Nơi đây có hàng nghìn chiếc chum đá nặng từ 600kg đến 1 tấn nằm rải rác trên cánh đồng dọc theo biên giới phía Bắc của dãy Trường Sơn, với những bí mật chưa từng được hé mở về nguồn gốc của những chiếc chum.
Cánh đồng chum từ lâu đã trở thành một điểm đến nổi tiếng của Lào trên Cao nguyên Xiêng Khoảng. Nơi đây có hàng nghìn chiếc chum đá nặng từ 600kg đến 1 tấn nằm rải rác trên cánh đồng dọc theo biên giới phía Bắc của dãy Trường Sơn, với những bí mật chưa từng được hé mở về nguồn gốc của những chiếc chum. Mặc dù vậy nhưng Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng vẫn được ghi nhận là một trong những di sản văn hóa hấp dẫn du khách nhất đất nước Triệu Voi.
Theo ước tính, hiện nay Cánh đồng Chum có khoảng 2000 chiếc chum lớn bé khác nhau, nằm rải rác ở 52 điểm quanh tỉnh Xiêng Khoảng, nhưng Bản Ang được chú ý hơn cả bởi số lượng Chum hiện hữu nhiều nhất là 334 chiếc.
Chiếc chum lớn nhất được tìm thấy có đường kính 2,5m, nặng tới hàng chục tấn. Những chiếc còn lại với đủ hình dạng, kích cỡ khác nhau, không chiếc nào giống với chiếc nào. Cái thắt núm, cái miệng thẳng, cái vuông vức… Đa phần những chiếc chum ở đây không có nắp và nằm lẫn lộn vào nhau, không theo một quy luật sắp xếp nào.
Ông Bua Sồ Minh Đăng - GĐ Sở Văn hóa thông tin tỉnh Xiêng Khoảng - CHDCND Lào cho biết: “Sở dĩ Cánh đồng chum thu hút du khách trong nước cũng như nước ngoài tới tham quan là bởi đây có những chiếc chum rất cổ, có từ 2500 - 3000 năm. Về lịch sử của nó là họ làm nó ở đâu, đưa đến đây bằng cách nào và mục đích sử dụng như thế nào thì cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm ra được, thậm chí là người dân ở đây cũng không có hoạt động văn hóa nào thể hiện sự liên kết tiếp nối với những chiếc chum này. Có thể những tộc người sản sinh ra những chiếc chum này đã bị tuyệt chủng”.
Xung quanh nguồn gốc của những chiếc chum có nhiều giả thiết lôi cuốn. Truyền thuyết Lào kể rằng, Khún Chương - một thủ lĩnh bộ tộc xưa sau những cuộc chinh phạt thắng lợi làm ra những chiếc chum để đựng rượu khao quân. Người dân nơi đây lại tin rằng, những chiếc chum là những chiếc cốc uống rượu của các vị thần thánh. Năm 1989, nhà nghiên cứu người Pháp tên là Colani đã tiến hành khai quật, khảo cổ trên khu vực Cánh đồng chum và tìm thấy rất nhiều di vật như quần áo, rìu, nỏ, đồ trang sức cổ… cách đây khoảng 400 - 600 năm nằm gần những chiếc chum. Từ đó, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết, có thể những chiếc chum này là để đựng hài cốt của người Puôn - một trong những bộ tộc Lào cổ.
Một du khách đến từ Úc nói: “Thật là thú vị khi được chiêm ngưỡng những chiếc chum ở đây. Trông chúng thật cổ kính và huyền bí. Tôi rất tò mò về nguồn gốc của những chiếc chum này. Tuy chỉ là những giả thuyết đặt ra nhưng qua đây tôi thấy văn hóa và tài nghệ chế tác chum của người Lào quả là tuyệt vời”.
Hiện nay, cánh đồng chum vẫn là một bí ẩn đầy sức cuốn hút đối với các nhà khảo cổ học bởi vẫn chưa có một câu trả lời chính xác cho nguồn gốc của những chiếc chum. Ai đã làm ra chúng, tại sao chúng lại có mặt ở đây và có mặt tự khi nào? Hàng ngàn câu hỏi có thể đặt ra song câu trả lời vẫn chỉ là những giả thuyết. Tuy nhiên, mỗi năm, Cánh đồng chum vẫn thu hút khoảng 1 triệu lượt khách du lịch. Có lẽ chính vẻ đẹp khác lạ và những câu chuyện về nguồn gốc của những chiếc chum chưa có hồi kết lại càng khiến Cánh đồng chum thêm phần hấp dẫn đối với du khách.
Tác giả : TS
Cánh đồng chum ma quái ở Lào
(Zing) - Trên cánh đồng dọc theo rìa phía bắc của dãy núi Trường Sơn là nơi tập trung hàng nghìn chiếc chum đá kì lạ trong mọi tư thế khác nhau.
Cánh đồng chum ở Xieng khuang(Lào) có niên đại từ 1.500-2.000 năm trước. |
Hàng nghìn chiếc chum bằng đá kì lạ cao đến một vài mét, nặng từ 600 kg đến một tấn nằm đơn lẻ hay quy tụ thành từng nhóm ngổn ngang trên nền đất khô cằn rộng khoảng 25 hecta, thuộc cao nguyên Xieng khuang, ở cuối phía bắc của dãy núi Trường Sơn. Đây là một khu di tích lịch sử nổi tiếng tại Lào.
Tất cả những chiếc chum nơi đây đều được làm từ đá, chủ yếu là đá granite. Một số chum được làm từ đá sa thạch có chứa thạch anh fenspat và mica, bên trên mỗi chiếc chum được chạm khắc theo hình dáng con người, con vật và một số biểu tượng tinh xảo khác. Người ta tìm thấy các tảng đá bằng gần những chiếc chum, có lẽ là nắp đậy chum, nhưng vì lí do nào đó mà chúng bị loại bỏ hay dùng vào những mục đích khác. Hiện tại chỉ có một chiếc chum duy nhất có nắp. Và thật sự, người ta không biết về nền văn minh được chạm khắc trên mỗi chiếc chum đá đến từ thời kì nào.
Một chiếc chum có nắp đậy duy nhẩt với những hoa văn bên trên. |
Những câu chuyện huyền thoại của người Lào xoay quanh những chiếc chum đá cũng thật thú vị, truyền thuyết kể rằng từng có những người khổng lồ định cư ở khu vực này. Theo một truyền thuyết khác kể lại rằng trước đây có vị vua tên là Khun Cheung đã ra lệnh cho người chúng làm những chiếc chum đá lớn để ủ rượu gạo ăn mừng chiến thắng sau khi đánh bại kẻ thù.
Để vận chuyển và khắc đẽo thành những chiếc chum to lớn như vậy phải trải qua một giai đoạn khá lâu, có thể tính đến hàng thế kỷ. Hơn nữa, có bằng chứng cho rằng phần đông trong số những chiếc chum được làm vào những giai đoạn khác nhau, cách nhau thậm chí nhiều thế kỉ. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học nghiêng về giả thuyết cho rằng, cánh đồng chum là một nghĩa trang khổng lồ, mỗi một chiếc chum là một chiếc quách dùng để an táng xác người.
Cả truyền thuyết và giả thuyết khoa học vẫn chưa đưa ra được những câu lời thỏa đáng về nguồn gốc của những chiếc chum đá. |
Nhà khảo cổ học người Pháp tên là Madeleine Colani đến từ viện khảo cổ Viễn Đông Bắc đã bắt đầu nguyên cứu về cánh đồng chum từ năm 1930. Bà đã ghi chép lại quá trình thực hiện nghiên cứu trên toàn vùng đồng chum và cho xuất bản 2 tập sách “Mégalithes du Haut-Laos” (Cự thạch cổ của Thượng Lào) vào năm 1935 về những phát hiện đầu tiên của mình.
Những hiện vật xung quanh những chiếc chum bằng đá mà bà Colani tìm thấy là những mảnh gốm, sắt, hạt thủy tinh, vòng đeo tay, than, những bộ xương người, bên trong những chiếc chum này có chứa những mảnh xương vỡ và răng bị cháy. Bà cho rằng đây là dấu hiệu của hỏa táng trong khi những bộ xương xung quanh thì chôn cất bình thường.
Bà đã đưa ra giả thuyết có thể khu vực này từng là nghĩa trang chôn cất và người ta sử dụng những chiếc chum đá để đựng hài cốt hay chứa thực phẩm. Đây là có thể là nơi dừng chân trên tuyến đường thương mại cổ và đặc biệt với ngành thương mại muối.
Các tục lệ mai táng khác nhau, hỏa táng đặt bên trong lọ và chôn cất kèm theo vật dụng ở xung quanh lọ như ghi nhận của bà Colani có thể không dễ dàng được giải thích, đặc biệt là hài cốt hỏa táng đã được xác định chủ yếu là thuộc về thanh thiếu niên.
Chiến tranh và chính trị đã ngăn chặn việc khai quật thêm khu vực xung quanh chum, mãi cho đến năm 1994, một nhà khảo cổ học người Nhật tên là Eiji Nitta đã tiếp tục khai quật vùng đất quanh một số chum đá lớn, Nitta đào sâu xuống thêm khoảng 30cm nữa thì phát hiện một hố có chứa xương người, và tiếp tục phát hiện 6 hố tiếp theo cũng chứa xương người. Trong khi đó chỉ có một hố duy nhất với chiếc chum chứa xương và răng đã bị cháy, còn những chiếc chum khác thì không có dấu hiệu của hỏa táng. Ông phát hiện ra bộ xương đặt xung quanh một chiếc chum đá và giả thuyết rằng có thể những chiếc chum ở đây giống như một thứ vật dụng để đựng đồ đạc tưởng niệm chôn theo cho người chết.
Trước cửa một hang động, nơi mà người ta tìm thấy rất nhiều bộ xương và tro cốt. |
Đã trải qua một thời gian khá lâu, các nhà khoa học nỗ lực đi tìm nguồn gốc của những chiếc chum đá, nhưng cho đến bây giờ cánh đồng chum vẫn nằm đó với một bí ẩn lịch sử không được lí giải thấu đáo. Nơi đây được cho là một trong những địa điểm khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới, do còn soát lại vô số những quả bom chưa nổ từ thời chiến tranh mà không quân Mỹ đã rải dày đặc xuống khu vực này trong năm 1970. Du khách đến đây chỉ được tham quan ở những khu vực an toàn theo chỉ dẫn của biển báo đã được rà sót bom mìn.
Vì sự an toàn cho du khách nên hiện nay chỉ có 3 khu vực: Bản Ang, Lắt Sén và Bản Sua là mở cửa cho khách tham quan cánh đồng chum. |
Mặc dù không nổi tiếng như Stonehenge ở Anh Quốc, nhưng những bí ẩn xung quanh vùng đồng chum chắc chắn làm hài lòng các du khách tò mò. Tất cả chúng gần như màu đen, với kích thước và trọng lượng khá lớn. Các chiếc chum bí ẩn là một lời nhắc nhở nghiêm túc rằng chúng ta là con người, không phải là thần thánh để có tất cả các câu trả lời.
Toàn cảnh cảnh đồng chum bí ẩn:
Toàn cảnh cánh đồng chum. |
Khách tham quan hang động chứa những bộ xương. |
TUỆ TÂM
Bí mật cánh đồng Chum và cuộc chiến VN
Một lượng du khách hiếm hoi khi đến nơi xa xôi hẻo lánh này của Lào sẽ bắt gặp những cánh đồng chum cổ xưa, làm từ đá. Ai đẽo ra những cái chum đá này, và họ đẽo để làm gì?
Bụi tung mù mịt phía sau khi tôi chạy chiếc xe gắn máy nhảy chồm chồm trên con đường đầy ổ gà ở ngoại vi Phonsavan, một thị trấn cỡ trung nằm cách thủ đô Vientiane của Lào 400km về phía đông bắc.
Núi non trùng điệp khiến con đường quanh co gấp khúc liên tục cho đến khi những ngọn núi nhấp nhô nhường chỗ cho vùng đồng bằng trải rộng.
Khi tôi vượt qua một người địa phương đang lùa đàn bò, ông chỉ ngón tay thô ráp về hướng mà tôi đi để xác nhận tôi đang chạy đúng hướng.
Tôi giảm ga, lái tấp vô lề.
Rõ ràng tôi đang đến gần Cánh đồng Chum, di tích bằng đá ấn tượng nhất của Lào. Thế nhưng cả khu vực gần như vắng bóng du khách.
Chưa có lời giải
So sánh với những nước láng giềng ở Đông Nam Á như Thái Lan và Việt Nam, ta cảm giác như Lào bị thế giới lãng quên.
Mặc dù có những báu vật như thành phố cổ Luang Prabang ở miền bắc, nơi được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhiều du khách thường chỉ đến điểm ăn chơi ồn ào Vang Vieng, một điểm dừng chân vui chơi được nhiều du khách ba lô xuôi dòng Nam Song ưa thích.
Tuy nhiên tôi không tìm nơi vui chơi: mục đích của tôi là tìm đến một bí ẩn đã 2.500 tuổi mà chưa từng có lời giải đáp thỏa đáng.
Hầu như không được các du khách biết đến, Cánh đồng Chum là nơi có hàng ngàn chiếc chum đá có từ thời kỳ đồ sắt nằm rải trên một diện tích hàng trăm cây số vuông trong vùng núi non bao quanh Phonsavan – một con đường vòng xa xôi so với những lộ trình bình thường.
Nằm rải rác ở những vị trí dường như hoàn toàn ngẫu nhiên, một số chum có kích thước rất lớn – cao đến 3 mét, rộng đến 1 mét và nặng hơn vài tấn.
Xương người và các nắp đậy bằng đá cũng được tìm thấy trong khu vực.
Đến nay, người ta vẫn chưa biết thực sự thì những cái chum đá này dùng để làm gì và ai đã tạo ra chúng.
Nơi chôn người?
Căn cứ vào kích thước của chúng và xương người được tìm thấy gần đó, một số nhà khảo cổ cho rằng chúng là nơi chôn cất thời tiền sử của một nền văn minh cổ đại nằm trải dài suốt một tuyến giao thương đã bị quên lãng từ lâu nối giữa lưu vực sông Mekong với vịnh Bắc Bộ của Việt Nam.
Một số người khác thì tin rằng những chiếc chum được dùng như dụng cụ đặt xác người chết vào chờ tự phân hủy hết trong giai đoạn đầu của nghi thức tang lễ, trước khi được đưa đi hỏa táng hoặc được đưa đi làm phần nghi thức tang lễ tiếp theo.
Sau khi thi thể phân hủy hoàn toàn, tro cốt sẽ được đưa vào chum; một thi thể khác sẽ được đặt vào và vòng nghi lễ cho những người quá cố khác sẽ lại được lặp lại.
Giải thiết này càng được củng cố với tập quán chôn cất truyền thống của các hoàng tộc ở Đông Nam Á.
Chẳng hạn như với các nhân vật hoàng gia Thái, thi thể người quá cố được hỏa táng nhiều tháng sau khi họ qua đời.
Thi thể của họ được chuyển từ chum này sang chum khác cho đến nghi thức hỏa táng sau cùng với niềm tin linh hồn người chết sẽ đi qua một giai đoạn chuyển hóa dần dần, rời bỏ dương gian và đi vào thế giới tâm linh.
Thêm vào đó, mép của mỗi chiếc chum được cho là để giữ những chiếc nắp đậy lại cho đến khi thi thể phân hủy. Điều này càng chứng minh thêm cho giả thiết này.
Tuy nhiên, người dân địa phương thì có cách lý giải thú vị hơn.
Một số người cho rằng những chiếc chum đá này được tạo ra để chưng cất rượu mạnh từ gạo, và chúng được những kẻ khổng lồ trong truyền thuyết dùng để ăn mừng chiến thắng trước kẻ thù.
Những người khác thì cho rằng những chiếc chum này là để chứa rượu whisky của một người khổng lồ khát nước sống gần vùng núi non của Phonsava.
Tuy nhiên, sự thật là không ai biết được bí mật đằng sau những chiếc chum cổ này.
Phần lớn khu vực Cánh đồng Chum rộng lớn vẫn hạn chế không cho công chúng tiếp cận.
Trong tổng số 60 địa điểm thì du khách chỉ có thể đến thăm bảy.
Địa điểm số một, với hơn 300 chiếc chum và một hang động đá vôi tự nhiên, là nơi giúp chúng ta biết được nhiều nhất về bí ẩn xung quanh những chiếc chum này.
Bí ẩn hang đá vôi
Hồi đầu thập niên 1930, nhà địa chất học và nhà khảo cổ học nghiệp dư người Pháp có tên là Madeline Colani đưa ra giả thiết rằng hang động này được dùng làm nơi hỏa táng và tro cốt sau đó sẽ được để trong những chiếc chum tiểu để chôn cất.
Theo giả thiết của bà, đây là nơi thực hiện các nghi thức chôn cất cổ đại và nó đưa ra cách giải thích về nơi những thi thể người chết được đưa đi sau khi phân hủy.
Những bằng chứng được tìm thấy trong hang, bao gồm những mảnh xương, răng người đã củng cố thêm cho giả thiết này.
Tuy nhiên người dân địa phương không tin vào giải thiết này.
Họ cho rằng hang động đá vôi được sử dụng như một lò nung lớn, và những chiếc chum được đúc từ những vật liệu tự nhiên như da thú, đất sét, đường và cát và sau đó được nung lên.
Bước trên cánh đồng, tôi để ý thấy hàng chục những dấu hiệu đánh dấu màu đỏ và màu trắng được đặt cẩn thận trên mặt đất – những dấu hiệu của một bí mật còn bức bối hơn.
Dày đặc bom mìn từ Cuộc chiến Việt Nam
Phonsavan nằm trên hành lang bay của các chiến đấu cơ Mỹ trong thời Chiến tranh Việt Nam và trở thành nơi cắt xả không chính thức của 270 triệu quả bom chùm, khiến nơi này trở thành điểm bị ném bom nặng nề nhất thế giới nếu tính bình quân đầu người.
Khoảng 80 triệu quả bom trong số này không nổ sau khi rơi xuống mặt đất, khiến cho khu vực trở nên nguy hiểm và nhiều vùng đất xung quanh Cánh đồng Chum không thể sử dụng được.
Du khách đến đây chỉ được đi vào những chỗ đã được dọn sạch bom mìn và được đánh dấu.
Tổ chức Tư vấn Bom mìn (MAG), một tổ chức phi chính phủ, cho biết có hơn 50.000 người dân Lào đã thiệt mạng hoặc bị thương vì những trái bom chưa nổ tính từ năm 1964 tới nay.
Mặc dù đã có nỗ lực từ năm 1994 để dọn bom mìn nhưng cũng phải mất gần một thế kỷ nữa để đưa vùng đất này trở thành nơi an toàn, nếu tốc độ rà phá bom mìn được duy trì như hiện nay.
Trung tâm hướng dẫn du khách của MAG đặt trên con đường chính của Phonsavan đem đến cho chúng ta cái nhìn chi tiết và đau lòng về những vấn đề do lịch sử để lại.
Nhìn xung quanh, ta có thể thấy thiệt hại do bom mìn hiển hiện ở khắp nơi; mặt đất lỗ chỗ và nhiều chiếc chum đá bị nứt, vỡ hay bị phá hủy hoàn toàn.
Đặt tay lên mép một chiếc chum nằm cách nơi có thể còn một trái bom chùm chưa nổ chỉ vài mét, tôi nhìn vào bên trong chiếc chum to lớn.
Bất cứ lời giải thích nào về bí ẩn thời xa xưa cũng đã trôi qua từ lâu, chỉ còn lại mạng nhện và nước đọng.
Thời gian và chiến tranh có lẽ đã khiến chúng ta không còn cơ hội hiểu được ai đã tạo nên những kỳ quan này và tại sao.
Chẳng có du khách nào khác xung quanh, đó là một bí ẩn mà tôi tự suy ngẫm cho riêng mình.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Travel.
Theo Infornet
Trên cao nguyên Xiêng Khoảng
SGTT.VN - Rong ruổi trên đất bạn Lào là một hành trình trải nghiệm vô vàn những điều kỳ thú mà cứ mỗi lần đi, tôi lại thêm một lần ngộ ra rằng đất nước hiền hoà này còn nhiều những bí ẩn chưa được giải mã hết. Và hành trình đến vùng cao Xiêng Khoảng, câu chuyện về những chiếc chum đá khổng lồ chính là một bí ẩn khiến cho chuyến lên thượng Lào lần này của tôi càng thêm hào hứng và thú vị.
Những phần còn sót lại của thành cổ Mường Khuôn. Ảnh: Nguyễn Đình
|
Nếu đã từng theo những chuyến xe khách trên đất Lào, nhất là những hành trình ở vùng thượng Lào, nơi địa hình toàn đồi núi cheo leo hiểm trở, đường đèo quanh co, chắc hẳn trải nghiệm ấy sẽ là một kỷ niệm thật khó quên. Xe khách mà tôi chọn cho chuyến đi lần này từ Luang Phrabang về Xiêng Khoảng nêm chật khách, vòng hết con đèo này đến con đèo khác một cách chậm rãi, bình thản, nhưng cơ thể mãi bồn chồn bởi những lắc lư đèo dốc. Mất gần mười tiếng, tôi đặt chân xuống ngã ba Xiêng Khoảng cùng những bạn đồng hành người Lào mắt lờ đờ, mặt xanh lét vì say xe.
Thị tứ Xiêng Khoảng vùng thượng Lào hơn 30 năm trước từng là một trận địa khốc liệt. Sự tàn phá ấy còn để lại nguyên dấu vết từ những đầu đạn, vỏ bom tấn nằm rải rác đầy thị tứ, được người dân tận dụng làm vật trang trí cho sân nhà, trồng hoa kiểng, làm cổng chào… Xiêng Khoảng có thành cổ Mường Khuôn, nhưng những gì còn lại mà tôi thấy được chỉ là những bức tường loang lổ, những trụ gạch trơ trọi màu rêu phong cùng tượng Phật được bảo tồn khá nguyên vẹn, nổi bật giữa vùng cao nguyên thanh vắng. Cơn gió se lạnh lùa qua bức tường thành dễ tạo một cảm giác mênh mang, một thoáng buồn trước những đổ nát của thành cổ.
Xiêng Khoảng còn sở hữu một kho tàng chum đá đồ sộ, độc đáo, nằm trên một cánh đồng kỳ lạ với con số thống kê đến hơn 700 chiếc chum khổng lồ nằm rải trong diện tích 1.000km2 được chia làm ba khu vực tách biệt. Tôi theo chân người dẫn đường tìm đến cánh đồng chum để khám phá những câu chuyện về chum đá mà cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn.
Theo dòng lịch sử, cánh đồng chum được thế giới biết đến từ 1909, do quan thuế người Pháp là Vinet công bố. Với giả thuyết rằng những chiếc chum khổng lồ được bộ tộc Puôn – một trong ba bộ tộc lớn của Lào – làm nên từ thời kỳ đồ đá với truyền thuyết thủ lĩnh bộ tộc Puôn là Thạo Chương sai quân đục đá tạo thành các chum ủ rượu khổng lồ khao quân ngày chiến thắng. Nhưng phải đến 1930, những nghiên cứu cụ thể về cánh đồng chum mới được bà Madeleine Colani (1866 – 1943), thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp thực hiện và công bố: “Tuổi của các chum trên cánh đồng chum vào khoảng 2.500 đến 3.000 năm, đây không phải là chum ủ rượu vì không có dấu vết nào chứng minh điều đó”. Và bà Colani khẳng định thêm: “Chum là vật đựng di vật của người Puôn sau khi chết, theo phong tục an táng của bộ tộc này”.
Theo khảo sát, các chum đá ở cánh đồng chum có kích cỡ lớn, đường kính trung bình 0,5 – 0,8m với nhiều hình vuông tròn khác nhau, có độ cao từ 2 – 3m, và hầu hết được làm từ đá sa thạch, một loại đá bản thân nó rất thấm nước. vì vậy, giả thuyết đây là các chum ủ rượu không khả thi bằng mộ chum của người Puôn.
Từ khi được phát hiện vào năm 1909, cánh đồng chum bị rơi vào quên lãng mãi đến 1989 mới mở cửa cho du khách tham quan. Và những bí ẩn của cánh đồng chum vẫn luôn là một nét thú vị để lữ khách phương xa tha hồ bay bổng trong trí tưởng tượng của mình về những chiếc chum đá độc đáo của vùng cao Xiêng Khoảng.
BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Cao nguyên Xiêng Khoảng nằm ở phía Đông Bắc Lào, cách thủ đô Viêng Chăn 435km. Khách du lịch khi lên vùng thượng Lào thường chọn điểm đến là Luang Phrabang trước, sau đó từ bến xe khách Luang Phrabang hàng ngày vào mỗi sáng sớm đều có chuyến đi Xiêng Khoảng. Nên đi những chuyến xe buýt 16 chỗ, vì xe nhỏ, di chuyển nhanh, và đỡ mất nhiều thời gian đón khách dọc đường.
Có ba khu vực cánh đồng chum ở bản Ang, bản Lắt Xén và bản Xiêng Lếch. chum ở bản Lắt Xén và Xiêng Lếch tuy ít hơn nhưng có chiều cao và còn khá nguyên vẹn, cảnh quan quanh vùng cũng đẹp hơn nhiều so với cánh đồng chum ở bản Ang.
Ăn – ở – giao tiếp không phải là vấn đề đáng bận tâm bởi Xiêng Khoảng có phong vị ẩm thực khá phong phú với những hàng quán đa phần chủ là người Việt, hệ thống khách sạn – nhà nghỉ giá rẻ nằm dọc ngã ba trung tâm Xiêng Khoảng lúc nào cũng trống chỗ bởi vùng cao này còn khá hoang sơ và xa lạ với lữ khách so với cố đô Luang Phrabang.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét