(Kiến Thức) - Khu di tích Panamá Viejo là những gì còn lại của một khu định cư châu Âu đầu tiên bên bờ biển Thái Bình Dương
Nằm ở vùng ngoại ô thành phố Panama, thủ đô của đất nước Trung Mỹ Panama, khu di tích Panamá Viejo (có nghĩa là Panamá cổ) là phần còn lại của một trong những thành phố thực dân lâu đời nhất châu Mỹ.
Đây là một khu định cư do nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Pedro Arias Dávila cùng 100 người khác thành lập vào ngày 15/8/1519.
Vào thời điểm đó, Panamá Viejo đã trở thành một khu định cư của những người châu Âu thường xuyên đầu tiên bên bờ biển Thái Bình Dương, bên cạnh các khu định cư Santa María la Antigua del Darien và Acla bên Đại Tây Dương
Năm 1521, hai năm sau khi thành lập, nơi đây đã trở thành một thành phố theo một sắc lệnh hoàng gia và được trao một huy hiệu bởi Carlos I của Tây Ban Nha, chính thức là một đô thị thuộc địa của Đế quốc Tây Ban Nha.
Một thời gian ngắn sau khi thành lập, Panamá Viejo trở thành điểm xuất phát của những cuộc thám hiểm tới Peru và là một kho cất giữ vàng, bạc quan trọng trước khi được chuyển tới Tây Ban Nha
Trải qua 150 năm, dù trải qua nhiều thảm họa lớn từ động đất, hỏa hoạn và cướp biển, thành phố vẫn phát triển và liên tục mở rộng quy mô.
Năm 1670, thành phố đạt đến sự cực thịnh với dân số khoảng 10.000 người.
Tuy nhiên, số phận Panamá Viejo đã được định đoạt không lâu sau đó. Ngày 28/1/1671, tên cướp biển người xứ Wales là Henry Morgan, kẻ được biết đến là cướp biển tàn ác nhất trong lịch sử đã tấn công thành phố với 1.400 người tới từ bờ biển Caribe.
Lực lượng của Morgan đã đánh bại dân quân của thành phố trước khi tràn vào cướp phá. Cuộc tấn công của Morgan khiến hàng ngàn người thiệt mạng và thành phố bị hủy diệt hoàn toàn.
Đền năm 1673, thành phố Panama mới được xây dựng cách đó vài km về phía Tây. Panamá Viejo vĩnh viễn trở thành phế tích
Ngày nay, tàn tích của nhà thờ Panamá Viejo là minh chứng rõ nét nhất về sự thịnh vượng của thành phố cổ còn được lưu giữ.
Năm 1997, Panamá Viejo đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
T.B (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét