Những người đến Bồ Đề Đạo Tràng đều mong nhặt được một chiếc lá bồ đề - một sự may mắn cho bất cứ ai ghé thăm đất Phật.
Bồ Đề Đạo Tràng được xem là khu Thánh địa thiêng liêng bậc nhất trong các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ, thu hút hàng nghìn phật tử đến hành hương mỗi ngày. Nhiều người Việt Nam cũng tìm đến nơi đây trong thời gian mùa xuân, bắt đầu vào dịp sau Tết âm lịch hàng năm.
Bồ Đề Đạo Tràng nằm ở phía Nam thành Gaya, nước Ma Kiệt Đà (Magadha) thời Ấn Độ cổ đại, nay là vùng ngoại ô Bodhgaya, cách thành phố Gaya khoảng 7 km về phía Nam thuộc bang Bihar - Ấn Độ. Xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng có hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ của từng nước. Mỗi chùa mang một dáng vẻ riêng biệt theo văn hóa và kiến trúc của từng nước nhưng đều hướng về thờ Phật. Theo nhiều người Việt, tại đây có 4 ngôi chùa do người Việt trụ trì nhưng đều là những ngôi chùa nhỏ.
Cùng với Lumbini (Lâm Tỳ Ni) - nơi Đức Phật đản sanh; Sarnath (Lộc Uyển) - nơi Đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên; Kushinagar (Câu Thi Na) - nơi Ngài nhập diệt, Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) - nơi Đức Phật thành đạo là một trong bốn điểm được mệnh danh là Tứ động tâm - những địa điểm hành hương quan trọng nhất của Phật giáo. Mỗi ngày, đều có hàng nghìn Phật Tử từ khắp nơi trên thế giới làm lễ hành hương về đây. |
Khu Bồ Đề Đạo Tràng có diện tích khoảng 3 ha, bao gồm nhiều thánh tích quan trọng như tháp Đại Giác, cội Bồ Đề, Bảo Toà Kim Cang, bảy nơi đức Phật ngự sau khi thành đạo, quần thể tháp cổ... |
Giá trị nhất trong khu thánh địa này chính là ngôi Đại Tháp và cội cây Bồ Đề thiêng, nơi đức Phật thành đạo. Trước Đại Tháp, thắp sáng những ánh nến và hoa do phật tử từ khắp nơi dâng hương. Tháp nhọn phía trên thờ xá lợi của Đức Phật được gọi là Mahabodhi Stupa còn phần phía dưới là chánh điện gọi là Mahabodhi Temple. Tường của tháp được xây dựng bằng gạch xanh trộn với vôi và với những khung trong hốc tường để thờ các tượng Phật bằng vàng. Cột, cửa chính, và cửa sổ được trang trí với vàng và bạc trộn lẫn với xa cừ và ngọc qúy. Tượng Phật Quan Thế Âm và Đức Phật Di Lặc đặt trong hốc tường bên trái và bên phải cửa bên ngoài chánh điện. Bên trong chánh điện thờ một tượng lớn của Đức Phật Thích Ca trong tư thế chạm đất với cánh tay phải.
Phía đông của Đại Tháp là cội bồ đề thiêng, tương truyền Thái Tử Tất Đạt Đa (tức Đức Phật) tu khổ hạnh ở đây 6 năm, thân xác và tinh thần gần như đã đi đến sự chết, Ngài đã nhận thấy lối tu khổ hạnh này phước báu chỉ được sanh lên cõi trời chưa phải là cứu cánh giải thoát cho mình và cho chúng sanh, ngay thời điểm này tình thương về sự khổ của chúng sanh được hồi phục trong chính bản thân Ngài. Từ bỏ lối tu khổ hạnh, Ngài nhặt lấy miếng vải liệm làm y phục và nhận bát cháo sữa từ người thiếu nữ Sujata dâng cúng, sau đó ngày xuống sông Ni Liên Thuyền tắm gội sạch sẽ và thọ dụng thức ăn, sức khoẻ dần bình phục và Ngài thong thả đi đến cội cây Bồ Đề trải cỏ và thiền định. Nơi đây chính là nơi của sự chứng ngộ.
Vạn vật từ cây cỏ, tường thành cho đến những đóa hoa, vạc dầu thơm đều được bài trí một cách cẩn trọng. |
Xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng có rất nhiều ngôi chùa của các nước. Khi các Phật tử đi hành hương, đều ở lại trong chùa của quốc gia mình. Việt Nam hiện có 4 ngôi chùa tại đây, trong đó Việt Nam Phật Quốc Tự có đón một số khách hành hương. |
Theo lời vị sư già trụ trì Việt Nam Đại Quốc Tự, khi đến với Bồ Đề Đạo Tràng, hãy đến gốc cây bồ đề thiêng, vái ba vái rồi đi vòng quanh 18 vòng, không suy nghĩ, không tạp niệm, không nói chuyện, bước đi thong thả, khoan thai… khi đủ vòng 18 mới lại vái ba vái nơi gốc bồ đề và khấn lời mình mong muốn. Thả lỏng tâm hồn và thân xác, để lòng mình nhẹ hẫng, tĩnh tâm, nhắm mắt lại để nghe tiếng lòng mình.
Những người đến Bồ Đề Đạo Tràng đều mong nhặt được một chiếc lá bồ đề, một sự may mắn cho bất cứ ai ghé thăm đất Phật. Bởi thế, có không ít các vị chư tăng đứng đợi nhặt cho được một chiếc lá của cây bồ đề thiêng. Những chiếc lá bồ đề cũng được ép khô và bán thành những món quà lưu niệm ngay bên ngoài cổng chùa.
Cội bồ đề hôm nay tương truyền vốn là nhánh con của cây bồ đề năm xưa, trải qua nhiều năm chiến tranh và tàn phá, cây con này vẫn giữ vững thế đứng uy phong. |
Ngày 27/6/2003, UNESCO, một tổ chức văn hoá, xã hội, giáo dục của liên hiệp quốc chính thức công nhận Bồ Đề Đạo Tràng trong danh sách di sản văn hoá thế giới. |
Trong khuôn viên rộng lớn của ngôi đại tháp này luôn có các Tăng Ni, Phật tử và khách hành hương chiêm bái. Các vị sư tìm một chỗ yên tịnh để thiền định. Nhiều người trải chiếu tại một nơi xa xa, hướng về cội bồ đề và đại tháp lễ lạy. Ngôi chánh điện với pho tượng Phật mạ vàng trang nghiêm càng trở nên linh thiêng hơn trong niềm tin của nhiều tín đồ đến lễ bái, dâng hoa, cầu nguyện…
Bài và ảnh: Lam Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét