Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Điểm danh 10 lễ hội độc đáo ở Thái Lan


Đất nước Thái Lan không chỉ sở hữu những bãi biển tuyệt đẹp, những hòn đảo thiên đường mà còn là xứ sở của nhiều lễ hội độc đáo.
Monkey Buffet Festival

Lễ hội buffet dành cho khỉ được tổ chức thường niên tại tỉnh Lopburi, cách Bangkok 150km về phía bắc. Theo tờ Guardian của London, đây là một trong những lễ hội lạ lùng nhất thế giới cùng với festival nhảy qua đầu trẻ em ở Tây Ban Nha. Các chú khỉ rất thích thú với lễ hội này bởi chúng được thưởng thức rất nhiều trái cây trong suốt những ngày diễn ra festival. Lễ hội tổ chức vào ngày 26.11 hàng năm.

Songkran Festival

Songkran hay Thai New Year là lễ hội té nước lớn được tổ chức vào tháng 4 hàng năm. Thai New Year diễn ra vào ngày 13.4, thời điểm đất nước Thái Lan luôn rực rỡ và đầy nắng. Festival được tổ chức nhân dịp năm mới, là nơi để bạn gột rửa mọi bụi bẩn khởi đầu một năm mới an lành. Khách du lịch khi đến với Thái Lan dịp này cũng nhanh chóng hòa nhịp vào không khí tưng bừng của lễ hội cùng với nước và âm nhạc.

Vegetarian Festival


Lễ hội ăn chay Phuket là sự kiện thường niên diễn ra trong tháng 9 âm lịch. Người Thái tin rằng lễ hội ăn chay cùng với những nghi thức thiêng liêng của nó sẽ ban phát may mắn cho những người tuân thủ nghi lễ này. Trong suốt 10 ngày diễn ra lễ hội, các tín đồ thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt với đức tin dành cho các thánh thần và sức mạnh thần thánh đã ban cho họ. Ngoài ra, lễ hội còn có một số nghi lễ đặc biệt như đi bộ chân trần trên than nóng hay dùng vật nhọn xuyên qua má...

Full Moon Party


Festival này được tổ chức trên đảo Koh Pangan. Truyền thuyết kể rằng, một lần, một nhóm khách du lịch thấy mặt trăng có vẻ đặc biệt trên bãi biển Hadrin thuộc đảo Koh Pangan nên đã quyết định tổ chức tiệc mừng. Từ đó, mỗi dịp trăng rằm, rất đông du khách từ các nơi trên thế giới đã đến đây tham gia festival. Sự kỳ diệu của mặt trăng và không khí cuồng nhiệt nơi đây chính là nguyên nhân khiến Full Moon Party ngày càng thu hút đông người tham gia.

Ubon Ratchathani Candle Festival


Hàng năm, mỗi khi bắt đầu mùa ăn chay Phật giáo ở Thái Lan, các tín đồ lại có cuộc trưng bày nến lớn nhất trong năm. Lễ hội được tổ chức ở công viên trung tâm Thung Si Muang và bảo tàng quốc gia Ubon Ratchathani. Trước khi lễ hội diễn ra, người dân và các nhà sư thực hiện các tác phẩm điêu khắc hết sức công phu bằng sáp.

Bosang Umbrella Fair


Đây là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất ở Thái Lan diễn ra trong tháng Giêng. Hội chợ ô Bosang cung cấp bộ sưu tập lớn các loại ô giấy rực rỡ và đa dạng các mặt hàng thủ công mỹ nghệ địa phương. Nó nằm gần Chang Mai nhưng hội chợ nổi tiếng khắp đất nước Thái Lan.

Pee Ta Khon


Pee Ta Khon (còn có tên gọi lễ hội ma xó) là tên thường gọi một nhóm festival tổ chức ở Dan Sai, tỉnh Loei, vùng đông bắc Thái Lan. Các sự kiện diễn ra trong ba ngày từ khoảng giữa tháng 3 đến tháng 7, tùy thuộc vào từng thị trấn.
Kite Fesival
Lễ hội diều quốc tế Thái Lan diễn ra vào tháng 3 hàng năm. Ý tưởng về lễ hội diều xuất phát từ việc cứ vào tháng 3 ở Thái Lan lại xuất hiện một đợt gió nóng thổi. Festival này được tổ chức nhằm bảo tồn truyền thống thả diều lâu đời của người dân nơi đây.

Naga fireball

Hàng năm, cứ vào rằm tháng 9 âm lịch, các quả cầu lửa Naga lại xuất hiện trên dòng sông Mekong ở Thái Lan (thuộc tỉnh Nong Khai) và ở Lào (Vientiane). Người ta nhìn thấy các quả cầu phát sáng đủ màu sắc bay từ dưới nước lên không trung. Hiện tượng này đã thu hút rất nhiều du khách đến chiêm ngưỡng.

Surin Elephant Round-up
Lễ hội voi Surin thường diễn ra vào cuối tuần thứ 3 tháng 11 tại tỉnh Surin. Lễ hội diễn ra lần đầu tiên vào năm 1960. Trong hai ngày lễ hội, các con voi sẽ có dịp thể hiện tài năng của mình qua những điệu nhảy, đua, đá bóng và cả kéo co với người. Đây cũng là dịp để người dân địa phương thể hiện tình yêu đối với loài động vật được yêu quí nhất Thái Lan này.
Linh Nhi (Theo 2leep)
Lạ lẫm tết Chay Phuket

Phuket nổi tiếng của Thái Lan thường được biết là thiên đường du lịch biển xanh cát trắng nắng vàng… Ít ai biết không xa lắm những bãi biển xinh đẹp sầm uất đông đúc ồn ào còn có một phố cổ Phuket thường bị lãng quên. Ít ai biết Phuket còn giữ được nhiều nếp xưa lễ hội cũ đặc sắc lạ lùng, như tết Ăn chay vừa ấm cúng, vừa rợn tóc gáy, kỳ bí…
.

Bày biện trái cây, bánh mứt...cúng tết chay giữa phố Phuket.
Lễ hội Chay, tết Chay còn có ở các tỉnh Krabi… kế cận, nhưng lớn nhất ở Phuket. Jia Chai, theo tiếng địa phương của người Thái gốc Phúc Kiến, lễ hội có từ những năm 1825, bắt nguồn từ Kathu, giờ là huyện nhỏ của Phuket. Khi đó, đoàn hát bội Phúc Kiến sang Kathu, rừng rú thâm u, phục vụ những thợ mỏ thiếc đồng hương, bỗng lăn đùng ra bệnh. Ăn chay, cầu nguyện các vị thần linh, bỗng nhiên bệnh tật biến mất (!) Lễ hội Chay ra đời. Rồi giờ thành một tết Chay lớn kéo dài đến chín ngày mùa thu miên man hè hội.
Như về lại tết quê nhà xưa
Tháng 10, đang mùa mưa nhiệt đới, Phuket vẫn nhiều nắng đẹp. Tôi đến đây, về phố cũ lang bạt chan hoà vui cùng người dân thân thiện. Giữa Phuket Town, trong lòng phố cổ, dưới những mái rêu, bên con hẻm hun hút cây lá… người dân bày biện cúng kiếng trước nhà. Cũng giống bàn thờ thiên xứ mình cúng ngoài trời nhưng bàn thờ ở đây lớn hơn, bày những dãy dài.
Trái cây tuy không “cầu dừa đủ xoài”, nhưng cũng là thơm, khóm, thanh long, bưởi, quýt đường… gần gũi quen thuộc. Cũng bánh đậu xanh, đậu trắng, cũng mứt, cũng thèo lèo… được các mẹ, các chị nâng niu bày biện. Cũng áo mới xúng xính các bé ríu rít đùa vui bên mâm cỗ, nhưng yêu cầu của tết Chay là áo quần phải màu trắng. Nên trong sắc trắng các bé càng khôi ngô, phố càng rực sáng… làm những dây pháo đỏ các anh, các chú chuẩn bị bên mâm cúng chợt thêm rực rỡ.
Nhưng chờ mãi, pháo vẫn im lìm đong đưa. Thấy dòng nam thanh nữ tú tíu tít về hướng khác, tôi lò dò theo. Té ra, các bạn lên chùa. Nên tôi cũng theo lên, thắp nhang, khấn nguyện cầu ước bình an cho gia đình, người thân… như mấy ngày tết ở quê nhà xưa. Đến khi nghe ngoài đường xôn xao, mới biết lễ diễu hành từ chùa khác đang ngang qua. Hỏi mới biết, mỗi ngày đoàn diễu hành xuất phát từ một chùa, mai sẽ từ chùa này. Hẹn với chú tiểu nhiệt tình ngày mai tới sớm, tôi vọt ra đường theo đoàn đông vui. Và giựt mình, kinh hoàng!
Lạ lẫm đến sốc ở tết Chay
Không phải vì theo dòng người diễu hành đông vui, pháo bắt đầu đì đùng nổ làm tôi giựt mình vì đã lâu lắm rồi không nghe thấy. Không phải vì lạ lẫm tại sao tết Ăn chay thanh khiết mà sao rùng rùng nhiều người mang gươm vác giáo… Giựt mình, sốc vì khi đến gần thì những gươm giáo đó không phải mang bằng tay mà xiên thủng qua má, qua môi những người diễu hành.
Không chỉ gươm giáo, mà còn đủ thứ hầm bà lằng từ súng lục, đến cây thương to cộ, dao to bề ngang gần tấc, đến những chiếc xe hơi nặng trịch treo tòn teng... Không chỉ trên má môi mà còn cả trán, đầu, tay, chân, lưng… Sốc hơn là nhiều vết thương vẫn đang rỉ máu nhoè nhoẹt nhưng người đi diễu hành vẫn tỉnh queo. Thêm nữa, theo phong tục, với tiếng nổ càng lớn, ánh sáng càng nhiều thì sẽ xua đuổi các vía xấu, hồn tà… đi xa nên những phong pháo giờ được khai hoả, ném vào đoàn diễu hành. Nổ tưng bừng trên đầu, tung toé ngang mình, rực lửa dưới chân… họ vẫn tỉnh khô bước tiếp.
Những ngày tiếp, không chỉ tận mắt thấy cảnh đâm xuyên kinh khủng ở trước mỗi cuộc diễu hành, cảnh tháo gươm đao ra khỏi cơ thể sau đó… tôi còn được chứng kiến cảnh chân trần đi trên bãi than rực lửa đỏ. Chân trần leo lên leo xuống những cái thang dựng đứng cao hơn 10m, mà bậc thang là những thanh dao sắc lẻm cắt đôi sợi tóc rơi ngang… Tôi và đám bạn giang hồ balô cứ mắt trợn trắng, miệng à ồ...

Cậu trẻ Úc Philip lè lưỡi nói: “Tao đi lễ hội nhiều xứ lắm, nhưng chưa bao giờ thấy kinh khủng như ở đây. Mà cũng tận mắt thấy tao mới tin chứ chỉ xem không thì nghĩ rằng chắc là xiếc, ảo thuật! Mà chỉ do người dân thường làm nữa, nên càng lạ”. Mà những người tham gia “xiên lình” đó đều tự nguyện, nhiệt tình, kể cả những cô gái rất trẻ chứ không riêng gì nam giới. Nhiều bạn trẻ băng dính to đùng trên má vẫn ra phố ăn uống, đùa vui cùng bạn bè, du khách.
Vẫn còn nhiều tò mò tại sao các bạn có thể nhẹ nhàng làm được vậy, nhưng hoà trong niềm vui chung, càng lúc càng ngạc nhiên khi thấy các chàng trẻ hưng phấn xiên, “vác, mang” qua má môi những vật lạ… Chẳng mấy chốc tôi đã vội quên. Để khi những “cú sốc” trôi qua, quen dần, lang thang trong tiếng cười nói hỏi chào râm ran, trên xác pháo đỏ thắm phố phường, tôi cứ ngỡ mình đang ở quê nhà ngày xưa…

Theo lịch âm, tết Chay Phuket thay đổi hàng năm, dao động khoảng đầu tháng 10. Việt Nam sang Phuket có hàng không giá rẻ chỉ khoảng 2.000.000 đồng/lượt đi. Tàu lửa không đến Phuket nên xe đêm từ Bangkok (khoảng 12 giờ, 400.000 đồng) là phương án tiết kiệm khác.

Mùa tết Chay giá cả dịch vụ vẫn bình thường dù khách đông hơn, thường kín chỗ. Giá phòng nghỉ trong thành phố Phuket chỉ 1/2 – 1/3 so với giá ngoài biển, chỉ từ 200.000 đồng đã có phòng máy lạnh. Mấy ngày tết, quán xá bình dân chỉ bán đồ chay, 15.000 – 30.000 đồng/phần, khá ngon và đa dạng. Món mặn Âu Á có thể vào các nhà hàng lớn


TRẦN THÁI HOÃN/SGTT

Không có nhận xét nào: