Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Đến khúc sông hai màu chơi xích đu vỏ xe


SGTT.VN - Xích đu, quê mình thiếu gì! Nhưng xích đu bằng vỏ xe thì hiếm thấy. Chẳng biết ai bắt chước ai, trong vài video clip của các ca sĩ nội, ngoại cũng có hình ảnh người đẹp trên xích đu vỏ xe, tóc tung bay trong gió, lãng mạn phết. Treo xích đu bên khúc sông Mekong hai màu cho du khách làm… trẻ thơ thì lạ thật.
Sông xanh lá hợp lưu vàng phù sa
Du khách Âu Mỹ rất thích đánh đu trên vòng vỏ xe này trước khi nhảy tùm xuống tắm sông. Ảnh:
Đến Khong Chiam, dòng Mekong rời hẳn đất Thái, vào sâu trong đất Lào. Cũng nơi Khong Chiam, dòng Mekong sẽ nhận thêm nước từ con sông dài thứ nhì Thái Lan, Mae Nam Mun. Để dòng Mekong bây giờ có tên là Dòng sông hai màu: Mae Nam Song Si. Nhận nhiều phù sa trong hành trình đằng đẵng của mình, dòng Mekong bắt đầu chuyển sang màu vàng nâu phù sa khi mùa mưa đến. Trong khi đó, bắt nguồn từ cao nguyên Khorat, dòng Mun vẫn xanh thuỷ chung màu lá gần như quanh năm. Nên khi mùa mưa nhiệt đới về, dòng Mekong vàng sóng sánh phù sa đến Khong Chiam gặp dòng Mun xanh, trở thành Dòng sông hai màu, chỉ trong một đoạn ngắn, trước khi con sông chuyển sang màu vàng, sang đất Cam Bốt, xuôi về nam, về miền Cửu Long đất Việt.
Đơn giản vậy thôi, nhưng người Thái đã đưa địa danh Khong Chiam (còn được viết Khong Jiam) vào bản đồ du lịch. Một trong những điểm nhấn của vùng Tam Giác Ngọc (Emerald Triangle), ngã ba biên giới Thái – Lào – Cam, mà họ đang nồng nhiệt giới thiệu đến khách du. Nằm trong những khu vườn xanh, dưới bóng cổ thụ rợp lá. Cả những nhà nghỉ, khách sạn đều dân dã vậy. Có chăng là chiếc bờ kè ôm triền sông chạy ven phố, để du khách yên tâm ngắm nhìn ngã ba sông, nơi hai dòng sông khác màu hợp lưu. Có thêm chăng là những chuyến đò lạch tạch ra giữa dòng, nơi du khách có thể tận mắt nhìn gần, tận tay “sờ” Dòng sông hai màu… hoặc xa thêm một tí là sang bờ bên kia, thăm thú cuộc sống người dân Lào hoặc mua thêm chút quà đặc sản.
Đánh đu tắm sông
Một hõm cát nhỏ bên bờ MeKong được du khách ưa thích ra đây tắm nắng, tắm sông. Ảnh:
Mưa tháng 3 cũng có chút bất tiện – Mekong vẫn còn xanh. Do vậy, khó thấy rõ Dòng sông hai màu, dù hai con sông có màu xanh rất khác. Mekong xanh biêng biếc, Mun xanh màu lá. Nên ở nơi hợp lưu hầu như khó thấy hai màu tách bạch như những tấm hình được chụp vào mùa mưa lũ. Bù lại, những ngày này Khong Chiam đất trời trong trẻo thênh thang nắng gió, triền sông Mekong thoai thoải trải rộng. Ở đó sẽ thấy những chiếc xích đu vỏ xe dưới những cội cây già bên triền sông.
Chẳng biết ai là người nghĩ đến việc đặt những chiếc xích đu vỏ xe ở đây, vì ngay trên bờ kè gần đó là khu công viên đầy đủ những dụng cụ tập thể dục, những trò chơi cho con trẻ, kể cả những chiếc xích đu khang trang. Vậy mà các du khách nước ngoài, nhất là những cô gái Âu Mỹ rất thích thú, giành nhau đòng đưa lên thật cao, thật xa, rồi nhiều khi nhảy tùm xuống sông xanh. Đã nhiều lần thấy đông đúc du khách bì bõm bơi lội, nghịch nước, tắm nắng,… trên một hỏm cát dài chừng mười lăm mét ở khúc sông Mekong miền Siphandon nên tôi chẳng ngạc nhiên gì khi thấy các bạn reo hò ở đây. Niềm vui con trẻ, với chiếc xích đu vỏ xe đơn sơ, bên dòng Mekong xanh,… được các bạn ghi lại qua những tấm hình họ thích thú sẻ chia làm tôi cũng vui lây.
Nhờ tôi chụp hình chung với bạn gái bằng chiếc iPhone hiện đại, chàng trai Stephan người Úc chia sẻ “Chúng tôi rất thích. Thật đơn giản, khác xa những gì của thế giới hiện đại bên chúng tôi, nhưng đó là những gì chúng tôi cần”. Tôi cũng gật đầu đồng ý. Chỉ tiêng tiếc vì quê nhà cũng biết bao điều giản dị, đơn sơ thu hút du khách đang tìm lại cuộc sống thiên nhiên… vẫn chưa được nhiều người làm du lịch quan tâm.
BÀI VÀ ẢNH: HOÀNG BẢO
Thông thường, khách đi Ubon Ratchathani từ Bangkok, bằng HKGR hoặc xe buýt (từ bến Bắc Bangkok), khoảng 400 baht (# 270.000đ), mất 7 – 8 giờ. Tàu lửa thì đa dạng hơn, từ khoảng 250 baht (ghế ngồi cứng) đến hơn 1.000 baht (nằm mềm). Đến Ubon, có xe buýt đi thẳng đến Khong Chiam. Nếu không kịp chuyến, có thể đi buýt/minivan đến Phibun Mangsahan, rồi đi buýt/song-thẻo (giống xe lam ở mình) đến Khong Chiam. Cũng có thể đi Ubon từ Pakse (Lào), vé 200 baht và đi mất 2 giờ 30. Giá cả ở Khong Chiam tương đối dễ chịu. Nghỉ ngơi từ 250 baht/phòng, ăn uống chỉ quanh quanh 30 baht/phần. Thuê xe máy 300 baht/ngày.

Không có nhận xét nào: