Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Xe tay ở Tokyo

GHI CHÉP CỦA NHÀ VĂN DI LI


Tôi vừa đi Ấn Độ về, sau đó lại sang Nhật. Tự dưng thấy sự đối nghịch khổng lồ. Nhật Bản khác Ấn Độ một trời một vực.

    1. Nếu như Ấn Độ bát nháo thì Nhật Bản trật tự như một cỗ máy. Ấn Độ ngập rác thì Nhật Bản còn sạch hơn cả Singapore. Ấn Độ đến đâu cũng thấy ăn xin thì người Nhật tự trọng tới độ đi khắp Tokyo thấy có mỗi hai bác hành khất, lại còn ăn mặc sang trọng như võ sĩ đạo, đầu đội nón để dân tình đỡ nhìn thấy mặt thì khỏi xấu hổ. Ấn Độ có mỗi trang phục sari thì Nhật Bản có hàng vạn kiểu áo quần kỳ khôi mà điển hình là trào lưu Harajuku. 
    Như nhiều quốc gia khác còn duy trì nền quân chủ lập hiến, cung điện ở Tokyo là một điểm quan trọng để ghé thăm nếu đã qua Tokyo, mặc dù du khách chỉ được “ngó” bên ngoài. Nhưng kiến trúc của Ngoại thành Hoàng cung thì thực tệ. Còn nhớ một câu chuyện vui về Hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Là khi bạn được ăn cơm Tàu, ở nhà Anh, lĩnh lương Mỹ và lấy vợ Nhật. 
    Còn thế nào là Bất hạnh? Bất hạnh là khi bạn phải ăn cơm Anh, ở nhà Nhật, lĩnh lương Tàu và lấy vợ Mỹ. Vợ Nhật thì vừa đẹp vừa ngoan, vừa biết hầu chồng, còn nhà ở của Nhật thì xấu nhất thế giới. Giờ mọi giá trị đảo lộn hết cả rồi. Phụ nữ Nhật bây giờ còn “hư” hơn phụ nữ Mỹ ở chỗ không thèm lấy chồng, không chịu sinh con, khiến những mày râu chưa vợ ở Nhật Bản ngày càng trở nên tuyệt vọng.
     Chỉ riêng việc nếu bạn loanh quanh buổi đêm ở khu Shinjuku sẽ bắt gặp rất nhiều “trai đẹp” cầm ô trắng (dấu hiệu nhận biết đặc trưng của các “call boy”) để mời chào phụ nữ đã chứng minh cho nữ quyền ở Nhật mạnh mẽ dường nào. Nhưng kiến trúc Nhật Bản thì vẫn chẳng có gì thay đổi, ngay cả những công trình cổ kính giá trị nhất của xứ Phù Tang cũng không thể so sánh với Trung Quốc và Ấn Độ.
    2. Có một thứ đặc biệt tôi đã nhìn thấy ở Ấn Độ song cũng lại bắt gặp ở Tokyo là xe tay. Nhưng nếu xe tay ở Kolkata có bộ gọng đen đúa bẩn thỉu thì xe tay trước cổng chùa Asakusa Kannon sáng loáng mạ kền. Người kéo xe ở đền Kalighat gầy nhom nhếch nhác với bộ quần áo bốc mùi và khuôn mặt buồn thảm muốn khóc thì những chàng kéo xe ở chùa Asakusa phô bày một màn biểu diễn đường phố với quần soọc thời trang phô bắp vế lực lưỡng, tay áo xắn cao sẹc xi khoe những múi cơ đáng tự hào và khuôn mặt luôn nở nụ cười quyến rũ. 
    Người kéo xe Ấn Độ già nua miệng thở hồng hộc lê chân trần trên mặt đường lầm bụi tải theo những vị khách có bộ dạng béo phì của người không đủ thu nhập để ăn kiêng thì cậu thanh niên Nhật Bản kéo chiếc xe du lịch nhẹ nhàng như một món đồ chơi và trên xe là những cô búp bê Barbie thanh mảnh tuyệt vời. Xe kéo ở Ấn có giá rẻ mạt phù hợp với những công dân chẳng đủ tiền đi taxi thì xe kéo ở Nhật thậm chí còn đắt hơn taxi (mà taxi Nhật đã 8USD/km). Xe kéo Kolkata gợi nỗi buồn thương, u ám về những phận nghèo, khiến người nhạy cảm ngồi trên xe luôn cảm giác như mình là kẻ bóc lột. Còn xe kéo Tokyo lại mang vẻ… thể thao, lãng mạn, hài hước, vui nhộn và không kém phần xa xỉ.
     
    3. Ngày cuối cùng tôi ở khách sạn Nikko ngay khu vực sân bay, đồng nghĩa với việc chán chết nhìn đồng hồ cho tới giờ cất cánh. Quận Chiba rất nhiều khách sạn năm sao và siêu thị để phục vụ cho khách chờ bay, ngoài ra không còn gì khác ngoài mấy quả đồi. Tôi quyết định bắt tàu tốc hành vào Tokyo. Nhiều người gàn. Tối hôm trước lúc xe chạy qua khu Shinjuku, người am hiểu chỉ cho tôi ga tàu điện ngầm đông đúc nhất thế giới với ý đồ làm tôi phát nản mà không bỏ lên Tokyo chơi nữa. Họ sợ tôi sẽ bị lạc. 
    Nhìn “bầy ong” túa ra từ những ga tàu điện ngầm đông nhất thế giới, tôi bị hoảng mất 30 giây. Narita cách Tokyo 60km, đi taxi mất khoảng 500USD một lượt từ sân bay về nội thành, đắt bằng tiền vé máy bay từ Hà Nội sang Tokyo. Tôi chưa thấy taxi ở đâu đắt vô lý như vậy, trong khi so với giá cả mặt bằng thì mọi thứ ở Tokyo đều ở mức chịu đựng được. Có lẽ do mật độ xe cộ dày đặc nên chính phủ Nhật phải đánh thuế cao dịch vụ taxi nhằm khuyến khích mọi người chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Trước khi sang Nhật, một cô bạn thân giới thiệu cho tôi ông bố nuôi của cô, bảo ông rất nhiệt tình, sẽ đưa chúng tôi đi chơi một buổi. 
    Nhưng thấy bảo ông đã gần 80, tôi hơi nản, sợ sức ông đi bộ một quãng đã phải nghỉ. Song bạn tôi bảo cứ yên trí, ông vẫn còn đang đi làm. Y hẹn, ông Kondoh đón tôi ở một nhà ga Tokyo. Từ sân bay Narita, tôi bắt tàu lên Tokyo, hết chừng 20USD tiền vé và mất 55 phút. Nếu bạn chỉ muốn mất 45 phút thì chọn tàu JR Express nhưng giá vé sẽ là 30USD. Ông Kondoh hiện là đại diện của công ty Vinaconex ở Nhật Bản. Hồi bạn tôi sang Nhật làm việc ba tháng được ông nhận làm con nuôi. Ra đón tôi, ông mặc quần jean, áo vest demi và đầu trọc lốc. Đó là đặc điểm nhận diện. Ông hỏi chúng tôi muốn đi đâu, tôi chỉ đưa ra ba yêu cầu, coi như là tạm hết Tokyo: Đền thờ Minh Trị, nhà ga Harajuku và nhà ga Shibuya.
     
    4. Nơi mà tôi muốn đến đầu tiên ở Tokyo là nhà ga cổ Harajuku, khu vực tập trung nhiều nhất những thanh niên Cosplay, một đặc sản độc nhất vô nhị của Nhật Bản. Đã nhiều thập kỷ, giới trẻ Nhật khởi xướng một trào lưu thời trang quái dị khi đóng vai những nhân vật trên phim hoặc truyện tranh mà họ yêu thích. Họ thường đứng tụ tập ở khu vực nhà ga Harajuku và Shibuya, từ đó hình thành cụm từ “Thời trang Harajuku”. 
    Đối diện nhà ga là con phố chỉ bán độc một loại mặt hàng là quần áo và phụ kiện phục vụ cho các “Harajuku”: Trang phục cướp biển, trang phục tướng quân, trang phục vấy máu, những bộ tóc giả, giày tất và mũ đội đầu. Nhưng tuyệt nhiên sáng đó tôi chẳng bắt gặp một “Harajuku” nào. Hỏi ông Kondoh, ông bảo ông không biết, ông chẳng bao giờ đến đây, thậm chí ông còn chưa đứng cạnh tượng chó Hachiko bao giờ. Thôi thì ông Kondoh cũng đã già, giờ đã đến tuổi chỉ giải trí bằng cách đọc báo chứ sao lại bắt ông dẫn đi xem các cô gái mặc Lolita. 
    Chiều ý tôi, ông Kondoh đành đi bộ vào từng cửa hàng hỏi bao giờ thì những cô cậu thanh niên ăn mặc kỳ quái sẽ ra đứng đây. Không chắc ông Kondoh truyền đạt có đúng hay không mà không ai hiểu ông muốn hỏi điều gì. Cuối cùng ông đành gọi về Việt Nam cho bạn tôi để nói chuyện bằng tiếng Nhật, rồi chuyền máy sang cho tôi. Bạn bảo tôi muốn gì thì cứ nói, cô ấy sẽ giải thích lại cho ông Kondoh. Thực ra không cần hỏi tôi cũng đoán được rằng giờ này sớm quá, mới có 10 giờ sáng chủ nhật, các “Harajuku” còn đang ngủ, chưa kể việc ăn vận trang điểm cầu kỳ sẽ mất tới cả tiếng đồng hồ. Có lẽ họ sẽ chỉ ra đây vào chiều thứ bảy, chủ nhật, mà giờ ấy thì tôi lên máy bay rồi.
    5. Nếu có thời gian thì những buổi tối đẹp trời, tôi sẽ ngồi yên trên vỉa hè khu Shinjuku mà ngắm người qua lại như cách thưởng thức một sân khấu thời trang ngoài trời. Ngay cả những chàng trai cô gái không ăn vận theo kiểu Harajuku thì cũng có chút gì đó khác lạ so với trang phục đơn giản của người xứ khác. Các cô gái đi giày đế bánh mì cao 15 phân và chiếc váy da có lẽ chỉ dài hơn đế giày chút xíu. 
    Những chàng trai luôn để tóc dài, đội mũ rộng vành ngay cả lúc nửa đêm và mặc quần jean rộng thùng thình. Ở xứ này, ngay cả trang phục của cô dâu, chú rể cũng rất khác thường. Khi vào đền Minh Trị (chỉ cách nhà ga có vài trăm mét), tôi bắt gặp đến bốn đám cưới. Thay vì mặc vest và soiree trắng, chú rể lại vận kimono đen còn cô dâu mặc kimono trắng, đội mũ trắng, một loại mũ cứng chóp cao rất khó tả hình thù. 
    Bầu đoàn thê tử theo sau cũng ăn mặc theo lối cổ xưa. Cả gia đình hai họ đang làm lễ, một người đi sau che lọng cho đôi tân lang và tân giai nương. Những ông thầy tế quần chùng áo dài đi đôi giày to như cục gạch dẫn đầu đoàn. Theo sau là các Miko (người giữ đền phục vụ trong các thần xã) mặc bộ kimono vải hoa.
    Đền thờ Minh Trị Thiên Hoàng (1852-1912) được xây dựng để tưởng nhớ công lao của ông sau công cuộc Minh Trị Duy Tân năm 1868, một cuộc cải cách đã dẫn đến thay đổi to lớn trong xã hội và chính trị Nhật Bản. Đền Meiji là một nơi bình yên rộng lớn bao quanh bởi cây cối với torii bằng gỗ mộc không sơn phết. Tôi và ông Kondoh đi trên lối vào đền trải đá răm, nói không ngớt về cuộc cách mạng Minh Trị và vị minh quân có công lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản. 
    Tôi nói rằng nếu năm 1864 mà vua Tự Đức duyệt sớ cải cách toàn diện của danh sĩ Nguyễn Trường Tộ thì giờ nước chúng tôi có lẽ còn hơn cả nước Nhật. Ông già Kondoh cười khà khà bảo cũng có biết chuyện ấy, rồi không nói gì thêm nữa. Có lẽ cũng đã nhiều người kể câu chuyện “Nếu…” ấy với ông rồi.

    Không có nhận xét nào: