ăn không thể lẫn đi đâu được. Để hương vị thêm hòa hợp với dưa chua, khách hàng có thể vắt thêm chút cốt chanh từ miếng chanh mà đầu bếp đã tinh ý để sẵn bên cạnh. Và, thế là món ăn đã hoàn tất, mời các thực khách xơi.
KUAY JAP (ก๋วยจั๊บ)
Kuay Jap là món ăn có nguồn gốc từ người Triều Châu tồn tại lâu đời trong lòng Bangkok. Mì được sử dụng trong món Kuay Jap thường là mì gạo được cán mỏng thành lá và cắt hình vuông, ăn cùng với thịt lợn và nội tạng hầm nhừ. Phần nước dùng có hay lựa chọn, Nam sai là nước dùng trong suốt được ninh từ xương lợn, Nam khon là nước dùng có thêm ngũ vị hương, tuy nhiên với cả hai loại nước dùng, đầu bếp sẽ xức rất nhiều tiêu bột trước khi món ăn được phụ vụ.
Một chút hành mùi màu xanh và một miếng há cảo chiên màu vàng là điểm nhấn của món ăn thơm ngon này. Một phiên bản khác, tuy nhiên không phổ biến lắm, của món ăn này là KUAY JAP YUAN chính là món bánh canh của Việt Nam với giò thái miếng thay cho thịt lợn, có nơi cho thêm trứng cút luộc, trên cùng là hành khô hành lá. Có thể dễ dàng tìm thấy ở khu China Town.
Bốn món mì xào nhất định phải ăn khi đến "đất nước chùa vàng"
Bốn món mì xào nhất định phải ăn khi đến "đất nước chùa vàng"
Chỉ một gánh mì rong ở Thái Lan cũng đủ khiến bạn thoả mãn với hàng chục món mì từ mì nước đến mì xào cũng như nhiều lựa chọn về chất liệu mì cũng như độ cay.
1. Pad Thai
Pad Thai là một món ăn rất nổi tiếng của Thái Lan, món này xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng 50 món ăn ngon nhất thế giới (dựa theo tổng hợp của CNN năm 2011). Có một giả thuyết cho rằng món ăn này được bắt nguồn từ món phở xào Việt Nam khi những người lái buôn giữa hai nước giao thương buôn bán cách đây vài thế kỉ.
Một đĩa Pad Thai bao gồm sợi bánh đa ngâm mềm, xào với nước me, trứng, giá, đậu phụ rán thái nhỏ, thịt hoặc tôm tùy chọn. Khi đĩa thức ăn được dọn ra, đừng quên bỏ thêm một chút hẹ, vắt một chút chanh, rắc một thìa lạc và không thể thiếu món ớt bột, mới chuẩn vị Thái. Pad Thai được yêu thích bởi sự bùng nổ về hương vị, cân đối về mặt nguyên liệu và đương nhiên là vì sự phổ biến của nó trên các đường phố của đất nước Thái Lan.
2. Suki
Không như nguồn gốc chưa rõ ràng của món Pad Thai, Suki là món mì có gốc Nhật, với cái tên được rút gọn từ tiếng Nhật sukiyaki. Suki cũng là món mì Thái duy nhất chỉ sử dụng sợi miến chứ không thay thế bằng các loại mì khác.
Giữ nguyên cách nấu của người Nhật, nghĩa là hải sản thịt lợn, thịt bò thái mỏng và rau như cải thảo, hành lá, cải ngọt om trong hỗn hợp nước sốt trên một chiếc chảo gang không quá sâu lòng. Một quả trứng sống được đánh vào nước dùng để tạo độ sánh và các vân trứng màu sáng trong nước sốt. Gia vị ăn kèm với món ăn có thể là nước mắm, hạt tiêu dầu vừng, và tỏi .
3. Rad na
Món ăn gồm bánh đa bản to giống như bánh phở xào với thịt và rau, đậu phụ, tỏi, nấm rơm hoặc cải làn. Món sốt làm từ nước luộc thịt được quấy sền sệt bằng bột năng hoặc bột sắn, vừa sánh vừa thơm ngọt làm nên sự khác biệt của món ăn này. Khi xào, món ăn được gia giảm với nước tương, nước mắm và rất nhiều hạt tiêu.
Người Thái Lan thường rắc một ít đường, nước mắm, ớt thái lát ngâm giấm và bột khô ớt vào các món ăn. Tùy vùng miến mà món ăn có những những biến thể , trong đó có nơi sử dụng mì gạo thay vì bánh đa, hoặc sử dụng mì trứng chiên giòn ( mee grob ) và nước sốt giờ đây có thêm tác dụng làm mềm sợi mì.
4. Pad See Ew
Tên món mì này được dịch theo nghĩa đen là món xào với xì dầu. Đây là một món ăn có nguồn gốc từ cộng đồng người Hoa ở Thái, được người Thái du nhập vào bếp ăn và thêm thắt gia vị để trở thành một trong những món ăn phố biến nhấ,t. Cùng là nguyên liệu mì gạo như các món xào khác, nhưng trong Pad See Ew, màu cánh gián và hương thơm đặc trưng được tạo nên bởi hai loại nước tương: xì dầu và nước tương đen. Tuy nguyên liệu còn có thêm rau cả ngọt, trứng và thịt, món ăn này được xào khá khô, so với đa số các món mì xào khác có sử dụng sốt của Thái Lan.
Theo Tri Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét