Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Marseille cổ kính và sống động

(TNTS) Truyền thuyết kể rằng Marseille là kết quả tuyệt vời của mối tình lãng mạn giữa một thủy thủ Hy Lạp tài hoa và công chúa bản địa người Ligure xinh đẹp. Marseille ra đời như chuyện cổ tích, trước cả nước Pháp, trước rất lâu khi mà Lutèce (tức Paris) được khai sinh.
Suốt mấy nghìn năm phát triển, Marseille luôn mở rộng vòng tay tiếp nhận cư dân tứ chiếng. Ban đầu thành phố có tên là Massalia, sau đó là Massilia rồi đổi tên như ngày nay. Buổi sơ khai, Marseille chỉ có thổ dân Ligure và người Hy Lạp xa xứ. Dần dà có thêm Latin, Do Thái, Ý, Armenia, Corse, Tây Ban Nha… Thế kỷ XIX, người Tunisia, Algeria, Ma Rốc, Việt Nam, Campuchia, Lào… đổ đến Marseille - vùng “đất lành chim đậu”. Marseille trở thành “hợp chủng quốc” đầu tiên của thế giới nên cuộc sống luôn sôi động, nhộn nhịp, đa sắc, đa chiều cả ngày lẫn đêm. Cạnh những lâu đài cổ kính sang trọng là các dãy phố cũ kỹ rêu phong, những con hẻm nhỏ lát đá ngoằn ngoèo giữa hai dãy nhà hẹp chen chúc. Hoành tráng và giản dị - giàu và nghèo đan xen. Tất cả đều có sức sống riêng như tính cách của dân Marseille, phóng khoáng mà bộc trực, nóng nảy mà vị tha, hào hiệp mà cố chấp. Là tâm điểm giao thương của khu vực, Marseille phải đối mặt liên miên với nhiều thử thách, từ chiến tranh đến nạn đói và hạn hán nghiêm trọng. Có thời, Marseille từng được mệnh danh là thành phố của những cuộc nổi loạn.

Ảnh: Shutterstock
Do thời cuộc bể dâu, nhiều công trình kiến trúc cổ đại của Marseille đã biến mất. Những “viên ngọc quý” sót lại là chứng tích của lịch sử hào hùng. Tiêu biểu là nhà thờ Notre Dame de la Garde - một trong những biểu tượng của Marseille. Nhà thờ được xây dựng năm 1218 trên quả đồi cao 162m - điểm cao nhất thành phố và phải mất 36 năm mới hoàn thành. Trên đỉnh tháp chuông nhà thờ có tượng Đức Mẹ bồng chúa Jesus, cao 9,7m; trọng lượng 4,5 tấn; được dát bởi 29.400 miếng vàng lá nguyên chất. Thánh đường nổi tiếng linh thiêng và có thể nhìn thấy từ xa ở bất cứ vị trí nào trong thành phố. Bên trong nhà thờ có nhiều hình ảnh và hiện vật minh họa về những câu chuyện cụ thể được Đức Mẹ cứu giúp, nhất là với người đi biển. Thánh đường đón hàng triệu tín đồ hành hương mỗi năm, được gọi một cách tôn kính là Bonne Mère – Đức Mẹ Tốt Lành. Từ sân nhà thờ có thể thỏa sức nhìn toàn cảnh 360o của Marseille - đặc biệt lúc hoàng hôn, thánh đường lấp lánh ánh vàng cực kỳ ấn tượng.  Còn Vieille - Major là nhà thờ cổ nhất nước Pháp, được xây dựng từ năm 381, trải qua nhiều lần tu sửa vẫn khiêm tốn và trĩu nặng gánh thời gian; hoàn toàn trái ngược với nhà thờ Nouvelle - Major xây dựng vào giữa thế kỷ XIX. Công trình được kiến tạo bởi nhiều vật liệu khác nhau như đá lục Florence, đá trắng Calissane và kính màu… Gian giữa cao 20m, dài 142m, có mái vòm đường kính 17,7m; nằm nhô ra trên biển nên mỗi chu kỳ ánh sáng lại có màu sắc riêng. Đây là một trong những nhà thờ lớn nhất nước Pháp.


Marseille trở thành “hợp chủng quốc” đầu tiên của thế giới nên cuộc sống luôn sôi động, nhộn nhịp, đa sắc, đa chiều cả ngày lẫn đêm

Trước thế kỉ XIX, Marseille gần như vắng bóng các kiến trúc tầm cỡ. Để thúc đẩy việc xây dựng các công trình lớn, vua Napoléon III đã bỏ tiền xây dựng Palais du Pharo – dinh thự nguy nga trên một mỏm đá lớn nhô ra biển. Từ đó một loạt các kiến trúc đẹp lần lượt ra đời. Palais Longchamps - bản tráng ca tôn vinh nước -vốn khan hiếm ở Marseille. Năm 1838, Hội đồng thành phố cho đào con kênh dài 85 km, dẫn nước từ sông Durance về cung cấp cho Marseille. Năm 1862, Palais Longchamps - tháp nước hoành tráng - Đài kỷ niệm hình bán nguyệt với những hàng cột hùng vĩ, thể hiện dòng Durance màu mỡ bao quanh bởi hình tượng biểu trưng cho lúa mì, nho; chở trên xe tải và được kéo bởi bò đực vùng Camargue. Ngay lối vào là tượng sư tử và cọp oai phong, kiêu hãnh. Còn Palais de la Bourse là Phòng Thương mại và công nghiệp cổ nhất thế giới, được thành lập từ năm 1599. Đây là tòa nhà đầu tiên có cấu trúc sườn bằng kim loại. Ngoài các hoạt động kinh tế, tòa nhà còn là Viện bảo tàng hàng hải, thiên văn, nông nghiệp, thương mại và công nghiệp của thành phố… Marseille nằm sâu trong vịnh, bao bọc bởi những ngọn núi đá vôi. Bãi biển dài 57 km, trong đó các Calanques (vũng đá, ghềnh đá) dài 24 km. Thành phố đặt “một chân” xuống biển, “một chân” xuống đất, lưng dựa vào những ngọn đồi. Nhờ cấu tạo địa chất, biển có màu xanh tùy độ nông sâu nhưng đều trong veo như ngọc bích. Do địa hình hiểm trở nên khách thường du ngoạn bằng thuyền và ghé vào các bãi tắm hoang sơ. Năm 1929, Calanques de Marseille là nơi khai sinh trường phái naturisme – tự nhiên, khi tắm biển người ta không bao giờ bị ướt quần áo - người Việt gọi là... tắm tiên!
Marseille cũng là tên quốc ca nước Pháp, được sáng tác bởi Claude Joseph Rouget de Lisle - một đại úy công binh thuộc tiểu đoàn “Những đứa con của Tổ quốc”  đồng thời là thi sĩ biết chơi đàn violon, là nhạc sĩ có nhiều bài hát ca ngợi tự do được phổ biến. Ngày 25.4,1792, thị trưởng Strasbourg là Frederic de Dietrich tổ chức buổi dạ hội yêu nước. Ông bà Dietrich và các tướng lĩnh binh đoàn sông Rhin đề nghị Lisle sáng tác ca khúc để cổ vũ tinh thần chiến sĩ. Ngay đêm đó, trên chiếc đàn violon quen thuộc, Lisle đã nhả những nốt nhạc đầu tiên của bài Chiến ca cho quân đoàn sông Rhin. Hôm sau, Lisle tìm gặp thị trưởng và trao tận tay ông tác phẩm tâm huyết. Dietrich đã chơi bản nhạc trên chiếc đàn Clavecin với cảm xúc trào dâng mãnh liệt. Ông triệu tập các tướng lĩnh và bạn bè để cùng thưởng thức bài Chiến ca hừng hực khí thế xung trận. Sau đó, bài hát ngày càng phổ biến, có mặt cùng các chiến binh trên mọi mặt trận, từ đồi núi hoang vu, làng quê hẻo lánh đến phố phường tấp nập. Ngày 10.8.1792 các nghĩa quân tiến vào Paris trong nhịp điệu hào hùng của bài hát. Từ ấy, bài hát trở thành quốc ca của nước Pháp.
Marseille có số lượng dân nhập cư đông gấp mấy lần dân bản địa. Nhiều người bảo Marseille có ngôn ngữ riêng, bởi họ nói tiếng Pháp rất khó nghe. Có lẽ cũng giống như dân miền núi ở Nghệ An hoặc Quảng Nam nói tiếng Việt vậy. Thành phố cũng điên đầu với nhiều tệ nạn xã hội như trộm cắp, hiếp dâm, bắt cóc, tống tiền… với các băng đảng cát cứ, nhiều lúc cảnh sát cũng bất lực. Có những khu phố, các ma cô lộng hành như chỗ không người. Dân chúng nơm nớp lo sợ khi “sống chung với cướp”. Nhưng có một người Việt là khắc tinh của bọn chúng - Georges Nguyễn Văn Lộc - còn gọi là Cò Lộc. Bộ Nội vụ Pháp xem ông là “biểu tượng của ngành”, còn thị trưởng Marseille tôn ông là “cảnh sát vĩ đại”. Bố quê ở Nam Định, mẹ ở Hà Nội, Cò Lộc sinh năm 1933 trong một xóm nghèo bất an ở Marseille. Thay vì bị lôi kéo theo các băng đảng, Nguyễn Văn Lộc chọn lối đi riêng, trở thành thủ lĩnh săn bắt cướp được cả nước Pháp kính nể. Với nhiều chiến công táo bạo, mưu trí và dũng cảm, ông đã xử lý thành công nhiều vụ giải thoát con tin, truy bắt tội phạm. Nguyễn Văn Lộc từng được Tổng thống Pháp tặng thưởng Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh và Huân chương Công Trạng - những phần thưởng cao quý nhất của nước Pháp. Tự truyện 6 cuốn và bộ phim truyền hình nhiều tập Cảnh sát Văn Lộc do hãng France Films Production sản xuất, từng tạo cơn sốt với khán giả Pháp. Ông đột ngột ra đi vì bệnh tim vào cuối năm 2008, khi tròn 75 tuổi.
Có lẽ Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên tiếp nhận di dân người Việt và Marseille là nơi có người Việt sớm nhất. Cộng đồng người Việt ở đây hiện có gần 10.000 người thuộc nhiều thế hệ. Năm 1987, trên một vùng đất yên tĩnh, xa trung tâm, cảnh trí thơ mộng, Hòa thượng Thích Thiện Châu và các Phật tử đã cho xây dựng chùa Trúc Lâm. Khuôn viên chùa rộng 3.600m2, có chuông đồng, tượng Phật, tượng Mẫu Sơn, Quan Thế Âm… và hồ sen gần gũi. Những cây ô liu trên 700 năm, thách thức năm tháng, gợi nhớ hình ảnh những cội sứ già rắn rỏi ở quê nhà. Chùa hiện do Đại đức Thích Nhuận Từ chủ trì, có lớp dạy tiếng Việt, dạy Vovinam và tổ chức nhiều hoạt động xã hội trong cộng đồng cũng như hướng về quê mẹ.
Nguyễn Văn Mỹ



Phố cảng Marseille

Không rực rỡ như Paris nhưng Marseille lại cuốn hút du khách bằng nét mặn mòi biển cả của riêng mình.
Marseille, thành phố và cảng lớn nhất của Pháp trên bờ Địa Trung Hải gần cửa sông Rhône, trung tâm hành chính của tỉnh Bouches – du Rhône.
Église des Réformés, còn được gọi là Saint Vincent-du-Paul. Đây là tòa nhà cao nhất trong trung tâm thành phố. Phía bên trong, nhà thờ mang đậm kiến trúc Gothic.
Đối diện với Nhà thờ là tượng đài của Jeanne.
Tòa nhà thị chính Marseille nằm ngay ở mặt đường lớn với kiến trúc đậm chất Pháp.
Vieux-Port, cảng cổ có lẽ là nơi đẹp nhất ở Marseille, nơi hầu hết du khách đều muốn thong dong tản bộ. Khu vực này ít nguy hiểm hơn phần còn lại của thành phố.
Cathédrale de la Major là thờ nhà chính ở cảng. Các giám mục của Marseille được chôn cất trong một hầm mộ của nhà thờ.
St-Charles là tòa nhà khá ấn tượng với kiến trúc của những năm 1880.
Bên trong St-Charles cũng kiên cố và hấp dẫn như bên ngoài.
Nhà thờ nổi tiếng ở Marseille với tháp chuông cao 60m và tượng đài “Đức mẹ đồng trinh và con nằm ngay trên đỉnh.
Bên trong nhà thờ là khung cảnh được trang hoàng rực rỡ.
Khu vực ngoại ô Marseille cũng hiện đại và tấp nập không kém trung tâm thành phố.
Quần đảo Frioul là tập hợp gồm 4 hòn đảo xinh đẹp nằm chỉ cách bãi biển Marseille 4km.
Theo 24h

Marseille, thành phố cổ bên bờ Địa Trung Hải

(VOV) - Đi thăm những thành phố duyên hải đẹp hàng đầu thế giới bên bờ Địa Trung Hải, khách du lịch không nên bỏ qua Marseille – thành phố lịch sử, văn hoá…
Ngay cả khi chưa đến Pháp, nhiều người Việt Nam chắc hẳn đều đã từng nghe nói tới cái tên Marseille - thành phố mà cách đây 100 năm, vào tháng 7/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lần đầu tiên đã đặt chân đến Pháp trên con đường đi tìm đường cứu nước.
Người yêu bóng đá Pháp không thể không biết đến thành phố Marseille, nơi có đội bóng giàu thành tích và được yêu thích bậc nhất nước Pháp, với 1 lần vô địch cúp C1 và nhiều lần vô địch giải bóng đá hạng nhất Ligue 1 của Pháp, với lượng cổ động viên trung thành luôn lấp đầy sân vận động Vélodrome có sức chứa 60.000 chỗ.
Còn đối với những phụ nữ thích mỹ phẩm, ít người không biết đến loại xà phòng Marseille nổi tiếng, sản xuất 100% bằng dầu olive và dầu cọ, được làm một cách thủ công bằng một kỹ thuật được cha truyền con nối từ thế kỹ 17 đến nay.
Thành phố Marseille
Cũng được nghe nhiều, nên chúng tôi quyết định có dịp phải đến tận nơi thăm Marseille cho kỳ được. Đi bằng tàu cao tốc TGV, từ Paris tới Marseille chỉ mất khoảng 3 tiếng, trong khi nếu đi bằng ô tô phải mất tới 10 tiếng. Cuối hè đầu thu, khi mà nhiệt độ ở Paris đã mát mẻ và có lúc phải mặc áo khoác mỏng, thì tại thành phố Marseille bên bờ Địa Trung Hải vẫn rực rỡ ánh nắng.
Ra khỏi nhà gare Marseille Saint - Charles, nổi bật nhất trên nền của thành phố cũ kỹ là ngọn đồi cao và nhà thờ Notre Dame de la Garde sừng sững bên trên. Chị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Marseille giúp chúng tôi tới thăm nhà thờ này.
Nhà thờ Notre Dame de la Garde
Ở chân nhà thờ, hiện vẫn còn 1 chiếc xe tăng có tên là “Jeanne d’Arc”. Trong các cuộc giao tranh tháng 8/1944 tại nhà thờ Notre Dame de la Garde, chiếc xe tăng này đã bị trúng lựu đạn và 3 người ở bên trong đã hy sinh. Sự hy sinh của họ đã đóng góp vào cuộc giải phóng thành phố Marseille.
Chính quyền thành phố Marseille đã cho khôi phục lại chiếc xe tăng này và đúng 2 năm sau sự kiện, ngày 25/8/1946, chiếc xe tăng tái tạo đã được khánh thành để tưởng nhớ tới một thời chiến tranh khốc liệt chống phát xít Đức ở Marseille. Đi thêm lên trên, khách du lịch vẫn còn thấy dấu tích của vết đạn pháo trên bức tường cánh trái của nhà thờ. Phía dưới những vết tích ấy, người ta đặt 4 tấm biển bằng 4 thứ tiếng, nhắc nhở thế hệ sau về vết tích của trận chiến trước ngày giải phóng thành phố Marseille.
Chiếc xe tăng lịch sử
Nhà thờ Notre Dame de la Garde là 1 trong những biểu tượng của thành phố Marseille. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1218 và được hoàn thiện vào năm 1864. Từ nhiều thế kỷ qua, nhà thờ này là nơi hành hương của người theo đạo ở cả khu vực. Bức tượng nằm trên đỉnh là tượng Đức Mẹ bồng chúa Jesus, vốn được người đi biển coi là bức tượng linh thiêng che chở cho họ trong những ngày lênh đênh trên biển. Xung quanh bức tượng này cao 9,7 m này, có nhiều câu chuyện.
Chị Kim Oanh kể: “Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, khi phát xít Đức chiếm đóng Marseille, chúng đã hạ bức tượng xuống và chuyển về Đức. Sau khi Marseille được giải phóng, Chính quyền Marseille đã tổ chức một tuần lễ vàng. Người ủng hộ nhẫn, người ủng hộ dây chuyền... để đúc lại bức tường. Hiện tại, bức tượng là bằng đồng bọc vàng chứ không phải toàn bộ bằng vàng như trước, nặng mấy chục tấn”.
Hải cảng cổ Vieux Port
 Từ trên ngọn đồi cao 147,85 m, có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Marseille, một thành phố cổ với 2.600 năm lịch sử. Điểm nhấn của thành phố là Hải cảng cổ Vieux Port, nơi có hàng ngàn con thuyền đang neo đậu. Đây là hải cảng lâu đời nhất của Marseille và cũng là trung tâm lịch sử - văn hóa của thành phố, kể từ khi được thành lập trong quá khứ.
Hải cảng cổ đã từng là trung tâm kinh tế của Marseille cho tới giữa thế kỷ 19, hướng tới vùng biển Địa Trung Hải và sau này là các thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên, về sau này các hoạt động của cảng được chuyển dịch tới nhiều địa điểm khác và Hải cảng cổ giờ đây chủ yếu là nơi thư giãn cho người dân và là biểu tượng du lịch của thành phố Marseille.
Người dân câu cá ở cảng cổ
Đến Marseille, khách du lịch cũng có thể đến thăm một số công trình kiến trúc – lịch sử nổi tiếng khác. Đáng chú ý là Lâu đài nước Palais Longchamps, hình bán nguyệt với những hàng cột tráng lệ, bên trong là đài phun nước đồ sộ. Lâu đài được xây dựng để tôn vinh nguồn nước, một điều dễ hiểu bởi Marseille trước thế kỷ XIX luôn là nơi thiếu nước trầm trọng.
Là người Việt Nam, có điều kiện, chúng ta cũng nên một lần ghé thăm hội quán của Hội người Việt Nam tại thành phố Marseille. Đó là 2 căn phòng nhỏ, nhưng ấm cúng, nằm ở số 34 phố Joliette, quận 2 thành phố Marseille. Nơi đây từ vài chục năm qua, là nơi sum họp của bà con kiều bào tại thành phố Marseille, để kiều bào giúp đỡ nhau trong cuộc sống ở Pháp và hướng về quê hương đất nước./.
Thùy Vân - Quang Hưng (từ Paris)

Không có nhận xét nào: