Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Karachi - miền đất dữ

Ngoài việc phải hứng chịu những cơn sóng kinh hoàng, những trận động đất như cơm bữa, Karachi còn được biết đến với những tên cướp biển hung dữ, có tài xuất quỷ nhập thần, khiến nơi đây trở thành địa chỉ cướp biển số 1 tại Nam Á.


Karachi giữ nhiều kỷ lục không chỉ ở Pakistan mà trên cả thế giới. Khoảng 2/3 dân số Karachi làm nghề đánh cá, sống nhờ biển cả. Nhưng cứ trung bình một tuần, biển Ảrập lại "xuất khẩu" một cơn bão nhằm vào Karachi. Karachi trở thành túi bão, với những cơn bão mạnh có cột sóng cao tới 18 m. Có những cơn bão khổng lồ xảy ra vào các năm 1956, 1972 gần như san phẳng Karachi. Các làng biển biến mất chỉ sau một vài giờ, không để lại dấu vết. Người ta cứ ngỡ có phép màu thần kỳ. Có những thứ cơn bão mang đi xa tới hơn 360 km, tới giáp biên giới Afghanistan.

Trữ lượng bão với trữ lượng cá ở biển Ảrập ngang nhau, vì thế dù bão nhưng người dân Karachi vẫn không bỏ nghề đi biển. Càng thiệt hại về nhân mạng, người dân ở đây càng sinh nở nhiều. Điều này trở thành quy luật tâm lý chung ở những làng biển để đền bù vào sự khắc nghiệt của thiên tai.

Mỗi năm Karachi "đón" 50-60 cơn bão, khiến chính quyền Islamabad phải chuyển sân bay khỏi khu vực này từ năm 1960. Sóng thần còn kinh hoàng hơn cả bão biển. Một cơn sóng thần cao tới 30 m sẽ di chuyển đi tiếp hơn 100 km và nuốt gọn những gì ở xung quanh nó trong bán kính 10 km. Nếu người Nhật, người Indonesia, người Italy... sống chung với núi lửa như thế nào thì người dân Karachi cũng phải chịu đựng sóng thần như vậy. Sóng thần ở Karachi táp vào ven bờ giống như con cá sấu có cái hàm khổng lồ, ngoạm mọi thứ trên bờ. Ngọn sóng thần ngày 1/9/1996 đủ sức kéo tòa nhà cao 6 tầng ven biển Karachi xuống biển sâu, trong đó có 43 người khách. Người Karachi gọi sóng thần là "thú biển", có thể đớp mồi bất kỳ lúc nào.


Mọi tai họa không ngớt giáng xuống đầu người dân Karachi. Mảnh đất này tiếp giáp với Iran nên thường xuyên hứng chịu các trận động đất. Dải động đất kéo dài từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Iran đến nam Pakistan (Karachi) nằm trên vùng địa chất gẫy của chí tuyến Bắc. Các quận Orangi, Baldia, Azambastri, Korangi... của Karachi thường bị động đất thăm hỏi vào các buổi chiều. Còn tại các quận Landhi, Shah Caisnl... lại bị động đất vào đầu buổi sáng. Thống kê này khiến các nhà địa chất không lý giải được vì sao lại như vậy. Họ chỉ biết hạn chế thiệt hại do động đất gây ra bằng cách làm nhà thấp bằng các vật liệu nhẹ. Những người dân thôn Mangrove (quận Saddar) còn sáng kiến làm nhà trên những con lăn. Khi động đất, ngôi nhà có thể chòng chành, di chuyển những rất ít khi bị đổ nếu dư chấn không quá mạnh. Trẻ em cũng được các bậc cha mẹ hướng dẫn cách báo hiệu khi có động đất. Khi đi ngủ, lũ trẻ phải buộc một cái chuông nhỏ ở cổ tay. Chỉ cần có dư chấn nhẹ, chuông sẽ phát ra tiếng kêu đánh thức chúng dậy chạy ra khỏi nhà.

Một nhà văn Nhật Bản đã ví những công dân Karachi như những người bị săn đuổi. Thiên nhiên ở đây đã không công bằng khi bắt Karachi hứng chịu quá nhiều tai họa. Nhưng Karachi vẫn tồn tại. Sự sống của Karachi như một minh chứng cho khả năng chống chọi của con người trước thế giới tự nhiên. Thiên nhiên có thể khắc nghiệt, nhưng con người không dễ bị thuyết phục. Không chỉ thế, Karachi còn sinh ra những nhà chính trị lỗi lạc cho Pakistan, trong đó có M.Ali Jinnah (1876-1948), người lãnh đạo quốc gia giành độc lập năm 1947; Zulfikar Ali Bhutto làm tổng thống Pakistan 1971-1973; bà Benazir Bhutto, nữ thủ tướng Pakistan đầu tiên vào năm 1988.


Không có nhận xét nào: