(HNMO) - Cung đường hẹp men qua vách núi dựng đứng là nỗi khiếp sợ của cả những tài xế lão luyện nhất, bởi chỉ cần một sơ sảy nhỏ cũng có thể dẫn tới hậu quả khôn lường. Nhưng đối với những ai ưa thích khám phá và mạo hiểm, đó sẽ là một trải nghiệm vô cùng hấp dẫn và không thể nào quên.
Cuộc hành trình đầy hào hứng và mạo hiểm mở ra với một trong những cung đường ngoạn mục và nguy hiểm nhất tại Ấn Độ. Con đường có tên gọi Kishtwar xuyên qua hai huyện miền núi là Jammu và Kashmir, nối liền thế giới bên ngoài với thung lũng bí ẩn Pangi giấu mình giữa dãy Pir Panjal và Zanskar nằm phía tây dãy núi Himalaya.
Vào tháng 11, thời tiết thường trở nên khá thất thường. Tuyết rơi có thể khiến toàn bộ thung lũng Pangi bị cô lập trong nhiều tháng trời.
Từ một trong những tuyến cao tốc 6 làn xe của thành phố thương mại rực rỡ sắc màu Chandigarh, con đường trước mặt cứ hẹp dần. Cuộc hành trình hai ngày dọc theo tuyến đường trước đây vốn chỉ dành cho việc vận chuyển hàng bằng những con la chính thức bắt đầu.
Theo truyền thuyết địa phương, người dân Chamba trong quá trình chạy trốn quân xâm lược Mughal đã ẩn náu tại thung lũng Pangi. Các gia đình quý tộc đã gửi phụ nữ và trẻ em tới thung lũng này để có được một cuộc sống an toàn trong sự bí mật tuyệt đối. Theo một truyền thuyết khác, đây là nơi tù nhân đi đày và lao động khổ sai dưới thời các vua Chamba.
Tuyến đường Kishtwar ôm khít vào các gờ núi và có nhiều đoạn chỉ đủ rộng cho một chiếc xe đi qua. Bằng cách nào đó, các tài xế xe buýt và xe tải vẫn đủ can đảm để đi hết chặng đường. Nếu hai chiếc xe đi ngược chiều gặp nhau, một tài xế phải cẩn trọng lái xe lùi trở lại hàng trăm mét cho tới khi có đủ khoảng trống để chiếc xe kia lách qua.
Suốt dọc tuyến đường, những vách đá dựng đứng, những sườn núi sâu hàng ngàn mét kéo xuống bờ sông Chenab, với đá nhọn hoắt và lởm chởm. Con đường hiểm trở đến nỗi các tài xế thường phải mất tới 4 tiếng để vượt qua 30km trong sự căng thẳng tột độ.
Trên đường đi, bạn có thể bắt gặp những người dân địa phương vốn đã rất quen thuộc với cung đường và cảnh quan xung quanh. Dân Pangwal – hậu duệ của những người đầu tiên định cư tại đây – sở hữu nhiều trang trại nhỏ dọc theo tuyến đường.
Lên cao hơn một chút, người dân Bhot sử dụng ngôn ngữ Tây Tạng và chủ yếu sinh sống nhờ chăn nuôi gia súc. Họ phải vượt qua những điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt bằng việc dự trữ thịt và lúa mạch.
Lúc toàn bộ thung lũng chìm trong tuyết vào mùa đông cũng là thời điểm khó khăn nhất đối với người dân địa phương. Để tiếp cận khu vực sinh sống của người Chamba cần ít nhất hai ngày đường bộ, bởi vậy chính quyền địa phương luôn chuẩn bị sẵn các phương án cứu hộ dự phòng như sử dụng trực thăng trong trường hợp cần thiết.
Trên quãng đường trở về, sự khắc nghiệt của thời tiết đã trực tiếp phơi bày trước mắt. Mây lưng chừng núi phủ kín những chiếc xe bằng một màn sương dày đặc. Cơn mưa phùn thoáng chốc khiến con đường trở nên lầy lội và nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét