Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Trở lại Kampot

Sáu năm rồi, tôi mới có dịp trở lại Kampot, một tỉnh thuộc vương quốc Campuchia, nằm giáp ranh tỉnh Kiên Giang của nước ta và đã thấy những thay đổi tích cực của địa phương này.

Qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, hai bên đường những cánh đồng muối trơ trọi, không một bóng cây, chỉ có những chiếc tu nằm cô đơn bên đường. Đoạn đường được mở rộng chưa kịp tráng nhựa dài chừng 15km là kết thúc, để chiếc xe êm ả tiến về thị xã Kampot trên đoạn đường mới tráng nhựa, êm ru, cũng dài chừng đó cây số. Con đường vẫn buồn vì chẳng thấy một bóng người dù có những căn nhà sàn của người Chăm ẩn khuất trong những vườn cây trĩu nước, với những cây dừa, cây thốt nốt cao vút, lưng chừng cây những bụi lan trường kiếm hay đoản kiếm bám đầy.
 

Đến trung tâm thị xã Kampot, chúng tôi ngạc nhiên, thích thú trước một quảng trường có tượng trái sầu riêng khổng lồ, viền quanh bằng những chùm chôm chôm, măng cụt, dừa… khắc họa bằng xi măng cốt sắt. Các loại trái ấy đều là đặc sản của tỉnh này, có thể nói là “vương quốc trái cây” của Campuchia. Sáu năm trước, nơi đây chỉ là một quảng trường nhỏ bé, bao quanh là những ngôi nhà tuềnh toàng. Còn bây giờ quảng trường rộng lớn với những nhà phố khang trang bao quanh.

Chợ chính Samaki của thị xã Kampot có hình vuông, mái tôn, khá thấp. Xe du lịch, xe 7-16 chỗ… chiếm hết bốn mặt đường xung quanh. Chợ đầy những gian hàng, các mặt hàng nằm lẫn lộn vào nhau. Nổi bật là những “núi” sầu riêng tỏa mùi thơm quyến rũ. Chôm chôm ở đây ngon ngọt hơn xứ mình, còn sầu riêng thì “bá cháy”. Đặc biệt là những trái mơ có hình tròn cỡ một nắm tay, màu vàng nghệ. Ruột trái mơ có ba, bốn múi dày cơm, giống như múi măng cụt nên còn gọi măng cụt rừng. Chấm múi mơ màu trắng như sữa với muối ớt, ăn có vị chua hoang dã, thật thú vị.

Con đường khá đẹp nằm cặp bờ sông Tek Chhou với bãi cát vàng thoai thoải hai bên bờ, vì nó chảy ra vịnh Prek Kampong cách không xa. Sông chia tỉnh lỵ làm hai phần, nối nhau bằng chiếc cầu Kampong Eiffel cổ kính song song chiếc cầu bê tông mới hoàn thành.

Cách thị xã Kampot khoảng 15km, Tek Chhou là một thung lũng hẹp nên nhìn ba bên bốn phía chỉ thấy núi là núi, bao trùm một màu xanh mát mắt. Tek Chhou thu hút khá nhiều du khách vào những ngày cuối tuần nhờ có dòng suối thơ mộng chảy qua. Một bên bờ suối là một dãy chòi lá cao cẳng phục vụ khách nghỉ ngơi, ăn uống, chủ yếu là sầu riêng. Có khá nhiều sạp bán sầu riêng. Với con dao nhỏ, người bán tách vỏ loại trái cây có nhiều gai nhọn một cách nhẹ nhàng, bày những múi sầu riêng tỏa mùi thơm lãng đãng, gợi thèm. Cắn miếng sầu riêng mới biết đây là loại sầu riêng cơm dày hột lép, vị béo bùi ngân nga cổ họng. Một vài sơn nữ bưng trên tay một sịa đầy những bó bánh. Những chiếc bánh gói bằng lá thốt nốt, dài khoảng 5 tấc, còn tươi xanh, giữa thân lá hơi phồng lên có màu đen do than củi cháy. Hỏi ra mới biết đó là bánh nếp nướng - là một đặc sản dành để ăn chơi. Một bó 10 bánh, bán 20.000 đồng. Bánh làm bằng bột nếp trộn dừa nạo, nướng.

Dài theo chân núi của Tek Chhou là những vườn cây ăn trái, cũng là điểm đến của những du khách ưa hòa mình với thiên nhiên. Nơi đó, theo con đường rời suối chừng vài ba cây số có một vườn thú nhỏ kiểu châu Á với khá nhiều hệ động thực vật địa phương, cũng thu hút khá nhiều du khách đến tham quan.

Đi loanh quanh Kampot, đâu cũng thấy dãy Tà Lơn lừng danh chạy dài hầu như bất tận. Đỉnh cao nhất của ngọn núi này là 1.080m. Mùa mưa, đầy sương mù, cách nhau 1m không nhìn thấy. Đường lên đỉnh đẹp như đèo Hải Vân. Theo sách hướng dẫn du lịch của Kampot, trên đỉnh cao ấy còn có bộ sưu tập các lâu đài, khách sạn, nhà thờ, hoàng cung... xây dựng vào đầu những năm 1920. Đây từng là nơi nghỉ dưỡng của các quan chức Pháp và du khách nước ngoài ở Đông Dương. Thời Shihanouk, trước 1970, trên đó có casino Borey Bokor. Thập niên 1990, người ta ví Bokor là “một nơi kỳ lạ nhất trên thế giới” và “thành phố ma” vì vẻ hoang tàn và kỳ bí của nó. Đầu năm 2008, một sòng bạc có từ thuộc địa Pháp được Sokimex - một công ty lớn của Campuchia - cải tạo thành một khu nghỉ dưỡng. Đến đây có thể tham quan, khám phá cánh rừng nguyên sinh trên núi, nhiều khách đã thấy voi cùng một số loài thú hoang dã khác xuất hiện. Đứng trên đỉnh núi này có thể nhìn bao quát thành phố Kep chập chùng biển xanh ngàn trùng bên dưới mây trời.

Tà Lơn là ngọn núi được dân miền Tây Nam bộ nhắc nhiều, từ hàng chục năm trước. Vì, theo Sơn Nam, “Các tu sĩ từ Thất Sơn hoặc bên kia biên giới (núi Tà Lơn - Kampot) thường hạ san, giảng đạo, bán thuốc núi, chiêu mộ tín đồ riêng cho cá nhân mình”, đặc biệt là ông Cử Đa. Vẫn theo Sơn Nam, “Vài nhân vật của phong trào Thủ khoa Huân đến Bảy Núi; nổi danh nhất là Nguyễn Thành Đa, gọi nôm na Cử Đa (tương truyền đậu cử nhân võ), người Vĩnh Kim (Rạch Gầm) chuyên về tu tiên, góp phần vào cuộc tập hợp ở An Định. Chuyện bất thành, ông qua biên giới, lên núi Tà Lơn (đỉnh Bốc-ko, nơi nghỉ mát tốt nhất của Campuchia, tỉnh Kampot) thám sát những hang động, yêu chuộng các loại lan - ở vùng mà ông gọi là Lan Thiên tràn ngập giống lan “vệ hài” nguyên sinh. Ông đặt tên các trạm dừng chân dành cho người hành hương lên tận đỉnh, nào Trung Tòa, Kim Quang, Trạm Nhất, Lan Thiên, Hàm Long, Bàn Ngự, Cán Dù, Châu Thiên, Suối Bánh Tráng, Láng Bánh Bò, Tứ Giao, Thanh Long qua bài vè hãy còn được người lớn tuổi nhắc đến:

Lan Thiên một cảnh chép chơi
Non cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng
Hiu hiu gió thổi ngọn tùng
Phất phơ liễu yếu lạnh lùng trúc mai…
… Cử Đa tên gọi, Ngọc Thanh hiệu là
Kể từ ở điện Trung Tòa”…
     Vãn núi Tà Lơn (*)

Tượng trái cây giữa quảng trường chính thị xã Kampot.

Không có nhận xét nào: