Người Khasi ở Ấn Độ truyền họ, tài sản, đất đai cho phụ nữ. Những gia đình không sinh được con gái sẽ bị coi là tuyệt hậu.
Trong rừng rậm xanh tươi của miền Đông Bắc Ấn Độ, sát biên giới Bangladesh, một ngôi làng nhỏ tồn tại với trật tự xã hội lạ lùng. Làng Mawlynnong là nơi sinh sống của khoảng 500 thành viên bộ tộc Khasi. Họ vẫn theo truyền thống mẫu hệ cổ xưa tới thời nay. Tên họ, tiền bạc, tài sản và quyền lực được truyền từ mẹ sang con gái. Đây là nơi phụ nữ đứng đầu gia đình.
Các cô gái Khasi trong một lễ hội truyền thống. Ảnh wikipedia
Karolin Klüppel, nhiếp ảnh gia người Đức, đã dành 2 năm sống với nhiều gia đình Khasi trong ngôi làng sạch sẽ, bình yên và tĩnh lặng này. Theo văn hóa của người Khasi, con gái út (được gọi là “khadduh”) thừa kế tài sản, chồng ở rể và con cái theo họ mẹ.
Con gái là người kế thừa tên họ, của cải trong gia đình. Ảnh: Karolin Klüppel.
Các bé gái học trường làng tới năm 11-12 tuổi rồi tới thành phố để học tiếp. Sau đó, họ vào đại học hoặc trở về Mawlynnong chăm sóc bố mẹ. Các cô gái được quyền cưới bất cứ ai họ chọn. Việc ly hôn hay sống độc thân cũng không gây khó khăn gì cho họ.
Tuy nhiên, việc không có con gái gây ra nhiều rắc rối. Chỉ con gái mới đảm bảo được sự tiếp nối của dòng họ, do đó những gia đình chỉ sinh con trai sẽ “ïap-duh”, có nghĩa là “biến mất”.
Nữ giới là trung tâm mọi hoạt động, nghi lễ. Ảnh: Bedandchai.
Valentina Pakyntein , nhà nhân loại học thuộc đại học North-Eastern Hill, cho biết những tục lệ này đã tồn tại từ thời thượng cổ. Tục này có thể là từ khi người Khasi còn theo tục chung vợ chung chồng, khiến việc xác minh bố mẹ trở nên khó khăn. Một giả thuyết khác là nam giới phải ra trận, không thể chăm sóc cho dòng họ và gia đình.
Ngày nay, nam giới lãnh đạo hội đồng làng Mawlynnong, nhưng họ gần như không sở hữu tài sản. Klüppel cho biết một số người thấy bất mãn và đang yêu cầu bình đẳng giới. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia thấy bất ngờ trước “sự tôn trọng nam giới dành cho phụ nữ” và “muốn mọi người biết về một nền văn hóa khác biệt với thế giới theo phụ hệ”.
Theo Hoàng Linh (Người lao động)
Ngôi làng chỉ phụ nữ được quyền "thống trị"
(Dân trí) - Con gái là người được thừa kế tiền bạc, quyền lực của gia đình. Họ có thể kết hôn với bất kỳ ai họ thích, không có sự kỳ thị nào với một cô gái ly hôn hoặc chọn cách sống độc thân.
Nằm giữa những khu rừng tươi tốt ở vùng đông bắc Ấn Độ, sát biên giới Bangladesh, là một ngôi làng nhỏ với một trật tự xã hội độc đáo. Mawlynnong có khoảng 500 người dân tộc bản xứ Khasi vẫn duy trì truyền thống mẫu hệ. Các khoản thừa kế, tiền bạc, tài sản và quyền lực truyền từ mẹ sang con gái. Nơi đây, phụ nữ thống trị toàn bộ.
Để nhìn rõ hơn về văn hóa dân tộc Khasi truyền thống, nhiếp ảnh gia Karolin Klüppel đã chụp những bức chân dung có sự liên kết giữa các cô gái với môi trường sống xung quanh. Trong ảnh là một dây cá khô thay cho chiếc vòng trên cổ cô bé Grace Tangsong, bảy tuổi.
Karolin Klüppel, một nhiếp ảnh gia sống ở Berlin đã quyết định đến sống với các gia đình người Khasi khác nhau trong 9 tháng tại ngôi làng “êm ả, hòa bình và sạch đến không thể tin nổi”. Cô tìm thấy nền văn hóa dân tộc qua việc những cô bé gái nhỏ tuổi (được gọi là khadduh) được thừa kế tài sản, danh tiếng của gia đình; những người đàn ông sau khi lập gia đình chuyển đến nhà vợ và những đứa trẻ mang họ mẹ sau khi sinh ra.
Anisha Nongrum, bảy tuổi, đội một buồng cau nhỏ, được gọi là kwai.
Các bé gái đi học trong làng cho đến tuổi thiếu niên, sau đó có thể đi học tiếp ở các trường nhà nước và theo học lên đại học hoặc trở về Mawlynnong để sinh sống và chăm sóc cha mẹ mình. Họ có thể kết hôn với bất kỳ ai họ thích, không có sự kỳ thị nếu một cô gái ly hôn hoặc chọn cách sống độc thân.
Ibapyntngen Khongjee, tám tuổi, trốn trong một chiếc màn. Klüppel nói rằng những cô bé Khasi "mạnh mẽ, tự tin" và cư xử rất có trách nhiệm. Nhưng trong thời gian rỗi, chúng cũng chạy nhảy ở sông, bắt cá, hò hét và nghịch bẩn như những đứa trẻ bình thường khác.
Gia đình nào không sinh được con gái sẽ là một nỗi thất vọng lớn. Họ bị gọi là IAP-duh, tức là “tuyệt tự”. Phong tục này đã tồn tại từ thời xưa. Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, nó có thể bắt nguồn từ thời mà người Khasi có tục chung vợ, chung chồng nên khó để phân biệt đâu mới là người cha thật sự của đứa con; hoặc cũng có thể bắt nguồn từ việc những người đàn ông phải tham gia các cuộc chiến nên không thể chăm sóc cho gia đình và gia tộc của mình.
Belinda Khongdup, 12 tuổi, đang cúi xuống để nắm hai cái chân bò. Hầu hết người Ấn Độ theo đạo Hindu, nhưng dân làng trong Mawlynnong theo đạo Kitô hữu và do đó họ có thể ăn thịt bò.
Người chị lớn trong gia đình 3 chị em gái, Phida Nongrum, chín tuổi, đang chơi với một quả bóng trong phòng ngủ. Một ngày kia, em gái Anisha của cô sẽ là người chủ gia đình.
Ngày nay, những người đàn ông đã bắt đầu được lãnh đạo cộng đồng ngôi làng Mawlynnong, nhưng họ hầu như không có tài sản riêng. Klüppel cho biết vài người đàn ông không hài lòng về vị trí của họ và kêu gọi bình đẳng giới, nhưng nữ nhiếp ảnh gia thật sự ấn tượng về sự kính trọng mà đàn ông Khasi dành cho người phụ nữ trong làng. Cô nói rằng cô mong muốn mọi người biết về một nền văn hóa khác biệt với với thế giới trọng nam khinh nữ mà chúng ta đang sống.
Thảo Nguyên
Theo Nationalgeographic
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét