Một bữa ăn trong ngày Tết Tsagaan Sar của người Mông Cổ. (Ảnh: Wikipedia) |
- Theo GS.TS. Nguyễn Lân Dũng, thế giới hiện có 11 quốc gia, vùng lãnh thổ ăn Tết theo âm lịch, gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Triều Tiên, Singapore, Mông Cổ, Ấn Độ, Bhuttan. Trước đây Nhật Bản cũng ăn Tết theo âm lịch, nhưng từ năm Minh Trị thứ sáu (1873) họ đã chuyển sang dùng dương lịch cho các ngày lễ tương ứng trong âm lịch.
Tuy nhiên ăn Tết giống như Việt Nam, nghĩa là vào ngày đầu năm mới (Nguyên đán) mồng 1 tháng Giêng âm lịch thì thế giới chỉ có 4 nước, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mông Cổ. Dưới đây là phong tục đón Tết của Hàn Quốc và Mông Cổ, mô tả theo bài viết “Các nước ăn Tết Nguyên đán giống Việt Nam” đăng trên Tạp chí Thế giới (trừ Trung Quốc, vì đã có quá nhiều sách báo viết về Tết Nguyên đán ở nước có truyền thống ăn Tết theo âm lịch lâu đời nhất này).
Seollal - Tết Hàn Quốc. Đây là ngày nghỉ quan trọng nhất theo truyền thống Hàn Quốc, gồm một loạt lễ hội, bắt đầu từ Ngày Năm mới (mồng 1 Tết). Seollal kéo dài trong 3 ngày được coi là quan trọng hơn hẳn ngày đầu năm Dương lịch dù Seollal cũng còn được dùng để chỉ Tết Tây.
Nhiều người Hàn Quốc mặc hanbok nhiều màu sắc (Hanbok là trang phục truyền thống Hàn Quốc) và tiến hành nghi lễ cúng bái tổ tiên vào buổi sáng. Họ thường dùng món tteok (súp nấu bằng bánh gạo) trong buổi sáng này. Ăn xong tteok năm mới mới thật sự bắt đầu.
Người Hàn Quốc hớn hở chào đón Năm mới (cả Âm lịch và Dương lịch) bằng cách đến thăm bãi biển phía Đông như tới các thành phố Gangneung và Donghae thuộc tỉnh Gangwon, nơi họ ngắm tia sáng đầu năm của mặt trời mọc vào ngày đầu tiên trong năm.
Sebae, nghi lễ tổ tiên không thể thiếu, là truyền thống chứng tỏ lòng kính trọng đối với cha mẹ và ông bà trong năm mới của Hàn Quốc. Con cái đến thăm cha mẹ và chúc họ một năm mới hạnh phúc bằng cách cúi chào thật cung kính, tiếp theo là câu chúc: “Seahae bok manhi badeseyo” có nghĩa là “Gặp nhiều may mắn trong năm mới”.
Tsagaan Sar – Tết Mông Cổ. Vào ngày này, mọi người rửa sạch cả thể xác lẫn tâm hồn và bắt đầu cuộc sống mới tươi mát.
Đêm giao thừa được gọi là Bituun có nghĩa là “tối thui”. Đây là đêm bầu trời hoàn toàn vắng ánh trăng. Mọi người ăn thật no do họ tin rằng nếu còn đói, suốt năm mới sẽ bị đói. Vào ngày đầu năm mới, ai nấy dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới, nhóm lửa.
Tất cả nam giới lên đỉnh ngọn đồi hay núi gần đó, mang theo thực phẩm và cầu nguyện. Rồi người ta đi về hướng nào đó theo tử vi - được gọi là muruu gargakh (lễ xuất hành). Người ta tin rằng nếu xuất hành đúng hướng sẽ gặp may quanh năm. Mặt trời vừa ló dạng là những người trong gia đình chào hỏi nhau. Người lớn tuổi nhất ngồi ở hướng bắc và những thành viên trẻ đến chào ông (bà) trước khi chào hỏi lẫn nhau. Hết thảy mọi người chào hỏi lẫn nhau trừ vợ chồng.
Rồi mọi người ăn bánh bao hấp và uống Airag (sữa ngựa lên men) và tặng quà lẫn nhau. Họ sang nhà bên cạnh, bắt đầu thăm người lớn tuổi trước.
ĐNCT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét