Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Những thành phố màu sắc ở xứ Basque

Những ngày thực tập tại một công ty du lịch ở Marseille, chúng tôi lên tục được xem giới thiệu về xứ Basque với thảo nguyên xanh bạt ngàn, bãi biển đẹp mê ly và nền ẩm thực khiến ai cũng phải quên sầu! Vẫn tin vào quảng cáo nên có dịp là cả bọn khăn gói đến cái xứ có tên riêng (dân Basque luôn gọi quê hương mình là Euskadi), có cờ riêng, ngôn ngữ riêng, và hở chút là biểu tình đòi ra riêng!


nhung-thanh-pho-mau-sac-o-xu-basque-ivivu-1
Thành phố hào hoa và bãi biển kỳ lạ
Bao gồm một phần nhỏ miền Tây Nam Pháp và một phần Đông Bắc Tây Ban Nha, diện tích Basque lớn hơn Thụy Sĩ một chút. Ở vùng biên giới với Pháp, phong cách Pháp vẫn hiện rõ nhờ các dãy nhà lộ khung xương gỗ kiểu Timber nhiều màu sắc.
Các bảng chỉ đường có đủ ba thứ tiếng, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Basque nhìn na ná kiểu chữ của mấy nước Đông Âu. Du khách đến đây sung sướng nhất là chuyện đi lại, hệ thống metro hiện đại, giá rẻ tỏa đi khắp nơi trong vùng.
Hơn 40 phút trên metro chúng tôi qua rất nhiều thành phố nhỏ. Càng vào sâu, kiến trúc các đô thị càng đậm kiểu Tây Ban Nha.
Tháng Ba, bầu trời còn xám ngắt nhưng từ cửa sổ tàu nhìn ra, những đồi cỏ xanh đã bừng lên sức sống với đàn cừu trắng như cục bông nhởn nhơ ăn uống. Cây cối phần lớn còn trơ trụi nhưng màu vàng rực rỡ của mimosa và màu trắng phớt hồng của táo, mận, mơ, đào hứa hẹn mùa xuân đang đến rất gần.
Cảnh đồi núi và đồng quê xứ Basque vào đầu mùa xuân
Cảnh đồi núi và đồng quê xứ Basque vào đầu mùa xuân

San Sebastian đón chúng tôi bằng làn mưa nhẹ. Mưa xám càng làm thành phố lâu đời thêm phần lãng đãng. Phố toàn nhà cao màu vàng hoặc nâu, nhìn chi tiết nào cũng thấy cổ kính.
Có những ngôi nhà theo kiểu Pháp hoa mỹ, có những ngôi nhà lại đơn giản mà bề thế. Nhà cao nối nhà cao, những con đường rộng dài trồng hoa anh đào hồng nhạt, mộc lan tím đỏ, hay hoa trà rực rỡ.
Mấy thế kỷ trước nơi đây chỉ là một làng chài nhỏ, từ khi triều đình Tây Ban Nha quyết tâm biến San Sebastian thành trung tâm văn hóa và giải trí thì thành phố mới thu hút ngày càng nhiều tài tử giai nhân bốn phương.
Đêm xuống, vẻ cổ kính phải nhường chỗ cho muôn vàn ánh đèn rực rỡ kéo dài từ khu trung tâm cho đến tận bờ biển. Du khách ai nấy hồ hởi trước không khí náo nhiệt của các quán bar trong phố cổ, những nhà hàng sang trọng và sự sầm uất của những cửa hàng thời trang cao cấp quanh nhà thờ chánh tòa.
Thành phố San Sebastian xinh đẹp với lối kiến trúc hoa mỹ
Thành phố San Sebastian xinh đẹp với lối kiến trúc hoa mỹ
Chưa đến cuối tuần mà mới 7 giờ tối, các quán bar đã đông kín người. Đến San Sebastian, cả những người không ưa ồn ào cũng phải đặt chân vào bar vì nếu không đến đấy, họ sẽ lỡ dịp thưởng thức pincho – món nhắm với bia được coi là niềm kiêu hãnh của nền ẩm thực Basque.
Pincho thường được làm từ bánh mì baguette cắt miếng nhỏ rồi phủ thịt nguội hoặc tôm, trứng… với nhiều cách trang trí cầu kỳ công phu, ngắm thôi đã thấy thèm! Mỗi bar thường có mỗi loại pintxo riêng để giữ khách nhưng cơ bản thì phải có pincho lạnh có thể ăn ngay và pincho cần hâm nóng trước khi thưởng thức.
Tôi thích nhất món pincho có thịt khô Jabugo ngọt, dai và mỏng như tờ giấy, khi làm nóng lên miếng thịt trong suốt thấy cả thớ và đường vân. Món pincho tôm thì không có bánh mì mà tôm bóc vỏ, xiên vào que, nướng trên bàn nướng, sau đó rắc ít hành phi băm nhỏ, con tôm ăn giòn sần sật, thơm nức mũi.
Mỗi món pintxo có giá 3 – 4 euro mà có ăn đến chục cái vẫn chỉ thử được phần rất nhỏ trong cái thực đơn dài dằng dặc. May cái là rượu txakoli, đặc sản địa phương cũng rẻ, chỉ 1,5 euro một ly, quán nào cũng vậy.
Chẳng mấy chốc người đứng chật quán, tràn cả ra vỉa hè. Tôi muốn nhìn lên cho đỡ ngộp thì lại ngộp hơn trước mấy dãy đùi bò xông khói to bự treo dày ken.
Nhà phố kiểu đặc trưng ở xứ Basque
Nhà phố kiểu đặc trưng ở xứ Basque
nhung-thanh-pho-mau-sac-o-xu-basque-ivivu-5
Sáng hôm sau, sau khi dùng điểm tâm cũng với món pincho chúng tôi lên xe đi thăm Zumaia, thắng cảnh nổi tiếng nhất Basque. Bãi biển Zumaia không giống với bất kỳ bãi biển nào trên thế giới bởi nơi đây toàn là những lớp đá sắc nhọn như răng cưa, xếp song song nhìn ngang giống như những trang sách khổng lồ do thiên nhiên tạo ra.
Những phiến đá độc đáo này thực chất là một loại đá trầm tích được hình thành từ sự lắng đọng các lớp bùn mỏng và đá sa thạch. Thiên nhiên đời này qua kiếp khác miệt mài trang điểm cho bờ biển những kiệt tác đá.
Núi như được dựng lên từ những lớp đá mảnh chứ không phải từ những tảng đá khối. Nếu nhìn những lát cắt dọc thì lại có cảm giác như hàng ngàn bánh răng cưa chập vào nhau.
Cỗ xe thời gian ấy có lẽ đã chạy được hơn 100 triệu năm rồi. Sự già cỗi của núi đang được phô diễn bởi nước biển, biến những ngọn núi to cao ấy thành những mạch dài chạy từ chân núi băng qua cát, chìm vào lòng nước giống như rễ của cây si đại thụ len lỏi cắm thẳng xuống đất.
 Bãi biển Zumaia với những lớp đá hình răng cưa. Ảnh: J.L. Lazkano
Bãi biển Zumaia với những lớp đá hình răng cưa. Ảnh: J.L. Lazkano
Vì phong cảnh Zumaia huy hoàng nhất vào buổi sáng nên mọi người cố đến đây thật sớm. Lúc này gió đang thổi sầm sập vào vách núi và dải đá răng cưa. Sóng biển cuồn cuộn tung bọt trắng xóa, tràn vào giữa những kẽ đá dọc bờ. Nếu không có ngọn hải đăng và ngôi nhà thờ nằm trên đỉnh núi xanh biếc thì chúng tôi đã tưởng mình đang tham gia trò chơi 3D nào đó bởi khung cảnh nhìn thật kỳ lạ.
Những kiến trúc ấn tượng ở Bilbao
Nếu San Sebastian nổi tiếng với vẻ hào hoa thì Bilbao thu hút du khách bằng nhiều công trình kiến trúc ấn tượng. Thành phố cảng ba mặt được núi bao bọc này mới ra sức phát triển du lịch từ những năm 1990 nhưng đã chứng minh được sự chuyển hướng đó là đúng đắn.
Đi dạo dọc sông Nervion thơ mộng, chúng tôi không thể tin rằng cách đây 30 năm, Bilbao còn là thành phố công nghiệp nặng bị ô nhiễm khá nghiêm trọng. Dòng sông giờ trong xanh, chia đôi thành phố thành khu cổ và khu mới. Hai khu được nối bằng những cây cầu rất đẹp.
Bề dày gần 800 năm tuổi đã để lại cho Bilbao nhiều nhà thờ, viện đại học và bảo tàng giá trị. Chính quyền khéo léo khai thác thế mạnh đó bằng hệ thống giao thông hiện đại bậc nhất châu Âu: Ngoài một sân bay quốc tế, từ Bilbao có đủ hệ thống tàu điện ngầm, các tuyến đường bộ, đường sắt… đi các vùng miền của Tây Ban Nha và các nước lân cận.
Bảo tàng Guggenheim – biểu tượng của thành phố Bilbao
Bảo tàng Guggenheim – biểu tượng của thành phố Bilbao
Dù giờ đây du lịch – dịch vụ mới là ngành kinh tế chính nhưng Bilbao không bao giờ quên lịch sử hơn 700 năm khai thác mỏ – luyện kim của mình. Bảo tàng Guggenheim – biểu tượng của thành phố như một pháo đài hiện đại được bọc toàn bộ bằng titanium. Công trình có diện tích 24.000 m² màu sáng bạc trông đầy sức mạnh bên vẻ đẹp mềm mại của dòng sông Nervion.
Cũng trên sông Nervion, một hình ảnh lạ lẫm đã diễn ra trước mắt chúng tôi: một chiếc cầu treo “di động” lướt trên mặt nước, đưa hành khách và xe cộ qua sông trong 1 phút 30 giây. Đó là cầu Vizcaya – một cầu chuyển tải mà dân cư trong vùng thường gọi là cầu treo, mặc dù kết cấu của nó hoàn toàn khác biệt với cầu treo.
Cầu Vizcaya dài 164 mét, cao 43 mét, có chiếc thuyền treo bên dưới để chở hàng hóa – hành khách. Vizcaya là cây cầu chuyển tải lâu đời nhất thế giới. Người dân Bilbao đến nay vẫn rất tự hào với loại hình vận chuyển độc đáo, là sự kết hợp giữa một cây cầu sắt và một chiếc thuyền treo.


Không có nhận xét nào: