Tại Ấn Độ, khi một người phụ nữ trở thành góa bụa, xã hội không cần biết người chồng chết vì lý do gì và người vợ nhanh chóng bị xa lánh, hắt hủi.
Vrindavan thuộc bang Uttar Pradesh, là một thị trấn nằm bên bờ sông Yamuna, cách Delhi (Ấn Độ) về phía đông nam khoảng vài giờ lái xe. Trong một ngôi đền đông đúc tại thị trấn này, cái tên đấng Krishana cùng Radha luôn xuất hiện trong mỗi câu cửa miệng của mọi người, kể cả khách hàng hương. Điều đó khiến không ít du khách lầm tưởng, đây là một miền đất thánh, là nơi để mọi người tới cầu nguyện tìm kiếm sự bình yên.
Cuộc đời của những người góa phụ Ấn Độ cũng trở nên tăm tối như chính nơi ở của họ vậy. Ảnh: BBC.
|
Trên thực tế, cái tên Vrindavan lại u tối hơn nhiều. Nó được mệnh danh là "thành phố của những góa phụ" - cái tên mà bất kỳ du khách nào khi nghe tới đều tò mò muốn ghé thăm, còn người dân Ấn Độ thì lắc đầu ngao ngán.
Trong xã hội Ấn Độ, những người phụ nữ góa chồng luôn bị kỳ thị. Họ bị đổ lỗi rằng đã để chồng chết trước mình, cho dù người chung chăn gối với họ chết vì bất kỳ lý do nào: bệnh tật, tai nạn... Khi chồng chết, họ đang từ một người phụ nữ hạnh phúc nhanh chóng trở thành người bất hạnh, rơi xuống tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Họ bị nhiều người ghét bỏ, thậm chí là bị con cháu đuổi ra khỏi nhà. Họ phải cạo trọc đầu, không được phép làm đẹp và luôn mặc một bộ sari màu trắng. Những góa phụ này không được đến đám cưới, các ca sinh đẻ vì cho rằng là hiện thân của điều kém may mắn.
Tại Vrindavan, người ta tin rằng cái chết sẽ mang lại sự cứu rỗi. Ảnh: Odd.
|
Và khi không còn chỗ nào để đi, không nơi nào tiếp đón, họ lại lặng lẽ đổ về Vrindavan - nơi đây được biết đến như chốn dung thân của những người góa bụa. Tại đây, họ có chỗ ăn, chỗ ở, được sống cùng những người chung cảnh ngộ. Công việc hàng ngày của họ là cầu nguyện và chờ đợi cái chết đến để giải thoát cho chính mình.
Tuy nhiên, cuộc sống trong các đạo tràng của thành phố không phải là một chiếc giường trải đầy hoa hồng cho những người phụ nữ cô đơn và bị bỏ rơi. Điều kiện sống của họ ở đây quá tồi tệ, không đủ ăn và bẩn thỉu. Hoàn cảnh buộc họ phải ra đường để ăn xin.
Những người già thì sống đến ngày để được gặp tử thần, những góa phụ trẻ thì phải đối mặt với nhiều đe dọa như bị lạm dụng tình dục hay nạn buôn bán người. Đôi khi, họ được những khách hành hương hoặc khách du lịch, biết đến tình trạng rồi ghé thăm, tặng chút tiền.
Mỗi người góa phụ sống ở Vrindavan đều mang trong lòng những câu chuyện buồn về gia đình. Ảnh: Odd.
|
Đến Vrindavan, nếu may mắn, du khách sẽ được những góa phụ già, ngồi vắt chân trên chiếc ghế nhỏ và kể cho nghe về cuộc đời của họ.
Saif Ali Das mới ngoài 60 nhưng dáng đi của bà đã bắt đầu nghiêng ngả. Chồng bà là một kẻ nghiện rượu và chết khi bà mới ngoài 40. Bà đã ở đây hơn 10 năm sau khi người con trai chết trong một cuộc tranh chấp đất đai.
Sondi là một góa phụ 80 tuổi, chồng bà mất khi bà còn trẻ và phải tự thân nuôi 4 đứa con. Nhưng rồi bà lại bị con dâu đuổi ra khỏi nhà.
Ngày nay, những góa phụ ở Ấn Độ không còn phải nhảy vào giàn hỏa thiêu xác chồng như trước kia. Nhưng cuộc sống của họ sau khi chồng chết vẫn rất khó khăn. Họ thậm chí còn bị gia đình chồng đuổi đi, thu lại của hồi môn hoặc không phân chia tài sản thừa kế.
Nhiều du khách cho biết họ thích đến Ấn Độ để khám phá, bởi nơi đây có những điều linh thiêng huyền bí. Tuy nhiên, bên cạnh những thứ đậm màu cổ tích như trong Nghìn lẻ một đêm kia, sự thật đau buồn về cuộc đời của hàng chục nghìn góa phụ tại Vrindavan vẫn khiến họ cảm thấy nặng nề.
Anh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét