ĐĂNG BỞI  - 
Đảo Murano xinh đẹp của nước Ý là nơi các nhà thần học từng ca ngợi công nghệ làm thủy tinh màu truyền thống tựa vũ điệu ánh sáng và tôn các nghệ nhân thổi thủy tinh bậc thầy sắc màu.
1. Ở Ý nói riêng và châu Âu nói chung, nhắc đến thủy tinh Murano là nhắc đến thương hiệu nổi tiếng, với công nghệ làm thủ công và nghệ thuật chế tác bậc thầy.Các cửa hiệu, trung tâm thương mại ở châu Âu bày bán sản phẩm của nghệ nhân Murano với giá rất cao.
Lúc 8 giờ sáng, tôi đến bến phà Vaporetto, thành phố Venice để làm thủ tục.Phải đợi 30 phút mới có chuyến, vì những du khách đến trước xếp hàng dài. Khi tôi lên tàu sức chứa khoảng 150 khách, không còn ghế trống.Theo Hatice Sagdic, nếu đến Venice tham quan các đảo thì không thể bỏ qua Murano. Với những huyền thoại dệt nên quanh hòn đảo nổi tiếng làng nghề thổi thủy tinh từ ngàn năm trước, và cách đây vài năm, nơi nữ nhà văn Ý Marina Fiorato từng viết tác phẩm The Glassblower of Murano (Người thổi thủy tinh ở Murano) lọt vào những cuốn sách ăn khách nhất châu Âu, đã góp phần tăng độ hấp dẫn Murano.
Cách Venice khoảng 5 cây số đường biển, với vận tốc tàu chạy 10 km/giờ, chỉ khoảng nửa giờ tàu đã cập cảng Murano. Theo con đường của tàu ra đảo, tôi đã bị choáng ngợp với lối kiến trúc dọc quanh các kênh đào. Nhưng hình ảnh chú chim biển đứng tư lự trên cọc cột mạn thuyền giữa biển mênh mông, đối với tôi, độc đáo hơn cả. Loại chim biển này, theo bác tài công, khá dạn dĩ với bao loại tàu thuyền hằng ngày dịch chuyển.
 5.trung bay thuy tinh  ngoai troi.IMG_6040 - Copy_resize
Những tác phẩm thủy tinh được trưng bày khắp nơi trên đảo
2. Quả thật, đảo yên bình, nên thơ! Đặc trưng ở đây là các con đường làng tường sơn đỏ, trồng nhiều dây leo và hoa, xung quanh kênh đào màu nước xanh thẫm. Tịnh không thấy bóng người dân!
Đón tôi là anh chàng trai trẻ đại diện của trung tâm chế tác thủy tinh Colleoni. Theo lời anh chàng này, người dân sống trên đảo không nhiều, và công việc hằng ngày của họ chủ yếu gắn với các lò chế tác thủy tinh và một số mở các cửa hàng bán đồ lưu niệm liên quan thủy tinh, nên nếu bạn chỉ loanh quanh đi ngoài đường khó gặp được người bản xứ. Cũng như hàng ngàn năm nay, những nghệ nhân thổi thủy tinh Murano luôn là linh hồn của làng.
Murano hình thành từ thế kỷ thứ 7, đến thế kỷ thứ 10 đã trở thành thương cảng sấm uất. Có nhiều tài liệu ghi chép, nghề thủy tinh Murano khởi nguồn từ Venice. Năm 1291, Cộng hòa Venetian bị phá hủy, các ngôi nhà gỗ của thành phố bị thiêu rụi trong khói lửa. Chế độ cai trị Venice lo sợ nghề chế tác thủy tinh hỏa hoạn ảnh hưởng đến cộng đồng nên chuyển ra đảo Murano. Đời sống của các nghệ nhân trên đảo bị cô lập khi chính quyền sợ công nghệ làng nghề bị đánh cắp. Các nghệ nhân bị cách ly như tù nhân, chính quyền thuê những kẻ giết người canh gác 24/24, ai trốn khỏi đảo thì bị xử chém.
Có câu chuyện truyền miệng liên quan người thợ học nghề Giorgio Belerino đã tìm mọi cách trốn khỏi đảo, đến Đức mở xưởng riêng, nhưng không lâu sau xưởng cháy và chủ nhân tự vẫn! Thế kỷ 14, khi nghề làm thủy tinh trở thành công nghệ mang lại nguồn thu lớn cho chính quyền, những nhà sản xuất thủy tinh trên đảo đã nhận được đặc ân, được đeo kiếm, miễn truy tố, con gái được gả cho các gia đình giàu có ở Venice, nhưng bản thân họ không được rời khỏi đảo!
4_resize
Những tác phẩm thủy tinh được trưng bày khắp nơi trên đảo
3. Lần đầu tiên trong đời, tôi được tận mắt chứng kiến nghệ nhân của trung tâm chế tác thủy tinh Colleoni biểu diễn, quả là một trải nghiệm thú vị. Khu vực chế tác khoảng 40 m2, phía trước là khu vực của nghệ nhân với la liệt chai lọ, bên cạnh lò nung trên 1.200 độ C lửa đỏ hừng hực tỏa nóng. Dụng cụ của nghệ nhân chỉ có ống sắt dài khoảng 1,2 m (vừa dùng để gắp cục bột trong lò vừa để ngậm miệng thổi thủy tinh) và cây kẹp sắt.
Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân bản địa, các nguyên liệu từ hạt cát li ti, đá lửa, đá vôi, kim loại… đủ màu sắc bỏ vào lò nung, khi đã nung chảy thành cục bột dẻo thì được lôi ra, và từ đây hình thù các sản phẩm sẽ được biến hóa dưới bàn tay “phù thủy”.
Từng thao tác nhanh, thành thục, vừa bằng cách ngậm miệng ống cây sắt thổi và tay dùng kẹp uốn bẻ tạo ra các hình thù khác nhau như hoa, ngựa, mèo, ly, bình, tách, trang sức đeo cổ, đeo tay… cho đến những sản phẩm cầu kỳ diễn ra trước bao cặp mắt ngạc nhiên thích thú của người xem.
Hầu hết các sản phẩm được chế tác bằng tay của nghệ nhân bậc thầy Murano mang lại vẻ đẹp không chỉ trưng bày, sử dụng trong các gia đình, công sở ở Vinece mà còn tạo vẻ nguy nga cho các tòa nhà, lâu đài tráng lệ. Do sản xuất bằng tay nên hầu hết sản phẩm độc bản. Những sản phẩm nghệ thuật thủy tinh pha lê, thủy tinh sợi vàng, sữa, các sản phẩm cầu kỳ chỉ trưng bày ở các cung điện… gắn nhãn mác của Murano là đồ sưu tập không phải dành cho người thu nhập thấp. Quảng bá sản phẩm làng nghề độc đáo của mình, cũng được người Murano chú trọng. Khi đi dạo quanh các ngả đường trên đảo tôi đã bắt gặp những triển lãm mini trưng bày ngoài trời, sắp đặt khá tinh tế, mang ý nghĩa và thông điệp tôn vinh cái đẹp.
4.LO NUNG THUYTINH.IMG_5858_resize
7.nghe nhan.huongdan dukhach.IMG_5947_resize
Nghệ nhân hướng dẫn du khách chế tác thủy tinh
Riêng địa điểm để khách du lịch đến đảo chiêm ngưỡng những tác phẩm độc bản kiệt xuất qua nhiều thế hệ nghệ nhân Murano tập trung tại Bảo tàng Museo del Vetro nằm trong dinh Palazzo Giustinian. Hàng ngàn sản phẩm được bày bán, giá cao ngất ngưởng trong trung tâm chế tác là quá xa xỉ đối với tôi. Cứ tưởng, chuyến này về tay trắng! Nhưng thật vui, trước khi rời Murano kịp chuyến tàu quay lại Venice, tôi kịp sở hữu những vật phẩm là đứa con tinh thần, linh hồn nghệ nhân Murano. Hàng bán trong cửa hiệu nhỏ, giống như tiệm chạp phô ở xứ ta, giá rất rẻ. Xem như vừa là kỷ niệm chuyến đi, vừa đóng góp lời cảm ơn nhỏ bé với hòn đảo yên bình và giữ trọn nghề truyền thống vàng ngọc.
1_resize
2_resize
3_resize
10.sanpham.IMG_5979_resize
10.sanpham.murano.IMG_6061_resizeNhững tác phầm thủy tinh được trưng bày ngoài trời và bày bán khắp nơi trên đảo
Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Tiến Đạt – Ảnh: Tiến Đạt, Thanh Loan

 Chèo thuyền ngắm đảo thủy tinh bảy sắc Murano