( Mask) - Một góc rất khác của sa mạc khô cằn, khắc nghiệt nhất thế giới…
Nhắc tới sa mạc Sahara, điều đầu tiên mà hầu hết chúng ta nghĩ tới đó là sự khắc nghiệt, những cồn cát nóng bỏng, trận bão cát khủng khiếp… Nhưng ít ai biết rằng, có một Sahara lãng mạn với vẻ đẹp hoang dã với những ốc đảo xanh tươi, hàng cọ dài. Cùng ghé thăm một Sahara rất khác, đẹp kỳ ảo qua chùm ảnh dưới đây.
Nhiếp ảnh gia Patrick Hamilton đã dành một tháng trời tới phía Nam Algerie, nơi có tên là Assekrem, một phần của sa mạc để ghi lại những tuyệt tác này.
Vẻ đẹp của Sahara hiện lên trong rất nhiều khung cảnh khác nhau từ các cao nguyên rộng lớn đến dãy núi trùng điệp có tên là Tassili n’Ajjer. Ngoài ra, nơi này còn ẩn chứa một khu rừng đá hóa thạch và những cồn cát chảy tuyệt đẹp.
Sự tồn tại của nơi đây gắn liền với tên tuổi của một linh mục từng được giáo hoàng Benedict XVI ban chân phước năm 2005. Linh mục Charles de Foucauld, người Pháp đã quyết định chọn Assekrem làm nơi ở và tu dưỡng của mình trong phần lớn cuộc đời.
Foucauld cũng nổi danh là một nhà dân tộc học nổi tiếng cũng như một chuyên gia văn hóa Tuareg. Đáng buồn thay, năm 1916, ông đã bị ám sát bên ngoài ốc đảo Tamanrasset - nơi ông đang sinh sống.
Tassili n’Ajier đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới. Tại khu vực này, năm 1993 người ta đã phát hiện ra nhiều bản khắc nghệ thuật trên đá có niên đại lên tới 12.000 năm.
Đây là một minh chứng hùng hồn chứng tỏ rằng, tại sa mạc Sahara đã tồn tại một cuộc sống trong thời tiền sử, khác xa với vẻ khô cằn, khắc nghiệt như hiện nay.
Trên nhiều bức khảm đá, các nhà khoa học đã phát hiện ra hình ảnh của những con hà mã. Điều đó chứng tỏ những cư dân đầu tiên của nơi này đã từng cư trú trên một vùng đất trù phú, ẩm ướt.
Bên cạnh những hình ảnh động vật, giới khảo cổ cũng tìm ra nhiều hình ảnh mô tả con người trên các bức vẽ. Đó là những hình người cổ xưa của Tassili, rất to lớn, có một cái đầu tròn dị thường. Điều này dấy lên nhiều suy đoán về việc người ngoài hành tinh đã đến Trái đất.
Nhiều nghiên cứu khoa học còn đi xa hơn khi gắn các hình vẽ ở các vách đá sa mạc với các nghi lễ tôn giáo. Họ kết luận rằng, có một sự liên kết nghệ thuật của người Tassili cổ đại với Ai Cập; những hình vẽ là kết quả của một nghi thức tôn giáo sử dụng loại nấm gây ảo giác.
Tạm gác lại giả thuyết về nấm ảo giác và người ngoài hành tinh thì bản thân Tassili n’Ajjer đã có một lịch sử địa chất vô cùng hấp dẫn. Tên nơi này có nghĩa là “cao nguyên sâu thăm thẳm”.
Cao nguyên đá được tạo thành từ đá sa thạch thời cổ đại, tích tụ nhiều lại qua nhiều kiểu thời tiết và khí hậu thay đổi đột ngột đã đạt hình dạng ổn định như ngày nay.
Những cồn cát chảy hay những đụn cát lớn là dấu hiệu đánh dấu những nơi đã từng là những cái hồ lớn, được nuôi dưỡng bởi dòng sông chảy từ trên núi xuống. Một số dòng suối và hồ bơi vẫn còn tồn tại đến ngày nay, nhưng lượng nước thì không nơi nào còn được như nó đã từng có cả.
Mặc dù đẹp nhưng khí hậu ở khu vực này cũng giống như những vùng khác của sa mạc: cực kỳ khắc nghiệt. Vào mùa hè, nhiệt độ có thể lên tới hơn 50 độ C, vào mùa đông, có thể xuống thấp tới -1 độ C. Thậm chí, mỗi buổi sáng sớm, bạn có thể nhìn thấy một bầu trời đầy sao thay vì ánh Mặt trời quen thuộc.
Môi trường khắc nghiệt như vậy khiến thảm thực vật nơi đây không được phong phú. Tuy nhiên, vẫn còn những dấu tích sót lại của môi trường ẩm ướt thời tiền sử, bằng chứng là trong sa mạc Sahara vẫn còn tồn tại cây bách - một loài cây chỉ còn lại 200 cá thể trên toàn thế giới.
Ở đây, tộc người sinh sống chính là những người Tuareg. Họ là một dân tộc du mục sống nhờ chăn nuôi gia súc ở ốc đảo. Nguồn gốc của họ đến nay vẫn là một bí ẩn nhưng nhiều người tin rằng, đó là hậu duệ của tộc người Berber.
Người Tuareg có một tập tục rất kỳ lạ. Đó là người đàn ông trưởng thành đều đeo mạng che mặt, chỉ để hở đôi mắt và sống mũi. Theo quan niệm của họ, ấy là một cách để xua đuổi tà ma từ thời cổ xưa, nhưng theo nhiều người khác thì đó là cách đơn giản để chống chọi với sự khắc nghiệt của sa mạc Sahara.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét