Người Việt ở Lào không hiếm. Nếu có nghe thấy tiếng Việt trên đường phố thủ đô Vientiane thì cũng chẳng lạ. Thế cho nên, đồ ăn Việt ở đây cực kỳ phổ biến và đậm đà hương vị quê hương.
Nói đến ẩm thực Việt Nam, món đầu tiên mà ai cũng có thể nhắc đến là phở. Tại Vientiane, có một quán phở Việt rất nổi tiếng nằm trên đường Heng Boun. Đó là quán Phở Dung. Bà Dung, chủ quán, sinh ra và lớn lên tại Lào. Trước khi mở quán phở, bà từng là giáo viên dạy tiếng Pháp ở Vientiane. Sau đó bà chuyển sang mở quán phở, tính đến nay cũng được 14 năm. Ban đầu quán chỉ là một tiệm nhỏ. Sau đó, biết quán ngon, ngày càng nhiều người kéo đến ăn hơn, bà Dung nghĩ ngay đến việc mở rộng quán. Địa điểm hiện tại của quán Phở Dung đã mở được 5 năm, khách ra vào ăn đông đúc.
Chỉ cần nếm thìa nước dùng đầu tiên cũng thấy được hương vị đậm đà của phở Dung. Phở được nấu theo hương vị Bắc, ăn với quẩy nhưng cũng được dùng chung với rau sống và giá theo cách ăn của người miền Nam. Bà Dung cho hay người Lào thích ăn phở với đồ ngâm như cà ngâm chẳng hạn nên quán cũng phải phục vụ theo thị hiếu. Tuy nhiên, nhìn chung, nước phở thì thuần túy hương vị Việt. Bánh phở Bắc của quán do một nhà ở Vientiane làm rồi cung cấp cho quán. Bánh phở Nam, sợi nhỏ hơn thì lấy từ Thái Lan, khu vực sát Vientiane. Bà Dung nói sắp tới có thể quán sẽ làm thêm phở gà nữa. Hiện quán mới chỉ có phở bò tái chín và đuôi bò. “Hồi đầu mới mở quán tôi nấu chưa đều tay đâu. Nhưng khoảng 7 - 8 năm trở lại đây thì nấu đều tay, đảm bảo chất lượng bát phở”, bà Dung kể. Công thức nấu phở do bố mẹ bà truyền lại.
Ngoài người bản địa, Việt kiều, khách du lịch Pháp và Mỹ cũng đến thưởng thức. “Có người Việt ở Hà Nội hay Việt kiều ở Bangkok, Udon Thani (Thái Lan), cũng đến quán”, bà Dung kể, “Mà cũng có nhiều cán bộ Lào hồi xưa từng học ở Việt Nam đến ăn. Họ rất thích hương vị phở”. Tô nhỏ giá 12.000 kip (khoảng 24.000 đồng), tô lớn giá 15.000 kip. Quán bà Dung lúc nào cũng đông khách và là một trong số ít quán phở Việt ở thủ đô Vientiane.
Không xa quán Phở Dung là một quán bánh cuốn ven đường Chao Anou của bà Ly ngay trước một rạp chiếu bóng đã đóng cửa từ lâu. Mở cửa từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa, ngày nào bà Ly cũng cùng con gái út cần mẫn bán quán. Nồi nước nhỏ để tráng bánh luôn bốc khói có thể làm ai đó xa quê hương lâu ngày cảm thấy một cái gì đó gần gũi. Vừa tráng bột vào khung vải căng trên nồi, bà Ly vừa kể: “Quê gốc tôi ở Ninh Bình nhưng sinh ra ở Lào. Tôi mở quán này cũng được 30 năm rồi”. Bột bánh, nhân bánh và cả nước chấm nữa, tất cả đều đậm hương vị gốc như ở Việt Nam. Đĩa bánh được rắc thêm hành khô và dùng với chả lụa do Việt kiều làm. Và với quán bánh cuốn ven đường đó, bà đã nuôi được 5 người con. Trong đó một người con trai đang học tại Đại học Luật Hà Nội và một người con gái đã tốt nghiệp đại học ngành sư phạm cũng ở Việt Nam và hiện đang dạy học tại Vientiane. Bà Ly nói chuyện với con gái mình bằng tiếng Việt. Hỏi ra mới biết mọi người trong nhà toàn nói với nhau bằng tiếng Việt chứ không nói tiếng Lào.
Ngay bên cạnh quán bánh cuốn của bà Ly là quán cháo mà người ta quen gọi là quán cháo chú Bảy. Chú Bảy là ông Quang Đại, người Sài Gòn. Ông cũng là một trong số khoảng 20 người Sài Gòn đang sinh sống tại Vientiane. Tự đặt tên cho quán cháo của mình với cái tên B Restaurant được ghi trên một tấm giấy nhỏ trên tường, ông Đại còn bán cả bánh canh mà người ta quen gọi là cháo sợi (hay sợi cháo). Quán cũng bán quẩy để phục vụ những ai thích món cháo quẩy. Một trong những người con trai của ông Đại năm nay 27 tuổi, từng được học bổng đi Mỹ và hiện đang làm việc cho UNICEF. “Nó biết 4 thứ tiếng lận đó”, ông Đại kể. Càng thú vị hơn khi biết ông Đại là bộ đội xuất ngũ. Vừa múc cháo xong cho cậu thanh niên du khách Nhật, ông Đại lôi ra tờ Vientiane Times có đăng bài giới thiệu quán. “Đây đây, quán của chú lên báo Nhật nữa này”, vừa nói ông Đại vừa rút trong ví ra mẩu báo bằng tiếng Nhật viết về quán của ông.
Nếu muốn thưởng thức thêm nhiều món Việt nữa, người ta có thể đến quán PVO của chị Phượng. Mở từ cách đây hơn 10 năm, quán có nhiều món ăn Việt như bánh canh cá, bì cuốn, bánh xèo, chả giò, cơm rang... Đặc biệt, nếu đến quán PVO mà chưa ăn bánh mì kẹp thịt kiểu Việt Nam thì quả là uổng phí. Ổ bánh mì được cắt và kẹp thịt theo đúng kiểu mà người Việt hay ăn. Thực khách có thể chọn gọi cả ổ hoặc chỉ nửa ổ. Bánh mì quán của chị Phượng được coi là ngon nhất Vientiane. Vừa thưởng thức đồ ăn Việt tại quán PVO, thực khách còn có thể phóng tầm mắt nhìn sông Mê Kông. Tuy nhiên, chị Phượng cho hay quán sắp phải chuyển đi nơi khác vì chủ nhà cho thuê đòi lại.
Và nếu mệt mỏi sau cả ngày thăm thú Vientiane, buổi tối, người Việt xa quê có thể ghé quán nước của chị Cúc Dung để uống nước rau má, ăn sương sâm hay uống các loại nước khác. Mở quán từ 5 giờ 30 chiều đến 12 giờ đêm, chị Cúc Dung cho biết sương sâm là do nhà chị làm, còn rau má được đem từ Vinh sang. “Cứ muốn có rau má là gọi điện thì có người Việt ở Vinh mang sang”, chị Cúc Dung nói, “Mọi người cũng sang đây luôn ấy mà”. Trước khi đến Vientiane, chị sinh sống ở Pakse, nơi mà theo chị là có rất nhiều người Việt và tiếng Việt được sử dụng rộng rãi.
Tại Vientiane, hàng quán Việt khắp nơi. Bảng hiệu bằng tiếng Việt cũng không thiếu gì. Điều làm người ta phải ngạc nhiên là những người Việt sinh ra trên đất Lào ấy lại có thể nấu đồ ăn Việt ngon và đậm đà hương vị quê nhà đến thế.
Việt Phương (từ Vientiane
|
Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012
"Hương vị quê nhà" trên đất Lào
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét