Nhận lời mời của Hiệp hội Du lịch TP.Cao Hùng (Đài Loan) tham gia chương trình hội nghị về kết nối du lịch các TP lớn của châu Á, tôi đến Cao Hùng vào một ngày đẹp trời.
Trôi trên sông Tình yêu
Tôi biết đến dòng sông Tình yêu chảy giữa TP.Cao Hùng lúc còn ở Việt Nam, khi tìm kiếm trên Google. Lúc tôi đến đây, một người dân bản địa cho biết tên của dòng sông được đặt theo một câu chuyện tình đầy nước mắt. Chàng và nàng yêu nhau nhưng gia đình không chấp nhận, họ hiểu lầm rồi quyên sinh để cùng quyện mình vào rong rêu, đá sỏi dưới sông.
Dọc đôi bờ sông, những tòa nhà lớn ken cứng vào nhau chỉ chừa những khoảng trống đủ để làm những công viên nho nhỏ, dành cho khách bộ hành, có nét gì đó giống với tuyến đường Bạch Đằng ở TP.Đà Nẵng.
Một chuyến du ngoạn dọc sông Tình yêu lúc hoàng hôn buông xuống là “món quà” dành tặng du khách thập phương. Nhiều người quả quyết rằng nếu như đến Cao Hùng mà không đi du thuyền dọc sông Tình yêu thì coi như chưa đến. Quả không sai khi Cao Hùng được xem là cảng biển lớn nhất Đài Loan, trên tuyến sông này đâu cũng thấy những “cánh tay” khổng lồ ngoạm những kiện hàng từ thuyền lên cầu cảng và ngược lại. Hai bên bờ sông rực sáng bởi các bóng đèn điện công suất lớn, hắt ánh sáng như dát vàng cả mặt nước đang gợn sóng li ti.
Đêm lung linh trên sông Tình yêu ở Cao Hùng - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Kiến trúc cổ của Đài Nam - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Có một Đài Nam khác biệt
Từ TP.Cao Hùng mất thêm gần 2 giờ đi xe buýt nữa thì đến TP.Đài Nam. Đây là một thành phố cổ, cũng giống như TP.Huế của chúng ta vậy. Đài Nam là thành phố lớn thứ 4 trên đảo Đài Loan và hiện có khoảng gần 2 triệu dân sinh sống. Nhìn thoáng qua, giống như Cao Hùng, Đài Nam cũng mang dáng dấp của một đô thị mới với nhiều tòa cao ốc, phố phường nhộn nhịp. Nhưng ẩn sâu trong đó là những trầm tích văn hóa thời phong kiến xưa cũ.
Do cùng chung nền văn hóa Á đông nên khi đến những địa điểm này, chúng tôi đã có cảm giác vô cùng gần gũi, thân quen. Dưới chân tháp ChihKan cũng có những con rùa đội bia bằng đá, còn trong những ngôi miếu thờ mà tôi chưa kịp hỏi tên, hương khói cũng bốc lên nghi ngút... Thậm chí, tôi còn bắt gặp một ông lão gầy nhom, ngồi bên vệ đường, bóp cái kèn tự chế phát ra âm thanh để bán kem (một hình ảnh mà hết thảy đứa con nít nào sinh ra ở miền Trung quê tôi đều quen thuộc).
Điều khác biệt với Huế là những di tích của đô thị cổ Đài Nam bị bao bọc bởi các công trình hiện đại. Chúng như phản ánh hai thái cực khác nhau trong kiến trúc của Đài Nam và dường như phần thắng đang nghiêng về kiến trúc thực dụng.
Buổi tối ở Đài Nam có rất nhiều chỗ cho du khách thăm thú, đặc biệt là các khu chợ đêm... Đó vừa là nơi để bạn ăn uống, thưởng thức ẩm thực của người bản địa vừa là nơi có thể mua tất cả mọi thứ, kể cả một hạt nút áo hoặc cái kim băng nhỏ xíu. Tất nhiên, những người bán hàng cũng nói thách không tệ.
Nguyễn Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét