Mặc cho tai tiếng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc, thành phố Đại Đồng (Datong), thuộc tỉnh Sơn Tây, vẫn luôn tấp nập du khách, nhờ sở hữu hang động Vân Cương (Yungang) – một trong 3 hang động nổi tiếng nhất đất nước này.
Đại Đồng chào đón tôi với bụi và rác. Màu nâu của đất cát và màu xám của các tòa nhà, các đống xi măng, vôi vữa phủ khắp nơi. Dường như mùa xuân không chịu ghé ngang đây bởi nơi đây hiếm thấy màu xanh của cây lá hoa cỏ.
Tôi bắt chuyến xe bus số 3-1 để đến hang động Vân Cương, cách trung tâm thành phố 16 km. Người soát vé trên xe buýt biết ngay chúng tôi không phải dân địa phương, nên trong khi chúng tôi còn mải mê nói chuyện, ngắm cảnh thì bác ấy nhiệt tình xua tôi xuống xe, bảo đã đến rồi. Tôi ngớ người vì xung quanh là đồng không mông quạnh, không bảng chỉ dẫn, chẳng có gì ngoài mấy anh xe ôm chờ sẵn. 5 tệ cho 2 người, chiếc xe ôm đi vòng vèo một đoạn đường mới dừng trước cổng hang động Vân Cương. Ngay quầy bán vé, vài chú lạc đà ung dung ngửi ngửi không khí.
Không phải tất cả 252 hang trong quần thể hang động Vân Cương kéo dài 1 km này đều được mở cửa cho du khách. Bước qua cổng, trước mặt tôi là hang số 6, 7 - hai trong số ít hang bạn có thể vào tận bên trong để chiêm ngưỡng. Không cần phải là một tín đồ Phật giáo, bạn vẫn phải xuýt xoa trước sự tinh tế của khoảng 51.000 bức tượng Phật, từ những bức nhỏ nhất chỉ vài cm cho đến bức lớn nhất cao 17m ở hang 5. Một số bức tượng bị mất đầu, mất tay, mất một vài chi tiết, do sự bào mòn của thời gian, do chiến tranh và do hủy hoại của thiên nhiên.
Những kiến trúc bên trong hang động Vân Cương được xây từ năm 453, với sự tham gia của khoảng 40.000 tăng sĩ trong suốt 50 năm. Hang động này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2001. Để tạo nên kiến trúc kì vĩ này, người xưa không dùng phương cách xây từ dưới đất xây lên, mà leo lên trên núi, đào cái lỗ để chui vào, khoét to dần thành động, khắc tạc tượng vào đá, cho đến khi họ chạm đất thì bức tượng cũng hoàn thành. Sau đó, họ đào một cái lỗ khác trên mặt đất để chui ra khỏi hang. Điều đó lí giải tại sao các hang ở đây thường có hai cửa đối xứng nhau trên - dưới. Nó cũng giải đáp được thắc mắc: làm thế nào các hoa văn, các bức tượng lại được khắc trên trần cao của hang.
Hang động Vân Cương như một điểm sáng chói lóa khiến người ta quên mất, hoặc không còn để ý đến việc nó mọc lên giữa cái nền u ám xám xịt của thành phố mỏ than Đại Đồng.
Thanh Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét