Gỏi cuốn: tuyệt hảo, chỉ muốn gắp thêm nữa. Phở: thơm, ngon tuyệt và cân bằng. Đó là nhận xét của hãng tin CNN (Mỹ) về hai món ăn Việt nằm trong danh sách 50 món ăn được cho là ngon nhất thế giới.
CNN còn dẫn từ một tạp chí về sức khỏe, trong đó các nhà khoa học xếp thực phẩm Việt đứng thứ 3 trong 10 thực phẩm dân tộc có lợi nhất cho sức khỏe, sau thực phẩm Hy Lạp và thực phẩm tươi California.
“Những loại rau thơm tươi rói, rất nhiều rau xanh cùng cách thức nấu ăn sử dụng rất nhiều nước dùng thay vì dầu mỡ. Mùi tàu (ngò), húng lủi, húng quế, hồi, ớt đỏ… được sử dụng rất nhiều, phương thuốc từ lâu đã được chứng minh chữa rất nhiều loại bệnh”, bài viết nhận xét.
Việt Nam được xếp đứng trên cả Nhật Bản, một quốc gia nổi tiếng chú trọng về dinh dưỡng, sức khỏe và tuổi thọ cho thấy nền ẩm thực Việt không lép vế trên thế giới một chút nào.
Chính phủ Thái Lan từng ra chỉ tiêu cho đại sứ quán nước này ở các nước mỗi năm phải mở được bao nhiêu nhà hàng. Điều này khiến ẩm thực Thái nổi tiếng đến độ, nhiều Việt kiều ở châu Âu cũng trưng bảng nhà hàng Thái để hút khách.
Thế nhưng, thực phẩm Thái chỉ xếp thứ 10 trong danh sách được CNN đăng tải. Các nước có nền ẩm thực nổi tiếng như Ấn Độ, Ý, Mexico cũng chỉ xếp lần lượt các vị trí 5, 6, 8.
Ngon và lành
TS Nguyễn Nhã, người đứng ra thành lập Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, trưởng đề án Cùng nhau xây dựng bếp Việt cho thế giới nói: “Từ nguyên vật liệu đến cách nấu của món Việt giữ được hương vị tự nhiên và cách ăn cân bằng âm dương, hài hòa. Ngày nay nếu ăn theo cách của Trung Hoa hay phương Tây thì rất nhiều thịt, dầu mỡ, ít rau. Nếu người Hoa dùng ngũ vị hương thì chúng ta chỉ dùng củ hành, củ tỏi, củ nghệ, củ riềng, vừa là gia vị, vừa có công dụng chữa bệnh”.
Martin Yan, đầu bếp nổi tiếng thế giới với câu nói "If Yan can cook, so can you" (nếu Yan làm được, bạn cũng làm được), đã đến Việt Nam vào tháng 05.2012 để làm bộ phim quảng bá ẩm thực Việt.
Yan nói: “Việt Nam xứng đáng là bếp ăn của thế giới”. Hằng năm, cứ vào ngày 8-1, Yan lại đứng ra làm giám khảo cho cuộc thi những nhà hàng Trung Hoa nổi tiếng nhất ở Mỹ.
Tuy nhiên, năm 2012, Yan bỏ lễ hội tôn vinh ẩm thực truyền thống Trung Hoa thường niên để qua Việt Nam giúp bạn ông – Dương Huy Khải, một đầu bếp Việt nổi tiếng mở nhà hàng.
Ở Việt Nam, Yan dành toàn bộ thời gian để thưởng thức ẩm thực, đặc biệt là ở vỉa hè. Sự kiện Yan đến Việt Nam để quảng bá ẩm thực Việt, và Christine Hà, cô gái khiếm thị gốc Việt trở thành vua đầu bếp Mỹ khiến thế giới biết nhiều hơn đến ẩm thực Việt Nam cũng như sự khéo léo, tinh tế của người Việt trong nấu nướng.
|
Chị Trương Thị Quyền, chủ nhà hàng Little Asia ở phố Sainte Catherine, thủ đô Brussel (Bỉ), nổi tiếng với cuốn sách “Koken met Quyền” (Nấu ăn với Quyền - Nhà xuất bản BMP – Antwerp), hướng dẫn 80 món ăn thuần túy Việt Nam với công thức khá đơn giản.
Các gia vị đều có thể tìm thấy ở các cửa hàng rau quả của người Việt, người Hoa hoặc các siêu thị ở Bỉ.
Năm 2006, cuốn sách ngay khi vừa xuất bản đã được bán hết sạch (6.000 cuốn), cho thấy sự chú ý đặc biệt của người Bỉ đối với các món ăn Việt Nam.
Trầy trật
Tuy nhiên, không phải hữu xạ tự nhiên hương mà người Việt có thể ung dung đợi người Tây quảng bá ẩm thực hộ mình. Thái Lan khử mùi nước mắm Phú Quốc, và biến nó thành thương hiệu Thái Lan là bài học xương máu cho người Việt.
Nước mắm Phan Thiết, kẹo dừa Bến Tre… cũng bị các công ty Mỹ nhanh tay đăng ký thương hiệu. Trong khi đó, các chương trình quảng bá ẩm thực rình rang nhưng hiệu quả mang lại không cao.
Các kỷ lục Việt Nam về chiếc bánh khoái lớn nhất, đĩa gỏi ngó sen lớn nhất, chiếc bánh trung thu khổng lồ cho 200 người ăn, chiếc bánh xèo lớn nhất, tô mì Quảng lớn nhất… hầu như không để lại nhiều dấu ấn trong lòng khách du lịch quốc tế.
Anh Bryan, khách du lịch người Anh, bình luận về chiếc bánh khoái lớn nhất trong lần xem xác lập kỷ lục ở Huế: “Trông nó giống đĩa bánh khoái trong một quán xập xệ ở cửa Thượng Tứ, nhưng lớn hơn”.
Chị Phạm Thị Quỳnh Phương, nhân viên khách sạn Legend (Q.1, TPHCM), cho hay: “Khách nước ngoài nói, đồ ăn Việt thanh, nhẹ nhàng, không béo, kích thích họ ăn được rất nhiều rau. Phở vẫn là cái tên đầu tiên khi họ nói món Việt”.
Minh Nguyễn, nghiên cứu sinh tại Đại học bang California - Long Beach (Mỹ), nói: “Người nước ngoài biết đến ẩm thực Việt chủ yếu qua internet. Tuy nhiên, khi họ đến các nhà hàng Việt Nam ở Mỹ thưởng thức thì cảm thấy không thú vị như trong bài viết bởi món ăn Việt ở đây đã được chế biến cho hợp với khẩu vị chung của nhiều người, thuộc các sắc tộc khác nhau. Với món bún mắm nêm Huế, người Mỹ chỉ ăn bún, rau, tai heo và chả da. Không có mắm nêm thì món này đâu còn hương vị đậm đà nữa”.
“Mặc dù mang tên Việt, nhưng nhà hàng thay đổi hoặc sáng chế thêm khiến món ăn trở nên pha tạp. Chẳng hạn, thay vì phở bò hay phở gà, ở Nhật người ta lại làm phở tôm, phở nghêu. Nồi nước dùng cũng được pha chế thêm nhiều loại gia vị không thích hợp”, chị Hương Liên, du học sinh ở ĐH Totori (thành phố Totori, Nhật Bản), cho hay.
Không phải tự nhiên mà nói đến ẩm thực Hàn Quốc, bạn trẻ Việt nghĩ ngay tới món kim chi, trong khi không ít bạn có lẽ chưa nếm lần nào. Trong bất cứ bộ phim Hàn Quốc nào được phát ở Việt Nam, món kim chi đều xuất hiện.
Phim Trung Quốc cũng thường xuyên lồng ghép các món ăn truyền thống của họ vào theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Trong khi phim Việt cho diễn viên ăn ngập tràn mì ống, pizza, bít tết với leng keng dao nĩa.
theo Lê Quang Minh/Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét