Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Rạng danh bánh mì Việt

Thông qua chuỗi cửa tiệm Lee’s Sandwiches, gia đình nhà họ Lê mà đặc biệt là ông Chiêu Lê đã làm rạng danh bánh mì Việt Nam giữa trời Tây.

Bánh mì vốn dĩ được xem như một món ăn đặc trưng của phương Tây. Cho nên, ít ai dám nghĩ đến việc phát triển kinh doanh bánh mì theo hương vị Việt Nam để “tung hoành” tại nước Mỹ. Thế nhưng, chuỗi cửa hàng Lee’s Sandwiches đã làm được điều này. Tạp chí Forbes từng đăng bài nhận định về các xu hướng mới ảnh hưởng đến thế giới, có cả bánh mì hương vị Việt. Theo đó, văn hóa Mỹ trước đây thống trị thế giới từ thời trang, giải trí đến ẩm thực. Tuy nhiên, nước Mỹ hiện tại đang bị xâm nhập ngược lại bởi những xu hướng từ các quốc gia khác. Trong đó, tạp chí Forbes đưa bánh mì kẹp thịt kiểu Việt Nam vào nhóm 20 xu hướng ảnh hưởng đến thế giới. Thậm chí, tạp chí này còn dùng đúng chữ tiếng Việt “banh mi”, chứ không sử dụng tiếng Anh như trước nay.
Rạng danh bánh mì Việt 1
Một cửa tiệm Lee’s Sandwiches - Ảnh: Goodgreasyeats.com
Bài viết trên tờ Forbes giới thiệu: “Bánh mì (Việt Nam - NV) đang xâm nhập nhanh chóng vào nước Mỹ. Mang kích thước ổ bánh mì nhỏ theo kiểu Pháp, loại bánh mì này được kẹp bên trong bởi những nguyên vật liệu hương vị Việt Nam như: rau mùi, hành tây, đồ chua, ớt và thịt heo... Ngày nay, món ăn đường phố này đang lan ra khỏi cộng đồng người nhập cư và hòa vào xu hướng ở khu vực Bắc Mỹ. Lee’s Sandwiches ở thành phố San Jose thuộc bang California là công ty đầu tiên nhượng quyền kinh doanh (bánh mì hương vị Việt - NV) và đã có hơn 30 cửa hàng ở California, Texas, Arizona, Oklahoma....”. Tương tự, hồi năm ngoái, ấn phẩm Nation’s Restaurant News chuyên về ẩm thực nhận định món bánh mì hương vị Việt của Lee’s Sandwiches đang là một xu hướng mới về sandwich của Mỹ.
Không dừng lại ở đó, thông qua thương hiệu Lee’s Coffee, Lee’s Sandwiches còn góp phần phổ biến cả món cà phê sữa đá được pha theo kiểu Việt Nam truyền thống. Đến nay, cà phê sữa đá được nhiều trang mạng ẩm thực tại Mỹ giới thiệu bằng chính cụm từ “cafe sua da” như một món uống hấp dẫn giữa nhiều loại cà phê được pha theo kiểu châu Âu. Từ đó, bánh mì cùng cà phê sữa đá của Lee’s Sandwiches góp phần to lớn vào việc truyền bá văn hóa ẩm thực Việt Nam tại Bắc Mỹ và đang phát triển tại một số nước khác.
Từ bán dạo trở thành triệu phú
Đồng hành cùng sự thành công của món bánh mì và cà phê sữa đá, Lee’s Sandwiches cũng rất ăn nên làm ra. Tất nhiên, thành công này bắt nguồn từ nỗ lực không ngừng cùng khả năng kinh doanh nhạy bén của gia đình họ Lê, đặc biệt là ông Chiêu Lê.
Rạng danh bánh mì Việt 7
Ông Chiêu Lê - Ảnh: AFP
 
 Theo tạp chí AsianWeek, ông Chiêu Lê rời Việt Nam vào năm 1979 khi đang là sinh viên năm 3 và bắt đầu định cư tại thành phố San Jose từ năm 1980. Ban đầu, ông đối mặt không ít khó khăn do chưa thể giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Anh. Khi đó, ông mưu sinh bằng nghề mổ thịt tại các cơ sở chế biến thịt. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi vợ ông sinh cậu con trai đầu lòng. Để hòa nhập vào xã hội Mỹ cũng như kiếm một nghề thu nhập cao hơn, ông bắt đầu đi học tiếng Anh.
Tại trường học, ông để ý thấy một xe tải bán thức ăn nhanh do người Việt làm chủ đang kinh doanh ở đây. Nhận thấy tiềm năng của phương thức kinh doanh này, ông gom góp tậu một chiếc xe tải bán thức ăn nhanh vào năm 1981 và bắt đầu đi bán dạo ở San Jose. Bằng sự nhạy bén để tìm kiếm nguồn khách hàng ổn định dồi dào, ông cùng vợ là bà Yến bắt đầu liên hệ các công ty tại thành phố này để xin đưa xe vào bán trong giờ công nhân giải lao. Công việc kinh doanh dần tiến triển tốt hơn.
Đến năm 1982, em trai của ông Chiêu Lê là Henry Lê cũng mua một chiếc xe tải để kinh doanh thức ăn nhanh. Sau đó, hai anh em ông lập Công ty Lee Bros (tức Anh em nhà họ Lê - NV) hoạt động trong ngành này, chữ Lê được viết thành Lee để người Mỹ dễ đọc. Công việc kinh doanh ngày càng trở nên khấm khá. Tuy nhiên, công ty này hầu như hoạt động vào những ngày làm việc trong tuần. Vì thế, cha của ông Chiêu Lê là Bá Lê từ năm 1983 bắt đầu dùng xe tải đi bán bánh mì kiểu Việt Nam vào dịp cuối tuần tại San Jose. Món ăn nhanh này chẳng mấy chốc hấp dẫn vô số khách hàng khiến một số nhà hàng trong vùng liên hệ với chính quyền địa phương và tìm cách bắt lỗi. Trước khó khăn trên, gia đình nhà họ Lê nhanh chóng tìm mặt bằng để mở cửa hàng Lee’s Sandwiches đầu tiên.
 
Bánh mì cùng cà phê sữa đá của Lee’s Sandwiches góp phần to lớn vào việc truyền bá văn hóa ẩm thực Việt Nam tại Bắc Mỹ và đang phát triển tại một số nước khác
Kể từ đó, Lee’s Sandwiches không ngừng phát triển và mở rộng hoạt động.
Đặc biệt, đến năm 2001, ông Chiêu Lê cùng con trai cả Minh Lê bắt đầu xây dựng mô hình kinh doanh mới cho hệ thống Lee’s Sandwiches. Theo đó, các cửa hàng của họ cung cấp cả bánh mì Việt Nam và những loại thức ăn nhanh khác của Mỹ. Với món bánh mì Việt đóng vai trò chủ đạo, mô hình này trở thành một trong các chuỗi cửa hàng phát triển nhanh nhất khu vực bờ Tây nước Mỹ. Tiếc thay, chàng trai trẻ Minh Lê không được nhìn thấy thành quả kinh doanh vì anh qua đời vào năm 2001, khi mới 21 tuổi, trong một vụ tai nạn giao thông. Đến nay, Lee’s Sandwiches trở thành một trong các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng nhất nước Mỹ với hơn 500 xe bán thức ăn nhanh cùng hàng chục cửa hàng thông qua nhượng quyền thương hiệu. 
Ngô Minh Trí

Không có nhận xét nào: