Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Bắc Kinh - thành phố của di tích

Là thủ đô của Trung Quốc, thành Bắc Kinh nằm ở phía tây bắc của đồng bằng rộng lớn Hoa Bắc. Phía tây và phía bắc có núi non bao bọc. Phía nam là vùng đất bằng phẳng nhìn ra Bột Hải. Sau lưng là núi, trước mặt là biển, địa thế nơi này thật lý tưởng.

Vào thời hồng hoang, khoảng 600.000 - 700.000 năm trước đây, tổ tiên người Trung Hoa - "Người Bắc Kinh" - đã sống ở vùng đất này. Họ sáng tạo ra nền văn hoá viễn cổ, biến nơi đây thành một trong những nơi sản sinh ra nền văn minh của dân tộc Trung Hoa. Theo tài liệu lịch sử, thành Bắc Kinh có từ thời Tây Chu (khoảng thế kỷ XI TCN), tên gọi ban đầu là Kế. Đến thời Xuân Thu, Chiến Quốc đổi thành Yên Đô. Thời Hán gọi là U Châu. Đời Liêu đổi thành Bồi Đô (Kinh đô phụ) và gọi là Yên Kinh. Đời Kim xây dựng kinh đô ở đây, gọi là Trung Đô. Đến đời Nguyên gọi là Đại Đô. Đời Minh, đời Thanh gọi là Bắc Kinh. Từ ngày 1/10/1949 đến nay, Bắc Kinh là thủ đô của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Hơn 3.000 năm lịch sử phát triển đô thị cùng gần 1.000 năm làm kinh đô vương triều đã để lại cho Bắc Kinh ngày nay vô vàn danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Bắc Kinh đã trở thành một thành phố nổi tiếng thế giới về văn hoá và lịch sử.

Thành cổ Bắc Kinh phân thành 4 lớp: cung thành, hoàng thành, thành nội và thành ngoại. Đường phố chia ngang cắt dọc như bàn cờ. Trục nam - bắc dài 8 km. Phía bắc khởi từ Gác Tống (Cổ Lâu) đến phía nam tại cửa Vĩnh Định (Vĩnh Định môn). Trục đông - tây dài 4 km. Hai trục giao nhau tại Thiên An Môn.

Thiên An Môn (cửa Thiên An) là cửa chính của hoàng thành cũ. Cửa thành có 5 vọng lâu, gác cao có 9 cột, là nơi phát chiếu lệnh của vua chúa nhà Minh và Thanh. Ngày 1/10/1949, tại gác lầu Thiên An Môn, Chủ tịch Mao Trạch Đông long trọng tuyên bố với toàn thế giới "Nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã thành lập". Từ đó, Thiên An Môn trở thành biểu tượng của nước Trung Hoa mới. Quảng trường trước Thiên An Môn là quảng trường lớn nhất thế giới, diện tích 400.000 m2, là nơi nhân dân Trung Quốc tổ chức các ngày hội lớn, duyệt binh, mit tinh, diễu hành. Giữa quảng trường trước Thiên An Môn là đài tưởng niệm các anh hùng dân tộc và nhà lưu niệm Chủ tịch Mao Trạch Đông. Mặt phía tây là Đại lễ đường nhân dân Trung Hoa. Mặt phía đông là bảo tàng cách mạng và bảo tàng lịch sử.

Qua khỏi cầu Kim Thuỷ hai bên chạm trổ bằng đá cẩm thạch, ở đầu quảng trường Thiên An Môn là bước ngay vào cổng Thiên Anh, đi vào cố cung.

Di Hoà viên ở ngoại ô phía tây thành phố Bắc Kinh là môt kiệt tác về nghệ thuật xây hoa viên của Trung Quốc. Nơi đây vốn là hoa viên đời nhà Thanh, nơi vua đến nghỉ ngơi, du ngoạn và bị liên quân Anh - Pháp phá huỷ. Từ Hy Thái hậu đã chuyển 100.000 lạng bạc từ ngân sách chi phí hải quân sang xây lại hoa viên này vào năm 1888. Di Hoà viên có diện tích 340.000 m2, gồm hai phần chính là núi Vạn Thọ và hồ Côn Minh. Núi Vạn Thọ cao hơn mặt biển 109 m, tên cũ là núi Ung. Vua Càn Long nhân ngày chúc thọ mẹ 60 tuổi, đã đổi tên núi Ung thành núi Vạn Thọ. Đứng trên núi sẽ thấy toàn cảnh Di Hoà viên. Dưới chân núi, từ cổng "Vân Huy Ngọc Vũ" (Vòm trời trong xanh, mây rực rỡ) đi vào, phải qua tầng tầng lớp lớp để đến Phật Hương Các và Trí Tuệ Hải. Phật Hương Các có 8 mặt, 3 tầng và 4 lớp mái, cao 41 m, là công tình kiến trúc chính trong Di Hoà viên, được xây theo kiểu "Hoàng Hạc lâu".

Hồ Côn Minh ở phía nam công viên Di Hoà. Hòn Nam Hồ, còn gọi là Hòn Bồng Lai nổi lên giữa mặt hồ sóng vỗ lăn tăn. Kiến trúc cao nhất trên hòn đảo nhỏ này là một ngôi nhà có tên là Hàm Hư Đường. Ngôi nhà này hướng về điện Bài Vân trên núi An Thọ. Chiếc cầu 17 lỗ nổi tiếng đã nối liền hòn đảo nhỏ này với bờ đất liền ở phía đông. Bên chân núi Vạn Thọ và bên bờ hồ Côn Minh là một hành lang dài 728 m có mái che. Trên cột xà của hành lang có hơn 8.000 bức họa màu tinh vi rực rỡ, trước đây thường được gọi là "hành lang tranh".


Ở phía tây bắc thành Bắc Kinh là khu Thập Tam Lăng đời Minh. Đây là lăng mộ của 13 Hoàng đế đời Minh. Núi non và sông nước bao quanh khu lăng, chiếm diện tích 40 km2. Trong khu lăng có một đường chính, gọi là Đường Thần (Thần lộ) chạy đến các lăng. Nổi tiếng nhất là Trường Lăng (Minh Thành Tổ Chu Đệ) đồ sộ xây trên mặt đất và cung Định Lăng (Minh Thành Tông Chu Dực Quân) nằm dưới mặt đất. Núi rừng xanh mát bao bọc khu lăng. Bên cạnh đó còn có đập nước Thập Tam Lăng.

Ngoại ô phía tây bắc Bắc Kinh có dãy núi Hương Sơn. Đỉnh núi cao 577 m so với mặt biển. Bóng râm che mát lối đi, đỉnh núi cao nhấp nhô, suối trong vắt, cảnh vật yên ắng, thanh bình. Hương Sơn có 28 cảnh đẹp nổi tiếng. Tuyết mùa đông vừa ngưng rơi, đọng thành những viên ngọc lấp lánh, được mệnh danh là nét đẹp của "núi chiều tuyết lạnh". Đến mùa thu, lá cây chuyển màu đỏ nhuộm khắp núi đồi, rực rỡ như ánh lửa, màu gấm. Đến mùa xuân, bách hoa đua sắc, trăm tía nghìn hồng. Đến mùa hè, khí hậu mát mẻ, thanh nhã và yên tĩnh, xứng đáng là đất thánh của những chuyến nghỉ hè. Mặt phía bắc Hương Sơn có chùa Bích Vân. Ngôi mộ chôn áo mũ (không có xác) của Tôn Trung Sơn đặt trong ngôi chùa này. Mặt tây bắc có chùa Phật nằm, thờ vị Phật nằm bằng đồng, thân dài hơn 5 m. Trước điện thờ trồng hai cây sala, tương truyền đem về từ Ấn Độ. "Tám nơi thiêng của Tây Sơn" là Trường An tự, Linh Quang tự, Tam Sơn am, Đại Bi tự, Long Vương đường, Vương Giới tự, Bảo Châu động, Chính Quả tự nằm rải rác giữa ba quả núi Thuý Vi, Bình Pha và Lô Sư, ngày xưa được gọi là "Bát sát" (tám Ksetra bằng tám ngôi chùa Phật).

Trong thành phố Bắc Kinh cũng có nhiều nơi du ngoạn như Thiên Đàn (nơi vua chúa nhà Minh và Thanh đến tế trời cầu mưa, trúng mùa cày cấy), công viên Bắc Hải (vườn Thượng Uyển của nhà vua), Quốc Tử Giám (học phủ cao nhất thời xưa của Trung Quốc) cùng nhiều thành, cửa thành, cổng chùa, cổng tháp, cổng cung điện. Ngoại thành Bắc Kinh có "Lư Câu Hiểu Nguyệt" (Trăng sớm trên dòng kênh Lư), núi Bát Đạt chắn cửa Trường Thành xưa. Thành cổ đâu đâu cũng có di tích, danh lam thắng cảnh.


Không có nhận xét nào: