Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Cliffs of Moher-vẻ đẹp của lòng tự trọng

Cliffs of Moher - Khi biết thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng nhất của Ireland đã thua Vịnh Hạ Long trong cuộc chạy đua vào danh sách của New7wonders hồi năm ngoái, tôi không mấy hào hứng vượt hơn 400km từ Dublin để ghé thăm. Suýt nữa ấn tượng truyền thông đó đã khiến tôi bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm cảm giác nghẹt thở vì xúc động khi lần đầu được ngắm muôn triệu hạt nước biển lấp lánh như pha lê bay lên cùng ánh nắng. Đó là khi tôi đứng trước một đỉnh trời rực rỡ vàng hoa. 
Tên của vách đá ấy là Moher, Cliffs of Moher, dài 8km, vốn là một khối sa thạch khổng lồ hình thành cách đây nhiều triệu năm nơi cửa một con sông thời cổ đại. Thời gian, sóng, và gió mặn của Đại Tây Dương đã ăn mòn dãy núi theo cách điệu đà của bà đầu bếp Hera (vợ thần Zeuz) nạo tỉa rau củ quả trong căn bếp của mình.
Moher, được đặt theo tên của một pháo đài cổ nay đã không còn dấu vết. Dù vậy, tại nơi bờ vách đạt tới độ cao nhất 214m, năm 1835, người ta đã xây một chiếc tháp nhỏ làm nơi ngắm cảnh.
O'Brien Tower.  (Ảnh: PTT)

Tương truyền, ông Cornelius O’Brien, con cháu một dòng họ lãnh chúa nổi tiếng ở xứ này, đã cho xây tòa tháp vọng cảnh để thu hút những người đẹp, và lãng mạn trong vùng. Tuy nhiên, nhiều hậu thế của ông lại không muốn nhìn nhận vị tiền bối của mình theo cách đó. Họ cho rằng, ông đã nhìn thấy trước nguồn lợi lâu dài từ vẻ đẹp của vách đá này nên còn cho xếp các phiến đá mỏng, dựng thành bờ rào bảo đảm an toàn cho người ngắm cảnh.
Bờ rào đá ấy giờ đây vẫn còn, kéo dài khoảng nửa cây số. Dọc theo bờ rào đá, sau này người ta làm bậc thang và lối đi rộng rãi, những ngày đẹp trời, lối đi chật kín người ngắm cảnh, thỉnh thoảng lại bắt gặp một nữ nghệ sĩ hát những bài dân ca Celtic ngọt ngào bằng chất giọng vút cao trong tiếng đàn harp trầm buồn.
Nhưng vượt quá chiều dài hàng rào đá ấy, mới là điều thú vị cho những người ưa mạo hiểm, trong đó có chúng tôi. Không còn là lối đi rộng rãi với hàng rào đá cao bảo vệ, chỉ còn một lối mòn vừa đủ một bàn chân trên miệng vực sâu thẳm và gió thổi xô người. Gió mạnh, biển mặn như vậy, bồ công anh vàng rực vẫn nở thành vạt trên miệng vực suốt dọc lối đi, thạch thung dung tím hồng tỏa hương thơm lan trên mặt đất, trên những sườn nghiêng sát bờ miệng vực, gió vuốt lá cỏ dài mượt mềm.
Bên trên vách đá những cánh chim bay liệng, dưới tít sâu, sóng biển nhấp nhô, thỉnh thoảng một con tàu du lịch ghé vào. Mải mê hứng gió trên miệng vực, có lẽ, những vị khách du lịch gan dạ cảm thấy mình đang đứng trên đỉnh Olympus.
Vài du khách trẻ liều lĩnh leo xuống những mặt cắt chìa ra của vách đá. Điều đó thật nguy hiểm vì đá có thể lở bất cứ lúc nào. Nhưng, trước cái đẹp con người ta thường trở nên can đảm.
Không phải lúc nào hoa bồ công anh cũng vàng lên trong nắng trên đỉnh vách đá này, bởi lẽ thời tiết ở Ailen nổi tiếng đỏng đảnh, thay đổi theo từng phút, từng giờ, nắng đấy nhưng rồi lại mưa đấy và hầu hết thời gian cô nàng thời tiết thích khoác áo mù sa. Người lái tắcxi chở chúng tôi ra sân bay đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe chúng tôi mô tả những giọt nước biển nối nhau bay ngược 200 mét vách đá lên không trung, bởi anh đã 14 lần tới Vách đá Moher mà chưa bao giờ gặp trời nắng. Anh nói rằng, chúng tôi thật may mắn.
Chúng tôi thật may mắn! May mắn không chỉ vì nằm trong số ít người được chứng kiến những giọt nước thần kỳ có thể bay lên từ mặt biển nhờ gió Atlantic. Điều may mắn lớn hơn, không chỉ cho chúng tôi, mà còn là cho tất cả những du khách yêu vẻ đẹp của thiên nhiên, đó là lòng tự trọng của người Ireland đã giữ cho vẻ đẹp của Cliffs of Moher vẹn nguyên như vốn có.
Tôi đã rất bất ngờ khi biết ngoại trừ bề mặt hướng ra biển, hầu hết diện tích trong khu vực thắng cảnh này là sở hữu tư nhân. Nhưng, dấu ấn tư hữu đó chỉ hiện diện trong dáng vẻ của những bờ rào mảnh mai duyên dáng mà bất cứ ai cũng có thể bước qua. Không có bất cứ công trình dân sinh nào được xây dựng mà có thể ảnh hưởng tới cảnh quan. Ở đây, bạn có thể chụp những bức ảnh phong cảnh mà không phải loay hoay loại bỏ những vật cản mang dấu ấn con người.
Toàn bộ cơ sở vật chất phục vụ khách gồm phòng trưng bày, giới thiệu, quán ăn, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm… đều được xây ngầm trong lòng ngọn đồi phía dưới, chỉ có chiếc cửa ra vào và những ô cửa kính ngửa lên đón ánh sáng tự nhiên là cho thấy có bàn tay con người. Điện nước đều sử dụng các nguồn tái tạo, tái chế. Có lẽ con cháu của những người nông dân vùng Clare này từ thời ông O’Brien đã ý thức được mong muốn mà ông gửi gắm khi cho xây đài vọng cảnh và bờ rào đá, đó là sự tôn trọng tự nhiên, là lòng tự trọng của những người luôn ý thức được sự giàu có mà thiên nhiên mang lại cho mình.
Khi dựng đài vọng cảnh vào thế kỷ 19, O’Brien đã nhìn thấy hướng đi cho vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng này. Từ đó, những người dân đã tìm thấy cơ hội thoát nghèo, và nay họ đang tiếp tục truyền lại cho đời sau những di sản quý giá, không chỉ là những vách đá và những con sóng có một không hai ở châu Âu, mà còn là niềm tự hào để nuôi dưỡng tinh thần qua thế hệ. Chính niềm tự hào đó, lòng tự trọng của con cháu O’Brien đã vinh danh Cliffs of Moher chứ không phải những tin nhắn bình chọn./.

Vách đá Moher là nơi sinh sống của nhiều loài chim biển, trong đó có Atlantic Puffin (chim Hải âu cổ rụt Đại Tây Dương), Razorbill (chim Cộc, một loài chim Anca), Chough (Quạ chân đỏ) và Common Gull (Mòng biển). Các loài chim ở khu vực này đã được đưa vào diện Bảo vệ đặc biệt theo Hướng dẫn của Liên minh châu Âu năm 1986. (Nguồn: EU Birds Directie)
Vách đá Moher là một trong những điểm du lịch hàng đầu của Ireland, đã được công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu. Vách đá này trải dài 8km trên bờ biển phía Tây Ireland, thuộc địa phận hạt Clare. Điểm cao nhất của vách đá là 214m. Mỗi năm thắng cảnh này đón tiếp gần 1 triệu lượt khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới.
(Nguồn: Trung tâm xúc tiến du lịch Cliffs of Moher http://www.cliffsofmoher.ie/)

Không có nhận xét nào: