Thành phố Anchorage, thành phố lớn nhất và đông dân nhất của tiểu bang Alaska, đang ngày càng thu hút những di dân đến nước Mỹ từ khu vực Đông Nam Á và cả những cư dân của tiểu bang California. Theo chân họ là những món ăn, thức uống gắn liền với nguồn cội quê nhà, trong đó có món phở của người Việt vốn đã được định vị trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Trong bài viết trên tờ Alaska Dispatch News số ra ngày 6-4-2014 với tựa đề Vì sao phở Việt Nam đang xâm chiếm Anchorage? (Why Vietnamese noodle soup shops are colonizing Anchorage?), phóng viên Julia O’Malley đã phân tích những ưu điểm vượt trội của phở, khiến nó mau chóng trở nên một món ăn được ưa thích tại địa phương. Thứ nhất, người ta ăn phở với cả thị giác; tô phở to bự được ăn khi đang bốc khói thật thích hợp với vùng đất lạnh giá Alaska; kèm theo đó là màu sắc của giá, rau húng và rau mùi tươi, tiêu và chanh. Không thể thiếu trong tô phở là những lát thịt bò tươi hồng thái mỏng được ăn thật tái. Thứ đến người ta ăn phở bằng khứu giác. Nước dùng phở có được bằng cách ninh xương bò trong nhiều giờ. Một tô phở ngon nước dùng phải có mùi thơm của thảo quả, gừng và hoa hồi. Nước dùng phải trong nhưng ngọt lịm vị thịt bò. Theo lời ông chủ Tony Chheum của quán phở Phonatik, nồi nước dùng “chuẩn” phải được ninh suốt 48 tiếng, điều mà không phải tiệm phở nào cũng thực hiện.
Tony Chheum cho biết món phở Việt đã chiếm lĩnh các khu thương mại ở Anchorage trong vòng chỉ vài năm. Không những thế, các điểm bán phở đã xuất hiện trên hầu khắp các trục lộ giao thông chính của thành phố này, bên cạnh những cửa hàng điện thoại di động, tiệm giặt ủi và tiệm làm móng (nail) của người Việt. Và không chỉ người gốc Việt đến Alaska mở quán phở mà nhiều nhà hàng do người Thái Lan, người Lào làm chủ cũng có món phở Việt trong thực đơn. Ngay tại cafeteria (quán ăn tự phục vụ) của Trung tâm y tế dự phòng Alaska cũng có món phở! Do vậy, đã có một sự cạnh tranh mạnh mẽ chung quanh món ăn được ưa thích này. Song nhờ vậy mà thực khách khoái ăn phở có nhiều lựa chọn hơn.
Trở lại với Phonatik. Tony Chheum năm nay 31 tuổi, nguyên là một thợ máy ở Sacramento, California và là con thứ ba trong một gia đình có cha người Hoa, mẹ Campuchia – chủ nhân một tiệm bán bánh doughnut. Chính vì thế trong máu của anh đã có tố chất nhà hàng (chị của Chheum cũng quản lý một nhà hàng ở Anchorage). Mặt khác, phở là một món ăn Chheum ưa thích từ thuở nhỏ. Bạn gái của Chheum là Kimtra Nguyễn là người Việt. Với sự giúp sức của hai bố con cô Kimtra Nguyễn, Chheum đã mở Nhà hàng Phonatik. Anh còn có kế hoạch kinh doanh phở bằng cách giới thiệu món ăn này cho những thực khách địa phương chưa được làm quen với nó thông qua những điểm bán phở mini mà anh gọi là “Phở 101”.
Bên cạnh Phonatik, có thể kể những cái tên khác như Phở House, Mom’ Phở, Alaska Phở, Phở Karlina, Phở Saigon, Phở 89, Phở Việt Nam (cho tới cuối năm 2015, Phở Việt Nam đã có tới tám chi nhánh). TờAlaska Dispatch News số ra ngày 26-11-2015 cho biết: theo cơ quan y tế và dịch vụ của Anchorage, có 18 nhà hàng tại thành phố này dùng chữ “phở” trong tên đăng ký của mình, chưa kể từ “phở” có trong menu của rất nhiều nhà hàng châu Á khác. Tính đến thời điểm đó, đã có khoảng 40 bài viết về phở trong thư mục của tờ báo, 2/3 số bài được in sau năm 2008, trong khi năm 1995 mới có một quán phở đầu tiên ở Anchorage, khi đó tờ báo đã có bài viết với tựa Sau bao lâu, cuối cùng đã có món ăn Việt thật sự!
Dù đã có thương hiệu song trước sự cạnh tranh gay gắt, bản thân Phonatik cũng phải tung ra nhiều “chiêu” để giành được thị phần. Chẳng hạn tổ chức hàng quý cuộc thi ăn phở, theo đó người tranh tài phải “ngốn sạch” trong vòng 30 phút khoảng trên 3,6kg (8 pound) phở, nước dùng và thịt! Tại một cuộc thi như thế với 100 người tham dự, trong đó có những anh chàng người Hmong và cư dân các đảo ở Thái Bình Dương to béo, người chiến thắng là một nhân viên phi trường có tên Ben Saunoa. Anh đã vác cái bụng phở về nhà cùng với khoản tiền thưởng 888 USD.
Đã có rất nhiều biến thể của phở. Trong cuốn sách nổi tiếng Vào bếp Việt (Into the Vietnamese Kitchen), chuyên gia ẩm thực người Việt Andrea Nguyen cho biết những khác biệt về nguồn gốc địa lý kéo theo sự khác biệt của món phởở Mỹ. Nếu nước dùng ngọt vị đường, lại có tỏi chấy hay hẹ trong tô phở thì món ăn này đã lai ẩm thực Lào hoặc Hmong. Phởở Phonatik được chế biến theo hướng gần với truyền thống Việt hơn, ít ngọt (đường). Tại đây có món phở đuôi bò rất được ưa thích. Còn ở Nhà hàng Phở Lena East nước dùng được nấu kiểu Lào song đây là một địa chỉ phở rất thông dụng tại Anchorage. Tô phở của nhà hàng này có thịt bò viên bởi đó là thứ không thể thiếu khi người Lào ăn phở, theo lời bà chủ quán người Lào Biponh Morisath-Luce mà gia đình làm chủ hai quán phởở Anchorage.
Cả Morisath-Luce và Tony Chhuem đều có chung nhận định rằng Anchorage nói riêng và Alaska nói chung là thị trường tốt của phở. Khí hậu lạnh quanh năm nên món ăn nóng sốt như phở thật thích hợp. Alaska còn có một căn cứ quân sự lớn, những người lính thường di chuyển nhiều và là những thực khách có máu phiêu lưu, thích trải nghiệm những cái mới, trong đó có ẩm thực. Anchorage còn có sự da đạng về cộng đồng dân cư: sau cộng đồng thổ dân và cộng đồng quân nhân đồn trú tại Alaska là cộng đồng người châu Á và người gốc gác các đảo ở Thái Bình Dương. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để phở phát triển. Lấy ví dụở Phonatik. Cứ vào chiều muộn, khi các tiệm nail đóng cửa thì thợ người Việt đến quán rất đông. Còn vào Chủ nhật, sau buổi lễ nhà thờ thì người Hàn Quốc, người Philippines và người Samoa đến ăn phở. Trong khi lúc các bar rượu đóng cửa thì các nhóm trẻ sắc tộc pha trộn tụ tập ở quán ăn khuya. Có thể lấy khung cảnh của Phonatik như bức tranh thu nhỏ của Anchorage.
Sẽ thiếu sót nếu nói đến phở Việt ở Alaska mà không nhắc tới một phụ nữ: bà Linda La, người đã sáng lập một chuỗi nhà hàng phở mang tên Phở Việt Nam tại Anchorage. Các thành viên trong gia đình bà quản lý các nhà hàng song Linda La quyết định thực đơn, phong cách ẩm thực và cả thiết kế nội thất của chúng. Phở Việt Nam còn bán nhiều món ăn châu Á khác nhằm đáp ứng sở thích của nhiều loại thực khách, từ món chả giò Việt tới món pad (mì hay phở xào) Thái. Năm nay 48 tuổi, bà Linda La đã có hai mươi năm làm nghề nhà hàng ẩm thực nhưng bà và chồng bà, ông Minh Trần vẫn làm việc suốt bảy ngày trong tuần. Nghề nhà hàng tuy cực nhưng giúp họ sống thoải mái: họ mới mua thêm một tòa nhà ở Anchorage để mở thêm quán mới và lo cho hai cô con gái vào đại học.
Khoảng một nửa trong số gần 750.000 cư dân của Alaska sống trong vùng đô thị Anchorage.
Alaska là tiểu bang lớn nhất Hoa Kỳ với diện tích 1.518.800km2, gấp hai lần kích thước của bang đứng thứ hai là Texas. Cho tới thập niên 1990 vẫn có rất ít người Việt ở Anchorage nhưng con số này đang tăng dần vì thành phố này dễ sống với những người di dân Đông Nam Á.
Lưu Hương (Theo DNSGCT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét