Từ một khu vực thuần nông vào năm 1979, đồng bằng Châu Giang dần trở thành một trong những khu đô thị lớn nhất thế giới.
Năm 2008, chính phủ Trung Quốc tuyên bố quy hoạch Quảng Châu, Thâm Quyến, Đông Hoản, Triệu Khánh, Phật Sơn, Huệ Châu, Giang Môn, Trung Sơn và Chu Hải thành một siêu thành phố.
Hàng loạt dự án xây dựng hạ tầng được triển khai nhằm hợp nhất mạng lưới giao thông, năng lượng, cấp thoát nước và viễn thông của 9 thành phố. Với sự phát triển không ngừng sau đó, Ngân hàng Thế giới cũng đã công nhận đồng bằng Châu Giang là khu đô thị lớn nhất thế giới cả về quy mô dân số và diện tích.
Chính phủ Trung Quốc đang thi công hệ thống cầu-đường hầm dài hơn 48 km nối liền giữa thành phố Chu Hải với hai đặc khu hành chính Macau và Hong Kong. Hai bức ảnh từ trái sang phải cho thấy rõ sự thay đổi của khu vực đồng bằng Châu Giang sau 21 năm (từ năm 1979 đến năm 2000) thực hiện đô thị hóa.
Cảng Hong Kong năm 2015 (dưới) so với năm 1971. Hong Kong vốn là khu tự trị được đế quốc Anh trả cho Trung Quốc vào năm 1997 sau 99 năm thuê đất. So với năm 1971, đặc khu nay đã mở rộng diện tích ra phía biển do mật độ dân số tăng cao. Cụ thể năm 1980, dân số Hong Kong chỉ là 4,6 triệu dân nhưng con số này đã tăng vọt lên 7,3 triệu dân vào năm 2015.
Bán đảo Kowloon của Hong Kong nhìn từ đỉnh núi Fei Ngo Shan vào năm 2016 (trên) và năm 1964 . Với tốc độ phát triển nhanh chóng, Hong Kong trở thành khu vực có nhiều cao ốc nhất thế giới hiện nay.
Sự thay đổi của Thâm Quyến nhìn từ đồi Crest Hill (Hong Kong) vào năm 2015 (trên) và năm 1964. Thâm Quyến cũng là một trong những thành phố có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc với quy mô dân số tăng vọt lên 10,7 triệu người vào năm 2015 từ mức chỉ 58 nghìn người vào năm 1980.
Đại lộ đông tây Thâm Nam – huyết mạch giao thông chính của Thâm Quyến sau 30 năm (1985-2015). Cùng với sự phát triển của kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng của Thâm Quyến cũng được cải thiện mạnh mẽ.
Công viên Làng phong tục các dân tộc Cẩm Tú tại Thâm Quyến vào năm 2015 và năm 1991. Trong khi công viên này vẫn giữ lại công trình thu nhỏ của một số địa điểm du lịch nổi tiếng ở Trung Quốc, như Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, thì khu vực dân cư bên ngoài đã hoàn toàn thay đổi.
Quảng Châu là thành phố lớn thứ ba Trung Quốc và là thành phố lớn nhất khu vực đồng bằng Châu Giang. Năm 1949, Quảng Châu nổi bật với hai ngọn tháp của Nhà thờ Sacred Heart ở ngay trung tâm thành phố. Tuy nhiên đến năm 2015, hai ngọn tháp ấy lại hoàn toàn bị che lấp bởi những tòa nhà cao tầng.
Đông Phong, tuyến đường trung tâm của thành phố Quảng Châu được chụp vào năm 2015 và 1999. Giống như Hong Kong hay Thâm Quyến, quy mô dân số của Quảng Châu cũng tăng mạnh từ 1,9 triệu dân vào năm 1980 lên 12,5 triệu dân vào năm 2015.
Năm 2015, hàng loạt khu chung cư mọc lên như nấm xung quanh Đại lộ Nam Quảng Châu. Trước đó vào năm 1991, nơi đây vẫn chỉ là một khu đất nông nghiệp hoang sơ.
Kể từ khi người Bồ Đào Nha hợp pháp hóa hoạt động cờ bạc tại Macau vào những năm 1850, đặc khu hành chính này bắt đầu phát triển mạnh mẽ và được mệnh danh là "Monte Carlo của phương Đông".
Đây cũng là nơi duy nhất ở Trung Quốc các sòng bài được phép hoạt động. Mỗi năm, có tới hàng triệu lượt khách du lịch từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong đổ về Macau. Kết quả là, Macau vượt mặt Las Vegas trở thành nơi có doanh thu từ hoạt động cờ bạc lớn nhất thế giới. Dân số cũng theo đó tăng lên 548 nghìn người tính đến năm 2015. Trong ảnh vẫn là cây cầu Tổng đốc Nobre de Carvalho nhưng sòng bạc Lisboa của năm 1991 (dưới) ở trước mặt giờ đã biến thành tổ hợp khách sạn và sòng bạc khổng lồ Grand Lisboa vào năm 2016.
Kim Dung (theo Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét