Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Chuyện đón Tết khó tin của bộ tộc 'ăn lông ở lỗ'


Vòng quanh thế giới trong ngày Tết, chúng ta sẽ bắt gặp biết bao phong tục, tập quán kỳ lạ và đầy thú vị của các nước, đặc biệt là các bộ tộc sống trong các vùng núi tách rời cuộc sống hiện đại.

Tuy nhiên, có một bộ tộc ở Brazil không hề biết đến khái niệm Tết hay các thời điểm trong năm. Trong hệ thống ngôn ngữ của họ, Tết là... từ mới và họ cũng không cần biết đó là gì. Họ tự tổ chức các ngày lễ, các ngày kỷ niệm theo "hứng" và bất cứ khi nào họ "thích".
Bộ tộc những người không tuổi
Một nhóm các nhà khoa học đến từ trường đại học Porthmouth (Anh) và đại học Liên bang Rondonia (Brazil) đã kết hợp nghiên cứu về một bộ lạc ít người, sống ở khu rừng Amazon (Brazil), gần biên giới Bolivia. Đó là tộc người Amondawa, một trong những bộ tộc có dân số ít nhất hành tinh chúng ta.
Nhóm nghiên cứu này quyết định ở lại bộ lạc trong 8 tuần. Mục đích ban đầu của họ là tìm hiểu về cách chuyển tải khái niệm thời gian như "tuần", "tháng", "năm"... qua ngôn ngữ của bộ tộc. Tuy nhiên, những gì họ thu được chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Khi ở cùng bộ tộc này, họ mới phát hiện ra, khái niệm giờ giấc, ngày tháng hay lễ tết không hề tồn tại trong cuộc sống thường nhật.
Người Amondawa không biết đến khái niệm thời gian.
Cả thế giới đang tuân theo quy tắc ngày tháng chung, một năm có 12 tháng và một tháng có 365 ngày. Trong khi, bộ tộc người Amondawa đi ngược lại hoàn toàn, thời gian không có nghĩa lý gì đối với họ. Người Amondawa chỉ biết đến khái niệm "ngày và đêm" hay "mùa khô và mùa mưa".
Giáo sư Chris Sinha, chuyên gia về nhân chủng và ngôn ngữ học của đại học Porthmouth, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu đã rất ngạc nhiên về phát hiện này. Ông cho hay, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học biết đến một bộ tộc không có khái niệm thời gian, thậm chí một năm kết thúc ra sao họ cũng hoàn toàn "mù tịt".
Giáo sư Sinha trả lời trên kênh BBC: "Họ là những con người có hiểu biết, nắm rõ tình hình thế giới. Họ biết người hiện đại vẫn thường tổ chức các buổi lễ để đón mừng một dịp gì đó. Họ còn hiểu Tết rất quan trọng đối với thế giới nhưng họ không biết vì sao lại có khái niệm Tết và để làm gì".
Người hiện đại có câu "Thời gian là tiền bạc" nhưng với người Amondawa, thời gian không phải là tiền bạc. Trong thời gian sống cùng bộ tộc Amondawa, giáo sư Sinha đã cố gắng giải thích cho người dân nơi đây biết về khái niệm thời gian, nhưng dường như mọi nỗ lực đều vô ích. Người Amondawa không muốn biết và không quan tâm đến các khái niệm "lằng nhằng" như giờ, ngày, tháng, năm, Giáng sinh hay Tết.
Tuy vậy, người Amondawa cũng có thể nhận thức được sự di chuyển qua thời gian và trong không gian của mình nhưng ngôn ngữ của họ lại không cần phản ánh các phương tiện mà chúng ta vẫn quen thuộc này. Họ không phải chạy đua với các vòng quay của đồng hồ hoặc những con số trên quyển lịch để hoàn thành bất cứ việc gì và không có bất kì ai ở đây nói về khái niệm này.
Có thể nói, những người Amondawa đang sống một cuộc sống tự do, tự tại mà không phải tuân theo bất cứ một khuôn khổ hoặc một giới hạn nào. Đặc biệt hơn nữa, không ai trong bộ tộc có tên cố định, họ sẽ đổi tên của mình tùy theo từng giai đoạn của cuộc đời hoặc theo địa vị của mình trong cộng đồng người Amondawa. Nếu họ không thích tên do cha mẹ đặt cho, họ có thể tự chọn cho mình một cái tên mới và báo với trưởng tộc để trưởng tộc thông báo với mọi người.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một giả thuyết, tộc Amondawa không có khái niệm thời gian là vì ở nơi đây không có "yếu tố công nghệ" như hệ thống lịch hoặc đồng hồ. Điều này liên quan tới thực tế: Trong nhiều bộ lạc ít người thì hệ thống các con số rất hạn chế và đơn giản. Tuy nhiên, tuyên bố này đã gặp phải sự phản đối của tiến sĩ Pierra Pica, một chuyên gia về lý thuyết ngôn ngữ của Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS).
Tiến sĩ Pica đã liên kết ngôn ngữ của bộ lạc Amondawa với ngôn ngữ của bộ lạc khác cũng sống ở khu vực Amazon là Mundurucu. Ông đã trả lời trên BBC rằng: "Để liên kết các con số, thời gian, sự vận động của thời gian, trạng thái và không gian trong các cộng đồng này với tôi cũng có thể nói là vô vọng. Tuy nhiên, dựa vào tính đa dạng của ngôn ngữ thì tôi lại thấy nó hoàn toàn có thể có".
Ông cho biết thêm, khi người Amondawa có thể nhận thức được sự chuyển động của thời gian và sự thay đổi của không gian trong mỗi sự kiện thì ngôn ngữ lúc này có thể không cần thiết để "nói" ra một sự thật hiển nhiên như vậy.
Nhóm nghiên cứu chụp ảnh cùng vài người dân của bộ tộc.
Đón Tết bất cứ khi nào có "hứng"
Những người Amondawa lần đầu tiên tiếp xúc với thế giới bên ngoài vào năm 1986. Tuy nhiên, họ vẫn giữ truyền thống sinh hoạt lâu đời của mình. Họ sống chủ yếu bằng săn bắn, trồng trọt, đánh bắt cá và vẫn không hề để "thời gian" xâm nhập vào cuộc sống của mình. Tuy nhiên, do sự tiếp xúc với những phương tiện hiện đại như điện và vô tuyến truyền hình, họ đang dần dần chuyển sang nói tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ chính thức ở Brazil) và thổ ngữ của họ có nguy cơ biến mất. Họ bắt đầu học tiếng Bồ Đào Nha nhưng tất cả những gì liên quan đến thước đo thời gian đều bị họ bỏ qua.
Hiện tại, nhiều đứa trẻ Amondawa đã được đi học và được dạy tiếng Bồ Đào Nha nên chúng cũng đã biết dần về hệ thống lịch của thế giới. Chúng cũng truyền đạt lại những gì chúng học cho người lớn và các vị cao niên trong làng. Dù rằng không hiểu được những điều chúng nói về thời gian, nhưng người lớn trong tộc cũng bắt đầu biết đến Tết. Nhiều người sẽ cho rằng, khi không có khái niệm thời gian thì mọi ngày lễ, những dịp vui chơi sẽ không tồn tại ở bộ tộc ít người này.
Điều này hoàn toàn sai lầm. Họ không những có các buổi lễ riêng của tộc mà còn liên tục tổ chức Tết để chào đón một sự kiện nào đó. Tuy nhiên, họ không đón Tết theo lịch thế giới chung mà đón Tết khi có tin mừng. Nếu một người trong tộc lập được được công lớn như săn được một con bò rừng, cả bộ tộc sẽ mở tiệc và họ gọi đó là Tết. Mỗi lần tổ chức lễ hội, cả bộ tộc sẽ ăn uống, vui chơi và thực hiện các nghi lễ trong 7 ngày. Đôi khi, không cần phải có sự kiện gì trọng đại, người Amondawa "nổi hứng" muốn tiệc tùng, họ lại tổ chức đón Tết. Như vậy, chí ít, họ cũng ý thức được Tết là dịp tụ họp của nhiều người, là ngày quan trọng đón một điều gì đó đặc biệt.
Giáo sư Sinha rất may mắn được đón Tết cùng bộ tộc dù rằng cả thế giới đang ở trong những ngày tháng rất bình thường, không có ngày lễ gì đặc biệt. Người dân trong tộc rất háo hức được diện áo mới, vẽ lên mình những hoa văn cầu kỳ, đặc trưng của thổ dân nơi đây. Sau khi mổ trâu, giết gà, người dân bắt đầu mở tiệc. Trong bữa tiệc, các màn nhảy múa liên tục diễn ra.
Những thanh niên đã được chứng nhận là trưởng thành sẽ có cơ hội chứng tỏ mình xứng đáng với sắc phong của tộc cũng như đây là dịp để họ tìm được một nửa của mình. Tuy số lượng người dân trong tộc Amondawa không nhiều, nhưng việc kết đôi trong tộc vấp phải những quy định nghiêm ngặt. Theo đó, người chưa được công nhận là trưởng thành không được phép tìm bạn đời hay người nào chưa bao giờ tham gia nhảy múa sẽ khó được chú ý, do đó khó tìm được bạn đời.
Như vậy, bộ tộc Amondawa không hề quá lạc hậu so với nhiều bộ tộc khác. Họ cập nhật thông tin khá nhanh nhờ các thiết bị hiện đại như đài radio. Những người hiện đại đã đến bộ tộc và mang theo nhiều thứ công nghệ hấp dẫn, nhờ đó, người dân Amondawa biết thêm được những thông tin hữu ích. Tuy nhiên, họ chỉ tiếp thu những điều họ thấy là cần thiết, những thứ thuộc về thời gian hoặc liên quan đến thời gian họ đều bỏ qua và không muốn tò mò biết thêm.      
Bộ tộc xăm môi đen
Amondawa là bộ tộc thổ dân da đỏ khá đặc biệt. Họ không "mù tịt" thông tin như các bộ tộc sống cách ly thế giới hiện đại. Họ hòa nhập nhanh, học hỏi từ người hiện đại nhiều điều. Tuy nhiên, họ vẫn giữ được những phong tục lâu đời. Họ được biết đến là bộ tộc xăm môi bằng một chất có màu đen và giữ màu cực tốt. Đây là một cách làm đẹp của họ.
Tất cả những người dân của tộc đều được trải qua nghi lễ xăm môi và đó cũng là cách chứng minh họ đã là người trưởng thành. Ngoài ra, người Amondawa còn có thói quen sử dụng một chất lấy từ vỏ cây có độc, bôi vào mũi tên của họ mỗi khi đi săn heo vòi. Cách làm này vốn tồn tại ở thời xưa, khi con người chưa biết đến súng và các thiết bị đi săn khác. Bộ tộc Amondawa vẫn duy trì được thói quen này là điều hết sức đặc biệt.    

Hồng Nhung

Không có nhận xét nào: