Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Đến với xứ sở huyền thoại Ba Tư

Đối với người Việt Nam, sự hiểu biết về nước Cộng hòa Hồi giáo Iran hay chúng ta vẫn thường gọi là Ba Tư, có lẽ hầu hết chỉ biết qua tác phẩm “Nghìn lẻ một đêm”. Gần đây thì được biết thêm rằng, Iran là một quốc gia có nhiều dầu mỏ, chống Mỹ quyết liệt và là kẻ thù không đội trời chung với Israel. Rồi người ta nhìn vào Iran như một quốc gia có chế độ luật pháp hà khắc, nghiệt ngã… nhưng không mấy người thấy rằng Iran hiện nay đang là quốc gia có cuộc sống yên bình nhất ở khu vực Trung Đông và Tây Á. Đấy mới là điều lạ.
Phóng sự này sẽ giúp các bạn hiểu thêm đôi điều về xứ sở của “Aladin và cây đèn thần”.
 

Cất cánh từ sân bay Dubai, chỉ sau 10 phút bay thẳng về hướng Bắc, vượt qua vịnh Pecxich là tới lãnh thổ Iran.
Trong sử sách thì cái tên Iran mới chỉ có từ năm 1935, còn xưa kia, thì gọi là Persia - gọi theo âm Hán Việt là Ba Tư. Đây là một quốc gia có nền văn minh rực rỡ và cũng đã có thời là một đế quốc hùng mạnh. Nếu như không có cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn và các thế hệ con cháu sau này, thì chưa biết chừng, đế quốc Ba Tư và đạo Hồi đã làm bá chủ thế giới.
Nhìn qua cửa sổ mà thấy dựng hết cả tóc gáy, bởi lẽ dưới cánh máy bay rặt là những đồi núi và không một bóng cây xanh.
den voi xu so huyen thoai ba tu ky 1
Phụ nữ Iran
Núi dựng lên như gươm, như giáo. Núi nối đuôi nhau cuồn cuộn như thác trên sông; núi dựng thành, dựng lũy như một trận đồ bát quái… Tất cả đều là một màu vàng nhạt, vàng xám, màu chì, màu đen sạm, màu vàng ệch của núi và của những sa mạc. Và điều kinh hãi hơn nữa đó là máy bay bay cả hơn tiếng đồng hồ mà không hề thấy có một bóng cây. Thi thoảng lắm mới nhìn thấy một con đường chạy như sợi chỉ băng qua một màu vàng cằn cỗi, chết chóc. Chỉ khi tới gần thủ đô Tehran còn chừng khoảng 5-7 phút bay thì mới nhìn thấy những vạt màu xanh của những cánh đồng rau.
Tôi cứ tự hỏi, không hiểu vì sao người ta lại có thể sống được ở những nơi như thế này. Nhưng hình như ông trời có mắt, được cái này mất cái kia, vì không có thiên nhiên ưu đãi, không có rừng rậm, sông dài thì bù lại Iran lại là một quốc gia có trữ lượng dầu khổng lồ.
Theo các tài liệu đã được công bố, Iran nằm ở khu vực Trung Đông - nơi có trữ lượng dầu và khí đốt lớn nhất thế giới. Cộng hòa Hồi giáo Iran đang sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng quý giá với trữ lượng phong phú. Theo đánh giá thống kê năng lượng của BP tháng 6-2011, trữ lượng dầu của Iran năm 2010 ước tính 137 tỉ thùng, chiếm gần 10% tổng trữ lượng dầu thế giới, còn trữ lượng khí đốt của Iran năm 2010 ước tính 1.045,7 tỉ tỉ m3 chiếm 15,8% tổng trữ lượng khí đốt thế giới.
den voi xu so huyen thoai ba tu ky 1
Phụ nữ Iran
Về trữ lượng dầu mỏ, Iran đứng vị trí thứ tư trên thế giới, sau Arập Xêút, Venezuela và Canada, đứng vị trí thứ ba trong OPEC và vị trí thứ hai tại khu vực Trung Đông. Masjid-i-Sulaiman là khu vực đầu tiên ở Iran phát hiện có trữ lượng dầu thô lớn vào năm 1908.
Gần 80% trữ lượng dầu thô của Iran được phát hiện trước năm 1965. Tính đến cuối năm 1990, trữ lượng dầu của Iran chỉ đạt 92,9 tỉ thùng, nhưng đến cuối năm 2000 đạt 99,5 tỉ thùng, đặc biệt đến cuối năm 2009 đã tăng gần 14%, đạt 137 tỉ thùng nhờ gia tăng đầu tư vào các dự án thăm dò và khai thác dầu của Iran.
Cho đến nay, Iran đã phát hiện hơn 40 mỏ dầu, trong đó có 27 mỏ dầu trên đất liền và 13 mỏ dầu ngoài khơi có trữ lượng dầu thô lớn nằm ở miền Tây Nam Khuzestan, sát biên giới với Iraq và khu vực Bắc Caspi. Đây chính là nguyên nhân bùng nổ cuộc chiến Iran - Iraq năm 1980 và các tranh chấp khác.
Về  khí đốt, Iran đứng vị trí thứ hai trên thế giới sau Nga (1.580,8 tỉ tỉ m3, chiếm 23,9% tổng trữ lượng khí đốt thế giới) và chiếm vị trí hàng đầu tại khu vực Trung Đông. Cụ thể, trữ lượng khí đốt của Iran tính đến cuối năm 1990 mới đạt 17 tỉ tỉ m3, đến cuối năm 2000 tăng hơn 9 tỉ tỉ m3
Hơn 2/3 trữ lượng khí đốt của Iran nằm rải rác và chưa được phát triển. Các mỏ khí đốt lớn của Iran là Nam và Bắc Pars, Kish và Kangan-Nar. Từ khi kế hoạch phát triển dầu khí Iran khởi động năm 2005, 8 mỏ khí đốt mới đã được phát hiện. Tính đến cuối năm 2009, trữ lượng khí đốt của Iran đạt 29,6 tỉ tỉ m3.
 Việc áp dụng và đầu tư công nghệ hiện đại trong thăm dò và khai thác khí đốt đã giúp Iran tìm ra các mỏ khí đốt có trữ lượng khổng lồ, tính đến cuối năm 2010 trữ lượng khí đốt của Iran đạt 1.045,7 tỉ tỉ m3.
Từ sân bay đi về trung tâm thủ đô Tehran khoảng hơn 70 cây số, bình thường người ta sẽ phải đi trên dưới 3 tiếng đồng hồ, bởi lẽ nạn kẹt xe đang thực sự là một nỗi kinh hoàng với tất cả người dân thủ đô Tehran. Không kẹt xe làm sao được khi một thủ đô rộng 1.500km2, có hơn khoảng 12 triệu dân, nhưng có tới 6 triệu ôtô. Tehran là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Á và cũng là một trong những thành phố lớn trên thế giới. Tehran nằm trong tỉnh Tehran và thành phố này tập trung rất nhiều điện thờ của các giáo phái, trong đó nổi tiếng nhất là các nhà thờ của Hồi giáo và Bái Hỏa giáo.
 Và điều kỳ lạ là ở ngoại thành đồi núi hoang vu nhưng vào càng gần trung tâm thì cây cối càng nhiều, ở đây đặc biệt nhiều là cây phong. Đường phố ở Tehran hầu hết là đường một chiều và không nhiều đại lộ, đường lớn. Thành phố thì nằm trên khu vực đồi núi, trông giống như ở Đà Lạt. Xe máy ở Tehran không nhiều nhưng chạy “láo” thì cũng không kém gì dân Hà Nội. Cũng đầu trần, cũng chở ba, chở bốn, cũng lạng lách, đánh võng và nhấp nhổm vượt đèn đỏ.
den voi xu so huyen thoai ba tu ky 1
Nhân viên của PVEP tại Tehran
Kiến trúc ở Tehran thì ngoài những cung điện, đền thờ là rất đặc sắc, còn lại hầu hết khô khan, nghèo nàn. Chẳng hiểu có phải ảnh hưởng của cấm vận mà hệ thống Internet của Tehran rất chán. Sòng phẳng mà nói thì thua Việt Nam ta rất xa. Ngay những khách sạn cỡ 5 sao, Internet cũng rất kém và để có được mật khẩu sử dụng Wifi thì cũng phải khai báo rất nhiêu khê và ngày nào cấp mật khẩu ngày ấy.
Tehran - theo tiếng Ba Tư cổ thì có nghĩa là “mảnh đất ấm áp”. Chả biết ở đây ấm áp đến thế nào nhưng vào giữa tháng 3 này, khi mà trên những núi vây quanh thành phố vẫn phủ tuyết thì ở dưới nhiệt độ vẫn gần 200C.
 Cuộc sống ở Tehran cũng thật lạ. Buổi sáng, các nhà hàng, cửa hiệu, công sở bắt đầu từ 9 giờ, còn buổi tối thì họ cũng thức rất khuya. Người dân Iran ăn muộn và ở Tehran có rất nhiều những trung tâm ăn uống. Ở Tehran có những nhà hàng nom giản dị, tuyềnh toàng, những lại có tới cả hơn 100 năm tuổi thọ. Và một nhà hàng nổi tiếng nhất là Shandiz, được thành lập từ năm 1915. Nhà hàng này lừng danh bởi món thịt cừu nướng và để được thưởng thức món cừu nướng ở đây, thực khách nên đặt trước… 2 hoặc 3 ngày. Còn nếu đến ăn bất chợt thì chờ… 1 tiếng đồng hồ là chuyện bình thường.
Cũng phải nói thêm rằng, các nhà hàng ở Tehran rất nhiều, sang trọng, phục vụ rất chu đáo. Nhưng chốn chơi thì hầu như không có. Không có vũ trường, không có những nơi để nam thanh nữ tú vui đùa nhảy nhót. Các nhà hàng rất sang trọng nhưng tuyệt nhiên không hề có rượu mà chỉ có bia không độ. Uống bia này cũng nhang nhác như một thứ nước ngọt vậy. Rượu bia ở Iran là thứ bị cấm ngặt. Người nước ngoài tới Iran nếu bị hải quan sân bay phát hiện mang theo rượu bia thì sẽ bị đập ngay chai rượu đó trước mặt, còn mang nhiều hơn nữa không khéo còn bị ngồi tù.
Nghe nói ngày xưa, Tehran được coi là “thiên đường dưới hạ giới” với các thú ăn chơi hưởng lạc cực kỳ độc đáo của giới nhà giàu. Đây cũng là điều hơi lạ, bởi lẽ đàn ông Hồi giáo thường sống và sinh hoạt khá nghiêm cẩn. Nhưng có một nguyên nhân sâu sa là từ chuyện giới nhà giàu lo không được lên thiên đường.
Số là trong Kinh Coran có nói rõ là, những ai nghèo khổ, sống lương thiện, luôn tuân theo lời Thánh Ala thì sẽ sớm được lên thiên đường. Mà trên thiên đường thì cuộc sống tuyệt vời lắm. Có suối sữa, suối mật, có các loại rượu ngọn tuyệt hảo (trong khi dưới hạ giới cấm uống rượu) và mỗi gã đàn ông được tới 72 trinh nữ phục vụ… Còn những kẻ giàu có thì khi chết đi, phải chờ Thánh Ala xem xét rất lâu rồi mới quyết định cho lên “thiên đường” hay xuống “địa ngục”.
Chính vì vậy, những kẻ giàu có buồn rầu bảo nhau: “Thôi, không hy vọng gì được lên thiên đường, vậy ta hãy xây dựng “thiên đường” ngay dưới trần vậy”. Cho nên, các đại gia Hồi giáo ở Trung Á, Tây Á và Trung Đông, thường là những người ăn chơi khét tiếng.
den voi xu so huyen thoai ba tu ky 1
Đường phố tại Iran
Đi vào các nhà hàng, điều dễ nhận thấy nhất là con gái ở Iran quả thực quá đẹp. Không biết đã có một cuộc bình chọn nào chưa và hình như từ xưa đến nay con gái Hồi giáo không được tham dự các cuộc thi hoa hậu. Chứ nếu phụ nữ Hồi giáo ở Trung Đông được thi hoa hậu thì chắc chắn những quốc gia như Venezuela khó có thể giữ ngôi đầu bảng nhiều năm như vậy.
Người mà xác nhận con gái Trung Đông đẹp nhất thế giới đó chính là nhà tiên tri Mohammed. Với sống mũi cao, khuôn mặt thanh tú, nước da trắng và ánh mắt quyến rũ, sâu thăm thẳm, sẵn sàng nhấn chìm tất cả giới mày râu vào trong ánh mắt ấy, cho nên nhà tiên tri Mohammed mới quy định rằng phụ nữ Hồi giáo ra đường phải che mặt, để đàn ông không bị quyến rũ, còn tập trung sức lực làm việc khác.
Nói về sắc đẹp của phụ nữ Trung Đông, Trung Á, tôi nhớ lại một chuyện cách đây 15 năm, vào tháng 10-2001, khi Mỹ tấn công Afghanistan, tôi và nhà văn Nguyễn Quang Thiều sang Pakistan và có lần chúng tôi đi ăn ở nhà hàng phải đổi chỗ cho nhau để ngắm một cô gái, mà nói như lời Quang Thiều: “Không ngắm thì quá thiệt”.
Luật Hồi giáo nghiêm lắm, cho nên ở Iran chuyện trai gái ngoại tình là cực kỳ hiếm. Và phụ nữ ngoại tình không khéo vẫn bị ném đá đến chết. Tuy hà khắc như vậy, nhưng chúng tôi thấy phụ nữ Iran cũng khá cởi mở với người lạ. Bằng chứng là khi chúng tôi đến xin chụp ảnh, rất nhiều phụ nữ vẫn đứng làm dáng cho chúng tôi chụp rất vui vẻ. Nhưng nghe nói, chớ có dại mà tán tỉnh hay cầm tay, đụng chạm vì không khéo sẽ bị đem ra tòa án tôn giáo và có thể trở thành chồng cô ta ngay, nếu như không muốn ngồi tù.
den voi xu so huyen thoai ba tu ky 1
Một góc nhà hàng Shandiz
Nhiều người ví rằng, giữa một vùng lò lửa Trung Đông hiện nay đầy rẫy những bất ổn, nào là Iraq, Siri, rồi Pakistan, Afghanistan, vùng Trung Đông, Trung Á thì đầy rẫy những vụ khủng bố, bạo loạn, xung đột sắc tộc, nơi nào có Mỹ và bàn tay phương Tây thò vào thì nơi ấy sinh chuyện, nhưng Iran vẫn vững vàng, ổn định và kiên cường chống chọi với lệnh cấm vận của Mỹ suốt mấy chục năm qua, đặc biệt là từ năm 2009 cho đến nay. Đúng là kinh tế Iran bị sa sút nhiều. Nhưng Iran vẫn là một nước có nền chính trị ổn định nhất; người dân rất tin vào Chính phủ. Và thực sự Iran đang là một quốc gia mà không một thế lực nào trên thế giới dám xem thường. Có hai nước cay cú với Iran nhất, đó là Mỹ và Israel. Về nguyên nhân tại sao Israel luôn luôn hục hặc với Iran và hết sức lo sợ trước sự phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, nguyên nhân sâu xa là xung đột về tôn giáo từ khi đạo Hồi mới hình thành. Và cho đến bây giờ, những người theo Hồi giáo vẫn tuyệt đối tuân theo Kinh Coral, mà trong Kinh Coral đã nói rất rõ: Không được làm bạn với những người Do Thái.
Trong lịch sử, Iran và Iraq là cái nôi của văn minh Lưỡng Hà và đã có những thời kỳ vàng son rực rỡ. Người Trung Đông vốn nổi tiếng về khéo tay và tài buôn bán. Điều đó có thể dễ nhận thấy mỗi khi bạn đến một cửa hàng, cửa hiệu ở Tehran, người bán hàng có thể chiều khách đến mức luôn nở những nụ cười tươi rói. Họ không bao giờ khó chịu khi khách đòi hỏi xem mặt hàng này, mặt hàng kia.
Ở những cửa hàng bán thảm Ba  Tư, người ta có thể lục tung cả một đống thảm lên để giới thiệu với khách. Khi khách không mua họ vẫn tiễn chân và kèm theo nụ cười hẹn gặp lại. Sự nồng nhiệt, tận tình, mến khách của họ khiến người mua sẽ cảm thấy “áy náy” nếu như đã bước chân vào cửa hàng mà lại chỉ xem mà không mua gì.
Nói đến thảm và tranh thảm thì không một loại thảm nào trên thế giới có thể so sánh ngang hàng được với thảm Ba Tư. Bây giờ, người ta cũng sản xuất thảm Ba Tư  công nghiệp - nghĩa là dệt máy. Và với những người không rành lắm về thảm thì phân biệt được bức thảm dệt thủ công hay dệt máy là không dễ. Những bức tranh thảm hoặc các tấm thảm trải nền nhà, treo tường, phủ bàn… thường là những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Các nghệ nhân sản xuất thảm không chỉ có bàn tay khéo léo mà còn là những họa sĩ và họ cẩn trọng tới từng chi tiết nhỏ nhất. Thảm Ba Tư có chất liệu từ len, sợi cotton và lụa. Các tấm thảm dệt thủ công có giá cao gấp 5 đến 10 lần so với thảm dệt máy. Cũng đã có hai cuộc triển lãm thảm Ba Tư được tổ chức ở Hà Nội vào mấy năm trước và người xem từng “choáng” với những tấm thảm trị giá cả triệu USD. Vì mỗi tấm thảm, hoặc tranh thảm Ba Tư là một tác phẩm nghệ thuật cho nên cũng khá kén người chơi. Bởi lẽ, muốn thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật thì phải có sự hiểu biết, có tầm văn hóa nhất định nào đó, và cũng phải có điều kiện để mà bày, mà treo. Thảm Ba Tư không chịu được  ẩm ướt, cho nên muốn sử dụng lâu dài cũng phải rất cẩn thận.
 Cũng có lẽ do nặng tư duy buôn bán nên nói thách giá ở Tehran khá phổ biến. Thông thường các loại hàng hóa ở đây đều bị nói thách lên 30-35%. Chính vì thế, mà khi đi mua bán ở Tehran, phải biết kiên nhẫn trả giá. Và khi người đã ra giá thì đừng vội “xuống thang”, bởi lẽ, người bán hàng biết rõ hơn ai hết giá trị thực của món hàng.
Có điều lạ là ở Tehran, thẻ tín dụng chỉ dành cho người dân bản xứ, hầu hết họ thanh toán bằng thẻ, hiếm khi dùng tiền mặt, mua bán gì dù chỉ là vài chai nước ngọt cũng có hóa đơn. Cơ quan thuế sẽ phạt cực nặng những hành vi mua bán không có hóa đơn. Một ngón võ mà nhân viên thuế hay sử dụng đó là giả vờ làm người mua hàng, đến mua bằng tiền mặt mà không lấy hóa đơn. Cửa hàng nào vô phúc mà bị sập bẫy thì cầm chắc khuynh gia bại sản. Nhưng khách nước ngoài đến đây  lại không được dùng thẻ mà phải dùng tiền mặt. Và việc mua bán cũng cực kỳ thoải mái. Thanh toán bằng USD cũng được, bằng euro cũng xong, mà tiền bản xứ cũng tốt và chẳng cần hóa đơn. Tôi cũng chưa có điều kiện tìm hiểu tại sao lại có quy định ngược như vậy.

Iran là một đất nước đau thương. Và nguồn gốc của mọi sự đau thương chính là từ dầu mỏ.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển ngành dầu khí của Iran cho thấy, hầu hết các cuộc đụng độ giữa Iran với phương Tây ít nhiều đều liên quan đến dầu mỏ.
Trước hết phải kể đến cuộc đụng độ đầu tiên xảy ra cách đây gần 80 năm, khi chính quyền Anh cử các tàu chiến đến Vịnh Persic để phản đối sự hủy bỏ Quyền chuyển nhượng D’Arcy của chính quyền Thủ tướng Reza Khan.
den voi xu so huyen thoai ba tu ky 2
Lãnh đạo Petrovietnam tặng quà lưu niệm cho một đối tác tại Iran
Cuộc đụng độ tiếp theo là quá trình quốc hữu hóa của chính quyền Thủ tướng Moseddegh gặp khó khăn khi bị người Anh phong tỏa. Luật Dầu khí năm 1974 ra đời thay thế Luật Dầu khí năm 1957 nhằm hạn chế sự tham gia của các đối tác nước ngoài mà chủ yếu là của các công ty phương Tây trong lĩnh vực dầu khí của Iran đã khiến cuộc đụng độ giữa Iran và phương Tây trở nên căng thẳng.
Với chính sách can thiệp vào chương trình vũ khí hạt nhân ở Iran, Mỹ và phương Tây đã thúc ép các nước khác cấm vận Iran, chủ yếu nhắm vào ngành Dầu khí nước này. Cụ thể, các biện pháp cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Iran bao gồm việc cấm các công ty làm ăn với Iran, cấm nhập hàng xuất xứ từ Iran, cấm các định chế tài chính của Iran và hoàn toàn cấm bán máy bay hoặc linh kiện sửa chữa cho các công ty hàng không Iran, gây sức ép buộc các nước phải ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Iran nhằm bóp nghẽn nguồn “đôla dầu mỏ” của nước cộng hòa ở Trung Đông này.
Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, ngày 23-1-2012, EU ban bố lệnh cấm vận mới đối với dầu mỏ Iran gồm: cấm bán thiết bị cho Iran; cấm chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ cho ngành dầu khí Iran; cấm những dự án đầu tư mới tập trung vào khu vực năng lượng của Iran; cấm cung cấp những mặt hàng có thể dùng để chế tạo vũ khí thông thường. Điều này đã  ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành dầu khí - huyết mạch kinh tế của Iran.
den voi xu so huyen thoai ba tu ky 2
Một nhà thờ Hồi giáo tại Iran
Bị bao vây cô lập về kinh tế đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến các kế hoạch phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Iran. Mặc dù giá dầu trên thế giới tăng đồng nghĩa lợi nhuận thu được từ mỗi thùng dầu thô của Iran sẽ tăng, song sản lượng giảm sẽ khiến nguồn thu từ đôla dầu mỏ của Iran tăng không đáng kể. Trong khi đó, các doanh nghiệp mua dầu nước ngoài đang “lợi dụng” các biện pháp trừng phạt trên bàn đàm phán để mua được dầu của Iran với giá rẻ hơn. Cộng thêm các dự án đầu tư nước ngoài vào ngành dầu khí của Iran bị thu hẹp hoặc bị đình trệ do lệnh cấm vận.
Có thể nói rằng, cuộc đối đầu giữa phương Tây và Iran nhằm vào vấn đề hạt nhân của Iran, trên thực tế tiếp theo đó là cuộc chiến dầu mỏ và đọ sức về năng lượng. Cuộc đụng độ giữa Iran và phương Tây liên quan đến vấn đề dầu mỏ cũng như lệnh cấm vận về dầu mỏ không chỉ tác động trực tiếp đến các bên tham gia mà còn tác động trực tiếp đến cung cầu dầu thế giới, đẩy giá dầu tăng cao, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Iran nói riêng, của khu vực Trung Đông và toàn thế giới nói chung.
Mãi đến ngày 16-1-2016 (giờ Washington), Tổng thống Mỹ Barack Obama mới ký sắc lệnh thu hồi các lệnh trừng phạt với Iran sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố Tehran đã thực hiện toàn bộ các điều khoản được quy định trong thỏa thuận hồi tháng 7-2015 giữa nhà nước Cộng hòa Hồi giáo với nhóm P5+1.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani lúc đó đã đã vui mừng ví việc thế giới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là “thắng lợi vẻ vang” với đất nước và rằng “kinh tế Iran đã được giải phóng khỏi xiềng xích trừng phạt, đã đến lúc bắt tay vào xây dựng và tăng trưởng”.
Thoạt đầu, những lợi ích thu được từ việc các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ được giới phân tích đánh giá là “vô cùng lớn”, trước hết là đối với Iran. Theo đó, Iran sẽ được phép xuất khẩu dầu thô ra thị trường thế giới - lĩnh vực mang lại nguồn thu ngoại tệ chủ chốt cho Tehran, đồng thời được phép tiếp cận ngay với khoản tiền 50 tỉ USD trong số 100 tỉ USD bị phong tỏa trong thời gian bị áp đặt lệnh cấm vận. Mỹ cũng trả Iran 1,7 tỉ USD (cả gốc, lãi) trong vụ mua bán thiết bị quân sự trước đó năm 1981.
Số tiền này đặc biệt có ý nghĩa đối với quốc gia bị cô lập hàng chục năm như Iran bởi nó có thể giải quyết “nóng” khó khăn mà Tehran gặp phải liên quan đến việc cập nhật công nghệ cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế. Các lĩnh vực ngân hàng, chuyển tiền, bảo hiểm, thương mại, vận tải và mua bán công nghệ của Tehran được hy vọng cũng sẽ có cơ hội phát triển khi được tiếp cận với dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu xuống thấp như hiện tại, việc Iran được “tháo bỏ xiềng xích” và bơm dầu trở lại thị trường cũng không đem lại được nhiều lợi lộc cho nước này như khi giá dầu còn cao. Bản thân sự trở lại của dầu mỏ Iran vào thị trường còn đang bị xem là một nguyên nhân khiến nguồn cung dầu toàn cầu đã dư lại càng dư, làm giá dầu càng khó hồi phục.
***
2 Sứ quán Việt Nam tại Tehran nằm trong một khuôn viên rất rộng và phía sau có cả bể bơi. Số cán bộ, nhân viên của sứ quán cũng chỉ có hơn chục người.
Trong buổi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm sứ quán, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch đã báo cáo với Chủ tịch những nét chính trong quan hệ  hai nước. Viêt Nam và Iran lập quan hệ ngoại giao ngày 4-8-1973 nhưng mãi tới năm 1991, Iran mới mở Sứ quán tại Hà nội và  năm 1997, ta mở Sứ quán tại Teheran. Những năm sau đó, quan hệ hai nước phát triển hết sức tốt đẹp và có nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tới Iran. Hai bên đã ký “Thoả thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật” (1993), Hiệp định về thương mại, lãnh sự và lập UBHH (1994), Hiệp định hợp tác văn hoá (1995), Hiệp định vận chuyển hàng không (2001), Hiệp định Vận tải biển thương mại (2002). Hai nước cũng đã ký kết thỏa thuận tham khảo ý kiến và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (6-2000).
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch thì “Iran là thị trường màu mỡ cuối cùng chưa được khai thác trên thế giới. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt lấy cơ hội này, hoàn toàn có thể hợp tác được nhiều lĩnh vực với doanh nghiệp bạn”. Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cùng bày tỏ kỳ vọng, với đoàn doanh nghiệp hùng hậu tháp tùng Chủ tịch nước lần này, cùng với đó là Diễn đàn doanh nghiệp hai nước diễn ra, sẽ là tiền đề quan trọng, cú hích để hai bên tăng cường hợp tác.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận và biểu dương những nỗ lực phấn đấu vươn lên của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán.  Theo Chủ tịch nước, Việt Nam và Iran có hoàn cảnh lịch sử tương đồng, nhân dân hai nước ủng hộ nhau hết lòng, đó là nền tảng căn bản để quan hệ hai nước phát triển. Trong các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao của hai nước, bạn bày tỏ mong muốn thúc đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư nhiều mặt với Việt Nam. Đây chính là cơ sở quan trọng để Đại sứ và các cán bộ Đại sứ quán phát huy năng lực, tìm kiếm các biện pháp đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại hai nước đi vào thực chất và tăng trưởng trong thời gian tới. Chủ tịch nước cho rằng, kết quả của chuyến thăm là rất tốt, quyết tâm của các nhà lãnh đạo Iran là cao. “Vì vậy, mong các đồng chí triển khai tốt những thỏa thuận cũng như các vấn đề, lĩnh vực mà lãnh đạo hai bên gợi mở. Các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, giáo dục, viễn thông, khoa học công nghệ, dầu khí, quốc phòng an ninh, du lịch… bạn đều có nhu cầu hợp tác”.
 Người Việt ở Iran chỉ có 6 gia đình. Chính vì vậy mà ở đây không gọi là có cộng đồng người Việt. Trong mấy năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hai chiều giữa Iran và Việt Nam giảm sút kinh khủng, cũng một phần là do lệnh cấm vận, nhưng phần lớn là do chính người Việt ta, các doanh nhân Việt không dám sang Iran để làm ăn. Iran rất cần gạo (nước nhập khẩu gạo thứ 3 trên thế giới), rất cần các loại nông sản thực phẩm nhưng Việt Nam chưa bán sang đây được cân gạo nào. Mà theo một cán bộ ngoại giao thì thứ nhất gạo Việt Nam chất lượng kém, thứ hai là doanh nhân Việt Nam không dám sang Iran bởi nhiều lẽ.
 Một là tầm nhìn của doanh nhân Việt kém, nhìn “không quá sống mũi” của mình, thứ hai là các doanh nhân Việt Nam hay mắc bệnh “bóc ngắn cắn dài”, “đếm cua trong lỗ”, quen thói “ăn sổi ở thì” cho nên khi sang Iran, một đất nước Hồi giáo có luật pháp hà khắc, cuộc sống khép kín thì doanh nhân Việt Nam không chịu nổi. Không có rượu uống, không có những nơi để ăn chơi. Có lẽ đó là điều doanh nhân Việt Nam không chịu nổi. Người Iran sang Việt Nam du lịch cũng rất ít, bởi lẽ người Iran bây giờ hầu như không hiểu biết gì về Việt Nam. Nghe nói năm 2015, người Iran sang Việt Nam du lịch đã tăng gấp đôi so với năm trước khoảng… 1.000 người. Trong khi đó, mỗi năm người Iran sang Thái Lan du lịch tới 700.000 người.
Cứ nhìn cung cách các doanh nhân Việt đi sang Iran trong đoàn của Chủ tịch nước vừa rồi mà thấy buồn. Trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp Iran, hầu như chẳng có doanh nhân nào lao vào tìm hiểu đối tác và chăm chú vào chuyện làm ăn, mà chủ yếu là lo đi… chơi.
Đây cũng có thể coi là “vấn nạn” của không ít doanh nhân Việt khi đi với lãnh đạo cấp cao ra nước ngoài. Có thể khẳng định lãnh đạo Đảng, Nhà nhà nước và Chính phủ luôn luôn mong muốn doanh nghiệp Việt Nam thoát khỏi tình trạng “ta tắm ao ta”, vì vậy, một chuyến đi công tác thường có không ít doanh nghiệp được đi cùng, với mục đích là để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Nhưng có một thực tế mà ai cũng biết là hầu hết các doanh nghiệp có ý định làm ăn nghiêm túc thì họ lại lẳng lặng đi đường khác, còn nếu có được gọi đi cùng thì thường là đóng vai “diễn viên quần chúng” - đi cho đông, cho vui, cho oai. Còn không ít doanh nhân coi những chuyến đi này là cơ hội để đi du lịch và được tiếng là “đi tháp tùng”.
Khi Iran được xóa một phần lệnh cấm vận, doanh nghiệp các nước nườm nượp đổ đến. Singapore khoảng 150 đoàn, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, mỗi quốc gia có khoảng 100 đoàn, riêng Việt Nam có lẽ đếm chưa đến 10 đầu ngón tay. Và kim ngạch xuất khẩu giảm rất nhiều chỉ có 180 triệu USD. Cứ bảo người Việt Nam chịu khó, cần cù, chịu kham khổ, nhưng xem ra câu nói này chỉ đúng với ngày xưa thôi. Còn bây giờ, người Việt mình xem ra ngày càng lười, và ngại khó, ngại khổ, đã thế lại thêm căn bệnh lao động vô kỷ luật.
Có lẽ doanh nghiệp đầu tiên đặt chân đến Iran từ trước đến nay chính là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc Tập đoàn thì Tập đoàn đã có những đoàn cán bộ sang Iran tìm kiếm cơ hội hợp tác từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Và mãi đến năm 2008, chúng ta mới ký được một hợp đồng thăm dò ở khu vực Danan gần biên giới Iraq. Nhưng do ảnh hưởng của lệnh cấm vận nên dự án bị dừng từ bấy đến nay. Và đến bây giờ khi khởi động lại được thì những điều khoản này lại lạc hậu, không phù hợp với tình hình hiện nay và đây là vấn đề mà hai bên cần phải bàn bạc để giải quyết. Bởi nếu thực hiện theo điều khoản cũ thì thành đi làm không công. Vậy theo mới là cái gì thì còn phải bàn. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nhất rằng, Iran có tiềm năng dầu mỏ, nên khi đàm phán họ luôn ở tư thế “ngồi chiếu trên”. Các điều khoản họ đưa ra không dễ dàng gì và càng không có chuyện ưu đãi.
Cũng phải nói thêm, hầu như tất cả các quốc gia có tiềm năng về dầu khí bao giờ họ cũng dành thuận lợi tối đa cho nước chủ nhà. Còn với những ai đến với họ thì chỉ có hai con đường: Hoặc là chấp nhận điều kiện họ đưa ra hoặc là “ăn xôi xéo”.
Những điều khoản này bao giờ cũng rất ngặt nghèo và để kiếm được đồng lãi từ Iran phải có sự kiên nhẫn và tiềm lực tài chính rất mạnh, đặc biệt là phải có sự yểm trợ của chính phủ và ngân hàng. Điều đó có thể dễ nhận thấy rằng, vì sao Trung Quốc năm qua tung hoành ngang dọc ở Iran, họ xây dựng nhà cửa, nhà máy, làm đường giao thông… Họ làm được là bởi Chính phủ Trung Quốc đã có ưu đãi rất lớn để Trung Quốc vươn ra nước ngoài. Người Iran rất trọng thị với người Việt Nam. Và có lẽ giữa hai bên thế mạnh đó là duy nhất. Còn như tình hình hiện nay, rất khó có thể trông mong điều gì trong phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Chính vì thế mà trong chuyến tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm hữu nghị chính thức Iran mới đây, Chủ tịch HĐTV Nguyễn Quốc Khánh đã có báo cáo tình hình hợp tác với Iran và một số vấn đề cần tập trung tháo gỡ.
Có thể tóm lược như sau:
Ngay sau khi Hợp đồng có hiệu lực, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và BatuPetro - Đơn vị Điều hành dự án đã tích cực triển khai các công việc theo cam kết khá tốt, đúng tiến độ, chi phí thấp hơn dự kiến.
Từ cuối 2010 - đầu 2011, do Lệnh Cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây tăng cường, việc chuyển tiền vào Iran qua hệ thống ngân hàng để tiếp tục triển khai không thể thực hiện được nên dự án đã được tạm dừng/giãn tiến độ.
NIOC đã cho gia hạn Giai đoạn Thăm dò thêm 1 năm đến ngày 31-7-2013 tuy nhiên, hai Bên không ký Thỏa thuận Sửa đổi, Bổ sung Hợp đồng về việc gia hạn.
PVEP tiếp tục  gửi thư xin Gia hạn Hợp đồng sau 31-7-2013 nhưng NIOC không trả lời.
Từ 1-8-2012 đến nay PVEP vẫn duy trì sự hiện diện tại Iran với quy mô tối thiểu.
PVEP đã tổ chức một số chuyến công tác tới Iran nhằm thuyết phục đối tác cho phép duy trì dự án và triển khai khi điều kiện cho phép. Chuyến thăm gần đây của lãnh đạo PVEP là tháng 11-2015, quan điểm của lãnh đạo NIOC như sau: Đánh giá cao việc PVEP vẫn tiếp tục duy trì hiện diện tại Iran, hợp tác tốt với NIOC, NIOC ED; cho phép tiếp tục triển khai Dự án Danan, gia hạn thời kỳ thăm dò và hợp đồng thêm 3 năm để thực hiện Cam kết khoan với điều kiện: PVEP chỉ rõ phương thức chuyển tiền vào Iran; Chương trình cụ thể  cho 3 năm gia hạn; Cung cấp bảo lãnh thực hiện hợp đồng.ngay sau chuyến công tác, PVEP OVS đã tiếp xúc với một loạt ngân hàng lớn tại Việt Nam để làm rõ các vấn đề theo yêu cầu của NIOC, theo đó, một số ngân hàng khẳng định có thể cung cấp bảo lãnh thực hiện hợp đồng trực tiếp cho NIOC, đồng tiền USD; Việc chuyển tiền vào Iran bằng đồng Euro là có thể thực hiện được qua hệ thống Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Nhật... tuy nhiên việc chuyển bằng đồng USD thì đang tiếp tục tìm giải pháp.
Từ những thực tế trên, chúng ta mong muốn  phía bạn tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ để PVEP duy trì và triển khai dự án với tiến độ phù hợp với thực tế. Trước mắt xin gia hạn giai đoạn thăm dò và hợp đồng thêm 5 năm từ ngày tái khởi động lại dự án để hoàn thành cam kết tối thiểu của giai đoạn thăm dò. Cho phép PVEP đàm phán, điều chỉnh hợp đồng hiện tại theo mẫu hợp đồng mới mà Iran sắp ban hành sau khi kết thúc giai đoạn thăm dò. Xem xét và có ưu đãi hơn về một số điều khoản, ví dụ như tăng tỷ lệ tiền thưởng công. Cho phép các công ty Việt Nam được cung cấp dịch vụ cho dự án. Đề nghị phía bạn linh hoạt sử dụng đồng tiền trong hợp đồng, có thể sử dụng ngoại tệ khác thay thế USD. Và đề nghị giới thiệu để xem xét các cơ hội đầu tư mới, đặc biệt là các cơ hội phát triển dầu.
Sau khi nghe Chủ tịch HĐTV Nguyễn Quốc Khánh và đoàn báo cáo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã biểu dương những nỗ lực của PVEP và Tập đoàn Dầu khí Việt nam đã quyết tâm vươn ra nước ngoài để tìm kiếm nguồn dầu bổ xung cho các mỏ của ta đang suy giảm sản lượng. Đó là một hướng đi chiến lược đúng đắn. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn và từng điều kiện cụ thể mà phải có những bước đi, biện pháp thích hợp.Chủ tịch nước nhấn mạnh đến việc phải đảm bảo hiệu quả kinh tế. Qua những bài học chưa thực sự thành công ở một vài dự án tại nước ngoài, lãnh đạo tập đoàn cần hết sức lưu ý đến tính hiệu quả của các dự án sau này. Nếu chưa chắc chắn thì dứt khoát không làm. Ngành Dầu khí là ngành có rủi ro cực kỳ lớn, trong khi tiềm lực tài chính của chúng ta còn yếu thì phải tính hiệu quả cho từng đồng vốn.
Iran đúng là mảnh đất còn rất nhiều tiềm năng mà doanh nghiệp Việt Nam cần “khai phá”. Nhưng trong tình hình hiện nay, ngoài ý chí, nội lực của từng doanh nghiệp, doanh nhân thì rõ ràng, phải có sự yểm trợ về cơ chế, chính sách và tài chính của Chính phủ. Đặc biệt với những ngành như dầu khí - một ngành được đánh giá là “siêu lợi nhuận” nhưng cũng “siêu rủi ro”.

Nguồn:

Không có nhận xét nào: