Nếu bạn không tin rằng có thể nhìn thấy nước màu xanh khi mặt trời đã tắt hẳn, dù đã cụp, người chưa kịp đổ vào khu phố cổ Mostar sau bữa ăn trưa kiểu Balkan thường vào chiều muộn; bạn chỉ cần vừa chạy qua chạy lại cây cầu ấy vừa nốc một lon bia. Lập tức nhà cửa, hàng quán, cây cầu di sản và cả bóng tối sẽ biến mất, trước mắt bạn chỉ còn một dải lụa sáng lấp lánh và kéo dài vô tận trên con đường từ Tây sang Đông, từ Nam lên Bắc, con đường giàu màu sắc văn hóa và tôn giáo nhất châu Âu.
Cầu cổ trên sông Neretva
“Mảnh đất vô chủ”
Và bạn sẽ tự hỏi không biết có phải vì màu xanh rất đặc biệt của sông Neretva mà Stari Most (Cầu Cổ) có vẻ đẹp nổi bật hơn ngàn cây cầu khác mang cùng một sắc thái kiến trúc pha trộn của bán đảo Balkan. Trong hành trình hai tuần lễ từ biển Adriatic qua các nước thuộc Liên bang Nam Tư cũ mùa hè qua, chúng tôi định bỏ qua Serbia ở xa nhất, cần nhiều thời gian hơn để tìm hiểu, và Bosnia - Herzegovina (Bosnia), vì nghe tin nước này cũng như Serbia chưa cho phép những người có visa Schengen nhập cảnh hoặc quá cảnh. Nhưng khi vừa đọc được một thông tin chính thức của sứ quán Bosnia ở Australia rằng thị thực Schengen nhiều lần đã được chấp nhận ở nước này, chúng tôi vội vã mua vé xe buýt đi từ thành cổ Dubrovnik thuộc Croatia bên bờ Adriatic, rời biển vào thung lũng để tới Mostar. “Những người gác cầu” (nghĩa của thổ ngữ Mostari) là thành phố lớn thứ hai, thủ phủ của Herzegovina, một trong hai miền của đất nước non trẻ rộng vỏn vẹn trên năm chục ngàn cây số vuông và có bốn triệu dân, nhưng mang một cái tên dài dặc được viết rất nhiều kiểu theo ngôn ngữ của nhiều sắc tộc ở đây. Tên gọi này đã ấn một dấu định mệnh sinh tử cho một vùng lòng chảo ngập nắng gió của dãy Dinaric Alps – rằng nó chỉ thực sự tồn tại cùng với sự sống còn của những cây cầu và những huyền thoại kéo dài nhiều thế kỷ, mà đặc biệt nhất là Stari Most.
Mostar mang nhiều dấu tích lịch sử của một miền đất đa văn hóa, xứng đáng được gọi là tâm điểm giao hòa giữa hai nền văn minh phương Tây và phương Đông từ thời Trung cổ. Thành phố này chủ yếu được xây dựng dưới thời của đế quốc Ottoman từ thế kỷ 16. Cây cầu cổ được hoàn thành năm 1566, danh thắng nổi tiếng nhất ở đây, do kiến trúc sư lừng danh Kodja Mimar và học trò của ông thiết kế. Kèm theo đó là một câu chuyện rùng rợn, kể rằng cây cầu đá không lớn lắm này được xây dựng suốt chín năm, và kết thúc bằng việc sát hại những người thợ cầu, để những bí mật xây dựng không bị lộ ra ngoài.
Dù đã đọc qua nhiều thông tin như vậy, chúng tôi chỉ thực sự cảm nhận được bề dày lịch sử và văn hóa của Stari Most sau khi đặt chân lên cây cầu ấy, còn trước đó những gì thuộc về Bosnia đơn giản là hình ảnh một cuộc nội chiến được lưu lại ít nhiều trong ký ức. Những năm 1992-1995, tin tức về những cuộc giao tranh sắc tộc đẫm máu lan tỏa trên truyền thông khiến đất nước non trẻ này bất ngờ trở nên nổi tiếng, song cũng nhanh chóng mờ nhạt. Việt Nam lúc đó đang bận rộn trong thời kỳ hậu đổi mới, mở cửa rộng dần với nước ngoài sau khi Mỹ từ bỏ cấm vận và Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành. Dù rất xúc động và thương cảm, không ai có đủ thời gian theo dõi kỹ lưỡng những gì diễn ra trước, trong và sau một trong những cuộc huynh đệ tương tàn (theo đúng nghĩa của cụm từ rất cải lương này) cuối cùng và tàn khốc nhất thế kỷ 20. Càng không quan tâm tới một di sản xa vời, một cây cầu như bao cây cầu khác.
Thế nên khi ngồi trên chiếc xe buýt đường dài khá êm ái, chúng tôi chỉ lo nhìn bản đồ để nghiên cứu xem vì sao Bosnia hầu như không giáp biển (land locked), nhưng may mắn có một cửa ngõ – thị trấn Neum với gần 25 cây số bờ biển - nằm lọt thỏm trong đất Croatia. Chưa đầy trăm cây số, chúng tôi phải xuất nhập cảnh hai lần – vào rồi ra khỏi, lại vào rồi ra khỏi Croatia để chính thức đi vào lãnh thổ Bosnia. Dù vậy chúng tôi đã không có được một con dấu nhập cảnh kỷ niệm. Ai đó sau lưng, một phụ nữ Hồi giáo vốn sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ nhiều năm nay trở về quê, đang liến thoắng kể rằng mảnh “đất lành” này, nơi dân số vẫn thấp hơn trước khi chiến tranh xảy ra khoảng một triệu người, đang cố gắng mời gọi càng nhiều người bản xứ và du khách càng tốt. Thế nên anh cảnh sát biên phòng chỉ ngắm nghía rất kỹ hai cuốn hộ chiếu Việt Nam (chắc thấy lần đầu), rồi trả lại mà không đóng dấu. “Đúng là No Man’s Land* (mảnh đất vô chủ) thì có!”, tôi lầm bầm. Song chuyện này chỉ mở đầu cho những ngạc nhiên (nếu có thể gọi nhẹ nhàng như thế) tiếp theo.
Thế nên khi ngồi trên chiếc xe buýt đường dài khá êm ái, chúng tôi chỉ lo nhìn bản đồ để nghiên cứu xem vì sao Bosnia hầu như không giáp biển (land locked), nhưng may mắn có một cửa ngõ – thị trấn Neum với gần 25 cây số bờ biển - nằm lọt thỏm trong đất Croatia. Chưa đầy trăm cây số, chúng tôi phải xuất nhập cảnh hai lần – vào rồi ra khỏi, lại vào rồi ra khỏi Croatia để chính thức đi vào lãnh thổ Bosnia. Dù vậy chúng tôi đã không có được một con dấu nhập cảnh kỷ niệm. Ai đó sau lưng, một phụ nữ Hồi giáo vốn sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ nhiều năm nay trở về quê, đang liến thoắng kể rằng mảnh “đất lành” này, nơi dân số vẫn thấp hơn trước khi chiến tranh xảy ra khoảng một triệu người, đang cố gắng mời gọi càng nhiều người bản xứ và du khách càng tốt. Thế nên anh cảnh sát biên phòng chỉ ngắm nghía rất kỹ hai cuốn hộ chiếu Việt Nam (chắc thấy lần đầu), rồi trả lại mà không đóng dấu. “Đúng là No Man’s Land* (mảnh đất vô chủ) thì có!”, tôi lầm bầm. Song chuyện này chỉ mở đầu cho những ngạc nhiên (nếu có thể gọi nhẹ nhàng như thế) tiếp theo.
Sông Neretva và cây cầu sắt
Những lỗ đạn trên tường
Chúng tôi tiếp tục lơ mơ không chú ý lắm tới nhà cửa ven đường, vì vừa đi qua thị trấn Neum không mấy gây ấn tượng. Neum na ná với một thành phố nghỉ mát nhiệt đới, với những khách sạn mái ngói đỏ đơn giản xây san sát trên các vách núi và những bãi tắm cát mịn nhưng ngắn và nông, thu hút rất nhiều khách du lịch ba lô vì giá mềm hơn hẳn những khu nghỉ có bãi tắm đá bên Croatia. Rồi bàn tán về sự cũ kỹ của những dãy chung cư ở những thị trấn vắng lặng. Bỗng có những lỗ đen đập thẳng vào mắt. Gì thế nhỉ? Xây cất kiểu này à, tường gì mà thủng lỗ chỗ? Rồi những lỗ thủng ngày một dày đặc hơn. Thì ra là những vết đạn súng liên thanh và cả đạn pháo còn lưu lại hầu hết trên rất nhiều bức tường. Dấu tích chiến tranh vẫn còn sờ sờ ra đó, sau hơn hai mươi năm. Có một số bức tường được trát và sơn sửa, nhưng không nhiều. Có thể cả chính phủ và dân chúng đều không quan tâm, hoặc không đủ tiền, không đủ nhân lực để làm những việc này.
Dù đã được đọc và xem nhiều về chiến tranh, và lớn lên ở Hà Nội trong thời gian bị ném bom, những gì tận mắt thấy ở đây vẫn làm tim tôi bất chợt thắt lại. Ánh nắng chói chang rọi thẳng qua cửa kính xe buýt đã dịu lại, nhưng không khí trong xe dường như ngột ngạt hơn. Chỉ một lúc sau, khi thấy quá nhiều những bức tường như vậy, mắt nhìn cũng quen dần. Con người ta có thể quen với tất cả, chịu đựng được nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo, kể cả bom đạn và chết chóc. Bây giờ có thể tìm hiểu tóm lược về nội chiến Bosnia qua vài ba trang thông tin trên mạng, về những cuộc ly khai, trưng cầu dân ý, xung đột cục bộ; về sự can thiệp của nước ngoài vào vùng đất có ba nhóm chủng tộc và tôn giáo chính: Bosniaks (Hồi giáo), Croats (Cơ đốc giáo) và Serbs (Chính thống giáo); từ cuộc họp kín giữa đại sứ Mỹ với thủ lĩnh của người Bosniaks, đến những cuộc bao vây, cấm vận, tiếp súng đạn bằng cả con đường công khai và buôn lậu. Chỉ có điều khi đọc những thông tin chết cứng ấy, ai cũng phải tập trung nhớ những cái tên lạ hoắc, những diễn biến chồng chéo, những bản đồ được vạch dấu chằng chịt, những phân tích chiến cuộc có vẻ sắc sảo khôn ngoan.
Dù đã được đọc và xem nhiều về chiến tranh, và lớn lên ở Hà Nội trong thời gian bị ném bom, những gì tận mắt thấy ở đây vẫn làm tim tôi bất chợt thắt lại. Ánh nắng chói chang rọi thẳng qua cửa kính xe buýt đã dịu lại, nhưng không khí trong xe dường như ngột ngạt hơn. Chỉ một lúc sau, khi thấy quá nhiều những bức tường như vậy, mắt nhìn cũng quen dần. Con người ta có thể quen với tất cả, chịu đựng được nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo, kể cả bom đạn và chết chóc. Bây giờ có thể tìm hiểu tóm lược về nội chiến Bosnia qua vài ba trang thông tin trên mạng, về những cuộc ly khai, trưng cầu dân ý, xung đột cục bộ; về sự can thiệp của nước ngoài vào vùng đất có ba nhóm chủng tộc và tôn giáo chính: Bosniaks (Hồi giáo), Croats (Cơ đốc giáo) và Serbs (Chính thống giáo); từ cuộc họp kín giữa đại sứ Mỹ với thủ lĩnh của người Bosniaks, đến những cuộc bao vây, cấm vận, tiếp súng đạn bằng cả con đường công khai và buôn lậu. Chỉ có điều khi đọc những thông tin chết cứng ấy, ai cũng phải tập trung nhớ những cái tên lạ hoắc, những diễn biến chồng chéo, những bản đồ được vạch dấu chằng chịt, những phân tích chiến cuộc có vẻ sắc sảo khôn ngoan.
Quang cảnh khu phố cổ buổi sáng
Không có cảm xúc gì trên những trang web ấy, hoặc chúng đã trôi tuột đi rất nhanh trên mặt phẳng thông tin, và dường như không liên quan tới những vết tích trên tường kia. Dán mắt qua cửa kính xe mà nhìn chằm chằm vào những lỗ đen lớn nhỏ, bỗng chốc tôi cảm thấy mình đang chúi mắt vào một lỗ thủng nào đó của không gian và thời gian, để nhìn và cảm thấy hơi lạnh của mùa đông trong thung lũng. Tuyết trắng phủ dày, máu của những cuộc tàn sát thanh trừng, tiếng kêu la vọng ra từ những cuộc cưỡng hiếp tập thể, tất cả như được hút chặt vào lỗ đen to nhất trên tường kia, và vĩnh viễn không mất đi. Một ý nghĩ kỳ lạ lướt qua đầu, “Mình thật may mắn không phải trải qua những năm tháng khắc nghiệt ở đây; lúc đó mình đang mải đánh vật với môn kinh tế vi mô ở Đại học Tổng hợp Quốc gia Singapore, hay đấu khẩu với mấy ông thầy người Mỹ từ đại học Harvard về cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, và trấn an các bạn học đến từ các nước Asean, rằng “mọi người làm ơn đừng nghĩ đến Việt Nam như một cuộc chiến tranh, mà là một đất nước thanh bình!”. Ngay lúc ấy, những cuộc vãi đạn lên tường nhà, dọc theo các đường phố và các làng mạc vẫn không ngừng diễn ra ở rẻo đất nhỏ rất duyên dáng này của Balkan.
Cây cầu, dòng sông và cuộc tái thiết chóng vánh
Nhưng hình như người Bosnia không thích nói chuyện nhiều về chiến tranh, dù giống như dân các nước dọc theo bờ Địa Trung Hải và các triền thung lũng của bán đảo Balkan, họ rất ưa tụ tập và tán gẫu. Ngày thường cũng như những ngày cuối tuần, các tiệm cà phê và cả các tiệm cắt tóc nhan nhản khắp nơi đều chật ních khách, hầu hết là đàn ông đang say sưa bàn tán một chuyện gì đó, và nhả khói không ngừng. Tôi hỏi Harun, một người đàn ông Hồi giáo, chủ một khách sạn xinh xắn – Villa Glopus, rằng sao các ông hút thuốc nhiều thế, đâu đâu cũng thấy đầu mẩu thuốc lá. Vẫn giọng buôn chuyện, anh phân trần rằng “Đời sống nhiều áp lực quá, không hút thuốc thì còn biết làm gì cho khuây khỏa đây”. “Áp lực gì cơ? Hậu quả chiến tranh à? Mà sao người ta có thể nhả đạn lên tường dày đặc đến vậy?”. “Ôi, tôi không rõ lắm nhé, tôi sống và làm việc ở Thụy Sĩ 23 năm và mới hồi hương hai năm trước. Tôi không chứng kiến chuyện gì trong chiến tranh cả và chúng tôi nói chung cũng không bàn luận về chiến tranh. Dân ở đây dù thuộc chủng tộc nào cũng đang sống rất hòa bình với nhau nhé!”. “Vậy mọi người quan tâm chuyện gì vậy?”. “À, bạn thấy đấy, làm ăn khó khăn quá, tiền viện trợ cũng không đủ sức vực kinh tế dậy, giá bất động sản rẻ như rau cỏ ngoài chợ ấy! Cả một cái villa đẹp đẽ thế này giá chỉ có 50 ngàn euro thôi!”. Tiền đủ hay không chưa biết, nhưng người có vẻ thưa thớt thật, nhiều tòa nhà không những dày vết đạn mà còn thủng mái – những tòa nhà bị đánh bom - vẫn nằm y nguyên suốt hai mươi năm.
Một góc bán đồ lưu niệm trong phố cổ
Song mọi chuyện khác hẳn khi chúng tôi rời những đường phố không người để vào khu phố cổ. Chưa hết bàng hoàng khi đi qua nhiều nghĩa trang nhỏ với những tấm bia nhọn và trắng của người Hồi giáo, hầu hết có ghi 1992, 1993, chợt thấy vui vẻ trở lại khi đi vào những căn tiệm tươm tất tưởng chừng không suy suyển từ thời người Thổ thống trị cách đây mấy trăm năm; những con đường lát đá rất sạch đẹp và cây cầu đá xám hình cánh cung, đứng sừng sững trên mặt nước xanh. Nếu nhìn qua cửa sổ một căn tiệm, nước sông Neretva có màu ngọc bích, nhìn từ trên cầu xuôi theo ánh nắng thì nước sông ngả màu ngọc lục bảo, và nếu ngược nắng thì lại có màu xanh dương. Nườm nượp người đi lại leo trèo trên cầu, giải khát và ăn kem trong các quán nhỏ, say sưa lựa đồ lưu niệm dọc theo các vỉa hè, tất cả bỗng hóa thành những nhân vật trong cổ tích, nửa hư nửa thực. Có lẽ phần thực nhất là một phiến đá nhỏ có ghi dòng chữ “Đừng quên 1993”. Vào ngày 8/11/1993, Stari Most, cây cầu cuối cùng còn sót lại trong vùng đã bị đánh sập, theo phần lớn các nguồn thông tin là do đạn pháo từ các xe tăng của quân Croats; nhưng theo một tài liệu phân tích khoa học khá tỉ mỉ khác thì do bị nổ mìn. Bất luận vì nguyên nhân nào, Mostar, sau sự sụp đổ của cây cầu lịch sử, trở thành một đống đổ nát tưởng chừng không thể gượng dậy được. Thành phố của những cây cầu, mà cổ nhất là Crooked Bridge, xinh xinh như một lưỡi câu cắm chặt xuống bờ sông, tưởng đã mất tên.
Song, mặc cho những tranh luận vẫn diễn ra không ngừng về vụ phá cầu, các cuộc xét xử tội ác chiến tranh vẫn chưa chấm dứt, chỉ trong vòng ba năm, từ 2001 đến 2004, Stari Most và cả khu phố cổ đã được tái sinh, bằng tiền của Ngân hàng Thế giới, UNESCO, các quỹ và các tổ chức nhân đạo. Lính Tây Ban Nha thuộc lực lượng phòng vệ Liên hợp quốc UN UNPROFOR đã xây lại cầu dựa trên những bản vẽ nghiên cứu kỳ công không kém gì những bản vẽ của cuộc tái thiết Thành cổ Warszawa. Nếu không có tấm bảng nhỏ đề danh hiệu di sản UNESCO 15/7/2005 và những dòng vắn tắt về cuộc tái thiết, thì không ai có thể mường tượng được cả khu phố cổ và cây cầu này, cùng nhiều cây cầu khác đều được xây dựng lại. Chúng tôi ngồi trên một tảng đá dưới chân cầu, thích thú xem những thanh niên thuộc hội nhảy cầu địa phương đang thi thố một cách điệu nghệ từ trên độ cao 25m xuống dòng nước không sâu lắm. Cứ khoảng 20 phút lại có một cuộc nhảy, thu bộn tiền thưởng của du khách đang hào hứng tung hô.
Song, mặc cho những tranh luận vẫn diễn ra không ngừng về vụ phá cầu, các cuộc xét xử tội ác chiến tranh vẫn chưa chấm dứt, chỉ trong vòng ba năm, từ 2001 đến 2004, Stari Most và cả khu phố cổ đã được tái sinh, bằng tiền của Ngân hàng Thế giới, UNESCO, các quỹ và các tổ chức nhân đạo. Lính Tây Ban Nha thuộc lực lượng phòng vệ Liên hợp quốc UN UNPROFOR đã xây lại cầu dựa trên những bản vẽ nghiên cứu kỳ công không kém gì những bản vẽ của cuộc tái thiết Thành cổ Warszawa. Nếu không có tấm bảng nhỏ đề danh hiệu di sản UNESCO 15/7/2005 và những dòng vắn tắt về cuộc tái thiết, thì không ai có thể mường tượng được cả khu phố cổ và cây cầu này, cùng nhiều cây cầu khác đều được xây dựng lại. Chúng tôi ngồi trên một tảng đá dưới chân cầu, thích thú xem những thanh niên thuộc hội nhảy cầu địa phương đang thi thố một cách điệu nghệ từ trên độ cao 25m xuống dòng nước không sâu lắm. Cứ khoảng 20 phút lại có một cuộc nhảy, thu bộn tiền thưởng của du khách đang hào hứng tung hô.
Một đoạn phố cổ
Chỉ có sáng sớm và chạng vạng là khu phố cổ yên tĩnh trở lại, đâu đó văng vẳng tiếng đàn accordeon và tiếng gió xào xạc trên mặt nước mát lạnh. Không ai biết vì sao nước sông Neretva lại lạnh nhất so với những dòng sông châu Âu khác, cũng không hiểu do đâu nó lại có nhiều màu xanh kì lạ đến vậy. Càng không lí giải được sự tương phản giữa cuộc tái thiết tài tình của khu phố cổ, và sự trễ nải của việc sửa sang những phần còn lại của thành phố. Thế cũng may mắn lắm, vì thế giới đã không mất đi một di sản.Chúng tôi rời Mostar vào một buổi sáng mờ sương. Những tháp nhà thờ Hồi giáo trắng tinh nổi bật trên nền đá và nền trời xám nhạt, in hình một cây thánh giá lớn trên đỉnh núi. Dòng sông xanh ngủ yên lành. Mọi sự liên tưởng đều rất cá nhân, khi tôi nhớ đến Pautovski đã rời Paris và kể lại: “Trái tim tôi lại đập những nhịp nặng nhọc khi chia tay thành phố ấy”.
Tòa nhà thủng mái vì bom
Những dãy phố không người
Một góc phố cổ
* Tên một bộ phim Pháp về cuộc nội chiến ở Bosnia - Herzegovina
Bài: Lã Hoa - Ảnh: Anh Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét