Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Lục địa đen - nơi tôi đến



Mặc dù đã xảy ra những cuộc săn bắn theo kiểu thảm sát vô độ chỉ để giải trí trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhưng cuộc chiến bảo tồn thú hoang dã đã khiến Nam Phi tự hào là một trong những quốc gia có đời sống hoang dã muôn hình, muôn vẻ bậc nhất thế giới. 12 ngày ở Nam Phi, tôi đã hiểu vì sao, quốc gia nằm ở cực nam lục địa đen này từng nổi tiếng bởi bạo lực, xung đột và hằn thù chủng tộc mới chỉ sau 14 năm đã có một loạt thay đổi ấn tượng và trở thành "điểm nóng" của nền du lịch toàn cầu…


Đặt chỗ ở Thành phố Sun City (Thành phố Mặt trời), một trong những địa danh nghỉ mát nổi tiếng và độc đáo của Nam Phi trước cả tháng, vậy mà vẫn không còn phòng dành cho đoàn chúng tôi. Thật may, nhờ sự tư vấn và giúp đỡ của Tập đoàn Xi măng Holcim (Thuỵ Sĩ) tại Nam Phi, một trong các đối tác làm ăn của Công ty Xi măng VICEM Hà Tiên, chúng tôi lại được nghỉ ở khu nghỉ mát có cái tên rất ấn tượng "Cây ngà voi" thuộc Thành phố North-West. Tôi không khỏi sửng sốt và bất ngờ, bởi một vùng hoang dã mênh mông, xung quanh bạt ngàn là núi, là cây mận gai lại có một khu nghỉ đẹp và lãng mạn đến mức không thể tả được.
Nam Phi mùa phượng tím


Nằm lọt trong Công viên Quốc gia Pilanesberg, khu nghỉ mát này mới đi vào hoạt động hơn ba năm với hầu hết khách du lịch đến từ châu Âu và châu Mỹ. Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi từ ông chủ đến các nhân viên phục vụ người da đen cứ chằm chằm nhìn khi chúng tôi giới thiệu mình đến từ Việt Nam. Họ bảo: "Các bạn có quyền tự hào bởi các bạn là những người châu Á đầu tiên đến đây". Tason, một thanh niên da đen vừa kéo đồ vào phòng nghỉ cho tôi vừa hỏi: "Việt Nam ở đâu?" Tôi bảo: "Cách đây 26.000 km và phải bay mất 14 giờ". Tason gật đầu, mỉm cười thân thiện.
 Tìm dấu chân thú
Háo hức và hồi hộp được tận mắt nhìn thấy thú hoang dã, nên dù rất mệt nhưng không một ai trong đoàn chúng tôi chịu ở lại khách sạn mà sẵn sàng ở tư thế lên xe vào rừng cho dù trời đã tối. Bốn chiếc xe đặc chủng như kiểu chiến sa của quân đội được trang bị đầy đủ đèn chiếu, ống nhòm, máy bộ đàm, phương tiện phòng chống thú tấn công xếp thành hàng dọc chờ chúng tôi. 
Tác giả (hàng đầu bên trái) với trẻ em Nam Phi


Trước khi lên xe, mọi người không những phải ghi nhớ những quy định nghiêm ngặt: Không được mặc áo đỏ, phụ nữ không tô môi quá đỏ, nhìn thấy thú phải ngồi im, không nhảy xuống xe, không cười đùa, không la hét, chỉ chỏ mà còn phải ký tên vào bản cam kết với nội dung nếu vi phạm các quy định trên mà để xảy ra tai nạn hoặc sự cố thì trách nhiệm thuộc về chính du khách. Nội quy cẩn thận là thế, vậy mà năm ngoái vẫn có một thanh niên Braxin nhảy xuống xe và đã bị tê giác tấn công.
Gío lạnh và cát bụi, xe lao vào rừng giữa mênh mang trời đất. Mới chỉ chạy chừng 2 cây số, với những chiếc đèn pha sáng chói, chúng tôi đã nhìn thấy một bầy sư tử với đôi mắt đỏ ngầu ngồi vuốt ve nhau và đàn voi đang kéo nhau đi vào một khe núi. Xa xa vọng lại là tiếng gọi đàn của bầy vượn và nhiều âm thanh của các loài thú tạo thành một dàn đồng ca bay bổng, du dương. Lập tức các máy bộ đàm liên hệ với nhau và chỉ mấy phút sau, hàng chục chiếc xe đã có mặt ở nơi có thú.

Sáng sớm hôm sau, thức dậy giữa tiếng gọi của hoang thú, xe lại đưa chúng tôi chạy theo hướng khác và thật thú vị khi được tận mắt chứng kiến những con sử tử lượn lờ trước đầu xe ô tô, những con ngựa vằn đang thơ thẩn gặm cỏ, một đôi vợ chồng tê giác đen gương cặp sừng lên ngơ ngác hay những chú hà mã đang lặn ngụp dưới đầm. Nhìn lũ thú được tự do đi lại, vui chơi hoang dã hệt như nó vẫn tồn tại từ ngàn năm trước, tôi không khỏi xót xa thương cho những chú voi ở vườn quốc gia Yordon (Đắc Lắc) đã gục ngã khi người ta bắt nó chở người quá sức hay những chú gấu nuôi trong lồng sắt để lấy mật giữa thủ đô Hà Nội. Do khu công viên rất rộng và cũng đã quá quen với việc con người đi lại nên lũ thú chẳng thèm để ý đến chúng tôi.  Khi đã thấm mệt, xe đưa khách vào khu lều bạt an toàn để thưởng thức sữa tươi đun nóng, bánh ngọt và các loại rượu vang hảo hạng.    
Vừa rót sữa nóng mời khách, cậu lái xe tên David vừa kể: "Miền đất huyền bí rộng 55.000 ha với các đồng cỏ, các mỏm đá là một kỳ quan theo đúng nghĩa của nó bởi hơn 1.200 triệu năm trước, khu vực này chính là miệng núi lửa. Nhờ các kiến tạo địa lý, công viên này được xây dựng với những hàng rào bảo vệ và nhằm mục đích giới thiệu những hệ động vật vốn bị tuyệt chủng từ xa xưa. Ngày nay, công viên này là nơi cư trú của khoảng 8.000 động vật lớn bao gồm 5 Ông lớn (voi, tê giác, sư tử, báo, bò tót) và hơn 350 loài chim thú khác. Với hơn 4.000 người  đến đây mỗi ngày cho thấy khách du lịch rất thích loại hình du lịch này.
 Cuộc chiến bảo tồn thiên nhiên
Những công viên quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên có mặt ở khắp đất nước Nam Phi. 580 khu động vật hoang dã của tỉnh, quốc gia và các khu bảo tồn hứa hẹn chào đón du khách với bao điều kỳ thú. Vì thế, ngoài thú vui được tham gia những chuyến đi "tìm dấu thú hoang", xem thú hoang dã, du khách còn được chào mời đủ loại tiện nghi ăn ở, từ cắm trại nghỉ bụi trong lều cho đến được hầu hạ như một ông hoàng, bà chúa trong các nhà gỗ một tầng sang trọng gọi là bungalow và được thưởng thức các món ăn 5 sao nấu trên đống lửa ngoài nơi hoang dã.
Xe đặc chủng tham gia vườn quốc gia


Cũng giống như Ôxtrâylia hay Niu Dilân, nền công nghiệp du lịch sinh thái Nam Phi chú tâm vào việc khai thác vẻ thiên nhiên hoang dã mà không huỷ hoại nó. Chính phủ Nam Phi đã dành một ngân sách lớn cũng như công sức đầu tư cho các khu bảo tồn thiên nhiên và khu động vật hoang dã, đồng thời xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt và đường hàng không tốt nhất châu Phi, đáp ứng cho nền công nghiệp không khói đang phát triển mạnh hơn bao giờ hết này.
Chẳng những nổi tiếng bởi du lịch sinh thái, đất nước này còn được trời phú cho vô số những bờ biển đẹp nhất thế giới, trong đó phải nhắc tới Cape town. Cape Town được bao bọc bởi nhiều dãy núi nên vào buổi sáng, mây phủ thành phố trông như một chiếc khăn trải bàn rộng, còn khi hoàng hôn xuống, Cape Town lung linh ánh điện làm ngây ngất lòng người.

Tôi ngạc nhiên đến thích thú khi nhìn thấy cá voi nô đùa trong biển nước xanh biếc Cape Town, những chú chim cánh cụt đi lại trông thật ngộ nghĩnh, những chú hải cẩu trườn mình trên đảo nhỏ. Nếu như trước đây, du khách mới chỉ biết đến mũi Hảo Vọng (Cape of good hope), nơi tiếp giáp giữa Đại Tây dương và Ân Độ dương thì bây giờ với thú đi cáp treo lên núi, mũi Cape Point, nơi người ta có thể ngắm nhìn con đường trên biển nối liền châu Á và châu Âu. Tôi tự hào khắc lên một vách đá dòng chữ: "Người Việt Nam đã đến đây".
Khách du lịch đổ dồn về Nam Phi bởi đây còn là quê hương của vàng bạc, kim cương, đá quý, các vựa nho và các loài hoa, Không ít khách du lịch bỏ ra ba, bốn chục ngàn đô la để mua một viên kim cương hay một viên hồng ngọc. Những sản phẩm này chiếm hai phần ba kim ngạch xuất khẩu của Nam Phi, góp phần to lớn vào sự phồn thịnh của đất nước.
Rút dần khoảng cách trắng và đen  
 Câu chuyện về Nam Phi là câu chuyện về bạo lực, xung đột và hận thù dân tộc. Năm 1994, Nam Phi bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự bình đẳng chủng tộc và của nền dân chủ. Lần đầu tiên trong lịch sử Nam Phi, mọi công dân đều được thừa nhận tư cách cá nhân và được quyền bầu cử.

Nam Phi đã trải qua một loạt những thay đổi ấn tượng, những đạo luật phân biệt chủng tộc bị bãi bỏ, một vị tổng thống da đen lần đầu tiên được bầu lên. Khó khăn vẫn còn đó, nhưng trên đất nước đang đổi thay rất nhanh chóng này, đa số người dân đang dần thích nghi với cuộc sống mới. Hiện Nam Phi vẫn còn là miền đất của những mâu thuẫn và bất đồng, giữa trắng và đen, giữa giàu và nghèo, giữa khoa học và mê tín.
Tham quan mũi Hảo Họng


Người dân sống trên mảnh đất Nam Phi đại diện cho nhiều chủng tộc, nhiều nền văn hoá và nhiều bộ lạc với những tập quán và tính cách rất khác nhau, Một đằng là những người da trắng có cuộc sống hiện đại, văn minh và đằng kia là những người nông dân da đen mà cuộc sống xoay quanh những thay đổi theo chu kỳ của thời tiết và mùa vụ.
Đường phố Nam Phi với màu tím rất ấn tượng và lãng mạn của hoa phượng, vẫn thấy không ít cảnh người ăn xin, người nhiễm căn bệnh HIV xanh xao, tiều tụy, những khu nhà ổ chuột của người da đen, những tấm biển cảnh báo khách về nạn cướp giật, trộm cắp. Tuy nhiên, cũng không thiếu những chiếc xe láng bóng đắt tiền, những toà nhà cao chọc trời, những sòng bạc thâu đêm suốt sáng…Khoảng cách giàu nghèo ở đất nước này không chỉ hiển hiện trên đường phố, trên khuôn mặt của người dân mà còn ở thu nhập của họ.

Tại một số cơ sở công nghiệp hay Nhà hàng Sài Gòn ở Thành phố Johannesburg, nơi chúng tôi đến thăm, hầu hết người da đen chỉ ở vị trí làm thuê và do đó thu nhập cũng thấp hơn người da trắng. Người dân làng Pedi, một trong những làng quê nghèo của người da đen nói với chúng tôi bằng tiếng Anh bập bẹ: “Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy máy tính hay tivi, chưa bao giờ được bước chân qua cánh cổng trường học".
Với số dân 45 triệu, trong đó 77% là người da đen và tỷ lệ thất nghiệp là 43%, đất nước phát triển nhất lục địa đen này đang đứng trước nhiều vấn đề xã hội rất nan giải. Tuy thế, đa số người dân đang dần thích nghi với cuộc sống mới và khoảng cách giữa trắng và đen đang ngày càng được rút ngắn.

Sau chuyến đi này, tôi đã hiểu ra một điều: Nam Phi là một minh chứng cho sự thật rằng châu Phi không phải là bức tranh của những hỗn loạn, đổ nát và thất bại. Đất nước này đang đổi thay từng ngày, đặc biệt trong việc bảo tồn thiên nhiên, hoang dã và là hiện thân của dân chủ ở châu Phi, nơi đây các cộng đồng khác nhau cùng sống và phát triển trong hoà bình. Điều này cũng lý giải vì sao năm 2011, Nam phi đã đón hơn 14 triệu khách du lịch, đóng góp 17% cho GDP của đất nước và đang trở thành điểm nóng của nền du lịch toàn cầu.

Phóng sự của Trần Thị Sánh

Không có nhận xét nào: