Khắp nơi trên thế giới, khi kết thúc một năm, mọi người đều tổ chức những hoạt động vui chơi để đón chào một năm mới. Nhưng con người biết đánh dấu thời khắc thiêng liêng này từ khi nào?
Tục đón năm mới ghi danh các đế chế cổ đại
Nổi tiếng với quá khứ hoàng kim một thời, từng xây dựng lên nền văn minh Lưỡng Hà với nhiều thành quả kì vĩ trong thời cổ đại, lịch sử cũng ghi nhận người Babylon đã bắt đầu tổ chức đón năm mới từ hơn 4.000 năm trước. Họ đã khởi xướng một truyền thống tốt đẹp cho loài người, được lưu truyền và gìn giữ đến tận ngày nay.
Hiện nay, đa phần các nước trên thế giới đều sử dụng Công lịch La Mã, ngày bắt đầu năm mới là ngày 1 tháng 1 hàng năm. Nhưng hơn 4 thế kỷ trước, đối với người Babylon cổ đại, ngày trăng tròn đầu tiên sau ngày Xuân phân (thường rơi vào cuối tháng Ba theo Công lịch hiện nay) mới là ngày bắt đầu một năm mới.
Họ đánh dấu thời khắc này bằng một lễ hội tôn giáo lớn được gọi là Akitu, bắt nguồn từ tiếng Sumer cổ đại, có nghĩa là lúa mạch, loại lương thực chính của người Babylon và được thu hoạch vào thời điểm này trong năm.
Người Babylon đã tạo nên truyền thống đón năm mới cho nhân loại.
Dựa trên các mô tả bằng chữ tượng hình, tranh vẽ thu thập được khi nghiên cứu về nền văn minh Lưỡng Hà thì lễ hội Akitu thường được tổ chức kéo dài tới 11 ngày liên tục, kể từ ngày đầu năm mới. Các bằng chứng khảo cổ liên quan đến lễ hội Akitu cho thấy đây là một lễ hội lớn, được tổ chức rộng rãi trên hầu hết các vùng lãnh thổ mà người Babylon đang cai quản.
Nghi lễ chính là hiến tế hai vị thần được coi là thần hộ mệnh cho người Babylon, đó là thần Marduk, người làm chủ Lưỡng Hà và nữ thần biển Tiamat. Những sự kiện chính trị quan trọng cũng chờ đến ngày đầu năm mới mới tiến hành, ví dụ như lễ trao vương miện cho một vị vua mới lên ngôi, hay lễ tấn phong cho các vị chức sắc tôn giáo, thời điểm này mới đơn giản chỉ là những người trông coi các đền thờ và đứng đầu các lễ tế thần.
Hoạt động vui chơi cũng được tiến hành náo nhiệt. Không chỉ có dân chúng được tham gia, mà nhiều hình vẽ trên đá cũng cho thấy, những người nô lệ - tầng lớp thấp nhất trong xã hội Babylon cổ đại cũng được vui chơi. Đây là một điểm thể hiện tính nhân văn rất cao của đế chế Babylon. Trái ngược, nhiều bằng chứng khảo cổ cho thấy, các tù binh thường bị đem ra làm bia tập cho quân lính nhằm mua vui cho đám đông và cổ vũ tinh thần chiến đấu của dân chúng.
Không ai rõ phong tục đón năm mới của người Babylon đã lan truyền như thế nào tới phần còn lại của thế giới, nhưng lịch sử đã ghi nhận, sau lễ hội Akitu, hàng loạt các nền văn minh cổ đại khác cũng xuất hiện mốc thời gian năm mới của riêng mình, kèm theo đó là các hoạt động chào mừng đặc trưng.
Trong việc đề ra nghi thức đón chào năm mới, nhưng vị hoàng đế vĩ đại của đế chế La Mã, Julius Caesar Đại đế mới là người xây dựng lên bộ Công lịch mà phần lớn các nước trên thế giới hiện nay đang dùng. Ông cũng chính là người tổ chức lễ đón giao thừa vào đêm 31 tháng 12, một thời khắc quan trọng mà người Babylon trước đó đã chưa quan tâm đến. Lễ hội Akitu trước đó chỉ bắt đầu từ buổi sáng ngày đầu năm mới.
Bộ lịch La Mã ban đầu chỉ gồm 10 tháng, có 304 ngày, với ngày đầu năm mới là các ngày Xuân phân. Nó được vua Romulus, người sáng lập ra nhà nước La Mã đặt ra từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Người kế vị ông, vua Pompilius Numa, đã thêm vào hai tháng nữa. Qua nhiều thế kỷ, bộ lịch này luôn sai lệch với chu kỳ hoạt động của Mặt trời, điều đó khiến vào năm 46 trước Công nguyên, hoàng đế Julius Caesar quyết định phải giải quyết vấn đề này.
Tham khảo thêm ý kiến của các nhà thiên văn học tài ba khác cùng các nhà toán học giỏi nhất trong triều đại của mình, ông đã cộng thêm 90 ngày vào một năm, để ăn khớp với hoạt động của Mặt trời. Đó chính là bộ lịch Julian, một bộ lịch gần giống với Dương lịch hiện đại mà hầu hết các quốc gia trên thế giới ngày nay đang sử dụng.
Người La Mã mừng năm mới bằng các hoạt động đặc trưng như trao quà tặng cho nhau, trang hoàng ngôi nhà của mình bằng các cành nguyệt quế và tổ chức các buổi hòa nhạc. Riêng tại Rome, trái tim của đế chế La Mã, sẽ có các buổi đấu tay đôi, một mất một còn của các võ sĩ nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ. Đấu trường Colosseum đẫm máu ấy vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay, như là chứng nhân lịch sử gợi nhớ thời vàng son của một đế chế hùng mạnh nhất thế giới.
Hội nhập nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Thế giới có bao nhiêu ngày đầu năm mới?
Công lịch La Mã hiện được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới, khiến phần lớn nhân loại cùng có chung một ngày đầu năm mới là ngày 1 tháng 1 hàng năm. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc lại vẫn có một bộ lịch truyền thống riêng của mình, do đó, ngày đầu năm mới diễn ra hầu như quanh năm trên khắp thế giới, theo những bộ lịch khác nhau này.
Đối với một số nước theo lịch Mặt trăng (Âm lịch), chủ yếu ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Đài Loan, ngày mùng 1 tháng Giêng hàng năm mới là ngày đầu năm mới cổ truyền, gọi là Tết. Dù vẫn tổ chức đón năm mới dương lịch vào ngày mùng 1 tháng 1 của lịch này, nhưng Tết mới thực sự là những ngày trọng đại, là ngày đầu năm mới thật sự của các quốc gia này. Mọi người có một kỳ nghỉ dài, tổ chức các nghi thức Tết truyền thống của mình. Chỉ có Nhật Bản là đã chuyển hẳn sang ăn Tết cổ truyền theo Dương lịch từ năm Minh Trị thứ 6, tức năm 1873.
Việc một nước có hai ngày đầu năm mới do tính theo hai bộ lịch khác nhau là điều rất phổ biến, nhưng tại Nam Phi, dù chỉ theo Dương lịch mà cũng vẫn có tới hai ngày được coi là đầu năm mới. Điều này xuất phát từ lịch sử của nước này. Vào thế kỷ 17, xã hội Nam Phi đang ở chế độ chiếm hữu nô lệ. Giới chủ nô đã không cho họ một ngày nghỉ nào trong năm.
Nhiều cuộc đấu tranh của nô lệ đã nổ ra, và sau nhiều cuộc xung đột đẫm máu, giới chủ nô chịu nhượng bộ. Các nô lệ được phép nghỉ một ngày, ngay sau ngày nghỉ đầu năm mới ngày 1 tháng 1 (Dương lịch) của các ông chủ. Vậy là ngày 2 tháng 1 được nô lệ Nam Phi lấy là ngày đầu năm mới của mình. Ngày nay, dù chế độ nô lệ đã bị xóa bỏ từ lâu, người dân Nam Phi vẫn duy trì truyền thống cũ, coi cả hai ngày 1 và 2 tháng 1 là ngày đầu năm mới như là một cách nhắc nhở con cháu nhớ đến một thời tăm tối của dân tộc.
Một số dân tộc khác trên thế giới thì lại không theo lịch Mặt trăng, cũng chẳng theo lịch Mặt trời. Một năm đối với họ lại tính theo chu kỳ của một sự việc, hiện tượng nào đó. Người Hồi giáo không coi trọng ngày khởi đầu của năm mới. Họ cũng theo lịch mặt trăng, một năm cũng gồm 12 tháng nhưng ngày đầu tiên của tháng 1 lại không phải là ngày đầu năm mới.
Với các tín đồ đạo Hồi, ngày đầu năm mới là ngày đầu tiên sau tháng ăn chay Ramadan - tháng thứ chín của lịch Hồi giáo. Người Ấn Độ theo đạo Hindu thì đón Tết theo lịch của họ rơi vào khoảng giữa tháng 4 Dương lịch, còn ngày đầu năm mới theo lịch của người Tamil ở Sri Lanka lại rơi vào khoảng tháng 6 Dương lịch.
Tết ở Việt Nam
Tết Nguyên đán cổ truyền của Việt Nam bắt đầu từ ngày mùng 1 đến mùng 3 tháng Giêng theo Âm lịch. Dù cũng nghỉ đón Năm mới vào ngày 1 tháng 1 Dương lịch, nhưng Tết Nguyên đán đến sau đó khoảng một tháng (tùy từng năm) mới là những ngày đầu năm mới thực sự của người Việt. Theo Âm lịch, Ngoài Tết Nguyên đán ra, nước ta còn có đến 7 Tết khác nữa, đó là: Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng), Tết hàn thực (hay còn gọi là Tết bánh trôi bánh chay ngày mùng 3 tháng 3), Tết Đoan Ngọ (còn gọi là Tết giết sâu bọ - mùng 5 tháng 5), Tết Trung thu (Rằm tháng Tám), Tết Cửu trùng (mùng 9 tháng Chín), Tết trùng thập (mùng 10 tháng Mười), Tết ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp). Trong khi các Tết Nguyên tiêu, Đoan ngọ, Trung thu, ông Công ông Táo vẫn được duy trì trên phạm vi cả nước, thì những Tết còn lại đã mai một đi nhiều, chỉ còn được nhớ đến và tổ chức rải rác ở một số địa phương. Không có nhiều người trẻ có thể kể tên đầy đủ các Tết này nữa.
|
Thanh Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét