Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Chiến hạm Rạng Đông- 'bến đỗ vĩnh cửu' bên dòng Neva


Có thể nói chưa có một con tàu nào được biết nhiều đến, nhắc nhiều đến như chiến hạm Rạng Đông. Trong suốt hơn 100 năm tồn tại của mình, Chiến hạm đã ngao du trên nhiều miền của đất nước Nga cũng như toàn thế giới, và đã mang lại rất nhiều chiến công hiển hách.

Chiến hạm Rạng Đông hiện nay đang được neo lại vĩnh viễn trên sông Neva, cạnh bức tường Học viện Nakhimov ở Saint Petersburg. Giờ đây, nó còn được sử dụng như một bảo tàng và đã có hơn 28 triệu người đến từ 160 quốc gia đến tham quan.
Chiến hạm Rạng Đông được chế tạo trong 3 năm tại xưởng đóng tàu "Tân Đô đốc" ở St. Petersburg và hạ thuỷ ngày 12-5-1900. Nó dài 126,8m, rộng 16,8m và có một thuỷ thủ đoàn gồm 570 người.




Từ 1903, tầu tham gia Hạm đội Baltic của Nga. Ít ai biết một chi tiết trong lịch sử con tàu nổi tiếng này: nó từng hai lần đến Việt Nam. Lần thứ nhất là khi xảy ra chiến tranh Nga - Nhật. Con tàu mới được hạ thủy thử nghiệm năm 1903, từ biển Baltic được gửi về Viễn Đông để yểm trợ cho vị trí của Nga trong khu vực. Ngày 31-3-1905, chiến hạm thả neo ở vịnh Cam Ranh và ở đó gần một tháng để chờ các tàu chiến khác của Nga đến cùng nhau tham trận.

Chiến tranh Nga - Nhật (kéo dài từ 8-2-1904 đến 27-7-1905 giữa Nga và Nhật để giành quyền kiểm soát Manchuria và Triều Tiên) lúc đó đang vào cao điểm. Ngày 15-5 diễn ra trận chiến lịch sử Tsushima (tên một hòn đảo trên biển Nhật Bản, thuộc Nagasaki). Sau hai ngày chiến đấu ác liệt, chiến hạm đã bắn hơn 2.000 quả đạn, trong khi bản thân nó cũng bị thiệt hại: 15 người chết, trong đó có chỉ huy tàu - đại tá Egorov.

Sau trận Tsushima, Rạng Đông và một số con tàu Nga khác, để tránh truy đuổi của tàu Nhật, chỉ có thể lánh về tu sửa ở Manila (Philippines) do cạn kiệt nhiên liệu. Chiến tranh Nga - Nhật kết thúc cũng là lúc Rạng Đông được sửa chữa xong. Nó cùng những tàu Nga khác cùng tập kết ở cảng Sài Gòn, ngày 20-10-1905 nhổ neo ra Thái Bình Dương để trở về tổ quốc. Như thế, trong một năm chiến hạm Rạng Đông lừng danh hai lần cập cảng VN.


Từ 1923, Rạng Đông lại được dùng làm tàu giảng dạy cho Hạm đội Baltic và có nhiều chuyến đi thăm một loạt nước Scandinave. Ngày 30-9-1941, trước sự tấn công tàn bạo của quân đội Đức, trong khi chiến hạm một mình đỗ ở hải cảng, vì thế chiến đấu đơn độc, không đủ sức chống lại sự điên cuồng của quân Đức, được lệnh của ban chỉ huy, tàu tự đánh chìm trong hải cảng, nằm yên tĩnh dưới nước sâu.


Chiến hạm Rạng Đông lịch sử đã được đại tu vào giữa những năm 1980. Người ta thay thế phần thân dưới nước của tàu, ngăn phần trên boong làm 4 khu vực. Trong khoang máy có lắp đặt hai mẫu nồi hơi, còn phần thượng tầng trang trí theo kiểu thời điểm năm 1917. Đội ngũ nhân viên trên chiếc tàu - bảo tàng này bao gồm 6 sỹ quan, 12 chuẩn uý Hải quân và 42 thuỷ thủ. Nhân dịp kỷ niệm 300 năm Saint Petersburg vừa qua, một Công ty của Anh đã tặng huy chương danh dự cho con tàu từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử nhân loại.

Đại tá Egorov

Trước khi Chiến tranh thế giới II kết thúc, chính phủ Liên Xô đã quyết định tu bổ Rạng Đông thành một tượng đài lịch sử. Vì thế ngày 20-7-1944, nó đã được trục vớt. Sau 3 năm tu bổ, từ 17-11-1948, Rạng Đông được neo lại ở "bến đỗ vĩnh cửu" bên sông Neva như hiện nay và được dùng làm tàu đào tạo cho trường Nachimov của hải quân Liên Xô. 

Trước nhu cầu của đông đảo cựu chiến binh và những người yêu lịch sử muốn xuống thăm tàu, năm 1956 Bảo tàng Hải quân trung ương Liên Xô đã lập một chi nhánh ở tàu này. Do người đến thăm ngày càng đông, nên từ năm 1961, trường Nachimov chính thức ngừng các hoạt động đào tạo ở đây và từ đó toàn bộ con tàu trở thành một "bảo tàng sống", chỉ phục vụ cho khách tham quan.
Ng Phan (lienviet.ru)

Không có nhận xét nào: